Đối với các doanh nghiệp thời trang

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thái độ của người tiêu dùng đối với hàng nhái hàng giả (Trang 93 - 95)

3. Mục tiêu nghiên cứu

5.2.2. Đối với các doanh nghiệp thời trang

Nghiên cứu này tập trung vào đối tượng đã từng biết đến và mua hàng giả thời trang, dù cho hiện tại họ có còn đang sử dụng hay không. Vì vậy, dựa vào kết quả nghiên cứu, chúng tôi có những kiến nghị cho các doanh nghiệp thời trang trong nước như sau:

Có chiến lược phát triển sản phẩm thời trang theo hướng chất lượng cao và đa dạng đổi mới liên tục

Như đã đề cập ở phần trên, mặc dầu người tiêu dùng đã nhận thức được tác hại của hàng giả và có dự định tiêu cực đối với hàng giả thời trang, nhưng thực tế người ta vẫn mua hàng giả. Điều này có thể là do hàng giả lan tràn quá nhiều làm người ta cảm thấy chấp nhận được. Nắm bắt được điều đó, các doanh nghiệp thời trang chân chính có thể đa dạng hóa, đổi mới liên tục sản phẩm để hàng giả không thể bắt kịp và một khi hàng giả được đưa vào thị trường thì nó có thể bị lỗi mốt và ít chỗ đứng trên thị trường.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng khá ưa thích sự mới lạ và khác biệt hơn là nhãn hiệu gắn trên sản phẩm. Ngoài ra, việc ưa thích tìm kiếm sự mới lạ cũng ảnh hưởng tích cực lên thái độ của người tiêu dùng đối với bản thân hàng

giả. Nắm bắt được các yếu tố này các công ty sản xuất hàng thời trang có thương hiệu trung bình phục vụ đại đa số người dân nên có các chính sách đổi mới sản phẩm và nâng cao chất lượng. Cụ thể, việc thiết kế mẫu mã cần được đầu tư hơn nữa, chất liệu hàng cũng cần được giữ ở mức tốt để cạnh tranh với hàng giả thời trang thương hiệu cao cấp vốn có mẫu mã đẹp nhưng chất lương không được đảm bảo. Các nhà sản xuất hàng thời trang thương hiệu cao cấp cũng nên nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để khó bắt chước, khẳng định đẳng cấp sản phẩm của mình là vượt trội hơn hẳn hàng giả và đáp ứng nhu cầu tìm kiếm sự mới lạ của người tiêu dùng.

Phát triển sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường khác nhau

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, người tiêu dùng có ý thức giá trị cao, mong muốn trả giá cho sản phẩm mình mua dựa trên chất lượng mà họ cảm nhận được. Chính vì vậy, nhà sản xuất cũng cần đưa ra mức giá cũng như chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường mà mình nhắm đến. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với hàng giả tuy giá rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo. Các doanh nghiệp sản xuất thời trang chân chính với thương hiệu trung bình có thể đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông về sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả hợp lý của mình để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm của họ hơn là mua hàng giả thời trang.

Có thể thực hiện việc nhượng quyền hoặc cấp phép thương hiệu để tăng khả năng hiện diện của hàng thời trang thật

Các doanh nghiệp kinh doanh hàng thật có thể tiến hành nhượng quyền hoặc cấp phép thương hiệu để tăng khả năng hiện diện của hàng thật, làm người tiêu dùng biết đến, có cơ hội tiếp xúc và có khả năng phân biệt thật giả nhiều hơn. Đồng thời Gentry và cộng sự (2006) (trích dẫn từ Phau and Teah, 2009) kiến nghị rằng nên cung cấp thêm thông tin giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng giả và hàng thật thông qua việc cung cấp danh sách và địa chỉ các nhà bán lẻ được ủy quyền để tạo được sự tin cậy cho người tiêu dùng.

Đăng ký và thực thi sở hữu trí tuệ

Một vấn đề đáng quan tâm khi hoạt động trong lĩnh vực sản phẩm công nghiệp nói chung và mặt hàng thời trang nói riêng tập trung vào vấn đề sở hữu trí tuệ. Ngày nay, với sự hỗ trợ của khoa học - kỹ thuật, công nghệ làm hàng giả, hàng nhái càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn. Điều này dễ gây tác động xấu lên các doanh nghiệp sản xuất chân chính. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình để được pháp luật bảo vệ tốt hơn, đồng thời nâng cao khả năng nhận biết về dấu hiệu, chất lượng của sản phẩm thật để người tiêu dùng có thể phân biệt được.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thái độ của người tiêu dùng đối với hàng nhái hàng giả (Trang 93 - 95)