Tóm tắt kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thái độ của người tiêu dùng đối với hàng nhái hàng giả (Trang 85 - 88)

3. Mục tiêu nghiên cứu

4.6. Tóm tắt kết quả nghiên cứu

Sau khi tiến hành phân tích dữ liệu, từ số liệu thống kê mô tả cũng như kết quả nghiên cứu cho thấy được:

Hầu hết đáp viên đánh giá cao tính trung thực và sự tôn trọng người khác. Ngoài ra, qua bảng thống kê mô tả, nhiều đáp viên lại khá ưa thích sự mới lạ và khác biệt, là thứ có thể đạt được mà không nhất thiết phải là qua những thứ đắt tiền như các sản phẩm có thương hiệu cao cấp. Số liệu thống kê về ý thức giá trị của đáp viên đạt mức điểm khá cao, điều này phản ánh đúng với tâm lý của đại đa số người tiêu dùng khi luôn mong muốn nhận được giá trị tốt nhất mà sản phẩm mang lại với giá cả phải chăng thậm chí là giá càng thấp càng tốt.

Số liệu thống kê về mức độ nhạy cảm đạo đức đối với hàng giả của đáp viên cho thấy người Việt Nam phần nào nhận thức được rõ rằng hàng giả cũng như việc làm hàng giả là sai trái, gây hại cho xã hội. Tuy nhiên, ta có thể thấy được rằng đối với các đáp viên, nguy cơ về hàng giả là còn tương đối xa vời và chưa chắc chắn. Điều này có thể được lý giải là do người Việt Nam có thể ít quan tâm đến các vấn đề về đạo đức

nếu vấn đề đó không quá nghiêm trọng hay là “chuyện của người khác” và họ có khả năng bỏ qua nếu việc đó đem lại lợi ích cho mình.

Một điều đáng chú ý trong số liệu thống kê mô tả, thái độ của những người được hỏi đối với vấn đề hàng giả vẫn chưa được rõ ràng mặc dù đánh giá của người tiêu dùng đối với hàng giả nhìn chung là khá tiêu cực. Ngoài ra dự định hành vi của họ cũng chưa thực sự rõ ràng khi các đánh giá còn phân tán mặc dù phần lớn tập trung quanh mức “bình thường”. Điều này chứng tỏ hàng giả thời trang chưa thực sự là mối quan tâm của người tiêu dùng mặc dù họ đã từng mua và dùng nó hoặc đây có thể là khía cạnh nhạy cảm mà đáp viên khó có câu trả lời chính xác hơn.

Một kết quả khác đáng chú ý trong thống kê mô tả về dữ liệu Missing cho thấy rằng, một số người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức được hậu quả của việc làm hàng giả và mua hàng giả gây ra cho xã hội như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm tổn thương ngành công thiệp thời trang cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất chân chính. Đây là một vấn đề đáng lưu tâm khi muốn cải thiện tình hình hàng giả hiện nay.

Kết quả của phân tích hồi quy bội cho thấy, thái độ đối với hàng giả thời trang chịu ảnh hưởng cùng chiều bởi biến “Tìm kiếm sự mới lạ” và “Ý thức giá trị”. Điều này phù hợp với giả thuyết ban đầu của nghiên cứu và những nghiên cứu có trước. Tuy nhiên ảnh hưởng này ở mức độ khá thấp sẽ khó giải thích thỏa đáng việc mua hàng giả là để thỏa mãn nhu cầu đổi mới và khác biệt cũng như sự quan tâm đến giá thấp của người tiêu dùng. Trong khi đó biến “Tính liêm chính” và “Nhạy cảm đạo đức” có ảnh hưởng ngược chiều lên thái độ đối với hàng giả. Nói cách khác, người tiêu dùng càng xem trọng tính liêm chính thì họ sẽ có thái độ tiêu cực đối với hàng giả thời trang mặc dầu ảnh hưởng không nhiều. Thêm vào đó, người tiêu dùng càng nhận thức được tác hại của hàng giả xem xét dưới góc độ đạo đức thì họ càng có thái độ tiêu cực hơn đối với hàng giả thời trang.

Ngoài ra cũng từ kết quả phân tích hồi quy bội cho thấy, thái độ đối với hậu quả xã hội gây ra bởi hàng giả thời trang chỉ chịu ảnh hưởng ngược chiều với biến

“Nhạy cảm đạo đức”. Điều này phù hợp với giả thuyết ban đầu của nghiên cứu. Yếu tố nhạy cảm đạo đức ảnh hưởng tương đối mạnh và ngược chiều đến các đánh giá của các đáp viên đối với những hậu quả xã hội gây ra bởi hàng giả thời trang. Nói cách khác, người tiêu dùng càng quan tâm mức độ gây hại của hàng giả thì càng quan tâm đến những hậu quả xã hội mà hàng giả gây ra.

Khi tiến hành nghiên cứu và qua kiểm định phương sai cho thấy dự định hành vi đối với hàng giả thời trang của người tiêu dùng không chịu ảnh hưởng của các đặc điểm nhân khẩu học.

Trong khi đó, từ kết quả phân tích hồi quy đa biến, ba biến độc lập “Tính liêm chính”, “Nhạy cảm đạo đức” và “Thái độ đối với hàng giả” có tác động đến dự định hành vi. Tuy nhiên chỉ có hai biến “Nhạy cảm đạo đức” và “Thái độ đối với hàng giả” là những nhân tố đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc dự đoán dự định hành vi của người tiêu dùng.

Trong nghiên cứu này, nhạy cảm đạo đức là một yếu tố có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến thái độ và dự định hành vi của người tiêu dùng đối với hàng giả thời trang. Vì vậy, tác giả quyết định phân tích, làm rõ hơn về nhân tố này. Thông qua phân tích phương sai, chúng tôi phát hiện ra rằng người có trình độ học vấn thấp hơn (Tốt nghiệp THPT/ tương đương) ít quan tâm vấn đề đạo đức đối với hàng giả hơn những người có trình độ học vấn cao hơn (Đại học và sau Đại học). Đây là một phát hiện thú vị trong quá trình nghiên cứu tạo cơ sở cho những bình luận sau này.

CHƯƠNG 5: BÀN LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Mục đích của nghiên cứu là đo lường ảnh hưởng của các yếu tố đặc trưng cá nhân, nhạy cảm đạo đức lên thái độ và dự định hành vi của người tiêu dùng đối với mặt hàng giả thời trang. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tiến hành so sánh dự định hành vi giữa các nhóm nhân khẩu khác nhau cũng như góp phần phát triển, hoàn thiện thang đo và đóng góp vào việc xây dựng một mô hình hoàn chỉnh giải thích cho việc tiêu thụ hàng giả thời trang của người tiêu dùng. Chương cuối cùng này sẽ đưa ra các kết luận về những kết quả nghiên cứu và trên cơ sở đó đề xuất các ý kiến hàm ý cho công tác phòng chống tệ nạn hàng giả, đồng thời bàn đến các hạn chế của nghiên cứu cũng như đề xuất hướng nghiên cứu cho tương lai.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thái độ của người tiêu dùng đối với hàng nhái hàng giả (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)