Nội dung bồi dưỡng giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên các trường mầm non tại thị xã tân uyên, tỉnh bình dương theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 25 - 28)

9. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Nội dung bồi dưỡng giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp

Một trong những nhiệm vụ của GVMN đã được xác định trong Điều lệ trường mầm non (2014) là: “Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non: Lập kế hoạch chăm sóc, giáo dục; Xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Đánh giá và quản lý trẻ em; Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ em cho cha mẹ trẻ”[5]. Vì vậy, giáo viên cần được bồi dưỡng về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của GVMN đáp ứng mục tiêu giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non, địa phương và của ngành Giáo dục. Trên cơ sở những kiến thức chuyên môn nền tảng chắc chắn, GV mới thể hiện kỹ năng sư phạm nhuần nhuyễn. Điều này có nghĩa là người GV có trình độ chuyên môn vững vàng, kiến thức sâu sắc, toàn diện sẽ là cơ sở cho việc cải tiến phương pháp dạy học và hoàn thiện kỹ năng sư phạm. Việc bồi dưỡng để hoàn thiện kỹ năng sư phạm là việc làm thường xuyên tại các trường học hiện nay.

Hiện nay, ở các trường mầm non nội dung bồi dưỡng GV đáp ứng Chuẩn nghề nghiệp gồm các nội dung cụ thể sau:

(1).Bồi dưỡng phẩm chất nhà giáo:

Tuân thủ các quy định và rèn luyện đạo đức nhà giáo, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.

(2). Bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ

Bao gồm bồi dưỡng GV nắm vững chuyên môn nghiệp vụ sư phạm mầm non; thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non.

Cụ thể:

+ Bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ đào tạo GVMN theo quy định.

+ Bồi dưỡng xây dựng kế hoạch chăm sóc, giáo dục theo hướng phát triển toàn diện trẻ em.

+ Bồi dưỡng kỹ năng nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ: Kỹ năng tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với điều kiện nhóm lớp, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi vào việc tổ chức các hoạt động giáo dục; quan sát, đánh giá sự phát triển của trẻ và quản lý nhóm lớp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ;

(3). Bồi dưỡng xây dựng môi trường giáo dục

Bồi dưỡng để GVMN có năng lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường. Năng lực xây dựng môi trường giáo dục chính là giúp GVMN biết tuân thủ và nắm được các yêu cầu, tổ chức sắp xếp, bố trí môi trường giáo dục; phát hiện và kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây mất an toàn, đảm bảo môi trường giáo dục; chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc tổ chức môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ.

(4). Bồi dưỡng tổ chức thực hiện phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng

Bao gồm bồi dưỡng GV nâng cao kỹ năng tổ chức thực hiện, xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em.

(5). Bồi dưỡng nâng cao về ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng nghệ thuật trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nội dung bồi dưỡng nâng cao khả năng nghệ thuật về tạo hình, âm nhạc, múa, văn học nghệ thuật đơn giản, ứng dụng công nghệ thông tin trong sử dụng phần mềm, thiết kế bài giảng điện tử, sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh để trao đổi thông tin đơn giản trong tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo Thông tư Liên tịch số 20/2015/TTLT/BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 9 năm 2015 về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GVMN quy định tiêu chuẩn về tin học đối với GVMN hạng II, hạng III, IV: “Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin”; Về trình độ ngoại ngữ GVMN hạng II, III: “Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc” và riêng với GVMN hạng IV:

“Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc” [3]. Vì vậy, trong giai đoạn hội nhập quốc tế và bùng nổ công nghệ thông tin 4.0, rất cần những GVMN có khả năng nghệ thuật cao, sử dụng được một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) trong hoạt động động chuyên môn, biết xây dựng, thiết kế các bài giảng điện tử, sử dụng các thiết bị công nghệ trong tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non.

Từ những vấn đề trên, người hiệu trưởng nhất thiết phải đưa nội dung bồi dưỡng GVMN nâng cao khả năng nghệ thuật, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên các trường mầm non tại thị xã tân uyên, tỉnh bình dương theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)