Lựa chọn phương pháp chẩn đoán

Một phần của tài liệu CẨM NANG AN TOÀN SINH HỌC PHÒNG XÉT NGHIỆM (Trang 44 - 46)

LUỒNG CÔNG VIỆC CỦA PHÒNG XÉT NGHIỆM

6.3 Lựa chọn phương pháp chẩn đoán

Từ giai đoạn sớm của vụ dịch, cần phải cân nhắc kỹ về các xét nghiệm chẩn đoán có thể dùng, xem xét về độ nhạy và độ đặc hiệu của chẩn đoán, thời gian xử lý mẫu, khả năng sử dụng và vấn đề an toàn sinh học.

Quyết định này có thể do chính phủ hoặc tự phòng xét nghiệm đưa ra. Nên cân nhắc hài hòa các chiến lược xét nghiệm của tất cả các phòng xét nghiệm trong quá trình lựa chọn. Để không làm ảnh hưởng đến an toàn sinh học, các phòng xét nghiệm ứng phó dịch cần thiết lập các chiến lược để giải quyết tình huống phải tiếp nhận một lượng lớn mẫu bệnh phẩm. Lượng mẫu này có thể trở thành thách thức so với khả năng của phòng xét nghiệm để hoàn thành xét nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định do sự hạn chế về thiết bị, các bộ kit xét nghiệm và nhân lực hiện có.

Nên dự trữ đầy đủ vật tư tiêu hao, sinh phẩm và BHCN, và lập kế hoạch cung cấp có sự phối hợp với nhà sản xuất, nhà cung cấp và các đơn vị vận chuyển.

Độ chính xác của xét nghiệm tất nhiên là quan trọng nhưng sẽ không bao giờ là 100%; việc lựa chọn phương pháp chẩn đoán phù hợp nhất có thể đòi hỏi một sự cân bằng giữa độ nhạy và độ đặc hiệu nhưng cũng phải có các cân nhắc thực dụng hơn chẳng hạn như tính ổn định của nguồn cung, tính dễ dùng, tính thực tế và khả năng lặp lại. Một kết quả dương tính giả có thể dẫn đến việc bệnh nhân phải đến cơ sở điều trị khi không cần thiết, nơi họ sẽ đối mặt với những nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Một kết quả âm tính giả sẽ khiến cho người nhà bệnh nhân và cộng đồng có nguy cơ phơi nhiễm và nhiễm bệnh. Phòng xét nghiệm, các bác sĩ điều trị, nhân viên y tế và các cấp có thẩm quyền nên xây dựng một phác đồ chẩn đoán sao cho nó sẽ mang đến độ nhạy, độ đặc hiệu lâm sàng và độ an toàn tốt nhất có thể cho bệnh nhân, cộng đồng và

những gia đình chịu ảnh hưởng bởi vụ dịch. Phác đồ này nên bao gồm các định nghĩa ca bệnh dựa trên bằng chứng khoa học, ý kiến của chuyên gia, tính thiết thực trong hoàn cảnh và nền y tế công cộng hiện có.

Việc lựa chọn các phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm cũng nên căn cứ trên vấn đề an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm ứng phó dịch. Trong quá trình đánh giá nguy cơ, các xét nghiệm chẩn đoán nên được đánh giá về các mối nguy hiểm của chúng trong luồng công việc của phòng xét nghiệm. Nên thực hiện các biện pháp ngăn chặn những nguy hiểm này hoặc tìm kiếm các phương pháp thay thế đã được phê duyệt để áp dụng nếu những phương pháp này cho kết quả chính xác tương đương. Rõ ràng, việc thao tác với các mẫu và các vật liệu (ví dụ, máu và các dịch cơ thể khác) nghi ngờ chứa hoặc có chứa các tác nhân gây bệnh chính là mối nguy hiểm chính trong phòng xét nghiệm. Do đó, các bước thao tác có liên quan đến mở các lọ và chuyển các chất lỏng qua lại giữa các vật chứa mẫu (ví dụ, bằng pipet) nên ở mức tối thiểu dù chiến lược ngăn chặn được sử dụng là gì đi nữa.

Nên tránh các quy trình có nguy cơ cao tạo khí dung hoặc gây tràn đổ khi làm xét nghiệm. Việc giảm lượng mẫu hoặc thể tích mẫu cần dùng sẽ làm giảm nguy cơ. Ly tâm các vật liệu lây nhiễm là một quy trình có nguy cơ cao vì khả năng tạo thành khí dung, đổ vỡ hoặc rò rỉ ống ly tâm. Do đó, chỉ nên thực hiện ly tâm trong các môi trường có ngăn chặn an toàn sinh học (ví dụ, tủ găng tay hoặc phòng xét nghiệm nóng với BHCN hoặc sử dụng máy ly tâm với rotor có nắp kín khí). Nên dùng các phương pháp thay thế tránh được bước ly tâm, ví dụ, tách máu đã được xử lý bằng axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA) bằng cách để lắng nhờ trọng lực sau một thời gian. Các xét nghiệm chẩn đoán có áp dụng các quy trình bất hoạt đã được thẩm định trong giai đoạn sớm của luồng công việc thì nên được ưu tiên để giữ cho các thao tác với tác nhân gây bệnh còn sống ở mức tối thiểu. Các quy trình bất hoạt huyết thanh học bao gồm việc xử lý các mẫu bệnh phẩm bằng nhiệt độ hoặc hóa chất. Nếu không dùng được các phương pháp bất hoạt đã được thẩm định trong một xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, khi đó, toàn bộ quy trình phải được tiến hành trong những điều kiện

ngăn chặn phù hợp. Một xét nghiệm càng dễ thực hiện thì công việc phòng xét nghiệm hay xét nghiệm tại chỗ sẽ càng an toàn. Các quy trình xét nghiệm có càng ít bước thì càng có khả năng an toàn cao hơn khi sử dụng trong phòng xét nghiệm bởi vì chúng làm giảm số lần cơ hội mắc lỗi và tai nạn, đặc biệt ở những nơi có các nguồn lực hạn chế, điều kiện khí hậu khó khăn.

Các yếu tố khác không trực tiếp liên quan đến an toàn sinh học nhưng có ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp chẩn đoán và lựa chọn xét nghiệm trong các vụ dịch bệnh truyền nhiễm bao gồm:

ƒ các kết quả thẩm định độc lập và lý tưởng là từ nhiều trung tâm đối với một xét nghiệm chẩn đoán, ví dụ, về độ chính xác (độ nhạy, độ đặc hiệu),

ƒ các kết quả xác nhận của phòng xét nghiệm chẩn đoán ứng phó dịch (ví dụ, xét nghiệm nên cho kết quả đúng trong những điều kiện hạn chế về nguồn lực), ƒ xét nghiệm được các cơ quan quốc gia hoặc quốc tế phê duyệt, ví dụ, Cục quản lý

dược và thực phẩm của Hoa Kỳ (FDA) hoặc Tổ chức y tế Thế giới (WHO),

ƒ tính phù hợp của xét nghiệm đối với một giai đoạn nhiễm bệnh cụ thể trên bệnh nhân (ví dụ, phát hiện trực tiếp tác nhân gây bệnh trong gia đoạn vi rút hay vi khuẩn có trong máu, hoặc phát hiện kháng thể trên các bệnh nhân đang hồi phục),

ƒ sự cần thiết trong xét nghiệm chẩn đoán phân biệt (ví dụ, sốt rét), và ƒ tính ổn định của nguồn cung cấp.

Một phần của tài liệu CẨM NANG AN TOÀN SINH HỌC PHÒNG XÉT NGHIỆM (Trang 44 - 46)