LUỒNG CÔNG VIỆC CỦA PHÒNG XÉT NGHIỆM
6.4 Khử nhiễm và quản lý chất thả
Mỗi phòng xét nghiệm cần phải có chính sách nêu rõ cách khử nhiễm các chất thải của phòng xét nghiệm, vật tư tiêu hao và các thiết bị sau khi sử dụng. Đánh giá nguy cơ cần cân nhắc đến tác nhân gây bệnh hiện diện và các phương pháp khử nhiễm hiện có để xác định quy trình tốt nhất nhằm đảm bảo rằng không có mối nguy hiểm lây nhiễm nào được phát tán khỏi phòng xét nghiệm, và không có bất cứ ô nhiễm tồn dư nào trên thiết bị khi phòng xét nghiệm kết thúc hoạt động. Chính sách này nên mô tả về thời gian, địa điểm và cách thức mà những việc sau đây được thực hiện: khử nhiễm phòng xét nghiệm và thiết bị, các biện pháp khử trùng thường quy, và áp dụng các quy trình vệ sinh dành cho nhân viên phòng xét nghiệm.
Các phương pháp được đề cập phải nêu rõ các thông số, ví dụ, thời gian tiếp xúc, nồng độ và nhiệt độ cần thiết để làm giảm lượng tác nhân gây bệnh còn sống xuống mức đã xác định nhằm đảm bảo việc khử trùng có hiệu quả trong các tình huống này.
6.4.1 Khử nhiễm
Các chất khử trùng dạng lỏng thường được sử dụng để khử nhiễm các thiết bị và bề mặt trong phòng xét nghiệm. Việc này là do rất hiếm khi các phòng xét nghiệm ứng phó dịch được huy động nhanh có thể được đóng kín lại để xông chất khử trùng dạng khí cũng như có được hệ thống thông khí cần thiết để loại bỏ an toàn các hơi độc trong đó.
Các dung dịch khử trùng phổ rộng chứa clo thường có sẵn và hiệu quả. Nên thận trọng sử dụng các dung dịch mới pha, sạch, và còn tác dụng với nồng độ vừa đủ. Các dung dịch chứa clo hiện có trên thị trường có thể mất đi hoạt tính khử trùng qua quá trình phân hủy sau thời gian dài lưu trữ (đặc biệt trong các điều kiện nhiệt độ nóng hơn). Các dung dịch khử trùng gia dụng không phù hợp cho phòng xét nghiệm vì chúng không ổn định và không đủ hoạt tính (9); vì thế, nên dùng dung dịch mới pha bằng cách hòa tan các viên natri dichloroisocyanurate vào nước.
Nên sử dụng các chất khử trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và nên có đủ thời gian để phát huy tác dụng. Nên cẩn trọng khi sử dụng các chất khử trùng dễ cháy vì nguy cơ cháy và tạo khói của chúng. Các chất khử trùng có thể gây ăn mòn, điều này cũng có thể gây nguy hiểm cho người và có thể gây hại cho môi trường. Do đó, nên mặc đầy đủ BHCN, chất khử trùng còn dư nên được loại khỏi thiết bị bằng cách lau sạch chúng bằng khăn ẩm, và nên cẩn thận tránh thải chất khử trùng với nồng độ cao vào môi trường.
Các chất thải lây nhiễm dạng lỏng phải được khử nhiễm trước khi thải ra khỏi phòng xét nghiệm (ví dụ, thông qua hấp tiệt trùng, khử trùng bằng hóa chất hoặc thiêu hủy). Các chất thải lây nhiễm dạng rắn nên được xử lý trong phòng xét nghiệm bằng hấp tiệt trùng, là phương pháp ưu tiên thường dùng. Nếu không có nồi hấp tiệt trùng đủ lớn để dùng cho phòng xét nghiệm thì nên cân nhắc việc sử dụng các nồi hấp tiệt trùng
nhỏ để xử lý các vật liệu có nguy cơ cao. Các chất thải qua xử lý phải được đóng gói một cách đảm bảo trong phòng xét nghiệm và được vận chuyển trực tiếp đi thiêu hủy.