Các nhân tố khách quan ở đây chính là các yếu tố mà bản thân ngân hàng không thể lường trước được cũng như không thể tác động đến các yếu tố này mà chỉ có thể phòng ngừa hay hạn chế tổn thất khi các nhân tố này tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng. Rủi ro kinh doanh ngoại hối chủ yếu từ nhân tố khách quan, ngân hàng rất khó để loại trừ được tất cả mọi rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao dịch kinh doanh ngoại hối. Do đó ngân hàng chỉ có thể đưa ra các biện pháp và công cụ nhằm hạn chế sự xuất hiện của rủi ro.
1.4.1.1. Môi trường trong nước và quốc tế
Hội nhập kinh tế tạo điều kiện giúp các nước tham gia có thể phát huy những tiềm năng của nền kinh tế đồng thời tận dụng được những ưu thế của các quốc gia khác, căn cứ vào tiêu chí của quá trình hội nhập là đảm bảo sự công bằng trong giao dịch thương mại - tài chính nhằm hướng tới mục đích hợp tác và cùng phát triển.
Kể từ khi hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường ngoại hối Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng do sự thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô hướng đến nền kinh tế thị trường, qua đó tác động đến cung cầu ngoại tệ, cụ thể là ảnh hưởng do: tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường dịch vụ, giảm dần các hạn chế trong thị trường tài chính, là những hoạt động có liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ và trực tiếp gia tăng nguồn cung và cầu ngoại tệ.
Sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia có liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh ngoại hối vì nó gắn liền với những hoạt động ngoại thương, dịch vụ quốc tế, đầu tư quốc tế, chuyển giao công nghệ kỹ thuật sang quốc gia khác…Sự gia tăng của thương mại quốc tế kéo theo nhu cầu thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ tăng lên nhanh chóng. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ
cần đến ngân hàng như một trung gian để đáp ứng nhu cầu của họ. Đồng thời, đó cũng là điều kiện cho kinh doanh ngoại hối phát triển.
1.4.1.2. Chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước
Hiện nay, hoạt động ngân hàng chịu sự quản lý rất chặt chẽ của Nhà nước, trong đó cơ quan trực tiếp quản lý là Ngân hàng Nhà nước. Mỗi văn bản luật hay quyết định của Ngân hàng Nhà nước đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hoạt động kinh doanh ngoại hối. Các quy định này phải dựa trên cơ sở phù hợp với các điều kiện của thị trường ngoại hối thì hoạt động kinh doanh của các ngân hàng mới có cơ hội phát triển.
Trong hệ thống chính sách liên quan đến quản lý ngoại hối hiện nay, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường ngoại hối. Chính sách tỷ giá là một bộ phận của chính sách tiền tệ có nhiệm vụ đảm bảo và ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát, góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao bền vững. Một chính sách có hiệu quả phải đảm bảo ổn định tỷ giá trên cơ sở mối tương quan cung cầu trên thị trường, khuyến khích được xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ quốc gia về ngoại hối.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối gắn liền với sự biến động tỷ giá trên thị trường vì vậy chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách tỷ giá của Nhà nước. Những năm gần đầy, nước ta đã áp dụng chính sách thả nổi có quản lý. Với chính sách này, tỷ giá giữa các đồng tiền chủ yếu do quan hệ cung cầu quyết định. Trong một số trường hợp nhất định, Nhà nước có thể can thiệp để đảm bảo mức tỷ giá không biến động quá đột ngột ảnh hưởng tới sự phát triển nền kinh tế. Vì vậy, trong điều hành hoạt động kinh doanh ngoại hối của mình các ngân hàng cần luôn quan tâm và tuân thủ theo các văn bản hướng dẫn của Nhà nước về điều hành tỷ giá.
1.4.1.3. Sự biến động của tỷ giá
Hoạt động mua bán ngoại tệ luôn gắn liền với vấn đề tỷ giá. Có thể xem tỷ giá là yếu tố đầu tiên tác động trực tiếp đến hoạt động mua bán ngoại tệ của ngân hàng. Chẳng hạn, nếu tỷ giá có xu hướng tăng thì cung ngoại tệ sẽ nhỏ hơn cầu ngoại tệ. Bởi vì ai cũng muốn mua ngoại tệ để đầu cơ và người có ngoại tệ lại
không muốn bán sớm, do vậy hoạt động mua ngoại tệ trở nên khó khăn. Ngược lại, khi tỷ giá giảm thì hoạt động mua ngoại tệ của ngân hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn và hoạt động bán ngoại tệ trở nên khó khăn.
Như vậy, tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng vì các giao dịch ngoại tệ đều phải thông qua tỷ giá để thực hiện trao đổi. Nhưng tỷ giá lại biến động hàng ngày và không chỉ phụ thuộc vào chính sách quản lý của từng quốc gia mà còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố trong và ngoài nước:
- Lãi suất của đồng nội tệ và ngoại tệ - Tỷ lệ lạm phát tại mỗi quốc gia - Chiến tranh, thiên tai…
Tất cả các yếu tố trên đều có những ảnh hưởng khác nhau tới hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng. Có thể nói rằng sự biến động khó lường của tỷ giá là một trong những rủi ro có nguy cơ cao mà hoạt động kinh doanh ngoại hối phải đối mặt.
1.4.1.4. Quy định về trạng thái ngoại tệ của NHNN
Tại Việt Nam, quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài do NHNN ban hành theo thông tư số 07/2012/TT-NHNN ngày 20/03/2012. Trạng thái ngoại tệ được định nghĩa là trạng thái nguyên tệ của ngoại tệ đó được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi trạng thái.
Một số nội dung mới về giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ được quy định trong thông tư số 07 như sau: Giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ được tính bằng tỷ lệ giữa tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc tổng trạng thái ngoại tệ âm chia cho vốn tự có của TCTD. Tổng trạng thái ngoại tệ dương cuối ngày của TCTD không được vượt quá 20% vốn tự có và tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày của TCTD không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD, riêng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 triệu USD trở xuống thì trạng thái ngoại tệ được quy định: tổng trạng thái ngoại tệ dương cuối ngày quy ra USD không được
vượt quá 5 triệu USD và tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày quy ra USD không được vượt quá 5 triệu USD.
Quy định về trạng thái ngoại tệ là một công cụ để điều hành chính sách của NHNN, càng thu hẹp trạng thái ngoại tệ sẽ làm giảm khả năng đầu cơ ngoại tệ và giảm thiểu được việc chuyển đổi các đồng tiền. Theo quy định về quản lý trạng thái ngoại tệ mới của NHNN, việc giảm trạng thái có thể sẽ khiến thị trường ngoại tệ biến động trong thời gian tới và đồng thời tạo ra nhiều biến động đối với tỷ giá USD/VND. Bên cạnh đó, theo trạng thái ngoại tệ mới sẽ khiến một số TCTD phải mua lại ngoại tệ nếu họ đang ở trạng thái âm lớn hơn hạn mức. Việc mua lại này sẽ gây áp lực nhất định lên thị trường ngoại hối do tình trạng chênh lệch lãi suất vay USD và VND đã khuyến khích hoạt động chuyển vốn.
1.4.1.5. Sự cạnh tranh của các ngân hàng trong nước
Trước đây, việc kinh doanh ngoại hối ít được các ngân hàng thương mại quan tâm, cho nên những khách hàng có nhu cầu giao dịch ngoại tệ thường tìm đến thị trường tự do để mua, bán ngoại tệ trực tiếp, gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó những năm trước, mảng kinh doanh ngoại hối chủ yếu dành cho các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế, nhu cầu ngoại tệ hiện đang tăng nhanh chóng. Nắm bắt được thực tế đó, giờ đây hầu hết tất cả các ngân hàng đều tham gia bắt đầu kinh doanh mảng dịch vụ này. Thực tế cho thấy, ngoại hối là lĩnh vực khiến các ngân hàng gặt hái được nhiều thành quả, là một trong những kênh đem lại nguồn thu lớn, điều này đem lại sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Các ngân hàng điều đưa ra các sản phẩm kinh doanh ngoại hối cùng với chính sách tỷ giá thích hợp để thu hút khách. Có thể nói, hoạt động cạnh tranh của các ngân hàng trên thị trường ngoại hối ngày càng trở nên gay gắt và quyết liệt trên cả hai phương diện chủ yếu là cạnh tranh tỷ giá và cạnh tranh về trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng. Tính chất gay gắt và quyết liệt của cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh
ngoại hối nói chung và ảnh hưởng đến những ngân hàng có quy mô nhỏ, năng lực tài chính kém.
1.4.1.6. Nhân tố xã hội
Bao gồm trình độ dân trí, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh…cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại hối tại NHTM. Bởi vì ngày càng xuất hiện nhiều hành vi giả mạo, lừa đảo ngân hàng qua các hình thức tinh vi, xảo quyệt như làm giả hồ sơ chứng từ, hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản của ngân hàng.