Nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - Thực trạng và giải pháp. (Trang 50 - 53)

Các nhân tố chủ quan là các yếu tố thuộc về bản thân ngân hàng hay nói cách khác đây là các yếu tố nội tại tồn tại trong ngân hàng có tác động đến sự phát triển của ngân hàng nói chung và hoạt động kinh doanh ngoại hối nói riêng.

1.4.2.1. Nguồn nhân lực

Hoạt động kinh doanh ngoại hối đòi hỏi một đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và trình độ chuyên môn bởi nghiệp vụ này trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động này còn rất phức tạp do đối mặt với nhiều rủi ro, đặt biệt là rủi ro tỷ giá. Tỷ giá trên thị trường ngoại hối luôn biến động không ngừng do đó đòi hỏi các cán bộ nhân viên phải luôn theo dõi thị trường, đồng thời phải có khả năng đưa ra những nhận xét phân tích về xu thế của tỷ giá trong tương lai và mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Do đó cán bộ kinh doanh ngoại hối ngoài việc có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn đóng vai trò giống như một nhà phân tích thị trường. NHTM có đội ngũ nhân viên giỏi, chuyên nghiệp sẽ hạn chế tối đa rủi ro sai sót có thể phát sinh trong quá trình tác nghiệp.

Rủi ro đạo đức của cán bộ ngân hàng: nó xuất phát từ lòng tham của mỗi người, đặc biệt dễ xảy ra với những cán bộ ngân hàng thường xuyên tiếp xúc với tiền và với những cán bộ nhân viên tiếp xúc với khách hàng dễ nảy sinh ý định lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo khách hàng hoặc thông đồng với khách hàng hoặc chính các cán bộ ngân hàng ở các mảng nghiệp vụ có liên quan móc nối, câu kết với nhau để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng và ăn chia hoa hồng với nhau.

1.4.2.2. Cơ cấu tổ chức, tổ chức thực hiện quản trị rủi ro của ngân hàng thương mại

Trong kinh doanh nói chung và kinh doanh ngoại hối nói riêng, nhân tố tổ chức, quản lý và điều hành của NHTM có vai trò vô cùng quan trọng. Nó định hướng cho NHTM một hướng đi đúng trong hoạt động kinh doanh, xác định chiến lược kinh doanh, phát triển ngân hàng. Hoạt động của bộ máy quản trị ngân hàng có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh.

NHTM có cơ cấu tổ chức phân quyền rõ ràng, phù hợp sẽ giúp hoạt động quản trị rủi ro kinh doanh ngoại hối được thống nhất, dễ kiểm soát và báo cáo hơn.

1.4.2.3. Các nghiệp vụ kinh doanh của NHTM ảnh hưởng đến hoạt động quản trị rủi ro kinh doanh ngoại hối

Công cụ tài chính phái sinh được hiểu là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ tài chính đã có nhằm mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo ra lợi nhuận. Giá trị của công cụ phái sinh bắt nguồn từ một số công cụ cơ sở khác như tỷ giá, lãi suất,…Công cụ tài chính phái sinh xuất hiện lần đầu tiên nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn rủi ro, trong đó thường được sử dụng cao nhất là hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi hay những sản phẩm phái sinh kết hợp.

Ngày nay, hoạt động kinh doanh của các NHTM trở nên phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết, bên cạnh các nghiệp vụ ngân hàng mang tính truyền thống thì các ngân hàng đã không ngừng phát triển các nghiệp vụ tài chính mới, hiện đại, trong đó, phải kể đến các giao dịch kinh doanh ngoại tệ với doanh số giao dịch lớn hơn nhiều so với trước đây. Đây là hoạt động kinh doanh có thể đem lại lợi nhuận rất cao cho NHTM, nhưng cũng chứa không ít rủi ro. Khi tham gia hoạt động kinh doanh ngoại hối, ngân hàng sẽ tạo ra trạng thái ngoại tệ mở và dẫn đến rủi ro tỷ giá cho ngân hàng nếu tỷ giá trên thị trường biến động. Để có thể hạn chế được rủi ro này, ngân hàng sẽ phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa, một trong những công cụ hữu hiệu phòng ngừa tỷ giá đó chính là các hợp đồng phái sinh tiền tệ. Các hợp đồng phái sinh tiền tệ cơ bản bao gồm: hợp đồng ngoại hối kỳ hạn, hợp đồng ngoại hối hoán đổi, hợp đồng ngoại hối quyền chọn và hợp đồng ngoại hối tương lai.

Như vậy, công cụ phái sinh ngoại hối ra đời để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Tỷ giá biến động theo một biên độ lớn và ngẫu nhiên, phản ánh quan hệ cung cầu về ngoại tệ trên thị trường là điều kiện tiên quyết cho việc sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro. Trên thị trường ngoại hối, bên cạnh việc phản ánh quan hệ cung cầu về ngoại tệ thì thị trường còn ẩn chứa các yếu tố đầu cơ và chênh lệch giá về ngoại tệ. Đây cũng là những yếu tố quan trọng trong việc làm cho tỷ giá hối đoái trên thị trường ngoại hối biến động một cách khó dự đoán. Chính vì sự không dự đoán trước được những thay đổi của tỷ giá trên thị trường các NHTM luôn có mong muốn bảo hiểm rủi ro để chống lại những tổn thất có thể xảy ra đối với các dòng tiền ngoại tệ của mình. Ngược lại, một khi các NHTM không sử dụng các sản phẩm phái sinh cho các giao dịch ngoại hối thì đây là một trong các nguyên nhân gây ra rủi ro ngoại hối cho ngân hàng.

1.4.2.4. Hệ thống công nghệ thông tin

Những hoạt động liên quan đến hoạt động ngân hàng nói chung và kinh doanh ngoại hối nói riêng đều tiềm ẩn vô số những rủi ro cho bất kỳ ngân hàng nào. Từ lâu, các nhà quản trị ngân hàng đã nhận định rằng quản trị rủi ro ngoại hối là một trong những nghiệp vụ phức tạp nhất trong việc đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngân hàng. Cùng với tỷ trọng ngày càng cao trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, rủi ro ngoại hối cũng ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn. Hơn nữa, khi những rủi ro không mong muốn xảy ra, cần có biện pháp khắc phục ngay lập tức để hạn chế đến mức thấp nhất của tổn thất. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho việc quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại hối là phải thận trọng khi đưa ra các quyết định cũng như giải pháp xử lý tùy thuộc vào từng trường hợp. Nếu không, những ảnh hưởng nghiêm trọng khi rủi ro vượt ra ngoài tầm kiểm soát sẽ không chỉ tác động đến một ngân hàng mà sẽ lây lan sang toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Thậm chí, có thể dẫn đến sự sụp đổ của một số ngân hàng và tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của một quốc gia.

Một ngân hàng có hệ thống công nghệ thông tin tốt có vai trò hỗ trợ rất lớn cho việc đảm bảo hiệu quả trong hoạt động vận hành của ngân hàng về tốc độ xử lý giao dịch, tính ổn định, chính xác của giao dịch và khả năng quản trị dữ liệu của

ngân hàng. Ngoài các phần mềm hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, vận hành thì phần mềm quản trị dữ liệu, quản trị thông tin, quản trị rủi ro cũng rất quan trọng trong việc thống kê, báo cáo. Hệ thống công nghệ thông tin hoạt động trơn tru sẽ góp phần không nhỏ trong việc hoạt động báo cáo rủi ro thông suốt, kịp thời khi các rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại hối phát sinh. Vì vậy, hệ thống công nghệ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng của công tác quản trị rủi ro kinh doanh ngoại hối tại ngân hàng.

1.4.2.5. Nguồn lực tài chính

Ngân hàng có nguồn lực tài chính vững mạnh sẽ có khả năng đầu tư các hệ thống kiểm soát, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, thuê tư vấn để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, các quy trình, quy chế và việc kiểm soát cũng như phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh ngoại hối tốt hơn; bên cạnh đó tiềm lực tài chính vững mạnh sẽ giúp ngân hàng giải quyết các rủi ro khi thực tế phát sinh tốt hơn và chủ động hơn.

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - Thực trạng và giải pháp. (Trang 50 - 53)