Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 13 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà,
Ninh Thuận và Bình Thuận. Diện tích toàn vùng 95.838 km2, đây là vùng có diện tích lớn nhất cả nước; dân số 19 triệungười, chiếm 21,68% dân số so với cả nước, đứng thứ 2 so với các vùng trong cả nước sau vùng ĐBSH.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông bộ, sắt, hàng không và biển. Vùng gần thành phố Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; là cửa ngõ của Tây Nguyên, của đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Nam Trung bộ có sân bay Đà Nẵng là một trong 3 cảng hàng không quốc tế lớn của Việt Nam. Vùng còn có nhiều sân bay nội địa như Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Cát (Bình Định), Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hoà)… cùng
hàng ngàn km đường bộ, đường sắt. Về đường biển, vùng có nhiều cảng biển quan trọng như cảng Đà Nẵng, Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Gianh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Thuận An...tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ cho phát triển kinh tế vùng và tạo thành con đường huyết mạch trên biển thông thương với khu vực và thế giới đặc biệt với Lào, Đông Bắc
Thái Lan, Mianma...
Vùng có nhiều khu kinh tế mở như Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa), KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh),...với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện.Tuy nhiên, cho đến nay vẫn là vùng nghèo, nhiều khó khăn, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế và mức sống dân cư thấp hơn so với mức bình quân của một số vùng khác và của cả nước. Trong những năm gần đây, một số tỉnh trong vùng có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, một số khu kinh tế đã được hình thành phát triển, trong tương lai sẽ là động lực phát triển cho cả vùng và cả nước.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển như khai thác dầu mỏ và khí đốt, vận tải biển và nuôi trổng thủy hải sản; có tiềm năng về khoáng sản đáng chú ý là sa khoáng nặng, cát trắng (cho phép
vùng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp thuỷ tinh, kính quang học), đá ốp lát, nước khoáng, vàng, cao lanh, ti tan... Ngoài ra vùng có thế mạnh về du lịch có bờ biển đẹp như Sầm Sơn, Cửa Lò, Quy Nhơn, Ninh Chữ, Sa Huỳnh và nhiều suối nước nóng. Ngoài khơi nhiều đảo đá lớn, nhỏ. Duyên hải Nam Trung Bộ có tiềm năng du lịch dồi dào, với sự kết hợp hài hoà giữa biển và núi, có nhiều vịnh đẹp như Dung Quất, Đại Lãnh, Văn Phong. Nơi đây có nhiều di tích như thành cổ Trà Bàn và các tháp Chàm. Đặc biệt, Đà Nẵng - Quảng Nam là vùng đất gắn liền với văn hoá Sa Huỳnh, có nhiều cung điện, đền đài, thành quách uy nghi, tráng lệ, vẫn còn để lại nhiều dấu tích ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu... Ngoài ra còn các danh lam thắng cảnh Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm, đèo Hải Vân,... các bãi biển Mỹ An, Non Nước với dảicát trắng mịn kéo dài .
Về tốc độ tăng trưởng, nhiều năm qua, Chính phủ có những chính sách đầu tư, kể cả khoa học – công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ven biển Trung Bộ nói chung và Bắc Trung Bộ nói riêng. Do vậy, kinh tế Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã tăng trưởng ở mức khá, đã dần thu hút được các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế xã hội của vùng, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Trong 5 năm (2005 – 2010), hầu hết các địa phương trong khu vực đều đạt mức tăng trưởng trên dưới 10%/năm.