Thời Lý Trầ n Hồ

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 27 - 31)

7. Cấu trúc của đề tài

1.3.1. Thời Lý Trầ n Hồ

Sau khi đã định đô ở Thăng Long, cùng với việc kiện toàn bộ máy chính quyền nhà nước, các vua nhà Lý đã chú ý ngay tới việc xây dựng một hệ thống quan chức để điều hành bộ máy hành chính quốc gia. Đứng đầu triều đình là Hoàng đế, dưới Hoàng đế có ba chức đứng đầu các quan lại trong triều, những chức quan đứng đầu triều đều là những quan lại được vua ủy nhiệm trực tiếp điều khiển toàn bộ nền cai trị trong nước. Đó là Tể tướng và Á tướng, bên cạnh đó còn có 3 chức đứng đầu các quan lai trong triều, đó là thái sư, thái phó, thái bảo (tam thái). Để giúp vua quản lý mọi mặt của đất nước còn có các cơ quan chuyên trách như Sảnh (Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh,…), Hàn lâm viện, Khu mật viện, Lục bộ, Quốc tử giám,... Bộ máy chính quyền trung ương thời Lý tuy chưa được hoàn thiện và chưa đặt đầy đủ các cơ quan, song bước đầu có sự kiện toàn đáng kể so với những thời kỳ trước. Để có được đội ngũ quan lại làm việc tích cực, nhân tài, nhà Lý đã tiến hành tuyển

27

dụng quan lại bằng ba con đường chính là Tuyển cử, Nhiệm tử và Khoa cử. Nhưng vào buổi ban đầu khi chưa đặt khoa trường, con đường xuất thân của quan lại ở thời kỳ này chủ yếu phải dựa vào chế độ tuyển cử, rồi đến chế độ nhiệm tử (dùng con của các quan) và thêm vào đó là hình thức nộp tiền. Sách Lịch triều hiến chương loại chí, mục Quan chức chí của Phan Huy Chú cũng cho biết rất rõ và điều này là: “Đời Lý khi chưa đặt khoa trường, đường xuất thân quan lại lấy tuyển cử làm trọng, rồi đến nhiệm tử, sau nữa mới đến nộp tiền”.

Tuy nhiên, nhà nước phong kiến triều Lý (1009 - 1225) đã đề ra những biện pháp khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại. Nhà Lý không ngừng hoàn thiện bộ máy Nhà nước mà còn tổ chức việc kén chọn người hiền tài, xứng với chức vụ; thực hiện khảo hạch quan lại xét độ thanh liêm, thưởng phạt công bằng, quy định rõ ràng về lương bổng. Phương thức tuyển chọn thông qua khoa cử và tiến cử để bổ sung đội ngũ quan lại có đạo đức và tài năng vào trong bộ máy Nhà nước. Ngay từ thời vua Lý Thái Tổ đã ban hành một số đạo chiếu liên quan đến xử phạt tội tham nhũng. Chiếu năm 1042 về việc thu phú thuế của trăm họ, cho phép người thu ngoài 10 phần phải nộp quan được lấy thêm một phần nữa gọi là “hoành đầu”. Lấy quá thì xử theo tội ăn trộm, trăm họ có người tố cáo được tha phú dịch cho cả nhà trong ba năm, người ở kinh thành mà cáo giác thì thưởng cho bằng hiện vật thu được. Nếu quản giáp, chủ đô và người thu thuế thông đồng với nhau thu quá lệ, tuy xảy ra đã quá lâu nhưng có người tố cáo thì quản giáp, chủ đô và người thu thuế cũng phải tội như nhau [25, tr.401]. Ta thấy ở đây có một điểm rất tiến bộ của nhà Lý đó là cơ chế khuyến khích đối với người tố cáo hành vi tham nhũng. Họ sẽ được thưởng một khoản tiền bằng hiện vật thu được hoặc được tha miễn phú dịch. Tiếp theo là chiếu năm 1044, đối với Khố ty thu thuế lụa, nếu “ăn lụa” của dân thì cứ mỗi thước lụa bị phạt 100 trượng; “ăn” một tấm lụa đến trên 10 tấm thì theo số tấm, thêm phối dịch 10 năm. Cũng trong năm này, có một đạo chiếu quy định: cấm các quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng, nếu vi phạm bị xử 100 trượng, thích chữ vào mặt và giam vào nhà lao [25, tr.423].

28

Sang thời Trần, việc tổ chức và tuyển chọn quan lại cho bộ máy Nhà nước được hoàn thiện hơn so với thời Lý. Khác với nhà Lý, nhà Trần đặt ra chế độ thái thượng hoàng. Các vua sớm truyền ngôi cho con trai trưởng (hoàng thái tử) nhưng vẫn cùng với vua (con) trông coi chính sự, tự xưng là thái thượng hoàng. Việc đặt chế độ thái thượng hoàng thời trần có tác dụng ngăn chặn tình trạng các đại thần chuyên quyền cướp ngôi khi vua còn ít tuổi. Tại triều đình có bộ phận Trung khu gồm các tể tướng, tri mật sự, và hành khiển ở các sảnh có nhiệm vụ chỉ đạo các quan văn, võ. Đứng đầu Trung khu là các chức quan mang danh hiệu Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo); Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo) và Tam tư (Tư đồ, Tư mã, Tư không). Triều đình cũng tổ chức các cơ quan chức năng khác bao gồm Thượng thư sảnh 6 bộ; cơ quan văn phòng triều đình gọi là Hàn lâm viện, cơ quan thanh tra, giám sát gọi là Ngự sử đài và các cơ quan phụ trách riêng khác (Quốc sử viện, Quốc tử giám, Thái y viện,…). Việc tuyển chọn quan lại thời Trần đã được tổ chức dưới nhiều hình thức như tuyển chọn những quý tộc đồng tộc, tuyển chọn qua khoa cử gồm thi Lại viên và thi Thái học sinh, tuyển chọn các nho sinh có tài... Việc tuyển chọn quan lại này nhằm mục đích tìm kiếm những người tài làm việc trong bộ máy nhà nước thời Trần. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước thời Trần không thể không tránh khỏi hiện tượng tham nhũng, một số quan lại đã vi phạm được ghi chép lại trong cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục tập I với 4 hiện tượng tham nhũng như “Năm Khai Thái thứ 5 (1328), ...Văn Hiến hầu (không rõ tên) muốn đánh đổ hoàng hậu mà lập hoàng tử tên là Vượng, bèn lấy một trăm lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Trấn tên là Trần Phẫu, để Trần Phẫu vu cáo Quốc Trấn âm mưu làm phản. Vua Trần Minh Tông không xét kỹ nên lệnh bắt giam cha vợ, sau đó Trần Quốc Chẩn phải chết oan” [22, tr.577]; “Năm Thiệu Phong thứ 7 (1347), Bảo Uy vương Trần Hoàn tư túi với cung nhân lấy trộm tấm vải “hỏa cán” cất ở kho nội phủ. Hoàn bị giết” [22, tr.598]; “Năm (1376), Trước đây, Đỗ Tử Bình vào trấn giữ Hóa Châu; chúa Chiêm là Chế Bồng Nga đưa 10 mâm vàng để dâng triều đình. Tử Bình ăn chặn, trẩm đi, lại nói dối rằng: Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, nên đem quân đi đánh. Bấy giờ nhà vua mới quyết tâm thân chinh” [22, tr.635] và “Năm Xương Phù thứ 10 (1386), Hồ Tông Thốc khi làm An phủ sứ, Thốc ăn lễ của dân. Sự phát giác, Nghệ Tông lấy làm lạ, có đòi hỏi,

29

Thốc lạy tạ mà rằng:“Một người được ơn vua thì cả nhà hưởng lộc nước. Nghệ Tông tha tội cho” [22, tr.651].

Tham nhũng luôn là mối họa lớn với dân, với nước, ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc. Nhận thức được mối nguy hại đó, nhà Trần đã đã đề ra nhiều biện pháp ứng phó và giải quyết vấn nạn này, như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, thiết lập các cơ quan giám sát việc thực thi công vụ của quan lại. Thời Trần đặt cơ quan Ngự sử đài để “giữ phong hoá pháp độ”, giám sát việc thi hành pháp luật của quan lại. Cũng giống với triều Lý, nhà Trần cũng thực hiện việc kén chọn người hiền tài, xứng với chức vụ; thực hiện khảo hạch quan lại xét độ thanh liêm, thưởng phạt công bằng, quy định rõ ràng về lương bổng. Phương thức tuyển chọn thông qua khoa cử và tiến cử... Đây được coi là một số biện pháp giúp nhà Trần khắc phục hiện tượng tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Đến thời Hồ, sau khi bức vua Trần nhường ngôi và tự lập làm vua, thành lập triều đại nhà Hồ (1400 - 1407), Hồ Quý Ly đã tiến hành nhiều cải cách. Tuy nhiên, nhìn chung quan chế nhà Hồ vẫn theo chế độ nhà Trần, chỉ thêm có các chức Đăng văn triều chính, Phong quốc giám, Đại lý tự, Quang tế tự và Hương đình quan (sau chức quan này bị bãi bỏ). Những chức quan tham gia trong bộ máy chính nhà Hồ trước hết là tầng lớp nho sĩ quan liêu, thứ hai là số quan lại của triều đại cũ và cuối cùng là tầng lớp quý tộc thuộc dòng dõi nhà Hồ. Tất cả lực lượng này đều ủng hộ chế độ quân chủ nhà Hồ, trong đó nho sĩ quan liêu là thành phần đông đảo nhất, và đóng vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền nhà nước thời Hồ. Dù mọi việc làm còn dở dang do sự xâm lược của nhà Minh, nhưng về mặt thiết chế nhà nước, thì thời Hồ đã đánh dấu sự mở đầu chế độ chính trị mới - chế độ quân chủ quan liêu và chuyên chế. Nhưng chế độ quân chủ chuyên chế và quan liêu thời Hồ vừa xác lập chưa kịp kiện toàn thì bị ngắt quãng bởi cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1407 quân Minh sang xâm lược, cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo đã thất bại thảm hại, kéo theo sự suy sụp đổ của vương triều Hồ và kết thúc công cuộc cải cách đang dang dở của Hồ Quý Ly. Chính vì vậy, nên nhà Hồ chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn nên việc quan lại tham nhũng và các biện pháp phòng chống tham nhũng cũng

30

giống như các triều đại trước, không có điểm gì nổi bật. Ngoài ra, việc biên soạn, chép sử thời đó cũng chưa được quy củ, còn nhiều thiếu sót và đất nước cũng đã trải qua lịch sử hàng thế kỉ với nhiều biến cố khác nhau nên việc thu thập, tìm kiếm dữ liệu về tiêu cực tham nhũng và biện pháp phòng chống tham nhũng của cả ba triều đại Lý - Trần - Hồ còn nhiều hạn chế.

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)