Giáo dục phẩm chất đạo đức cho quan lại theo tư tưởng Nho giáo

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 64 - 67)

7. Cấu trúc của đề tài

3.1.2. Giáo dục phẩm chất đạo đức cho quan lại theo tư tưởng Nho giáo

Để phòng ngừa, ngăn chặn nạn tham nhũng thì trước tiên phải giáo dục về đức thanh liêm, chống lại sự tham lam, tư vị của quan lại trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương. Đây là biện pháp phòng ngừa căn bản, quyết định, bởi lẽ cơ chế, chính sách hay hệ thống các quy định đều là những chủ thể kiểm soát bên ngoài đối với các hiện tượng tiêu cực; còn cơ chế kiểm soát bên trong lại chính là ý thức, sự giác ngộ và hiểu biết của bản thân mỗi quan chức.

Dưới thời Lê - Trịnh, người làm quan đều được giáo dục theo học thuyết chính thống là Nho giáo. Học thuyết này đã góp phần hình thành đạo lý, chuẩn mực, trách nhiệm xã hội của người làm quan tương đối rõ ràng. Trong những tiêu chuẩn đạo đức căn bản để tuyển chọn nhân tài cho đất nước, yêu cầu về đức thanh liêm là một yếu tố quan trọng và cần thiết. Đó là yếu tố đầu tiên để xét quan lại. Kinh sách của Nho giáo răn dạy nhiều điều về đức liêm của người quân tử. Đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người làm quan. Bắt nguồn từ chức năng điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của con người, đạo đức tạo ra động cơ hành động đúng đắn, tạo ra ý chí quyết tâm để phục vụ cho triều đại và đứng về lợi ích của nhân dân, đó là điều mà mọi triều đại phong kiến đều hướng tới. Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Nguyễn

64

Duy Thì đã từng dâng khải lên chúa Trịnh Tùng rằng: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời và dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói khổ thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay thánh thượng để ý tới dân, thi hành chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó, thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy. Nhưng kẻ thừa hành thì chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chỉ chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi 1 huyện thì làm khổ dân 1 huyện, coi 1 xã thì làm khổ dân 1 xã, mọi việc nhiễu dân, không điều gì không làm, khiến dân trong nước, con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát sướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hằng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi. Vì thế, cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên không thuận, tai họa lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ với chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lội gây nên thế sao? Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời, và chuyển tai họa thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy” [24, tr.1457]. Nói đến như thế mà chúa không những không nổi giận mà còn lắng nghe, rồi thay đổi chính sự. Sử cũ ghi rằng vào năm sau, “Mùa đông tháng 11, sai sứ thần đi tuần hành các địa phương trong nước. Hạ lệnh cho quan trong kinh sư chia nhau đi các xứ, thăm hỏi sự đau khổ của dân, người nào phiêu tán được miễn dịch ba năm” [23, tr.236]. Việc làm đó của chúa Trịnh là hành động cụ thể để trả lời tờ khải của Nguyễn Duy Thì. Như vậy, có thể thấy rằng chính quyền Lê - Trịnh đã phần nào nhận thức được vai trò của dân đến sự phát triển thịnh vượng của một triều đại, hiểu được nỗi khổ của dân phải gánh chịu trước nạn nhũng tệ của quan lại. Vì thế, việc giáo dục đạo đức Nho giáo cho quan lại sẽ làm thay đổi tư tưởng, nhận thức của bộ máy, thực thi quyền lực để duy trì sự ổn định trong bản chất của xã hội phong kiến cũng như bảo vệ sự tồn tại của chính quyền phong kiến đó.

65

Rõ ràng, bất kỳ một vị quan nào dưới triều đại phong kiến đều nhận thức rõ được những quy chuẩn cơ bản, khuôn mẫu đạo đức Nho giáo. Vì thế đối với những trường hợp đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức đó, chính quyền Lê - Trịnh luôn có những biện pháp rõ ràng. Tham tụng Dương Trí Trạch, Phạm Công Trứ dâng sớ lên chúa Trịnh Tùng rằng: “Thuật trị nước là có văn, có võ, đạo trí trị phải thưởng phạt công minh. Các võ tướng phải xông pha chống giặc, bảo vệ nước nhà, nếu biết ước thúc nghiêm minh liều mình gắng sức, để làm nên sự nghiệp công lao mà xét thưởng. Nếu có kẻ dùng dằng nhát sợ, hành quân trái luật thì trị tội theo quân pháp. Luật khuyến khích, răn trừng như vậy, thật đã rất nghiêm. Còn văn thần phải giúp vua, thương dân, để tô điểm thái bình. Nếu biết thận trọng thanh liêm, chăm việc, ngay thẳng, công bằng, xứng với chức vụ thì tùy theo chính tích tốt đẹp ra sao mà khen thưởng. Nếu có ai thừa hành công việc hoặc xét hỏi kiện tụng mà không sửa đổi lỗi trước, lại bẻ cong luật pháp, ăn của đút lót, để chậm quá kỳ hạn, xét xử không đúng, vào bè kết đảng, vì ân nghĩa riêng mà nhận lời thỉnh thác, làm nhiều điều nhũng nhiễu, đến nỗi nát chính hại dân, tội nhẹ thì xử giáng bãi chức, tội nặng thì xử theo quân pháp, để trừ bỏ thói tệ, giữ nghiêm phép nước” [24, tr.1387]. Vua nghe theo, tháng ấy ra lệnh cấm lấy người nhỏ yếu để tăng quân, giảm bớt các khoản biểu và bài thuộc hộ khẩu [24, tr.1387].

Đi kèm với Đức trị là tư tưởng Chính danh của Nho giáo luôn đề cao trách nhiệm, bổn phận của mỗi người, trước hết là người cầm quyền, yêu cầu mỗi người cần phải suy nghĩ và hành động đúng với địa vị xã hội của mình, làm cho con người ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình một cách rõ ràng trong các mối quan hệ xã hội, yêu thương nhân dân, luôn quan tâm đặt lợi ích của quần chúng nhân dân lên trên hết, không quản ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng xả thân vì những lợi ích chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, dưới bối cảnh của tình hình chính trị và xã hội dưới thời Lê - Trịnh còn nhiều rối ren, những hiện tượng tiêu cực, biểu hiện “danh không chính” ngay xuất hiện phổ biến, càng làm suy thoái đạo đức Nho giáo của một bộ phận quan lại, dẫn đến mất ổn định xã hội, lòng dân không thuận, những chuẩn mực đạo đức theo đó cũng bị kéo xuống, bối cảnh đương thời buộc chính quyền Lê - Trịnh buộc phải duy trì những giá trị tích cực của tư tưởng “Chính danh” trong điều kiện mới. Lại bộ hữu thị lang Nhan Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng khải

66

lên chúa Trịnh Tùng rằng: “…nay chính sự thi hành không bằng năm trước, mệnh lệnh ban bố không thể theo ý khoan hồng của người trên, chỉ chăm làm điều hà khắc tàn ngược, vơ vét hết tài sản của dân, những tiếng than sầu khổ cũng đủ cảm động đến trời mà răn bảo bằng điềm quái lạ, người làm chúa trông thấy thế cũng nên tự xét. Kính xin kính cẩn sự răn bảo của trời, thương dân nuôi mọn, một chút gì có lợi cho dân đều nên làm, một tệ gì có hại cho dân đều nên bỏ. Lại càng phải thi hành nhân chính đối với dân. Dân phố ở Kinh kỳ thực đáng thương xót, nên truyền lệnh các tướng ngăn cấm bọn cướp đoạt để mạnh gốc rễ của nước; dân Thanh Hóa tứ chiếng thực đáng thương xót, nên nhắc các tướng không được phiền nhiễu để làm vững nền móng của nhà nước. Như thế thì người gần đội ơi mà vui lòng, người xa thì nghe tiếng mà kéo đến. Thế là được lòng dân. Lòng dân vui ở dưới thì đạo trời ứng ở trên, sẽ thấy sao tai dị chuyển thành sao sáng lành, mưa tai dị chuyển thành mưa hòa thuận, các thức phúc đều đến cả và vương đạo đại thành vậy. Vua xem tờ tâu, lưu lại trong cung” [24, tr.1349].

Tuy nhiên, suy cho cùng, việc giáo dục đạo đức Nho giáo cho quan lại cũng là yếu tố khách quan. Nho giáo coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức (tu thân) là một việc phải làm thường xuyên và tự giác. Bản thân mỗi người quan phải thường xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, biết tự kiểm điểm hành vi của bản thân, một lòng giữ vững sự ngay thẳng, chính trực, làm gương cho nhân dân, bởi có làm gương về đạo đức thì mới cảm hoá được lòng người, được nhân dân nể phục.

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 64 - 67)