Chính sách tuyển bổ, sử dụng, đãi ngộ quan lại rõ ràng, hợp lý

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 76 - 80)

7. Cấu trúc của đề tài

3.1.5. Chính sách tuyển bổ, sử dụng, đãi ngộ quan lại rõ ràng, hợp lý

Cũng giống như các triều đại phong kiến trước, để có được đội ngũ quan lại chuyên nghiệp, có trách nhiệm với công việc được giao, chính quyền Lê - Trịnh khá coi trọng việc đào tạo và tuyển dụng quan lại thông qua việc tổ chức khoa cử đều đặn theo định kỳ. Theo đó, việc tuyển chọn quan lại đã dựa trên những tiêu chuẩn nhất định về đạo đức, học vấn, năng lực. Qua chế độ thi cử rõ ràng cũng cho thấy rõ chính sách trọng dụng, đào tạo và sử dụng nhân tài của triều đại Lê - Trịnh. Khoa cử là hình thức chủ yếu để tuyển dụng quan lại. Một lẽ tất nhiên là nếu đã có khoa cử, tức là có sự tuyển chọn người thực học, chân tài, bỏ loại kẻ yếu kém, chỉ dựa vào gia thế, quyền thế để tiến thân thì nhất định xảy ra hiện tượng tiêu cực, gian dối nơi trường thi. Đối với những hành vi sai trái này, các chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương,

76

Trịnh Doanh, Trịnh Sâm... thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, thẳng tay nghiêm trị. Theo Đại Việt sử ký tục biên, tháng 10 - 1717, Đô cấp sự Nguyễn Quí Thành làm giám thị trường Phụng Thiên, phạm tội làm sẵn bài thi bí mật gà cho sĩ tử. Việc bị phát giác, chúa Trịnh Cương bãi chức Nguyễn Quí Thành [15, tr.268].

Tháng 11 - 1726, chúa Trịnh Cương bắt Hương cống các xứ thi lại ở lầu Ngũ Long do con em các nhà thế gia đỗ khoa thi Hương phần nhiều nhờ “gà văn”, không có thực tài. Các con của Tham tụng (Tể tướng) Lê Anh Tuấn, Tắc quận công Phạm Công Trần, Vân quận công Đỗ Bá Phẩm, Đồng quận công Đặng Đình Gián thi lại đều trượt cả. Cộng những người thi hỏng ở các xứ, tất cả là 28 người, đều bị đưa xuống cho đình thần xét hỏi và trị tội nặng... [28, tr.102].

Tháng 10 - 1775, hội thi Hương, ở Thanh Hoa có giám sinh Đinh Thì Trung đổi quyển làm văn cho Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn). Việc bị phát giác, chúa Trịnh Sâm ra lệnh đầy Đinh Thì Trung ra Yên Quảng (Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay), đuổi Lê Quý Kiệt về quê làm dân thường... [28, tr.401].

Ngoài ra, thời Lê - Trịnh cũng áp dụng thêm các biện pháp tuyển dụng khác như đề cử, tuyển cử và tập ấm để tuyển chọn quan lại với những quy định nghiêm ngặt về trình độ, năng lực, phẩm hạnh của người được giới thiệu để Chúa xem xét bổ nhiệm. Mặc dù còn có những hạn chế, tiêu cực không tránh khỏi của các hình thức tuyển dụng này, song có thể coi đây là sự linh hoạt trong chính sách tuyển dụng quan lại của các triều đại Lê - Trịnh.

Về vấn đề sử dụng quan lại, chính quyền Lê - Trịnh đã áp dụng chính sách tản quyền trong việc phân công chức năng, nhiệm vụ cho đội ngũ quan lại. Tản quyền được hiểu là không để tập trung quá nhiều công việc vào một cơ quan hay chức quan mà phải chia sẻ cho cơ quan, chức quan khác. Do vậy, có sự phân công rạch ròi công việc, chức năng, quyền hạn của các cơ quan, chức quan trong bộ máy nhà nước. Chẳng hạn: “...Duy quan văn thì coi việc sáu phiên, giữ việc làm văn thư, cận thần thì làm nội sai tiểu ty, giữ việc phát thu mệnh lệnh. Lại cho sáu bộ nắm việc đại cương của sáu phiên; sáu khoa thì củ hặc những việc trái phép của sáu bộ; các khanh 13 đạo, các ty Đề hình, Phủ doãn ở Kinh kỳ, cùng các chức đề hình giám sát đều lệ vào đài ấy. Bên ngoài thì đặt [ba ty] Trấn, Thừa, Hiến. Trấn ty thì coi

77

việc cầm phòng, chống giữ; Thừa ty thì đốc suất các phủ huyện châu; Hiến ty thì giữ việc đàn hặc các quan lại Trấn [ty], Thừa [ty], phủ, huyện, châu và hiệu quan làm trái phép, cùng các nhà quyền quý cường hào [ức hiếp]. [Cả ba ty] để lệ vào đài [Ngự sử]. Còn Tôn nhân phủ, Quốc tử giám, Kinh diên, Sử quán, Hàn lâm, Đông các, Tư lễ, Tư thiên giám thì các lệnh sứ đều có chức vụ” [2, tr.578]. Ngoài ra, triều đình cũng phân bổ và sử dụng quan lại theo phẩm hàm, tước vị nhằm sử dụng đạt hiệu quả cao nhất, khai thác tối đa năng lực của họ... Đồng thời, giống như các triều đại phong kiến khác, chính quyền Lê - Trịnh cũng dựa vào yếu tố quyền lực, các chức vụ nhà nước phân thành hai loại: quan lại và nha lại. Quan chỉ huy, điều hành như quan tổng đốc, quan tri phủ, tri huyện; nha lại là người thừa hành, phục vụ cho các quan lại tại các nha môn, mà ngày nay gọi là "cán bộ", "nhân viên", hay công chức lãnh đạo, quản lý, công chức thừa hành.

Đối với đội ngũ quan lại, cũng giống như đặc điểm chung của các triều đại phong kiến Việt Nam, chính quyền Lê - Trịnh áp dụng chế độ thuyên chuyển, điều động, nhưng nha lại thì giữ ổn định, áp dụng chế độ "quan khứ nha tồn”. Để tạo môi trường mới, phát huy được tính năng động, sáng tạo của người làm quan, đồng thời để tránh những trì trệ, hoặc kéo bè, kéo cánh, phe phái, tham nhũng, nhà nước phong kiến Việt Nam đã áp dụng chế độ thuyên chuyển quan lại. Nhưng việc thuyên chuyển chỉ thuần túy là thuyên chuyển về không gian, địa điểm làm quan, mà không chuyển tính chất công việc làm quan, ví dụ quan tri phủ ở phủ này chuyển đi làm tri phủ ở phủ khác, hoặc làm tri huyện. Điều này cũng tiếp tục được thể hiện qua Chế độ Hồi tỵ, là một nét đặc sắc trong cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, sử dụng và quản lý quan lại của chính quyền Lê - Trịnh. Hồi tỵ theo tiếng Hán có nghĩa là tránh đi, lánh đi, về sau là một khái niệm mang ý nghĩa cấm một số trường hợp nhất định trong bố trí, sắp xếp quan lại khi có những quan hệ thân thuộc hay lệ thuộc nhất định nhằm phòng tránh tình trạng quan lại kéo bè kết cánh hay móc ngoặc, nể nang, bao che, tham nhũng, sách nhiễu dân chúng gây ra các tiêu cực làm giảm sút hiệu quả hoạt động của nhà nước.

Đối với chế độ đãi ngộ quan lại, bổng lộc của quan lại được quy định theo chức tước, phẩm hàm và tuỳ theo khối lượng công việc, thực chất là áp dụng

78

nguyên tắc trả lương theo việc làm và công trạng. Bên cạnh chế độ tiền lương, các triều đình phong kiến còn áp dụng chế độ tiền "dưỡng liêm" (theo nghĩa đen là nuôi dưỡng liêm khiết) cấp cho những viên quan cai trị gần dân như tri phủ, tri huyện nhằm khuyến khích "đức thanh liêm", nhưng không phát đồng đều cho các tất cả các tri phủ, tri huyện mà tùy thuộc vào nhiều hay ít công việc của từng phủ, từng huyện. Ngoài ra, thời Lê - Trịnh còn có chính sách lộc điền: Thông thường những bậc công thần khai quốc, con cháu có mối quan hệ huyết thống trực hệ với nhà vua sẽ được hưởng chính sách lộc điền. Khi được cấp, người đó có toàn quyền sở hữu ruộng đất và sau khi chết đi, con cháu của họ được hưởng thừa kế theo quy định chung; quân điền: các quan lại tùy theo chức vụ cao thấp đươc cấp ruộng đất làm bổng lộc. Chính sách quân điền năm 1711 có quy định quyền lợi đối với các quan như sau:

“Về các quan viên ăn ruộng, theo quy chế cấp ruộng cũ, các quan viên đã được ruộng cấp tứ thì không được cấp, ai chưa được cấp tứ mới được cấp. Nay theo quy chế cũ mà châm chước, quan viên nào có chức phẩm đã được cấp dân lộc rồi thì cũng thôi không cấp ruộng nữa, ai chưa được cấp dân lộ thì cứ theo phẩm mà cấp ruộng cho. Về mức phân cấp thì lấy hàng cuối cùng của phẩm thứ làm chủ đích. Người đứng ở cuối hàng cuối cùng được hưởng ruộng 9 phần, từ đó ngược lên, hễ cứ phẩm cao hơn một bậc thì được gia thêm nửa phần ruộng. Cứ theo số phần tương xứng mà định bậc cấp ruộng. Những người ở hàng cuối cùng được hưởng ruộng bằng nhau. Quan chức nhàn tản thì lui 2 phần để được công bằng. Những sắc mục chưa có phẩm chức thì cấp ruộng từ 8 phần rưỡi trở xuống... Các thuộc viên và binh lính đã có ngụ lộc thì cũng vẫn được chia cấp, chứ không ở vào lệ thôi cấp” [3, tr.124].

Như vậy, các chính sách tuyển bổ, sử dụng và đãi ngộ quan lại dưới thời Lê - Trịnh được ban hành khá rõ ràng, hợp lý, nhằm khắc phục tình trạng quan lại tham nhũng, tha hoá về phẩm chất đạo đức trong bộ máy nhà nước, góp phần đào tạo và xây dựng đội ngũ quan lại trong sạch.

79

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)