Hệ quả của nạn tham nhũng thời Lê Trịnh

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 48 - 52)

7. Cấu trúc của đề tài

2.2. Hệ quả của nạn tham nhũng thời Lê Trịnh

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế đến giáo dục... Tham nhũng tồn tại ở mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, không phân biệt trình độ phát triển. Ở thời Lê - Trịnh, tham nhũng đã len lỏi vào bộ máy quan lại, nhiều quan lại có sự thoái hoá về đạo đức và lạm quyền trong công việc để tư lợi cho cá nhân mình. Điều này, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và trở thành vấn nạn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới thời Lê - Trịnh.

Thứ nhất, hệ quả của tham nhũng đối với chính trị, hiện tượng tham nhũng thời Lê - Trịnh không chỉ xảy ra ở lĩnh vực tuyển lính, quản lý quân đội; ở lĩnh vực tuyển bổ quan lại mà còn xuất hiện ở cả lĩnh vực quản lý địa phương bởi quan lại quản lý ở địa phương370 là những người sâu sát, nắm rõ tình cảnh cũng như nhìn thấu được cuộc sống khổ cực của nhân dân nhất, họ chính là những người đáng lẽ ra phải cụ thể hóa trách nhiệm chăm lo của nhà cầm quyền đối với nhân dân. Đây là ba lĩnh vực quan trọng, nhưng vấn nạn tham nhũng đã làm cho nhiều quan lại sự tha hoá về phẩm chức đạo đức, nhất là trong lĩnh vực tuyển bổ quan lại đây được coi là lĩnh vực tuyển chọn những người tài giỏi phục vụ đất nước. Chẳng hạn, vấn nạn tham nhũng trong lĩnh vực tuyển bổ quan lại với những văn bằng thực và giả lẫn lộn nhau, gian tệ lan dần, như năm Cảnh Hưng thứ 31 (1771),“Sai xét lại các quan chức được bổ thực thị Hưng Hoá, Trấn Ninh đã dẹp yên, dân gian nhiều người cầu cạnh mạo danh khai quân công, đến nổi có người từ chân trắng nhận chức sắc vượt mức, văn bằng thực và giả lẫn lộn nhau, gian tệ lan dần” [28, tr.338] hay năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), “Gần đây bộ Lại thăng bổ các chức thủ lĩnh chỉ theo tư cách thâm niên khó nhọc mà không xét người ấy tốt xấu ra sao và việc bổ người tá nhị lại càng phức tạp. Cũng vì vậy nên quan trường chưa được trong sạch...” [28, tr.341]. Không chỉ ở lĩnh vực tuyển bổ quan lại, vấn nạn tham nhũng còn xuất hiện trong lĩnh vực quản lý địa phương. Cho thấy sự hà khắc, nhũng lạm của một bộ phận quan lại, gây khó khăn đối với đời sống nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong tờ khải mà

48

Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Thì đã từng dâng lên chúa Trịnh Tùng: “Nhưng kẻ thừa hành thì chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chỉ chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi 1 huyện thì làm khổ dân 1 huyện, coi 1 xã thì làm khổ dân 1 xã, mọi việc nhiễu dân, không điều gì không làm, khiến dân trong nước, con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát sướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hằng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi” [24, tr.1347].

Thứ hai, hệ quả của tham nhũng đối với kinh tế. Vấn nạn tham nhũng gây thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế dưới thời Lê - Trịnh. Cụ thể trong lĩnh vực ruộng đất, một bộ phận quan lại đã có những việc làm nhằm chiếm đoạt và ẩn lậu ruộng đất thành của mình để kiếm tư lợi như năm 1742 có trường hợp viên quan ở Đông các là Lê Trọng Thứ được cử đi khám xét vùng rộng thấp ở đạo Sơn Nam Hạ đã phát giác ra “hơn 2000 mẫu ruộng ẩn lậu của bọn địa chủ” [33, tr.422]. Đến năm 1744, triều đình cử Lê Quý Đôn đi khám xét ruộng đất mới khẩn hoang ở ven biển Sơn Nam Hạ đã phát giác “bọn hào cường cũ ở đây, quen thói hối lộ để ẩn giấu ruộng đất. Số ruộng ẩn lậu lên đến 9.100 mẫu” [33, tr.422]. Ngoài ruộng đất, chính quyền còn đặt ra nhiều thứ thuế vô lí như thuế đinh, thuế muối... và quan lại bị cuốn vào ma lực đồng tiền, tha hoá về mặt đạo đức khiến cho tài sản, lợi ích của Nhà nước hoặc của cá nhân bị biến thành tài sản riêng của một số bộ phận quan lại thực hiện hành vi tham nhũng, mà nguy hiểm hơn, tệ tham nhũng còn gây thiệt hại, gây thất thoát, lãng phí đối với sự phát triển của đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, khổ cực. Chẳng hạn, vào năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), có trường hợp của Phạm Gia Huệ được dắt díu nhau lên làm quanđã “thu lạm của dân hơn hai ngàn quan tiền” [28, tr.296]. Hay như việc sửa đắp đê đập, nhà nước thu tiền của dân giao cho các viên quan ở Trấn phụ trách, nhưng bọn này “phần thì đục khoét thợ thổ đấu làm thuê, phần thì mưu toan lấy số tiền còn thừa, thành ra công việc làm không được vững bền”, số hoạn quan trong phủ chúa ngày càng tăng lên; bọn nay được chúa ưu đãi nên tha hồ lộng hành, hạch sách, chiếm đoạt ruộng đất nhân dân [Dẫn theo Đại cương Lịch sử Việt Nam, tr.397]. Hoặc những kẻ không nộp thuế lại được đất màu mỡ, còn người nạp thuế lại được những đám đất cằn cõi như

49

“những kẻ không nộp thuế dung, thuế điệu thì chiếm hầu hết những đám màu mỡ; còn những người chịu nặng thuế má, diêu dịch chỉ được những đám cằn cỗi, đầu thừa đuôi thẹo những kẻ không nộp thuế dung, thuế điệu thì chiếm hầu hết những đám màu mỡ; còn những người chịu nặng thuế má, diêu dịch chỉ được những đám cằn cỗi, đầu thừa đuôi thẹo. Ruộng tư đã bị nhà hào phú kiêm tinh thì sự giàu nghèo đã cách biệt... Thêm nữa lại vì xã trưởng, thôn hào đồng tình làm mất mát, yểm hộ bè đảng, che chở nô bộc, chuyên tính kế ních đầy túi, đến nỗi để thiếu tiền công, mong đến lúc trưng thu để mượn cớ quấy nhiễu dân. Thậm chí bỏ túi riêng. Tiền công sở dĩ thiếu nhiều, dân hộ sở dĩ nghèo khổ phiếu lưu, thảy đềy là bởi có ấy” [28, tr.123]. Cộng thêm là sự phát triển tự phát của chế độ tư hữu về ruộng đất, lại thêm hạn hán rồi lụt lội, dẫn tới nạn đói gần như thường trực đối với người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Đã vậy, chế độ tô thuế của nhà nước phong kiến không ngừng gia tăng đè nặng lên đầu, lên cổ nông dân các địa phương. Chính Phủ Chúa năm 1731 đã buộc phải nhận xét: “Dân nghèo ngày một xiêu dạt dần, cùng khốn quá lắm, thiếu thuế tích lũy lâu năm... chính bộ khốn đốn không chi trì nổi” [3, tr.109]. Bên cạnh đó, cảnh tham quan, ô lại, nhũng nhiễu nhân dân, tham tụng Nguyễn Thế Bá đã phải kêu lên: “Việc kiện tụng thì nào đòi hỏi, nào dẫn người đương sự về nha hầu xét, bọn lại dịch tính hành trình bắt dân cung đốn, làm cho dân phải phí tổn nặng nề” [Dẫn theo đại cương Lịch sử Việt Nam, tr.356] hoặc như nhận định của Thượng thư Bộ Binh là Nguyễn Quán Nho cũng có nhận xét là bọn lại dịch “chỉ tránh việc nặng, tìm việc nhẹ, ăn hiếp người nghèo, che chở nhà giàu”

[Dẫn theo đại cương Lịch sử Việt Nam, tr.356]. Năm 1719, chúa Trịnh buộc phải kêu lên rằng: “kiện cáo rối beng, không bao giờ hết... phí tổn ngày một thêm, oán giận ngày càng nặng” [3, tr.186]. Như vậy, hệ quả của tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế đã dẫn đến đời sống người dân ngày càng trở nên cùng khổ và đồng thời oán giận của người dân ngày càng nặng dẫn đến sự mất niềm tin đối với chính quyền Lê - Trịnh.

Thứ ba, hệ quả của tham nhũng đối với nền giáo dục. Giáo dục là nền quan trọng hàng đầu của thời Lê - Trịnh. Bởi, giáo dục nhằm đào tạo ra nhiều người tài giỏi, có phẩm chất, có năng lực và đạo đức đứng vào hàng ngũ quan lại nhà nước. Tuy nhiên, một bộ phận quan lại phụ trách mảng giáo dục đã không giữ được phẩm

50

chất đạo đức của mình; làm trái công vụ; trái lương tâm; trái đạo đức chức phẩm của mình. Quan lại đã lợi dụng chức phẩm và quan hệ để nhận tiền, hối lộ, ức hiếp sĩ tử để lấy tiền bạc; điều này gây nên cái tệ trong nền giáo dục dưới thời Lê - Trịnh. Chẳng hạn, tham chính xứ Thanh Hoa Vũ CầuHối đã nhận nhiều tiền bạc, gửi gắm học trò làm kỳ đệ tứ. Hay trường hợp của Bùi Trọng Huyến giữ chức đề điệu trường thi Nghệ An, đã ẩn giấu hơn một ngàn quan tiền thông kinh do học trò tục nạp. Cộng thêm nhiều quan lại cấu kết thành một hệ thống để tham nhũng, nhũng nhiễu như các viên đề điệu, giám khảo, khảo thí ở các trường công nhiên nhờ cậy nhau lấy đỗ. Qua những việc làm như làm văn bài để bán, nhờ người làm bài thay, hối lộ quan trường,... Cũng chỉ vì mục đích học tập của kẻ sĩ: Học rồi thi không phải để ra làm quan đem tài học giúp dân, giúp nước mà ra làm quan để kiếm tiền, làm giàu. Điều này, dẫn đến việc học hành và thi cử lèm nhèm, hình thức như thế đưa đến một hậu quả không thể tránh khỏi là “những người học kém trà trộn được đỗ, người có học thường bị hỏng”, “khoa cử bị lạm dụng mà lối thực học của học trò bị bãi bỏ”, “văn thể càng thấp hèn, người tài ngày càng sút kém” [41, tr.550]. Như vậy, tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục khoa cử, dẫn đến việc tuyển cử quan lại không được tinh thông và ngày càng ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức, chất lượng của đội ngũ quan lại.

Thứ tư, đối với khía cạnh xã hội, hệ quả tham nhũng đó chính là dẫn đến đời sống người dân ngày càng khổ cực, cuối cùng “tức nước, vỡ bờ” họ đã cầm vũ khí đứng dậy đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của mình, đòi tự do. Phong trào nông dân khởi nghĩa có quy mô rộng lớn: Nổ ra ở hầu hết các địa phương của Đàng Ngoài, từ vùng rừng núi đến vùng trùng du, đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ngay từ những năm 1735 - 1736, những cuộc đấu tranh đã phát triển rộng khắp trở thành một phong trào ngày càng rầm rộ, mãnh liệt. Nhà nước Lê - Trịnh đó đưa ra nhiều biện pháp đàn áp nhưng không ngăn chặn nổi phong trào khởi nghĩa vũ trang của nông dân đang cuồn cuộn dâng lên như nước vỡ bờ. Năm 1736, Nguyễn Hữu Cầu lãnh đạo dân nghèo nổi dậy ở Thanh Hà (Hải Dương). Năm 1737, Nguyễn Dương Hưng hiệu triệu nông dân nổi lên ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc, hoạt động mạnh ở các vùng Vĩnh Phúc, Thái Nguyên). Năm 1738, Lê Duy Mật nổi dậy ở kinh thành

51

rồi lan toả vào Thanh Hoá, Nghệ An. Tiếp theo đó từ năm 1739, phong trào khởi nghĩa của nông dân Đàng Ngoài bước vào cao trào. Hàng loạt cuộc khởi nghĩa lớn, kéo dài cùng thời đều bùng nổ ở khắp nơi. Ở Hải Dương, Nguyễn Tuyền, Nguyễn Cừ khởi nghĩa ở Ninh Xá, Vũ Trác Oanh khởi nghĩa ở Mộ Trạch. Ở Sơn Nam cũng nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa: cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất lãnh đạo hoạt động rộng rãi khắp các vùng hạ lưu sông hồng, nhiều lần đánh bại quân đội của triều đình. Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao nổi dậy ở Nam Chấn (Nam Hà) đánh tan quân trịnh vào năm 1740. Phong trào tiếp tục trong nhiều năm tiếp theo, kéo dài lan tràn khắp cả Đàng Ngoài, từ Lạng Sơn đến Thanh, Nghệ Tĩnh; từ đồng bằng, ven biển đến miền núi. Đơn cử như cuộc khởi nghĩa của hai anh em Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ là người Hải Dương, căm giận triều đình giết oan cha mình là Nguyễn Mại, đã phối hợp với Vũ Trác Oánh kêu gọi nhân dân các huyện miền Đông nổi dậy. Nghĩa quân đánh phá trại ấp của bọn địa chủ quan lại gian tham, thu hết tiền của “phân phát cho dân nghèo”. Năm 1740, nghĩa quân với thế lực hùng hậu, đã đánh sang Đường An (Hải Dương) đốt phá phủ đệ của Họ Trịnh rồi kéo về phía Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội). Chúa Trịnh kêu gọi bọn địa chủ, hào lí hợp sức chống lại nghĩa quân. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Năm 1741, các thủ lĩnh Nguyễn, Nguyễn Cừ và Vũ Trác Oánh lần lượt bị giết, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Từ đó, chúng ta thấy được rằng tham nhũng như là một tác nhân làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội, làm phá hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Vấn nạn tham nhũng thời Lê - Trịnh chính là biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng của bộ phận quan lại lúc bấy giờ. Tình trạng các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy quan lại hiện hữu trên tất cả các mặt đã làm lũng đoạn nền chính trị, kinh tế cũng như gây nên sự bất ổn trong xã hội. Đặc biệt hơn, khi người thực hiện hành vi tham nhũng có khi là quan trường; người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - người đào tạo, rèn luyện những nhân tài phục vụ cho bộ máy nhà nước.

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 48 - 52)