7. Cấu trúc của đề tài
3.1.3. Ban hành các điều lệ
Thời Lê, kể từ sau thời kỳ thiện chính dưới sự trị vì của Lê Thánh Tông trở đi xảy ra biết bao biến động về chính trị và xã hội, khiến cho trật tự đảo lộn, kỷ cương lỏng lẻo. Vì vậy, đến thời Lê - Trịnh, sau nhiều năm chiến tranh và loạn lạc đất nước tạm đi vào thế ổn định, tiếp theo là sự phát triển nền kinh tế tư nhân. Cùng sự phát triển nền kinh tế hàng hóa, mối quan hệ giữa các giai tầng trong xã hội trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Tầng lớp quan lại đã trở nên vô cùng quan liêu và sa sút, hoành hành bức ép dân chúng thậm tệ. Để điều chỉnh những mối tệ đó, ngoài bộ Quốc triều hình luật được soạn thảo vào giai đoạn trước, đến thời kỳ này nhà Lê - Trịnh đã có sự điều chỉnh và bổ sung bằng nhiều điều luật có tính chất tố tụng và
67
được cải tiến trong hệ thống xét xử để thích hợp với những hoàn cảnh cụ thể và được tập hợp lại trong bộ Quốc triều chiếu lệnh thiện chính và Quốc triều khám tụng điều lệ
Bộ Quốc triều chiếu lệnh thiện chính gồm 179 điều lệnh chia làm 7 quyền. Quyển 1 là Lại thuộc, quyển 2 là Hộ thuộc, quyển 3 là Lễ thuộc (thượng), quyển 4 là Lễ thuộc (hạ), quyển 5 là Binh thuộc, quyển 6 là Hình thuộc, quyển 7 là Công thuộc. Về nội dung có liên quan đến tham nhũng, có thể chia thành các nhóm sau:
Nhóm thứ nhất, triều đình ban hành lệnh về quan lại trong quản lý địa phương. Cụ thể, vào năm Tân Mùi niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631), mùa hạ tháng 6, ban hành lệnh chỉnh lý kỷ cương: “Quan các nha môn trong ngoài kinh phải theo chức vụ mình nắm giữ để làm việc, viên nào thận trọng khi nắm giữ chức vụ, thanh liêm, công bằng, mẫn cán, có thành tích trong cai trị, hoặc đã khảo khoá đầy đủ, được dân ái mộ, hoặc quan nơi ấy làm tờ khải bảo cử, cho tra xét đúng sự thật, thăng chức một lần và cho lưu nhậm để biểu thị sự khuyến khích người cần mẫn. Nếu viên nào không cáng đáng được chức vụ, làm nhiều việc tệ nhũng, nhẹ thì biếm bãi đuổi về, nặng thì dung quân, suốt đời không được dùng lại” [45, tr.513]. Năm Ất Dậu, niên hiệu Phúc Thái thứ 3 (1645), mùa hạ tháng 6, ban lệnh về lệ khám tụng: “Quan cai hà khắc, cướp bóc, tróc bắt hại dân, các nhà quyền thế, cường hào hoành hành tróc bắt bừa bãi nhiễu dân, hoặc các hạng người vô lại đưa người quyền thế về tróc bắt dân xã, đều cho ngoài kinh thì cáo lên Hiến ty, trong kinh thì cáo lên Cai đạo, Ngự sử đài, điều tra sự thật khải lên để xét xử. Viên nào làm quan cai quản mà nhiễu dân thì bắt thôi cai quản, biếm chức tước. Nếu không cai quản mà cậy thế hiếp đáp người khác thì xử theo luật nặng” [45, tr.665]. Đến năm Giáp Tý, niên hiệu Chính Hoà thứ 5 (1684), mùa hạ tháng 4, ban hành lệnh thương dân, thiện chính: “Quan nha môn Hiến ty các xứ phải biết coi thương xót dân là việc hàng đầu trong cai trị. Nếu như có người dân nào ở bản xứ bị quan cai hà khắc, bị quyền quý ức hiếp, bị các chuyện khác phải ly tán, để đến nỗi luôn luôn sầu khổ thì đáng được ban ơn chăm lo thương xót. Hàng năm phải cho tuần hành thị sát sự thực, đến cuối năm khải lên rồi giao xuống bàn cách thi hành để thoả dân tình, rõ thiện chính. Thảng hoặc tuân lệnh không kính cẩn đã có phép nước” [45, tr.573].
68
Nhóm thứ hai, các lệnh về việc tuyển bổ quan lại theo hình thức bảo cử, tiến cử và nghị bàn về điều lệ thi hương, nghiêm cấm quan lại cho bừa chức tước. Gồm các lệnh vào năm Quý Mão, niên hiệu Cảnh Trị thứ nhất (1663), mùa hạ tháng 5, có chỉ truyền về lệ Nhị ty bảo cử quan lại trực thuộc: “Các quan hai ty Thừa - Hiến là phải có kỷ cương khi giữ lệnh, khi bảo cử thì phải mở mắt ra. Năm ngoái đã có phụng lệnh răn bảo, sai tiến cử các chức, nhưng chưa thấy thi hành. Từ nay về sau, phải tuân theo minh lệnh, tra kỹ các nha môn phủ huyện trực thuộc, viên nào dụng tâm chăm lo che chở cho dân, dạy bảo giáo hoá bộ dân, công minh liêm trực, xử kiện công bằng, thì phải phân loại bảo cử để bàn xét. Những người nhận mãn 2 kỳ khảo khoá, cho thăng chức khác. Viên nào không hết lòng thương yêu mà hà khắc với dân, tham nhận hối lộ, chức lười việc bỏ, phải làm rõ sự thực, hạch tội, xử phạt, biếm, để sáng luật nước. Nếu cố tình làm sai sự thật, để có người phát giác tố cáo, tra đúng sự thật, cũng có xử đến” [45, tr.518]. Tiếp theo, năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 9 (1671), mùa thu tháng 7, có lệnh sai các quan văn tiến cử người mình biết: “...Viên nào tiến cử đúng người nên bàn cho khen thưởng để tỏ ý khuyến khích. Nếu thấy kẻ đó hoặc người do kẻ đó tiến cử lộng hành làm việc tham lam đen tối, cho trình lên từ trước thì miễn liên đới chịu tội. Nếu cố tình thiên vị, giấu giếm không cho biết, tội cũng vậy” [45, tr.523]. Ngoài ra, còn có các lệnh vào các năm Mậu Ngọ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3 (1678), mùa thu tháng 7, nghị bàn điều lệ trường thi hương: “...Nếu khảo quan nào ngầm nhận sự gửi gắm, liên kết với nhau làm việc gian trá hoặc nhận thể văn dạng chữ, hoặc gian nhận số hiệu đánh dấu, dụng tình lấy đỗ hoặc cho trượt, thì cho quan khảo viện hoặc người biết tố cáo lên. Quan thí viện tra đúng sự thật trình lên xử sung quân để trừng trị thói tham nhũng” [45, tr.635]. Đến năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664), mùa hạ tháng 4, ban lệnh cấm cho rẻ chức tước: “Chức quan không thể coi nhẹ mà trao bừa, bọn này là một lũ lạm nhiễu, xin bừa để được cho riêng các chức, việc này đã bàn cấm rồi. Trước đây cho rẻ các chức, phải theo cái không có mà xét. Từ nay về sau viên nào có công, muốn xin một chức tước nào đó thì Hữu ty bàn công khai, triều đình bảo cử, có qua khải bẩm được chỉ truyền cho vâng sắc chỉ, mới cho kính nhận, để quan danh được đúng đắn” [45, tr.519].
69
Ngoài các lệnh quy định ở cuốn Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, dưới thời Lê - Trịnh đặc biệt dưới thời vua Trịnh Sâm (1767 - 1782) cho ra đời một văn bản luật quan trọng đó là Quốc triều khám tụng điều lệ. Chúa Trịnh Sâm đã cho tập hợp các lệ lệnh ban hành trước đó, thêm bớt điều chỉnh, sắp xếp thành 31 điều tuỳ theo tính chất của từng loại án kiện, cho khắc in và cấp đến từng nha môn. Nhưng trong
Quốc triều khám tụng điều lệ chỉ có một vài điều đề cập đến việc xử các viên quan tham nhũng. Chẳng hạn, theo thông lệ về khám tụng đã đề cập đến các vụ kiện tụng về việc các nhà quyền quý ức hiếp dân lành, nha môn hà lạm, tuần đồn hoành hành, quan ty đặt bán Giáo phường ra yêu sách, công sai đi bắt người nhũng nhiễu, dịch trạm đệ chuyển trái phép, giả làm sai dịch, giả ấn tín cùng là quan sở tại đốc sức dân hà khắc, đến cáo trình ở quan Hiến ty, phúc thẩm tại quan Ngự sử, nếu không giải quyết được thì đến Chính đường [45, tr.714]. Đến các nhà quyền quý ở kinh ức hiếp dân lành và các lại dịch hà lạm tiền thóc đã đến nộp ở kinh; các quan sở tại, đốc sức dân hà khắc làm cho dân phải phiêu tán, đều cho kêu trình tại quan Ngự sử và phúc thẩm ở Chính đường. Các vụ án mạng ở các xã huyện không lập biên bản khám nghiệm thì cho kêu trình ở Ngự sử đài, tra ra sự thực thì bác trả về xét xử lại [45, tr.715].
Ngoài ra, thông lệ về khám tụng còn nói đến việc các trưng quan, mục quan hà lạm, các lại dịch vâng ban cấp ruộng đất hà lạm, sách nhiễu ngoại lệ, hoặc các trưng quan, mục quan đốc sức dân hà khắc, các lại dịch xử trị dân các xã không chịu trả ruộng và nộp thuế, hoặc khiếu nại việc cấp, trùng cấp quá, đều trình báo ở quan Hộ phiên, phúc thẩm tại bộ Hộ. Không giải quyết được thì đến Chính đường [45, tr.715]. Hay dân các xã tranh đoạt lộc điền của các quan hành tuỳ sử thần, các quan hành tuỳ sử thần chiếm lạm ruộng công, hoặc dân xã tranh đoạt khẩu phần ruộng của thợ thuyền, và thợ thuyền tranh nhau khẩu phần, bỏ không làm việc, đều kêu trình ở Công phiên, phúc thẩm tại bộ Công, không giải quyết được thì đến Chính đường [45, tr.716].
Cũng trong văn bản Quốc triều khám tụng điều lệ, điều 22 về lệ kiện tụng các cai quan, mục quan hà lạm đã nói: Các cai quan trình việc đốc sức dân các xã và dân các xã khiếu kiện các quan, ở các tỉnh ngoài thì cho Hiến ty, ở kinh thì cho ngự
70
sử đài tra khám xét xử. Các trưng quan mục trình việc đốc sức, và dân trong vùng khiếu kiện các trưng quan mục quan hà lạm sách nhiễu, đều cho quan Hộ phiên tra khám xét xử. Nếu không phục tình thì phúc cáo tại quan bộ Hộ... Không đến 40 quan trở xuống thì phạt 20 quan tiền. Không đến 5 quan thì châm chước xét xử. Lạm thu về khẩu phần dân thì xem xét khoan giảm cho 1 bậc, lạm thu đến 60 quan trở xuống thì phạt 20 quan tiền cổ. Không đến 40 quan trở xuống thì phạt 10 quan tiền cổ. Không đến 10 quan thì khoan thứ không xét xử. Tiền lạm thu đều trừ ở vụ đó, còn thiếu thì trừ đến vụ sau [45, tr.758].
Như vậy, việc ban hành các điều lệ lệnh là nhằm thúc đẩy việc giải quyết nhanh chóng và công bằng các mối tệ tham nhũng dưới thời Lê - Trịnh, vì lợi ích của quần chúng nhân dân, góp phần hạn chế những cuộc đấu tranh của nhân dân chống triều đình.