Thời Lê sơ Mạc

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 31 - 35)

7. Cấu trúc của đề tài

1.3.2. Thời Lê sơ Mạc

Sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh giành thắng lợi, thời Lê sơ đã tiến hành xây dựng chính quyền, đứng đầu nhà nước là vua. Chính quyền trung ương được tổ chức lại theo mô hình nhà Trần. Giúp việc vua có các chức tả hữu tướng quốc, ba chức tư, ba chức thái, ba chức thiếu, bộc xạ... tiếp đến hai ban văn, võ. Ban văn do Đại hành khiển đứng đầu gồm hai bộ Lại và Lễ, Khu mật viện, Hàn lâm viện, Ngũ hình viện, Ngự sử đài, Quốc tử giám... cùng một số quản, cục và ty. Võ ban thì có các chức Đại tổng quản, Đại đô đốc, Đô tổng quản, Tổng quản, Tổng binh, Tư mã... cai quản 6 quân Điện tiền, 5 quân Thiết đột. Không những vậy, bắt đầu từ năm 1460 - 1471, Lê Thánh Tông đã tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn. Các chức vụ trung gian giữa vua và triều thần như tướng quốc, Bộc xa, Đại hành khiển… đều bị bãi bỏ. Vua trực tiếp chỉ đạo 6 bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công (do Thượng thư đứng đầu) là những cơ quan chính phụ trách mọi mặt công tác của triều đình. Giúp việc cụ thể có viện Hàn Lâm. Viện Quốc sử, Quốc tử giám, 6 tự. Bộ phận thanh tra quan lại được tăng cường: ngoài Ngự sử đài có thêm 6 khoa theo dõi trực tiếp hoạt động của các bộ.

Tuy nhiên, để có được đội ngũ quan lại chuyên nghiệp, có trách nhiệm với công việc được giao, các vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông đã chú trọng đến xây dựng bộ máy quan liêu có tài năng, học thức làm rường cột cho triều đình nhằm kiến thiết, phát triển đất nước trong thời bình. Theo đó, việc tuyển chọn quan lại đã dựa trên những tiêu chuẩn nhất định về đạo đức, học vấn, năng lực. Thời Lê sơ, đã ban hành chế độ thi cử nghiêm ngặt nhằm mục đích cho thấy rõ sự trọng dụng, đào tạo và sử dụng nhân tài của nhà Lê đối với đội ngũ quan lại. Do vậy, khoa cử được coi như là hình thức chủ yếu để tuyển dụng quan lại, ngoài ra các vị vua thời Lê sơ cũng áp dụng thêm các biện pháp tuyển dụng khác

31

như đề cử, tuyển cử và tập ấm để tuyển chọn quan lại với những quy định nghiêm ngặt về trình độ, năng lực, phẩm hạnh của người được giới thiệu để nhà vua xem xét bổ nhiệm. Mặc dù vậy, vẫn còn có những hạn chế, tiêu cực không tránh khỏi của các hình thức tuyển dụng này. Nhiều quan lại lợi dụng chức quyền chuộc lợi cho bản thân, nên đã có những hành vi nhận tiền đút lót, được ghi chép lại trong cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập I) và Đại việt sử ký toàn thư. Chẳng hạn: “Năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), Nội mật viện sứ Lê Cảnh Xước nhận 20 lạng bạc hối lộ” [24, tr.809]; “Năm Thái Hoà thứ 6 (1448), Lê Thụ sắm đám cưới cho con trai mình với nàng công chúa câm mới 10 tuổi, những kẻ cầu cạnh tranh nhau cúng của cải để mưu phú quý đến nỗi gấm thêu, lĩnh là, vóc lụa bán ở ngoài phố đều hết nhẵn. Lê Thụ lại bắt các quan lại ở trấn, lộ, huyện phải sắm đủ trâu, dê các thứ” [24, tr.838]; “Năm Quang Thuận thứ 3 (1462), đô đốc Nguyễn Sư Hồi nhận đút lót 80 lạng bạc” [22, tr.963] và “Năm Quang Thuận thứ 8 (1467), Đỗ (Tông) Nam, Thượng thư bộ Hình, làm quan mà ăn của đút; Nguyễn Như Đổ, Thượng lại bộ Lại giữ việc tuyển cử mà làm mất sự chính đáng” [22, tr.1025]. Có trường hợp quan lại lợi dụng chức quyền bốc lột tiền của nhân dân như: “Năm Quang Thuận thứ 8 (1467), Tây quân đô đốc Lê Thiệt vì quân lính và chỉ huy của Thiệt sai đi tuần tiễu biên giới đã dọa nạt lấy bạc của người châu Thoát” [24, tr.917].

Đứng trước những hiện tượng tham nhũng trong bộ máy quan lại Nhà nước ngày càng gia tăng về số lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và công việc đào tạo và tuyển chọn nguồn nhân lực cho đất nước, chính quyền Lê sơ cũng có những biện pháp cụ thể nhằm phòng ngừa tham nhũng trong bộ máy nhà nước, như là:

Thứ nhất, thời Lê sơ không những hoàn thiện lại tổ chức bộ máy Nhà nước mà còn thiết lập các cơ quan giám sát việc thực thi công vụ của quan lại. Cụ thể, thời Lê Thánh Tông, Ngự sử đài được đặt ở vị trí quan trọng. Đứng đầu các bộ phận trong Ngự sử đài thường là những người có học vị tiến sĩ nắm giữ. Ngoài Ngự sử đài, triều đình còn đặt ra Lục khoa là cơ quan thanh tra ở sáu bộ, có trách nhiệm tâu hặc quan lại sai trái và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ. Ở địa phương triều đình lập ra Giám sát Ngự sử để xem xét công việc ở cấp đạo trở xuống. Mỗi đạo lại

32

có Hiến sát sứ ty để thanh tra quan lại tránh sự nhũng nhiễu dân chúng, đồng thời còn để kịp thời phát giác và hạch tội các quan, làm rõ những điều uẩn khuất trong dân chúng.

Thứ hai, dưới triều Thái Tông, Nhân Tông và buổi đầu của triều đại Lê Thánh Tông, tệ quan lại tham ô, tham nhũng khá phổ biến: “Trên từ tể tướng, dưới thì trăm quan, thi nhau tranh giành tư lợi, ăn của đút và đưa đón một cách công khai” [22, tr.972]. Trước thực trạng đó cần phải có biện pháp ngăn ngừa, trừng trị những hành vi tham nhũng để giữ gìn kỷ cương và phép nước. Đến thời Lê Thánh Tông, cụ thể như trong Bộ luật Hồng Đức có tổng số 13 chương thì có 7 chương có các quy định về tham nhũng với các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Theo đó, có quy định về các tội phạm liên quan đến nhận hối lộ, nhũng nhiễu để chiếm đoạt tiền của dân, được thể hiện trong 14 điều. Việc nhũng nhiễu ăn hối lộ trên nhiều lĩnh vực khác nhau như nhận hối lộ trong tuyển đinh tráng vào quân đội (Điều 170); nhận hối lộ khi mật tra của quan liêm phóng (Điều 197); nhận hối lộ để không tâu với quan trên về hành vi khinh nhờn (Điều 229)... Nhóm tội danh thứ hai là các tội phạm liên quan đến lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản là ruộng đất, thuế khóa hoặc lạm quyền chiếm đoạt tài sản của dân. Với mục đích nhằm xử lý nghiêm tội tham nhũng, những hành vi tham nhũng bị phát giác, chính quyền cũng trừng phạt một cách nghiêm minh như cách chức (năm 1437, bãi chức Nội mật viện sứ Lê Cảnh Xước), (năm 1467, bãi quan chức của Tây quân đô đốc Lê Thiệt). Điều này, góp phần hạn chế những tiêu cực trong bộ máy quan lại thời kì này.

Thứ ba, giống như các triều đại trước, thời Lê sơ vẫn tiến hành việc kén chọn người hiền tài, xứng với chức vụ; thực hiện khảo hạch quan lại xét độ thanh liêm, thưởng phạt công bằng, quy định rõ ràng về lương bổng và thời Lê Thánh Tông tiến hành có quy củ hơn. Để khảo xét đức, tài của quan lại nhà nước ban hành lệ khảo khoá, cứ 3 năm 1 lần để “xét người hay, kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước” [2, tr.693].

Đối với triều Mạc (1527 - 1592), sau khi xã hội Đại Việt mất dần cảnh thịnh trị, kinh tế sa sút, đời sống nhân dân cực khổ, các thế lực phong kiến tranh chấp lẫn nhau. Trước tình hình đó, năm 1527, Mạc Đăng Dung đã tự phế bỏ nhà Lê, lập ra

33

nhà Mạc. Để có thể vừa xây dựng và kiến thiết đất nước, vừa có lực lượng lãnh đạo chống lại nhà Lê, nhà Mạc đã quan tâm đến việc tuyển chọn nhân tài và trọng dụng họ để phục vụ cho triều đình. Triều đình tổ chức ba năm mở một khoa thi như dưới triều Lê, chú trọng đến việc tuyển lựa những người có tài năng thông qua con đường khoa cử. Trong hàng ngũ quan lại nhà Mạc không phải không có những người tài giỏi, yêu nước thương dân như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Lại Mẫn, Đặng Võ Cạnh, Mạc Đôn Nhượng, Mạc Ngọc Liễn...

Tuy nhiên, nhà Mạc lại rơi vào nhiều biến cố lịch sử, nhất là nội chiến trong thời kì lúc bấy giờ vì bản thân triều Mạc bị coi là cướp ngôi nhà Lê sơ, gây ra sự phẫn nộ trong suốt thời kỳ phong kiến, nên sau khi bị thất thủ, các cổ sử ghi chép về triều đại này là vô cùng là hạn chế. Do đấy dẫn đến việc tìm kiếm những tài liệu có liên quan đến việc ghi chép lại hiện tượng tham nhũng và biện pháp phòng chống tham nhũng dưới thời Mạc là gần như không có.

34

CHƯƠNG II: HIỆN TƯỢNG THAM NHŨNG DƯỚI THỜI LÊ - TRỊNH (1599 - 1786)

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)