Tăng cường hoạt động của cơ quan giám sát thời Lê Trịnh

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 80 - 83)

7. Cấu trúc của đề tài

3.1.6. Tăng cường hoạt động của cơ quan giám sát thời Lê Trịnh

Cùng với việc cải cách, củng cố bộ máy quan lại, các triều đình phong kiến còn có những biện pháp, quy chế tương đối chặt chẽ để có thể giám sát hành vi của quan lại. Ngay từ thời nhà Trần, triều đình đã đặt Ngự sử đài là cơ quan làm nhiệm vụ giám sát các hoạt động của quan lại triều đình. Ngự sử đài được đặt ra lần đầu tiên vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 (1250) dưới thời vua Trần Thái Tông. Phụ trách Ngự sử đài là các chức quan Ngự sử đại phu, Ngự sử trung tướng, Thị ngự sử, Giám sát ngự sử, Chủ thư thị ngự sử, Ngự sử trung tán. Sang đời Lê đặt thêm các chức Trung thừa, Phó trung thừa, Chủ bạ, Đô ngự sử, Phó đô ngự sử, Thiêm đô ngự sử. Thời Lê - Trịnh tiếp tục duy trì mô hình cơ quan giám sát thời Lê sơ và không thay đổi nhiều. Do đó, “Ngự sử đài được coi là cơ quan có trách nhiệm đàn hặc quan lại, bàn về chính sự hiện thời. Phàm các quan làm trái phép, chính sự hiện thời có thiếu sót, đều được xét hặc trình bày, cũng là xét bàn về thành tích của các nha môn đề lĩnh, phủ doãn, trấn thủ, lưu thủ, thừa ty, và xét hỏi các vụ kiện về người quyền quý ở Kinh ức hiếp, về người cai quản hà lạm. Về các vụ kiện kêu lại lôi thôi, nếu ở trong đã qua đề lĩnh, phủ doãn, ở ngoài đã quan trấn thủ, lưu thủ và hai ty Thừa, Hiến rồi thì mới được khám xử, cần phải bày rõ lý lẽ, khiến cho việc kiện đấy đây là thôi (điều này theo chuẩn định năm Dương Đức thứ 3 (1674)” [2, tr.585]. Vì vậy, chức trách và nhiệm vụ của Ngự sử đài rất lớn trong hệ thống chính quyền nhà nước.

Dưới thời Lê - Trịnh, Ngự sử đài có 4 cơ quan trực thuộc gồm: Kinh lịch ty, có nhiệm vụ coi việc đăng lục các ấn, do quan Kinh lịch đứng đầu mang hàm Tòng bát phẩm, Tư vụ sảnh, có nhiệm vụ trông coi tổng quát các việc lặt vặt hàng ngày của Ngự sử đài do quan Tư vụ mang hàm Tòng bát phẩm đứng đầu, Chiếu ma sơ, có nhiệm vụ ghi chép sổ sách văn thư, do Chiếu ma mang hàm Tòng bát phẩm đứng đầu, Án ngục ty, cơ quan này chuyên trông coi hình ngục và do quan Ngục thừa mang hàm Chánh cứu phẩm nắm giữ. Tuy vậy, ở trung ương vẫn có tổ chức Lục bộ (bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công), giúp việc Lục bộ có Lục tự. Lục tự được thiết lập từ năm 1466 dưới triều Lê Thánh Tông và được tồn tại song song với Lục bộ suôt thời Lê Trung Hưng, bao gồm Đại lý tự, Thái thường tự,

80

Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự và Thượng bảo tự. Ngoài Lục tự còn có Lục khoa, là cơ quan giám sát công việc của từng bộ tương ứng. Lục khoa được Lê Nghi Dân cho thành lập vào năm 1460, bao gồm là Trung thư khoa giám sát bộ Lại, Hải khoa giám sát bộ Hộ, Đông khoa giám sát bộ Lễ, Tây khoa giám sát bộ Binh, Nam khoa giám sát bộ Hình và Bắc khoa giám sát bộ Công. Thời Hồng Đức trở đi, sáu khoa trên được đổi thành Lại khoa, Hộ khoa, Lễ Khoa, Binh khoa, Hình khoa và Công khoa tương ứng với sáu bộ [43, tr.74]. Còn Ngự sử đài địa phương là các quan giám sát các đạo. Đứng đầu Ngự sử đài địa phương là chức Giám sát ngự sử.

Tuy nhiên, việc củng cố bộ máy, ban hành các quy định làm việc đã được chính quyền Lê - Trịnh quan tâm và quản lý chặt chẽ hơn thời kì trước. Năm đầu niên hiệu Cảnh Trị 1663, chúa Trịnh ra sắc lệnh cho “Ngự sử đài và các viên giám sát Ngự sử 13 đạo, xét hỏi đơn từ kiện tụng, phải tuân theo luật lệnh, giữ được thanh liên cần mẫn, không được để công việc ứ đọng, không được làm trái với pháp lệnh đã định. Lại hạ lệnh cho hai ty Thừa chính, Hiến sát các xứ; khảo xét các viên phủ huyện thuộc dưới quyền mình, xem người nào biết hết lòng thương yêu nuôi dưỡng dân, thi hành chính sự được công bằng, xét xử kiện tụng được hợp lý; người nào hà khắc, tham ô, bỉ ổi, chính sự lười biếng bê trệ. Các quan hai ty đều kê tên các hạng phủ huyện ấy trình bày, để sẽ thi hành việc truất bãi hoặc cất nhắc” [23, tr.296]. Đến Tháng 2 năm Dương Đức thứ hai 1674, chúa Trịnh có lệnh dụ: “Ngự sử là chức tai mắt của triều đình cốt để chấn chỉnh kỷ cương và giữ nghiêm phong thái. Hễ chức tể tướng có lỗi, tướng thần có sai, các quan trái phép, thời chính thiếu sót, đều cho phép hặc tôi tâu bày. Đề hình giám sát ngự sử thì chuyên giữ các việc can bàn, thẩm xét, xử đoán, củ hặc, xét ghi, soi soát. Giám sát ngự sử thì giữ việc đàn hặc. Nếu thấy thời chính có thiếu sót, các quan có lỗi lầm thì phải trình bày hặc tội” [24, tr.1435].

Dưới thời Lê - Trịnh có một số gián quan nổi tiếng, điển hình như Lê Quý Đôn. Năm 1771, khi ông còn giữ chức Phó Đô ngự sử, ông đã dùng số bạc hối lộ của tội phạm khi xét kiện dâng cho chúa Trịnh và được chúa Trịnh khen ngợi và cho thăng làm Tả Thị lang bộ Công, quyền giữ chức Đô ngự sử. Sau đó, “nhân khi khám xét hạt Thanh Hoa trờ về, lại dâng hơn một ngàn bạc ăn của đút” [23, tr.697]

81

thu được từ quan lại địa phương, ông được bổ làm Hữu Thị lang bộ Hộ. Ông đã từng tâu bày 4 việc, đó là “1. Cống sĩ thi Hội trúng được kỳ đệ tam phần nhiêu lạm sắc nội hoàng gia ơn, nhảy qua tư cách trao chức vượt bậc. Xin xét thực, hoặc bắt trở về bậc cũ; 2. Hiến sát phó sứ và tham nghị là người có chuyên trách ở một địa phương, thế mà ít lâu nay những bọn cầu may để làm quan phần nhiều không do các quan trong triều đường bảo cử, chỉ lén lút cầu cạnh để được dự vào sự bổ dụng. Xin thu hồi lệnh trước, mà cho các quan trong triều đường bảo cử theo như lệ cũ; 3. Đất bãi ở các lộ xin phái các quan chia nhau đi khám lại; 4. Những dân xã ở các lộ, trước đây phụng mệnh được miễn trừ, gần đây vì chép lại sổ sách rồi sinh ra sự thay đổi thêm bớt gian trá. Xin sai tín thần xét thực để chỉnh đốn lại cho được đúng” [23, tr.697]. Chúa Trịnh Sâm cho là phải, lập tức hạ lệnh cho thi hành. Do vậy mà, những viên quan được chọn vào làm ở Ngự sử đài là những người cương trực, thẳng thắn, dám nói thẳng, nói thật, nhìn thẳng vào sự thật. Chúng ta biết rằng, việc vạch ra cái sai, cái xấu, cái cần phê phán của các quan lại đồng liêu rất dễ gây thù, chuốc oán, nhất là đối với các viên quan lại có địa vị cao hơn mình, rất dễ gánh lấy hậu quả của sự đè nén, trù dập. Vạch cái sai của các quan còn thế, vạch cái sai của các bậc vua chúa quyền uy tối thượng thì còn nguy hiểm hơn nhiều, chẳng khác gì vuốt râu hùm. Vì nói thẳng, nói thật mà bị cách chức, bị đuổi về quê là chuyện không hiếm, bởi vì “trung ngôn nghịch nhĩ”. Nhưng trách nhiệm của các vị quan làm việc ở Ngự sử đài là phải nói, phải phản biện. Trước những lời nói, việc làm, những quyết định vi hiến ở triều đình, các quan làm việc ở Ngự sử đài không thể im lặng, cho qua. Bởi nếu như thế thì chính các quan Ngự sử sẽ bị đàn hặc lại, vì không hoàn thành nhiệm. Vì vậy, cái “ghế” của quan Ngự sử thật khó “ngồi”. Làm việc ở Ngự sử đài có trách nhiệm lớn như thế nhưng người đứng đầu cũng chỉ có hàm Tam phẩm, chưa bằng một vị Thượng thư lục bộ (Thượng thư có hàm Tòng nhị phẩm - Theo Lê triều quan chế).

Nhìn chung, chế độ thanh tra, giám sát của Ngự sử đài, lục khoa dưới thời Lê - Trịnh là độc lập. Tức là cơ quan giám sát này hoạt động không chịu sự ràng buộc, can thiệp của bất cứ một cơ quan nào. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế, có những hoạt động của của cơ quan giám sát có thể có sự can thiệp của nhà vua.

82

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)