Một số nhận xét

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 83 - 84)

7. Cấu trúc của đề tài

3.2. Một số nhận xét

Để khắc phục tình trạng quan lại tham nhũng, thời Lê -Trịnh đã ý thức rất rõ ràng là cần đặt ra một quy định thật rõ ràng, chặt chẽ và phải tiến hành tổ chức thực hiện một cách nghiêm minh nhằm hạn chế một cách tối đa các hành vi tham nhũng trong bộ máy nhà nước, đem lại cho triều đình những lớp quan lại có đạo đức, có tài năng để phụng sự và phát triển đất nước. Thông qua những biện pháp mà thời Lê - Trịnh định ra và áp dụng trong việc đối phó với các hiện tượng tham nhũng trong bộ máy quan lại, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, thời Lê - Trịnh đã sử dụng các biện pháp trừng phạt khác nhau, tuỳ vào mức độ vi phạm của quan lại. Cách xử lí các hành vi tham nhũng trong bộ máy quan lại của thời Lê - Trịnh khá linh hoạt và nghiêm minh, có tính răn đe. Thời Lê - Trịnh đưa ra các hình thức xử phạt trên cơ sở xác định rõ động cơ phạm tội, điều kiện, để từ đó có thể giải quyết vụ việc sao cho công bằng và hợp lí nhất.

Thứ hai, trong việc đề ra các biện pháp phòng chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước, thời Lê - Trịnh đã không ngừng bổ sung, sửa đổi thêm các biện pháp phòng chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi tiêu cực của quan lại. Tuy vậy, luật pháp của thời Lê - Trịnh không phải lúc nào cũng luôn hà khắc mà còn có cả tính nhân văn, nhân đạo tùy theo trường hợp, đối tượng cụ thể mà có thể dung thứ nhưng vẫn đảm bảo xử đúng người, đúng tội. Chẳng hạn, năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), đốc suất trấn Nghệ An Văn Đình Ức ở trong trấn nhưng lại “bòn rút của dân, chính lệnh hà khắc, nhũng nhiễu, bị dân thuộc hạ cáo tố” nhưng xét lại trước đây vì Chúa Trịnh nghĩ cha Ức là [Vân] Đình Dận có công lao, “tha cho Ức khỏi tội chết” [28, tr.275].

Thứ ba, trong việc đề ra các hoạt động thanh tra, giám sát và biện pháp phòng chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước, chính quyền Lê - Trịnh không ngừng bổ sung thêm, sửa đổi nhằm răn đe các hành vi tham nhũng của một số bộ phận quan lại. Tuy nhiên, khi ban hành điều luật chặt chẽ thì một số quan lại lợi dụng chức vụ của mình lách luật để tham nhũng. Như năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759), Giám sát ngự sử Nguyễn Đình Ngọc làm giám khảo trường thi Phụng Thiên, đã làm gian, bị quan trường tố cáo, nên triều đình cho cách chức đuổi về.

83

Hay như năm Đức Long thứ 4 (1632), Quan triều đường là bọn Nguyễn Thực, Nguyễn Khải giữ trách nhiệm tuyển bổ, lấy nhiều của đút, nên triều đình bãi chức tước. Do vậy, cũng không thay đổi được mối tệ đương thời.

Thứ tư, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng tham nhũng thời Lê - Trịnh đó chính là sự tha hoá đạo đức của đội ngũ quan lại. Vì vậy, để ngăn chặn sự tha hoá đó, triều đình đã đặt ra nhiều biện pháp, trong đó có chính sách biểu dương và khen thưởng cho những quan lại thanh liêm để làm gương cho các quan lại khác. Chẳng hạn, vào năm Năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), Lê Đình Kiên trấn thủ Sơn Nam, làm việc liêm khiết công bằng, dập tắt được mối trộm cướp, làm cho nhân dân yên ổn nên triều đình cất nhắc Lê Đình Kiên được giữ chức này [23, tr.323]. Hay năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), Đại Tư đồ Khuê quận công Giáp Nguyễn Khoa mất, được triều đình truy phong làm phúc thần. Giáp Nguyễn Khoa là gia thần hầu hạ trong phủ chúa, thanh liêm, cẩn thận, có tâm trí. Từ khi nhà nước mới dùng binh, ông coi việc Hộ phiên, trải hơn hai mươi năm, khéo điều độ, biết liệu số thu mà chi, không mang tiếng bớt xén hà khắc, mà việc quân việc nước chi dùng thường thừa thãi. Đến bấy giờ mất, truy phong làm phúc thần [28, tr.340].

Như vậy, những biện pháp của thời Lê - Trịnh trong việc phòng chống tham nhũng đã chứng minh một điều rằng thời Lê - Trịnh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế và giáo dục. Không thể phủ nhận rằng, các chính sách của chính quyền Lê - Trịnh đưa ra đã kịp thời xử lí các hiện tượng tham nhũng một cách nghiêm minh và linh hoạt. Tuy nhiên, sự kiểm soát của nhà nước vẫn có những lỗ hổng để cho các hiện tượng tiêu cực có thể luồn lách, nên không thể xử lý, ngăn chặn triệt để các hành vi tham nhũng của bộ máy quan lại.

Một phần của tài liệu Tham nhũng và phòng chống tham nhũng dưới thời lê trịnh (1599 1786) (Trang 83 - 84)