Chính sách về tuyển dụng, sử dụng và quản lý

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức nữ cấp huyện của quận 12, thành phố hồ chí minh (Trang 25 - 27)

Tuyển dụng công chức là việc tuyển người vào làm việc trong biên chế cơ quan nhà nước, thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Đây là khâu đầu tiên trong chu trình quản lý công chức; có tính quyết định đối với chất lượng công chức và cho sự phát triển một cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của nền công vụ. Nếu tuyển dụng được những công chức giỏi vào làm việc thì hoạt động công vụ sẽ đạt hiệu quả cao hơn vì công chức là nhân tố quyết định đến sự vận hành của nền công vụ.

Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 đã đổi mới cơ bản về tuyển dụng công chức, tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế, thông qua hình thức thi tuyển theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, bảo đảm tính cạnh tranh và công bằng. Hình thức thi, nội dung thi tuyển công chức phải phù hợp với ngành, nghề, đảm bảo lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu vị trí cần tuyển dụng.

Công chức phải có lý lịch chính trị rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí cần tuyển, một số vị trí yêu cầu phải là đảng viên hoặc đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng. Khi tuyển dụng công chức phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, chú ý sắp xếp đúng người, đúng việc, đúng ngành nghề, đúng chuyên môn, sở trường sẽ phát huy được năng lực công tác của từng công chức và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao trong

công việc. Nếu làm không tốt việc tuyển dụng công chức sẽ dẫn đến “chảy máu chất xám” trong khu vực quản lý nhà nước, làm cho những người có trình độ năng lực thực sự không muốn tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước do công tác xét tuyển hay thi tuyển không đảm bảo khách quan, công khai, công bằng giữa các thí sinh.

Khi được tuyển dụng, nếu bố trí vào vị trí không phù hợp với năng lực chuyên môn, công chức sẽ dễ sinh ra bất mãn, không muốn phấn đấu vươn lên, không muốn cầu tiến trong công việc, mai một trí lực và nhiệt huyết trong công việc hoặc phân công một nhiệm vụ trong thời gian quá lâu sẽ làm cho họ nhàm chán công việc. Mặt khác, những người không có năng lực mà lại phải đảm nhiệm công việc quá sức thì hiệu quả công việc đem đến cũng không cao, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Vì vậy, việc sử dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ và tiêu chí của từng ngạch, từng vị trí việc làm, đảm bảo cho công chức phát huy tốt năng lực, sở trường cá nhân, sử dụng đúng chuyên môn đào tạo để công tác bố trí đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi bố trí, phân công công tác cho công chức cần phải thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của họ, kịp thời động viên, khen thưởng khi công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với chức danh, chức vụ được bổ nhiệm.

Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức là quy định bắt buộc, phải thực hiện khách quan, công tâm, khoa học và hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức; chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân và giữ được sự ổn định, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nguyên tắc hoán vị, không tăng biên chế, hạn chế và đẩy lùi các biểu hiện, hành vi có nguy cơ phát sinh tham nhũng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức nữ cấp huyện của quận 12, thành phố hồ chí minh (Trang 25 - 27)