Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức nữ cấp huyện của quận 12, thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 29)

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn xem công tác cán bộ có vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác của Đảng và Nhà nước. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung và vấn đề đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức nói riêng.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy với công việc, sẵn sàng phục vụ Nhân dân, đào tạo được xem là một nội dung quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, tổ chức Nhà nước.

Bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, là quá trình tác động làm cho đối tượng phát triển năng lực, nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thông qua cập nhật những kiến thức mới, kỹ năng đã được đào tạo để họ thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Bồi dưỡng để cập nhật, trang bị thêm những kiến thức mới, kỹ năng tiếp cận và giao tiếp nhằm giúp cho cán bộ, công chức dù ở vị trí việc làm nhiệm vụ nào cũng tự tin thực hiện.

Đồng thời, thực hiện quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt là tạo nguồn cán bộ vững chắc sẵn sàng thay thế theo từng vị trí cán bộ; qua đó tạo động lực phấn đấu của công chức được (hoặc chưa được) quy hoạch theo quy định tiêu chuẩn của từng chức danh.

Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.

Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/4/2016 tại hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” kiên quyết khắc phục yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc trên lợi ích cá nhân.

Có thể thấy, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn nhiều hạn chế, bất cập về năng lực, kỹ năng. Vì vậy, thông qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thông qua các chủ trương lớn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ về năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Chính sách được cụ thể hóa trong các văn bản như Luật, Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Thông tư: tiêu chuẩn, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách đổi với cán bộ, công chức.

Quy hoạch cán bộ là quá trình tạo nguồn cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, việc xây dựng đề án dự kiến bố trí, sắp xếp, giới thiệu, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, đề bạt hoặc giới thiệu cán bộ, công chức ứng cử vào chức danh lãnh đạo. Như vậy, quy hoạch cán bộ, công chức trở thành căn cứ quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, đồng bộ về cơ cấu, sẵn sàng đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức nữ cấp huyện của quận 12, thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 29)