Kinh nghiệm trong nước

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 44 - 48)

1.5. Kinh nghiệm quản lý NSNN trong đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu quả

1.5.1. Kinh nghiệm trong nước

1.5.1.1. Kinh nghiệm quản lý NSNN trong đầu tư XDCB tại thành phố Đà Nẵng:

Thành phố Đà Nẵng được biết đến về thành tích cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý trên tất cả lĩnh vực, trong đó nổi bật là công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể:

Một là, nâng cao cải cách hành chính và năng lực bộ máy nhà nước. Trên cơ sở văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý chi đầu tư XDCB, UBND thành phố Đà Nẵng đã cụ thể hóa để thực hiện, tiến hành phân cấp quản lý hợp lý; hướng dẫn chi tiết về trình tự các bước triển khai về đầu tư xây dựng cơ bản và các chủ thể quản lý thụ lý hồ sơ một cách có trách nhiệm theo thẩm quyền quản lý của mình.

Hai là, điểm sáng trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng. UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành các quy định cụ thể, chi tiết về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, theo nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, thực hiện cơ chế dân chủ cơ sở, kết hợp với chính sách khen thưởng đối với các đối tượng thực hiện giải phóng mặt bằng vượt tiến độ và cưỡng chế kịp thời các đối tượng cố ý chống đối.

Ba là, nhân tố con người quyết định mọi thành công trong quản lý. Đặc biệt là vai trò trách nhiệm cá nhân lãnh đạo chủ chốt hết sức quan trọng và có tính chất quyết định đã tác động đến niềm tin của nhân dân đối với sự quan tâm của nhà nước, mặt khác gia tăng áp lực về trách nhiệm của bộ máy quản lý nhà nước, bắt buộc công chức, viên chức không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc.

1.5.1.2. Kinh nghiệm quản lý NSNN trong đầu tư XDCB tại KBNN tỉnh Đồng Nai:

Công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN của ngành Tài chính tỉnh Đồng Nai giúp cho tỉnh Đồng Nai có sự vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, con người là nhân tố quyết định trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để có đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát thanh toán vốn có trình độ chuyên môn vững vàng. Đồng thời, thường xuyên nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức để đội ngũ cán bộ có tư tưởng vững vàng, dũng cảm đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, sai trái trong kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB vì đây là lĩnh vực khá nhạy cảm và dễ xảy ra tiêu cực.

Thứ hai, hiện đại hóa chương trình ứng dụng quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư. Thực hiện việc kết nối thông tin cơ sở dữ liệu với các sở, ban, ngành để tiến hành trao đổi, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời cho các

cấp, các ngành trong quá trình quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư XDCB từ NSNN.

Thứ ba, thực hiện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan trong quá trình kiểm soát bố trí, thanh toán vốn để kịp thời trao đổi thông tin, tìm ra hướng giải quyết đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện vai trò tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương trong quá trình đầu tư XDCB, đảm bảo bố trí sử dụng vốn có hiệu quả, không để tồn đọng, gây lãng phí NSNN.

Thứ tư, Ngành tỉnh Đồng Nai thực hiện phân cấp một cách hợp lý nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB theo mức vốn, nguồn vốn và khả năng đáp ứng nhiệm vụ của cán bộ cho KBNN cấp huyện.

1.5.1.3. Kinh nghiệm, ý kiến của chuyên gia tại hội thảo “GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NGUỒN VỐN CHO ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU” do Sở Tài chính chủ trì:

a) Tham luận của Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về “Kinh nghiệm và các giải pháp thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Theo đó, Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu cần có quan điểm phát triển theo trọng tâm khu vực, nhất là “tứ giác phát triển” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quan trọng nhất chính là kết nối giao thông để Bà Rịa – Vũng Tàu thực sự trở thành điểm đến cho nhà đầu tư và hấp thụ tốt nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội ) cần quan tâm 4 điểm sau đây:

- Thu hút đầu tư phải dựa trên định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế với 5 trụ cột chính và trên quan điểm kinh tế Vùng, bao gồm:

+ Tận dụng lợi thế các khu công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu để tạo bước đột phá phát triển các ngành công nghiệp: Bên cạnh các ngành công nghiệp đang là thế mạnh như: Lọc, hóa dầu; Cán thép; Cơ khí chế tạo; Năng lượng…cần ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm Nông - Lâm - Ngư nghiệp của tỉnh. Cần thu hút các doanh nghiệp chế biến Nông - Lâm - Ngư nghiệp làm hạt nhân để quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, hình thành các “Cụm sản xuất Nông - Công nghiệp”. Các “Cụm sản xuất Nông - Công nghiệp” này kết hợp với cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải sẽ tạo đột phá trong thời gian không xa và sẽ đưa thị xã Phú Mỹ thành Cảng trung chuyển lớn nhất Đông Nam Á.

+ Phát triển du lịch theo tính chất của một “cụm ngành” được công nghiệp hóa: Đây là ngành kinh tế tổng hợp, muốn phát triển và đưa ngành này thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải phát triển đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động trên cả 04 lĩnh vực: lưu trú (bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng; dịch vụ hưởng thụ, ẩm thực và mua sắm.

+ Dịch vụ cảng và logistic với vị trí là “cửa ngõ quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây nguyên”: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần khai thác thế mạnh về dịch vụ Cảng - Logistics.

+ Phát triển Nông - Lâm - Ngư nghiệp dựa trên công nghệ cao và chuyển từ số lượng sang chất lượng và giá trị: Khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp không đóng góp lớn vào tốc độ tăng GRDP và tỷ trọng ngày càng giảm trong cơ cấu kinh tế, nhưng trong dài hạn vẫn là lĩnh vực nền tảng về kinh tế - xã hội. Khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp không chỉ cung ứng lương thực thực phẩm cho thị trường, mà quan trọng hơn là cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo mô hình xây dựng các “Cụm cứ điểm nông - công nghiệp”.

+ Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

- Phải sử dụng đầu tư công như một loại “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân và tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội phải ngày càng giảm (số tuyệt đối của 2 loại vốn đầu tư vẫn tăng). Cần xây dựng một định chế tài chính của chính quyền địa phương đủ mạnh để làm “đối tác” chính trong thu hút vốn đầu tư tư nhân, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Phải xây dựng được nền công vụ phục vụ, khả dĩ tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và người dân về lợi ích phát triển và sự công tâm của bộ máy chính quyền.

- Trong từng lĩnh vực phải mời gọi cho được những “doanh nghiệp đầu đàn” mà sự đầu tư của họ sẽ hình thành những chuỗi sản xuất, lưu thông, thu hút những doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia, tạo sức lan tỏa lớn về kinh tế - xã hội.

b) Tham luận của GS.TS. Sử Đình Thành - Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu và kinh doanh châu Á về “Phân cấp thể chế và đầu tư tư nhân so sánh Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh/thành Việt Nam”. Theo đó, sau khi nghiên cứu các mối quan hệ giữa thể chế và đầu tư khu vực tư nhân thì nhận thấy một số tiêu chí như tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức,… của Bà Rịa – Vũng Tàu chưa được cộng đồng doanh nghiệp trong nước đánh giá cao. Sắp tới, chính quyền địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, các cơ quan ban ngành nên nỗ lực cải thiện các tiêu chí này. Bởi một khi quản trị kinh tế tốt sẽ tạo ra một môi trường đầu tư hiệu quả, giảm bớt các chi phí thông tin bất cân xứng, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nỗ lực đó sẽ lôi kéo những nguồn vốn đầu tư phát triển, nội lực của người dân, doanh nghiệp thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển bền vững. Đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp lý của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có liên quan đến quản lý vốn trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

c) Tham luận của PGS.TS. Bùi Thị Mai Hoài – Trưởng khoa Tài chính công - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM về “Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành địa phương du lịch sạch đẹp, an toàn và đáng sống thông qua khai thác các khoản thu đặc thù và đổi mới quản trị công”. Theo đó, khái quát hóa mục tiêu phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành địa phương sạch đẹp, an toàn và đáng sống. Từ việc nghiên cứu, học hỏi, rút ra kinh nghiệm từ một quốc gia đáng sống là Singapore; qua đó, chuyển hóa áp dụng đối với định hướng cho phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu qua các giải pháp, cụ thể như sau:

- Khai thác các khoản thu đặc thù và triệt để áp dụng tinh thần thượng tôn pháp luật, cụ thể:

+ Truyền thông rõ ràng, rộng rãi đến người dân về các khoản phí dùng để giải quyết những vấn đề bức xúc trong sự phát triển như: giao thông, vệ sinh đô thị và ô nhiễm môi trường, trật tự đô thị,... mà người dân dễ dàng chấp thuận. Mục tiêu chính ban đầu của các khoản thu đặc thù là đảm bảo thiết lập ý thức của người dân nhằm hướng đến một đô thị đáng sống. Các khoản thu đặc thù này vừa tạo nguồn thu, vừa giúp giảm chi tiêu của ngân sách cho các hoạt động vệ sinh công cộng, y tế dự phòng, xử lý môi trường và từ đó có thể tăng phân bổ ngân sách cho các hoạt động giá trị hơn nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Ngoài ra, các hình thức phạt còn góp phần rất lớn vào bảo vệ môi trường xanh sạch, an toàn; từ đó, thu hút khách du lịch, phát triển thương mại, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế.

+ Các mức xử phạt đủ lớn, đủ để răn đe.

+ Triệt để áp dụng tinh thần thượng tôn pháp luật, bất kỳ ai vi phạm cũng sẽ bị phạt từ việc áp dụng các quy định hiện hành.

- Đổi mới quản trị công, trong đó:

+ Cần có sự đồng thuận của các cấp chính quyền địa phương về quyết tâm đổi mới.

+ Xác định đúng và truyền thông mạnh mẽ đến người dân mục tiêu của đổi mới quản trị công.

d) Tham luận của Ông Nguyễn Đăng Trương – Cục trưởng Cục Quản lý đầu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Kinh nghiệm giải pháp thu hút và triển khai các dự án theo hình thức hợp tác công tư - PPP”. Theo đó, Thu hút và triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP): Tỉnh cần phải xây dựng chiến lược thu hút đầu tư PPP; Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư không áp dụng tràn lan tất cả các lĩnh vực; cần rà soát, lựa chọn các dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, nên ưu tiên cho số dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng kinh tế (đường giao thông vận tải, hạ tầng cảng biển); lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội của người dân (nước sạch, xử lý chất thải, nước thải, y tế, giáo dục).

Ngoài ra, cần phải xác định loại hợp đồng cho phù hợp, ông có một số đề xuất như sau:

- Đối với đường có thu phí (đoạn cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ - cụm cảng Cái Mép – Thị Vải); Cảng biển; Cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải (Tỉnh có cơ chế xác định mức giá, lộ trình tăng giá đảm bảo tính đúng, tính đủ, hợp lý theo PATC => NĐT thu hồi đủ vốn): Thực hiện theo hình thức BOT, BTO.

- Dự án công nghệ thông tin (cơ sở dữ liệu đất đai của ĐP): Thực hiện theo hình thức BOO.

- Đường không thu phí (đường sắt kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải); Y tế, giáo dục – đào tạo; Cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải (Tỉnh chịu trách nhiệm bù chi phí cho đơn vị cấp nước): Thực hiện theo hình thức BTL, BLT.

- Khai thác kết cấu hạ tầng có sẵn (trung tâm logistics để phát triển dịch vụ hậu cần cảng khu cụm cảng Cái Mép – Thị Vải): Thực hiện theo hình thức O&M.

e) Tham luận của Ông Đặng Đức Cường – Chuyên gia cao cấp về Phát triển đô thị – Ngân hàng thế giới về “Khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính của Ngân hàng thế giới cho đầu tư phát triển của các địa phương”. Theo đó, vay lại các khoản vay nước ngoài của Chính phủ (Vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ các tổ chức tài chính quốc tế như: WB, ADB,…), trong đó chú trọng vốn vay theo Cơ chế dự án phát triển hạ tầng đô thị địa phương.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)