KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG CHI ĐẦU TƯ XDCB TRÊN ĐỊA BÀN

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 52 - 56)

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 2.1.1.1. Đặc điểm tự nhiên 2.1.1.1. Đặc điểm tự nhiên

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác bằng đường bộ, đường không và đường thủy. Thềm lục địa rộng trên 100.000 km². Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa; một năm chia hai mùa rõ rệt.

Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính nằm trên đất liền gồm (Tp Vũng Tàu, Tp Bà Rịa, Thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc) và một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Địa hình tỉnh có thể chia làm 4 vùng: bán đảo, hải đảo, vùng đồi núi bán trung du và vùng thung lũng đồng bằng ven biển. Bán đảo Vũng Tàu dài và hẹp, diện tích 82,86 km², độ cao trung bình 3 – 4 m so với mặt biển. Hải đảo bao gồm quần đảo Côn Lôn và đảo Long Sơn. Vùng đồi núi bán trung du nằm ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh phần lớn ở thị xã Phú Mỹ và các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Ở vùng này có vùng thung lũng đồng bằng ven biển bao gồm một phần đất của thị xã Phú Mỹ và các huyện Long Điền, Bà Rịa, Đất Đỏ. Khu vực này có những đồng lúa nước, xen lẫn những vạt đồi thấp và rừng thưa có những bãi cát ven biển.

2.1.1.2 Đặc điểm kinh tế

Năm 2018, Bà Rịa – Vũng Tàu là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 38 về số dân, xếp thứ bảy về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ ba về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 47 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1.112.900 người dân, GRDP đạt 149.574 tỷ đồng (tương ứng với 6,4961 tỷ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 134,4 triệu đồng (tương ứng với 5.837 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,20%, không tính về ngành dầu khí theo quy định của Tổng cục Thống kê (Việt Nam).

Thời gian qua, bằng những cố gắng không biết mệt mỏi, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng cho mình một hình ảnh môi trường đô thị đầy tiềm năng, với sự phát triển, tăng trưởng đồng bộ trên mọi lĩnh vực.

Hiện tại tốc độ phát triển khá nhanh nhưng quy mô kinh tế so với khu vực chưa thật sự có sức ảnh hưởng, chưa phù hợp với tiềm năng và lợi thế của Tỉnh. Thực trạng đề ra một câu hỏi khó cho việc cải thiện hoạt động quản lý đầu tư công của tỉnh trong thời gian tới, yêu cầu tỉnh phải nhanh chóng hoàn chỉnh hoạt động quản lý đầu tư công trong bối cảnh mới, điều chỉnh những yếu kém còn tồn tại đang mắc phải.

* Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Tổng quan cấu trúc giao thông đường bộ ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh. Các tuyến trục tỉnh lộ theo hướng Bắc – Nam đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, các tuyến giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với Quốc lộ 51 đã được triển khai đầu tư là đường Phước Hòa – Cái Mép, đường 991B, đường Long Sơn – Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân – Thị Vải. Theo quy hoạch, hướng Đông – Tây có 04 trục tỉnh lộ gồm: Mỹ Xuân – Ngãi Giao (tỉnh lộ 991, dài 60,5km), Phước hòa – Đá Bạc – Bông Trang (tỉnh lộ 992, dài 42km), đường ven biển (tỉnh lộ 994, dài 78,5 km) và Long Tân – Phước Tân (tỉnh lộ 993, dài, 20,8km), đến nay đã và đang đầu tư 03 tuyến, còn lại đường Long Tân – Phước Tân chưa được đầu tư. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đã hoàn thành bộ khung kết cấu chung với tổng chiều dài 4.380km, trong đó: đường quốc lộ 129,3km; đường tỉnh lộ 367,91km; đường huyện 473,47km; đường đô thị 661,32km; đường xã, đường hẻm đô thị 2.704,57km; đường chuyên dùng 44,06km.

* Giáo dục và đào tạo

Từ 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 153.000 người, đã có 134.950 học viên tốt nghiệp (trong đó, cao đẳng là 2.784 học viên, trung cấp là 3.825 học viên, sơ cấp là 51.695 học viên và dưới 3 tháng là 76.647 học viên). Cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển giáo dục đào tạo cơ bản được đảm bảo, đưa vào hoạt động thêm 18 trường học, nâng tổng số trường học các cấp từ 426 trường (năm 2015) lên 456 trường, trong đó có 272 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 60%; 7 trung tâm Giáo dục thường xuyên và 47 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đến nay có 88 trường học ngoài công lập, chiếm 19,3% trong tổng số trường học các cấp trên địa bàn tỉnh.

* Khoa học và công nghệ

Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ như: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Hỗ trợ kinh phí thực hiện 337 đề án theo Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu tập trung vào hỗ trợ khuyến khích đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý và phát triển thương hiệu; có 6 sản phẩm đặc sản của tỉnh được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Thực hiện Đề án phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020, đã phát triển thêm 04 doanh nghiệp và dự kiến trong năm 2020 sẽ phát triển thêm 01 doanh nghiệp; nâng tổng số doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh là 07 doanh nghiệp. Triển khai 37 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ gắn với nhu cầu thực tiễn trong các lĩnh vực như: nông nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển năng lượng tái tạo; xã hội nhân văn,…; nhiều đề tài, dự án đã được nghiệm thu, đưa vào thực tiễn sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả thiết thực. Một số dự án tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được triển khai là Dự án Ngã tư thông minh ứng

dụng trí tuệ nhân tạo tại huyện Xuyên Mộc; Dự án ứng dụng công nghệ tự động hóa trong tưới nước và chiếu sáng tại Công viên Hòa Bình – thành phố Bà Rịa; Dự án ứng dụng công nghệ Blockchain tại doanh nghiệp vận tải;…

* Y tế, chăm sóc sức khỏe

Mạng lưới cơ sở y tế tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, đã đầu tư và đưa vào sử dụng Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Long Điền, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS; đang tiếp tục triển khai đầu tư Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu, Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức và nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc,… Công tác y tế dự phòng được đẩy mạnh thông qua các chương trình y tế, phòng bệnh tật nhằm khắc phục những yếu tố nguy cơ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm tỷ lệ mắc/bệnh các bệnh truyền nhiễm gây dịch; đã mở rộng quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; thực hiện tiêm chủng cho trẻ em đủ 8 loại vacxin đạt 98%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%, tăng 16,17% so với năm 2015. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát những cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, cung ứng thực phẩm không an toàn cho người dân. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, ưu tiên đầu tư trang thiết bị cần thiết cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

2.1.1.3. Đặc điểm xã hội

- Dân số của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuy không đồng đều tại các huyện tuy nhiên vẫn là dân số trẻ và tăng đều qua các năm. Nguồn lực lượng lao động trẻ dồi dào của tỉnh là ưu điểm lớn cho phát triển KT-XH, dù vậy lực lượng lao động còn hạn chế về trình độ tay nghề, thiếu trình độ văn hóa là một thử thách khá lớn của tỉnh trong công tác đầu tư công. Để đáp ứng được nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu nhân lực cho các dự án đầu tư công lớn, tỉnh cần chú trọng nhiều hơn nữa trong khâu đào tạo nguồn nhân lực. Bối cảnh văn hóa xã hội tại tỉnh BR-VT được nâng cao trong những năm vừa qua tạo tiền đề thuận lợi về nhiều mặt cho phát triển đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng, tư vấn và hỗ trợ việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh từ 3,25% năm 2015 xuống còn 2,28%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 34,2% tăng 5,53% so với năm 2015. Các chính sách ưu đãi đối với người có công; chăm sóc, hỗ trợ đối với trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội đều được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm từ 2,5% xuống còn 1% tổng số trẻ em trên toàn tỉnh; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em. Chương trình giảm nghèo đạt kết quả tốt cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh còn 0,8%, cơ bản không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia

(trừ các đối tượng bảo trợ xã hội). Triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đến nay không còn xã nào đặc biệt khó khăn; diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; các tuyến đường trọng yếu liên thôn,

ấp được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương trao đổi hàng hóa.

2.1.2. Những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân:

- Có 07 chỉ tiêu kinh tế đạt thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là GRDP, tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ; doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải; doanh thu dịch vụ lữ hành; giá trị sản xuất nông nghiệp; giá trị sản xuất ngư nghiệp và thu ngân sách nội địa (cụ thể: GRDP tăng 6,16%/năm thấp hơn so với kế hoạch tăng 7%/năm; tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng 9,92%/năm thấp hơn so với kế hoạch tăng 10%/năm; Doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 3,53%/năm thấp hơn so với kế hoạch tăng 9,6%/năm; Doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 0,25%/năm thấp hơn so với kế hoạch tăng 12,2%/năm; Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,49%/năm thấp hơn so với kế hoạch tăng 3,35%/năm; Giá trị sản xuất ngư nghiệp tăng 4,01%/năm thấp hơn so với kế hoạch tăng 4,95%/năm; thu nội địa tăng 90,85%/năm so với chỉ tiêu đề ra.

- Cơ cấu công nghiệp chuyển biến còn chậm, trình độ công nghệ tuy có cải thiện nhưng chưa cao, sản xuất công nghiệp vẫn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Hệ thống cảng biển chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế; hiệu suất khai thác các bến cảng container theo đúng công năng thiết kế cảng vẫn còn thấp.

- Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Các doanh nghiệp du lịch chưa thực sự quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến; chưa tích cực cùng cơ quan quản lý nhà nước tham gia các sự kiện trong và ngoài nước, còn trông chờ vào ngân sách nhà nước.

- Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy đã quy hoạch các vùng để đầu tư phát triển nhưng vẫn đang trong giai đoạn tạo quỹ đất để xem xét chủ trương cho các nhà đầu tư triển khai các dự án.

- Tiến độ triển khai các thủ tục để khởi công mới các dự án đầu tư công trong năm kế hoạch còn chậm, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công hàng năm đến hết tháng 01 năm sau chỉ đạt khoảng 80%, số vốn còn lại phải kéo dài thời gian thanh toán đến hết năm sau năm kế hoạch.

- Công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội để đa dạng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao cho người dân.

- Trong thu hút đầu tư, chưa thu hút được nhiều dự án có công nghệ tiên tiến; các dự án du lịch đầu tư trên địa bàn Tỉnh chủ yếu tập trung vào các loại hình nghỉ dưỡng lưu trú.

- Có chỉ tiêu văn hóa – xã hội đạt thấp hơn kế hoạch đề ra là số giường bệnh/vạn dân đến năm 2020 đạt 20,6 giường bệnh so với kế hoạch đạt 26 giường bệnh.

- Cơ sở hạ tầng đồng bộ liên kết huyện thị thành phố chưa được hoàn thiện đáp ứng cho nhu cầu phát triển, kết nối giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Những hạn chế này có thể được giải quyết triệt để nếu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có các biện pháp quản lý hiệu quả nguồn chi ngân sách nhà nước trong đầu tư XDCB trên địa bàn Tỉnh.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 52 - 56)