Thứ nhất, trong mỗi giai đoạn phát triển, thương mại quốc tế bao giờ cũng được đánh giá cao vì nó giúp mỗi quốc gia có được các loại hàng hóa mà nước đó không sản xuất được (hoặc không có) và tạo ra những hệ quả khả quan như sau: (i) chuyển giao công nghệ, nhờ đó nâng cao phúc lợi kinh tế cho mọi người dân; (ii) kích cầu (tác động kiểu Keynes tới nền kinh tế) thông qua hoạt động của các số nhân, do đó nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (iii) đem lại lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp (tăng doanh thu và lợi nhuận) do ngoại thương mở rộng thị trường, khai thác được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, mà còn kích thích được hoạt động của toàn bộ nền kinh tế; (iv) mở rộng khả năng lựa chọn cho người tiêu dùng; (v) giảm chi phí đầu vào sản xuất như nguyên vật liệu và các sản phẩm trung gian, góp phần làm giảm tổng chi phí sản xuất.
Thứ hai, thương mại quốc tế phân bổ có hiệu quả các nguồn lực sản xuất của thế giới. Điều này đã được chứng minh cả trong lý thuyết (như lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith, lý thuyết lợi thế tương đối của David Ricardo, lý thuyết H-O của Heckscher và Ohlin, v.v...) và trong thực tiễn thương mại quốc tế thúc đẩy chuyên môn hóa sản xuất dựa trên lợi thế so sánh của mỗi nước, làm cho các nước sử dụng nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất. Đến lượt mình, chuyên môn hóa lại thúc đẩy tăng năng suất lao động, góp phần làm tăng năng lực sản xuất, do đó thúc đẩy sự phát triển của ngoại thương. Như vậy, thương mại quốc tế ngày càng làm tăng mức sống của các quốc gia nói riêng và của cả thế giới nói chung.
Thứ ba, thương mại quốc tế làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi nhất cho mỗi quốc gia. Do đòi hỏi tất yếu của quan hệ kinh tế quốc tế và phân công lao động quốc
tế, mỗi quốc gia khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới đều phải có sự thay đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu sản xuất các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu bắt nguồn từ trình độ phát
Giáo trình Thương mại Quốc tế - 142-
triển kinh tế, nguồn lực và lợi thế của mỗi quốc gia. Với sự thay đổi đó, kim ngạch xuất khẩu của đất nước sẽ từng bước được nâng cao, vì vậy sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thứ tư, thương mại quốc tế nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Do thương mại quốc tế phân bổ có hiệu quả nguồn lực trong nước, làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tận dụng triệt để lợi thế của quốc gia và sử dụng những nguồn đầu vào cạnh tranh của thế giới nên hiệu quả của nền kinh tế không ngừng được nâng cao, vì vậy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cũng không ngừng tăng lên.
Thứ năm, thương mại quốc tế còn có mối liên hệ khăng khít với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong nhiều trường hợp, thương mại quốc tế có tác dụng thu hút FDI vì để khai thác thị trường nước ngoài có hiệu quả, các nhà đầu tư sẽ tiến hành đầu tư ra nước ngoài. Trong những trường hợp khác, FDI sẽ thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển do FDI vào kéo theo nhiều nhu cầu nhập khẩu máy móc trang thiết bị, nguyên vật liệu và sản phẩm trung gian phục vụ cho quá trình sản xuất, đồng thời các doanh nghiệp có FDI sẽ xuất khẩu được những sản phẩm của mình nhờ khai thác được lợi thế từ nước nhận đầu tư.
Khi các nước tiến hành cải cách và hội nhập vào thị trường thế giới, các nước đang phát triển“toàn cầu hóa nhiều hơn” bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng tăng ổn định từ 2,9% trong thập niên 1970, lên 5% trong thập niên 1990. Các nước này ở trong một“vòng tròn thành công” bao gồm mức tăng trưởng cao hơn và sự thâm nhập hơn nữa thị trường thế giới. Dường như tăng trưởng và thương mại có tác dụng củng cố lẫn nhau, đồng thời các chính sách mở rộng giáo dục, giảm hàng rào thương mại và cải cách các khu vực chiến lược có tác dụng củng cố cả tăng trưởng và thương mại.
Việc có tồn tại một mối liên hệ nhân quả giữa mở cửa thương mại với tốc độ tăng trưởng cao hơn không phải là vấn đề. Ở các nước có thu nhập thấp đã thâm nhập vào thị trường toàn cầu, hạn chế khả năng tiếp cận các thị trường này sẽ có hại đối với tăng trưởng, không phụ thuộc vào quá trình công nghiệp hóa có được khởi đầu bằng sự mở cửa hay không. Tuy nhiên, việc mở cửa có tác dụng hội nhập một nền kinh tế vào thị trường rộng lớn hơn, và kể từ Adam Smith đến nay, các nhà kinh tế học đều cho rằng, quy mô của thị trường có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng. Một thị trường lớn hơn cho phép tiếp cận tới nhiều ý tưởng hơn, cho phép đầu tư vào các khoản đầu tư chi phí cố định quy mô lớn và tạo điều kiện cho sự phân công lao động tốt hơn. Một thị trường lớn hơn cũng mở rộng khả năng lựa chọn. Khả năng lựa chọn rộng mở hơn đối với những người tiêu dùng có thu nhập cao không giúp ích gì cho công việc giảm nghèo đói, nhưng sự lựa chọn rộng rãi hơn có thể có ý nghĩa với các doanh nghiệp nhiều hơn là với
Giáo trình Thương mại Quốc tế - 143-
người tiêu dùng. Chẳng hạn, khi Ấn Độ tiến hành tự do hóa thương mại, các doanh nghiệp ở nước này đã có thể mua các thiết bị máy móc có chất lượng tốt. Các ảnh hưởng tương tự cũng được nhận thấy đối với tự do hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Cuối cùng một thị trường lớn hơn làm tăng cạnh tranh, và điều này có thể khuyến khích sự đổi mới. Có một số bằng chứng cho thấy, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới có vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế nhỏ và nghèo hơn là đối với các nền kinh tế lớn như Ấn Độ hay Trung Quốc.
Tóm lại, có thể nói rằng, kể từ năm 1980, sự hội nhập toàn cầu của các thị trường hàng hóa đã cho phép các nước đang phát triển với vị trí, chính sách, thể chế và cơ sở hạ tầng tương đối tốt, tận dụng được nguồn lao động dồi dào của mình để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong một số ngành chế tạo và dịch vụ. Lợi thế ban đầu mà các nước này có được nhờ lao động rẻ trong một số trường hợp đã mở đầu cho một vòng tròn các lợi ích có được từ thương mại nối tiếp nhau. Chẳng hạn, lần đầu tiên thâm nhập thị trường phần mềm thế giới, thành phố Bangalore đã tận dụng được lợi thế so sánh nhờ lực lượng lao động rẻ và được đào tạo của mình. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp bị thu hút về thành phố, thì nó lại bắt đầu nhận được tính kinh tế nhờ tập trung. Doanh thu xuất khẩu tăng lên cho phép tài trợ việc nhập khẩu nhiều hơn, do vậy, vừa làm tăng cạnh tranh lại vừa mở rộng được khả năng lựa chọn. Có một số bằng chứng là, các ảnh hưởng của thương mại này làm tăng không chỉ mức thu nhập thực tế mà còn cả tỷ lệ tăng trưởng. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng cũng rất phức tạp. Cần thấy rằng, chỉ riêng thương mại chắc chắn không đủ đảm bảo cho tăng trưởng. Phải kết hợp việc mở rộng thương mại với nhiều chính sách khác (huy động vốn, ổn định chính trị và cải thiện môi trường kinh doanh) thì phát triển kinh tế mới bền vững với tốc độ cao.