CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ LÀNG NGHỀ
1.3. Tổng quan về các làng nghề chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố Bắc Giang
1.3.3. Những tồn tại, khó khăn trong sự phát triển của các làng nghề chế biến thực
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội song thời gian qua các làng nghề thành phố Bắc Giang cũng gặp phải một số vấn đề như:
- Vấn đề sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm: Đây là khó khăn hàng đầu của việc phát triển làng nghề. Sản phẩm làng nghề sản xuất trên trang thiết bị bán cơ khí, hầu như là chưa được đầu tư thiết bị đáng kể. Một số khâu đã được đầu tư thiết bị vào trong quá trình sản xuất như hệ thống thiết bị làm bún Đa Mai, máy tráng bánh đa TDP Giáp Sau, máy tráng mỳ TDP Phú Mỹ... Công tác tiếp thị sản phẩm còn yếu kém, khả năng mở rộng thị trường còn hạn chế.
- Vấn đề tổ chức sản xuất kinh doanh: Phần lớn các làng nghề duy trì sản xuất kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ gia đình. Một số ít làng nghề đã hình thành tổ chức kinh tế là doanh nghiệp tư nhân và HTX. Song việc liên kết giữa các cơ sở, các làng nghề còn nhiều hạn chế, một số làng nghề hình thành HTX sản xuất từ rất lâu nhưng chỉ mang tính hình thức, không có hoạt động cụ thể, số hội viên rất hạn chế.
- Vấn đề vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh: vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cho làng nghề chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình. Các nguồn vay tín dụng không đáng kể. Vốn để giải quyết các vấn đề mở rộng sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc, cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường,... đang là vấn đề bức xúc không chỉ của làng nghề mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Trong khi hoạt động của làng nghề
mang tính “lấy công làm lãi”, vay ngân hàng thì tài sản thế chấp không đáng kể. Hoặc để xử lý môi trường cho làng nghề cần hàng tỷ đồng cũng là vượt quá khả năng đáp ứng của các hộ làm nghề.
- Vấn đề tổ chức quản lý ở các làng nghề: công tác quản lý nhà nước về phát triển làng nghề phần nào còn lơi lỏng. Chưa có cán bộ chuyên trách về làng nghề ở cấp xã/phường. Vì vậy, việc tuyên truyền về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ ở các làng nghề còn hạn chế… Năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, thiếu sự phối hợp và còn thụ động trong xử lý những vướng mắc phát sinh.
- Cơ sở hạ tầng và môi trường làng nghề: Cơ sở hạ tầng làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hầu hết các làng nghề còn chưa có đường giao thông đáp ứng tải trọng xe tải, xe container đến đầu làng, hệ thống điện sản xuất cùng với lưới điện sinh hoạt trước đây mặc dừ đã được nâng cấp song so với nhu cầu còn chưa đáp ứng được, người dân muốn sử dụng điện 3 pha phải chi số tiền khá lớn so với thực lực cũng là yếu tố cản trở phát triển. Đặc điểm của sản xuất làng nghề là sản xuất tại làng, các hộ sản xuất tận dụng mặt bằng của đất ở làm nơi sản xuất. Tuy nhiên, do diện tích mặt bằng hạn chế nên việc mở xưởng để sản xuất cũng là một rào cản cho phát triển. Hoạt động sản xuất của các làng nghề đều tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nước thải đối với làng bún Đa Mai, mỳ và bánh đa Dĩnh Kế.
- Nguồn nhân lực cũng đang là một bài toán khó đối với các làng nghề. Theo kết quả khảo sát tại các làng nghề đa phần người ở tuổi trung niên, người hết tuổi lao động và trẻ em phụ giúp những công việc lặt vặt. Hiện tại, người lao động chọn làm công nhân ở các doanh nghiệp vì có nguồn thu nhập cao, ổn định và đỡ vất vả hơn làm nghề.
- Việc thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển làng nghề còn chậm: chuyển toàn bộ số hộ sản xuất thủ công trong làng nghề ra CCN tập trung, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ nhưng việc triển khai còn chậm, các hộ gia đình chưa được tiếp cận về các chính sách thu hút của nhà nước nên còn rất nhiều băn khoăn trong công tác di dời hoạt động sản xuất từ làng nghề ra CCN tập trung. CCN làng nghề Đa mai đã hình thành cả chục năm nay nhưng hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện.