Công nghệ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trong nhà màng (nhà kính)

Một phần của tài liệu u5gqhrvKPEOOmmg8200710 Aquaculture Technology VN (Trang 33 - 35)

Trong thực tế có hai loại hình: mô hình nuôi siêu thâm canh nhà màng (áp dụng chưa phổ biến, chỉ mới áp dụng bởi một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Việt Úc ở Bạc Liêu; doanh nghiệp NG và Agzitech ở Cà Mau) và mô hình nuôi thâm canh che lưới lan (phổ biến áp dụng bởi các hộ dân ở cả 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu).

Đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà màng về bản chất, hệ thống nuôi được đặt trong “nhà màng” với kết cấu là khung kim loại khá kiên cố và được phủ phía trên bằng các lớp màng (theo công nghệ Israel, nhập từ Thái Lan hoặc từ một số quốc gia khác). Lớp màng che hiện nay đã được cải tiến theo hướng đảm bảo độ bền chịu được nắng, mưa trong thời gian khá dài và đảm bảo được độ sáng cần thiết cho hệ thống nuôi tôm, khung kim loại hiện nay cũng đã được cải tiến theo hướng lắp ghép, hình vòm tròn nên khá tiện lợi cho lắp đặt và đảm bảo độ bền vững về kết cấu khung chịu lực.

Hình 6. Mô hình nhà màng đang được xây dựng bởi công ty NG tại Cà Mau

Đối với mô hình sử dụng lưới lan che hệ thống nuôi. Đây có thể xem là một cách cải tiến nhằm hướng đến việc giảm tác động của môi trường và động vật gây hại (mưa, nắng, các yếu tố tiềm ẩn gây bệnh như chim). Mô hình che lưới lan này có ưu điểm là chi phí thấp, thường được các hộ nuôi semi- biofloc và biofloc áp dụng nhằm hạn chế sự phát triển của tảo.

Bảng 7: Công nghệ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trong nhà màng (nhà kính).

Hiện trạng áp dụng

- Mức độ phổ biến của mô hình nuôi siêu thâm canh trong nhà màng chưa nhiều tại các tỉnh Sóc trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

- Bạc Liêu: Tập đoàn Việt Úc được xem là đơn vị tiên phong và đã đạt được những thành công nhất định. Ngoài ra doanh nghiệp Trúc Anh hiện cũng đang bắt đầu triển khai áp dụng mô hình nuôi này.

- Cà Mau: gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp (công ty NG, công ty Agzitech) đang triển khai xây dựng có sở hạ tầng để áp dụng. Tập đoàn Việt Úc cũng đã từng phối hợp với Chi cục Thủy sản Cà Mau thí điểm 05 mô hình nuôi nhà bạt, tuy nhiên kết quả thử nghiệm không thành công nên các mô hình thí điểm dừng lại.

- Thực tiễn xuất hiện rất phổ biến mô hình sử dụng “lưới lan” che phía trên ao nuôi (tại Cà Mau chiếm 80 – 85% số hộ nuôi siêu thâm canh, tập trung phổ biến tại huyện Đầm Dơi, Phú Tân, tại các huyện khác như Năm Căn, Ngọc Hiển, Thành phố Cà Mau xuất hiện ít hơn).

Điểm mạnh

- Đối với mô hình nuôi siêu thâm canh trong nhà màng: thường áp dụng công nghệ cao[6] do vậy có thể cải thiện được các vấn đề về: truy xuất nguồn gốc, đảm bảo hoàn toàn từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do quy trình nuôi ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh giúp xuất khẩu vào bất kỳ thị trường nào khó tính nhất; có năng suất cao, ổn định và giảm diện tích đất sử dụng.

- Đối với mô hình che lưới lan: đơn giản, chi phí thấp[7].

Điểm yếu

- Mô hình nuôi siêu thâm canh trong nhà màng yêu cầu mức độ đầu tư cao hơn khá nhiều so với các mô hình nuôi thâm canh thông thường do phải đầu tư thêm hệ thống nhà kính, nhà màng, đồng thời quy trình công nghệ nuôi cao thường được áp dụng, do vậy yêu cầu người nuôi có kinh nghiệm và năng lực quản lý tốt.

Hiệu quả

- Đối với công nghệ nhà màng, hiện mới chỉ có mô hình của Tập đoàn Việt Úc đi vào hoạt động nhưng thiên về mô hình trình diễn, mô hình của doanh nghiệp NG và doanh nghiệp Agzitech hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa thể đánh giá được hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

- Đối với mô hình lưới lan: phổ biến áp dụng công nghệ nuôi tôm – vi khuẩn, công nghệ nuôi nhiều giai đoạn. Hiệu quả của các mô hình này được đề cập ở mục 4.2 trong báo cáo này.

Người cung cấp công

nghệ

- Hiện một số doanh nghiệp (công ty NG, công ty Agzitech, Trúc Anh) cũng đang bắt đầu triển khai áp dụng mô hình nuôi này.

Khả năng nhân rộng và xu hướng

đầu tư

- Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà màng được dự báo tiếp tục được mở rộng áp dụng trong thời gian tới, tuy nhiên đối tượng áp dụng chủ yếu sẽ là các doanh nghiệp hoặc hộ nuôi có đủ nguồn lực tài chính, có khả năng quản lý và áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm.

- Đối với mô hình che lưới lan – một dạng cải tiến đơn giản trong thực tiễn xuất phát từ mô hình nuôi tôm trong nhà kính, hiện đã rất phổ biến. Mô hình này đơn giản, dễ thực hiện nên sẽ tiếp tục được các cơ sở nuôi áp dụng đặc biệt là tại những vùng có sự thay đổi thời tiết (mưa, nắng) thường xuyên.

[6] Sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn, áp dụng công nghệ biofloc hoặc semi-biofloc, sử dụng hệ thống theo dõi và quản lý chất lượng nước trong ao nuôi thông qua các máy đo thông số và hiển thị qua màn hình.

[7] Người dân dùng lưới lan để che các ao ương tôm trước khi thả ra ao nuôi lớn ở giai đoạn tôm lớn hơn. Tuy nhiên, một số cơ sở nuôi cũng dùng lưới lan che cho cả ao nuôi tôm, đặc biệt là đối với các hộ áp dụng nuôi tôm – vi khuẩn để hạn chế sự phát triển của tảo. Về quy trình nuôi áp dụng, hiện khá đa dạng, tuy nhiên chủ yếu phổ biến đối với nuôi tôm – vi khuẩn và nuôi nhiều giai đoạn.

Nhìn chung, với những ưu điểm về khả năng hạn chế tác động từ môi trường bên ngoài như mưa, nắng tới mô hình nuôi, cùng với quy trình nuôi hiện đại, có thể tích hợp các công nghệ khác như biofloc, nhiều giai đoạn, tuần hoàn, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà màng được dự báo có thể tiếp tục được các cơ sở nuôi có tiềm lực kinh tế mạnh quan tâm áp dụng trong thời gian tới. Mô hình che lưới lan với đặc điểm đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp, sẽ là mô hình được nhiều cơ sở nuôi áp dụng và có thể áp dụng ở nhiều vùng tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu u5gqhrvKPEOOmmg8200710 Aquaculture Technology VN (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)