i. Đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ, truyền đạt kinh nghiệm cho người nuôi, đặc biệt là những đối tượng đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở nuôi tôm công nghệ cao nhưng lại chưa có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm về nuôi tôm. Tiến tới theo lộ trình xem xét nghề nuôi tôm công nghệ cao là nghề hoạt động có điều kiện (người tham gia nuôi phải có đủ chứng nhận, việc cấp chứng nhận này có thể xã hội hóa cho các cơ sở đào tạo, hiệp hội tham gia thực hiện để giảm bớt thủ tục thực hiện bới các cơ quan quản lý).
ii. Xem xét hình thành và phát triển Hiệp hội tôm Việt Nam để hỗ trợ cho sự phát triển của nghề tôm. Hiện đã manh nha xuất hiện nhỏ lẻ hiệp hội tôm giống, hiệp hội tôm ở một số địa phương. Những hiệp hội này có thể đóng vai trò kết nối, thúc đẩy phát triển thành Hiệp hội Tôm VN, thông qua các kênh hoạt động chính thức và qua hệ thống thông tin kỹ thuật số, internet như Zalo, Facebook. Hiệp hội tôm Việt Nam sẽ trở thành một đối tác, một tổ chức hữu ích đóng góp vai trò quan trọng cho sự phát triển nuôi tôm công nghệ cao trong thời gian sắp tới.
iii. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ sinh viên học chuyên ngành thủy sản nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng — một ngành hiện có xu hướng không thu hút, bị cạnh tranh bởi các ngành khác nhằm giải quyết tình trạng có thể thiếu cán bỗ kỹ thuật trong thời gian tới.Rà soát hệ thống các cơ sở đào tạo chuyên ngành thủy sản và có cơ chế hỗ trợ đào tạo chuyên ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng nhằm duy trì công tác đào tạo nguồn lực phục vụ sự phát triển của ngành.