Trong các hệ thống ao nuôi tôm thẻ và sú thâm canh: các trang thiết bị cung cấp oxy cho ao nuôi bao gồm hệ thống quạt nước và sục khí đáy. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi còn sử dụng các máy bơm điện, máy cho ăn, thiết bị quan trắc môi trường tự động và hệ thống chiếu sáng. Đối với máy quạt nước, ngoài các bộ phận phải mua như động cơ, dây điện, cánh quạt, các phần còn lại thường được người dân tận dụng các vật liệu rẻ tiền (mau hỏng) để sử dụng, do đó chưa có tính chuyên dụng cao đặc biệt là hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Khi cải tiến công nghệ nuôi tôm thì kiểu quạt nước có con lăn với kết cấu trục thẳng để giảm ma sát, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng nên được cân nhắc thay thế các kiểu cánh quạt nước cánh bằng và muỗng kết hợp với các trụ đỡ “móc” chữ J, chữ U như hiện nay. Tuy nhiên theo một số người dân cho rằng, việc sử dụng trụ đỡ con lăn cũng có rủi ro do khi cánh quạt bị gãy thì dàn quạt có thể bị đổ lệch gây hư hại cho hệ thống, hoặc việc thay đổi sẽ tăng chi phí trang thiết bị. Bởi vậy, vẫn cần phải có các nghiên cứu nhằm nâng cấp và hoàn thiện hệ thống con lăn hoặc lắp đặt các sản phẩm chuyên dụng cho nuôi tôm với độ an toàn cao hơn và được các cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận về các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật (đặc biệt là chỉ số hiệu suất sục khí tiêu chuẩn — SAE).
Hệ thống cung cấp oxy đáy (sục khí đáy) hiện nay đa phần được thiết kế tương đối chuyên dụng cho ao nuôi qua hệ thống máy thổi công nghiệp và dàn ống thổi khí dưới đáy ao nên có thể phù hợp cho các mục tiêu nâng cấp công nghệ nuôi.
Các trang thiết bị như máy bơm, đặc biệt là các động cơ điện được sử dụng cũng như các cầu dao điện là các thiết bị thông thường, không chuyên dụng cho điều kiện hoạt động ngoài trời và trong môi trường nước (đặc biệt là nước mặn). Do đó tính ổn định và an toàn là không cao, dễ bị nhiễm điện gây thất thoát điện và nguy hiểm cho người sử dụng. Bên cạnh đó người nuôi tôm cũng còn sử dụng những thiết bị tự chế chưa chắc chắn dễ dẫn đến rủi ro cao (Võ Nam Sơn và Đào Minh Hải, 2018).
Đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động: hiện nay một số cơ sở nuôi có điều kiện kinh tế đã tiến hành đầu tư lắp đặt, nhưng số lượng không nhiều. Các hệ thống này được cung cấp bởi nhiều công ty khác nhau và đều hoạt động trên nền tảng internet, kết nối trực tiếp đến máy tính hoặc điện thoại thông minh của người nuôi tôm, như: Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Công nghệ EPLUSI, Công ty TNHH Kỹ thuật NK. Các hệ thống quan trắc tự động này có thể quan trắc được các yếu tố như nhiệt độ, độ mặn, oxy, pH, Nitơ... Tuy nhiên chi phí đầu tư tương đối cao, trung bình khoảng 250–300 triệu đồng/hệ thống 4 ao nuôi liền kề nhau nên không phù hợp cho các trại nuôi quy mô nhỏ, chỉ phù hợp với các trại nuôi ở quy mô trung bình trở lên, có điều kiện về kinh tế, và có thiết kế hệ thống ao nuôi đầy đủ từ ao nuôi đến ao lắng, ao xử lý.
Quạt nước với loại móc treo J Quạt nước với loại trụ đỡ chữ U
Máy sục khí đáy Quạt nước với loại con lăn
Máy cho ăn tự động Hệ thống quạt nước dầu với trụ quay gần “thẳng”
Bệ đỡ bằng gỗ Cầu dao chống “chạm mạch”