Môi trường bên ngoài tổ chức bao gồm hai loại môi trường: Môi trường vĩ mô như các yếu tố kinh tế, dân cư, luật pháp của nhà nước, văn hoá - xã hội, khoa học – kỹ thuật. Môi trường vi mô như các đối thủ cạnh tranh, khách hàng..., trong nội dung này chỉ tiến hành phân tích các yếu tố chủ yếu có ảnh hưởng đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
1.6.1.1. Môi trường vĩ mô.
Trước hết ta xem xét các yếu tố về kinh tế.
Các yếu tố về kinh tế tương đối rộng như chu kỳ kinh tế và chu kỳ kinh doanh, tỷ lệ lạm phát, chính sách tài chính, tiền lương của một doanh nghiệp... nên doanh nghiệp, tổ chức phải xác định một cách chính xác sự ảnh hưởng của yếu tố này đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp. Chu kỳ kinh tế và chu kỳ kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến đào tạo nguồn nhân lực thật vậy, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, hoặc kinh tế bất ổn có chiều hướng đi xuống, công ty một mặt vẫn cần phải duy trì lực lượng lao động có tay nghề, một mặt phải giảm chi phí lao động. Tổ chức phải quyết định giảm giờ làm, cho nhân viên nghỉ việc tạm thời hoặc giảm phúc lợi thì việc đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng thu gọn tinh giảm, đội ngũ lao động được đào tạo chuyên sâu hơn, khả năng đáp ứng công việc đa dạng hơn nhằm tiết kiệm lao động...
Ngược lại khi kinh tế phát triển và có chiều hướng đi ổn định, tổ chức lại có nhu cầu phát triển lao động mới để mở rộng sản xuất, tăng cường đào tạo huấn
luyện nhân viên. Việc mở rộng sản xuất này đòi hỏi Công ty phải tuyển thêm lao động có chất lượng đảm bảo đạt được các mục tiêu của tổ chức, tổ chức có thể tăng lương, đưa ra mức lương cao, tăng phúc lợi thu hút nhân tài, cải thiện điều kiện làm việc để tạo ra mức hấp dẫn của công việc đối với người lao động.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây việc thu hút lao động trong các doanh nghiệp đã tăng lên ở tất cả các loại hình doanh nghiệp thông qua các ưu đãi khi làm việc như tăng lương, tăng các khoản phúc lợi, cải thiện điều kiện làm việc... Đây là kết quả của chính sách mở cửa, vì có sự hình thành nhiều các doanh nghiệp mới hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, đó cũng chính là dấu hiệu của một nền kinh tế đang có chiều hướng đi lên. Chính vì sợ mất nhân tài nên ngay cả trong các doanh nghiệp nhà nước cũng thực hiện nhiều chế độ ưu đãi đối với người lao động. Rõ ràng khi kinh tế phát triển hay suy thoái đều có ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, tổ chức.
Tiếp theo chúng ta cùng xem xét đến các yếu tố về dân số có ảnh hưởng như thế nào đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Doanh nghiệp. Yếu tố dân số hiện nay được coi là một trong những nhân tố có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhất là khi, Việt Nam là một nước nặng về nông nghiệp, trình độ dân trí còn thấp so với các nước Công nghiệp. Nền kinh tế đang dần đến kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhìn chung kinh tế Việt nam chưa thể phát triển mạnh để trở thành một nước công nghiệp mới. Trong khi đó dân số phát triển rất nhanh, lực lượng lao động có trình độ thấp hàng năm cần việc làm càng ngày càng đông.
Khi có sự gia tăng quá lớn về dân số sẽ dẫn đến nhu cầu về vật chất và các loại dịch vụ tăng lên điều này sẽ dẫn đến sự cạn kiệt về tài nguyên, ô nhiễm môi trường làm cho sự cạnh tranh giữa các vùng, các quốc gia, các công ty và thậm chí các cá nhân người lao động với nhau ngày càng trở lên khốc liệt hơn. Vì vậy, khi dân số tăng lên sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư cho học tập nâng cao trình độ về tri thức đối với nguồn nhân lực của toàn xã hội, người lao động có trình độ thấp ngày càng chiếm phần lớn của toàn xã hội do không có đủ kinh phí để đầu tư, dẫn đến ảnh
hưởng tới việc bố trí việc làm cho người lao động có trình độ thấp, kéo theo đó cũng tăng nguy cơ có một số lượng không nhỏ lao động không đáp ứng được nhu cầu sản xuất với trình độ chuyên môn cao sẽ bị thải loại ra khỏi các doanh nghiệp tổ chức hoặc phải đào tạo lại.
Một yếu tố quan trọng có tác động đến công tác đào tạo nguồn nhân lực của Doanh nghiệp là các yếu tố luật pháp của Nhà nước.
Các yếu tố này có ảnh hưởng ngày càng to lớn đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nói riêng. Doanh nghiệp phải tuân theo các quy định có liên quan đến nguồn nhân lực như thuê mướn lao động, an toàn lao động, bảo hiểm, điều kiện làm việc...
Trong điều kiện ở Việt nam hiện nay, Luật Lao động đã được ban hành và đưa vào sử dụng sẽ là điều kiện ràng buộc các tổ chức trong quá trình sử dụng lao động. Ngoài ra các ngành luật khác cũng phần nào đó ảnh hưởng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực như Luật doanh nghiệp, Luật kế toán, Luật giáo dục đào tạo...
Sự ảnh hưởng của luật pháp đến đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở đây chính là việc vận dụng các quy định của các ngành luật vào các hoạt động của tổ chức như lập kế hoạch về nguồn nhân lực, tuyển dụng lao động, điều kiện làm việc... trong tổ chức. Khi một số ngành luật ra đời hoặc có một số ngành luật được điều chỉnh, bổ sung cũng tác động đến nhận thức và ứng dụng pháp luật vào quá trình hoạt động của tổ chức, nhất là đối với việc sử dụng lao động.
Yếu tố về văn hoá - xã hội: Văn hoá xã hội của một nước ảnh hưởng rất lớn đến đào tạo nguồn nhân lực. Trong một nền văn hoá xã hội có quá nhiều đẳng cấp, nấc thang nên các giá trị xã hội không theo kịp với đà phát triển của thời đại, nó có thể gây kìm hãm việc cung cấp nhân tài cho các tổ chức. Chẳng hạn như tại Việt Nam, nhiều gia đình còn nặng về phong kiến, người chủ gia đình – mà chủ yếu là người chồng, người cha – hầu như quyết định mọi việc, gây ra tình trạng thụ động cho các thành viên khác trong gia đình. Ngay tại một số tổ chức cũng vậy, vẫn có những người đứng đầu tổ chức còn mang tư tưởng và hành vi của chế độ phong
kiến, luôn thích ra lệnh cho người dưới quyền, không biết tận dụng khả năng và chất xám của người lao động, chưa thực sự biết cách sử dụng nhân tài. Đôi khi trong việc khuyến khích cho người lao động học tập nâng cao trình độ còn bị xem nhẹ, không chú trọng không được tạo điều kiện một cách đúng mực...
Sự thay đổi các giá trị văn hoá của một nước cũng làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội ngày càng tăng. Lập luận cũ là “nam làm việc, nữ ở nhà” đã thay đổi nhiều trong những thập kỷ gần đây. Điều này cũng tác động không nhỏ đến các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực là nữ trong tổ chức vì các tổ chức phải đưa thêm các ưu đãi đối với phụ nữ trong quá trình làm việc, phải tạo môi trường làm việc phù hợp với tâm lý và sức khoẻ của lao động nữ...
Sự thay đổi về lối sống trong xã hội cũng ảnh hưởng đến cấu trúc của các tổ chức. Đã có sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực sản xuất hàng hoá sang khu vực dịch vụ như ngành giao thông, truyền thông, các dịch vụ kinh doanh như quảng cáo, tư vấn về pháp luật, dịch vụ bảo hiểm, tài chính, ngân hàng... Như vậy, về phương diện nào đó nó sẽ tác động đến cơ cấu lao động, số lượng lao động, trình độ lao động...trong tổ chức. Khi có sự thay đổi đó, các tổ chức phải biên chế lại lao động, bố trí lại lao động trong các đơn vị của tổ chức.
Yếu tố kỹ thuật – công nghệ: Chúng ta đang sống và lao động trong thời đại bùng nổ công nghiệp. Để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đã phải cải tiến kỹ thuật, cải tiến khoa học kỹ thuật thiết bị. Sự thay đổi này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, tổ chức. Đây là thách thức đối với tổ chức, họ phải bồi dưỡng, nâng cao trình độ của người lao động, đào tạo nhân viên theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ mới hiện đại. Sự thay đổi kỹ thuật công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp, tổ chức phải có thêm nhân viên mới có khả năng sử dụng những kỹ thuật công nghệ mới vào công việc và việc tuyển dụng được ngay những nhân viên này không phải là dễ dàng đối với các tổ chức.
Khi kỹ thuật công nghệ thay đổi, có một số công việc hoặc một số kỹ năng không cần thiết nữa. Do đó, tổ chức cần phải đào tạo lại lực lượng lao động hiện tại của mình và phải lập kế hoạch đào tạo mới thêm lực lượng lao động phù hợp với công việc. Sự thay đổi của kỹ thuật công nghệ cũng đồng nghĩa với sự kiện là chỉ cần ít người hơn mà vẫn sản xuất ra số lượng sản phẩm tương tự, nhưng có chất lượng cao hơn. Điều này có nghĩa là nhà quản lý phải sắp xếp lại lực lượng lao động dư thừa của tổ chức và phải tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực.
1.6.1.2. Môi trường vi mô.
Trong phân tích về chiến lược nói chung, môi trường vi mô được xem xét bởi 5 lực lượng cạnh tranh bao gồm: cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại, quyền lực nhà cung cấp, quyền lực người mua, áp lực của sản phẩm thay thế và áp lực từ đối thủ tiềm tàng.
Riêng đối với đào tạo nguồn nhân lực có 3 yếu tố trong môi trường vi mô được xem là có ảnh hưởng rõ nhất đến công tác đào tạo nguồn nhân lực là sự cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại, yếu tố khách hàng và yếu tố nhà cung cấp.
Trước hết yếu tố về đối thủ cạnh tranh: Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp và tổ chức không chỉ cạnh tranh thị trường, cạnh tranh sản phẩm mà còn cạnh tranh cả về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực là cốt lõi của hoạt động kinh doanh. Để tồn tại và phát triển, không còn con đường nào khác là thực hiện đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả, vì nguồn nhân lực tốt là nguồn gốc cho mọi thành công trong hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất trong tổ chức.
Khi đã coi là tài nguyên quý giá nhất, các tổ chức phải giữ gìn, duy trì và phát triển nguồn tài nguyên đó. Để thực hiện được việc này, các tổ chức phải có các chính sách nhân lực hợp lý, phải biết lãnh đạo, động viên, tặng thưởng hợp lý, phải tạo ra bầu không khí doanh nghiệp gắn bó... Ngoài ra tổ chức phải có một chế độ chính sách lương bổng đủ để giữ nhân viên làm việc với mình, phải cải tiến môi trường làm việc và cải tiến các chế độ phúc lợi. Nếu không thực hiện được tổ chức có thể mất đi các nhân tài về các đối thủ cạnh tranh có thể có các chính sách đãi ngộ
thích hợp và thu hút nhân tài của tổ chức. Sự ra đi của nhân viên không chỉ thuần tuý là vấn đề lương bổng, phúc lợi mà nó còn tổng hợp nhiều vấn đề khác như điều kiện được đào tạo nâng cao trình độ, điều kiện thăng tiến, bầu không khi – văn hoá doanh nghiệp, niềm tự hào, tự tôn của cá nhân người lao động trong doanh nghiệp...
Yếu tố thứ hai là khách hàng: Khách hàng là mục tiêu của mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Bởi vậy mới có câu “Khách hàng là thượng đế” Khách hàng là đối tượng sẽ mua và tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, là một phần của yếu tố môi trường bên ngoài tác động vào công tác định hướng đào tạo nguồn nhân lực của tổ chức. Doanh số là một trong những yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải bảo đảm rằng nhân viên của mình sản xuất ra các mặt hàng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Chất lượng của hàng hoá hoặc dịch vụ rất quan trọng đối với khách hàng. Nhà quản lý phải đào tạo nhận thức làm cho nhân viên của mình hiểu rằng không có khách hàng thì không có doanh nghiệp và họ không còn cơ hội để làm việc nữa nếu doanh nghiệp không còn tồn tại, hoặc phải cho họ hiểu là doanh thu của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ.
Sự thay đổi về thị hiếu của khách hàng đòi hỏi Doanh nghiệp phải có sự đa dạng về hàng hoá, dịch vụ... Để có thể đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, nhà quản trị phải biết định hướng đào tạo nhân viên, bố trí, biên chế lao động cho phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, có các chính sách ưu đãi hợp lý khi nhân viên làm tốt, phải có những lớp học bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ để giúp nhân viên phục vụ khách hàng tốt hơn, nhất là những nhân viên thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng...
Ví dụ: Ngành điện trước đây là một ngành kinh doanh thuộc quyền do Nhà nước quản lý không có sự cạnh tranh do đó việc quan tâm đến thị hiếu của khách hàng chưa được đề cao; đến nay nhưng trước nhu cầu của sự phát triển của đất nước, chúng ta đã từng bước thị trường hoá trong lĩnh vực kinh doanh điện, Nhà nước cho phép cạnh tranh đầu tư sản xuất kinh doanh điện và đã tạo ra thị trường bán nguồn điện cạnh tranh; đặc biệt đến nay ngành điện tham gia kinh doanh viễn
thông là lĩnh vực kinh doanh trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo do đó việc quan tâm đến khách hàng được đặt lên hàng đầu đó là thị hiếu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ ... do đó mục tiêu của Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực phải thay đổi.
Ảnh hưởng đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực còn có yếu tố: Nhà cung cấp nguồn nhân lực (Nhà trường):
Đối với các doanh nghiệp hiện nay, vấn đề cần quan tâm không chỉ là hoạt động sản xuất – kinh doanh diễn ra như thế nào, hiệu quả đến đâu... mà điều quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp ra sao. Vì sao các doanh nghiệp lại quan tâm đến điều này?
Vì chất lượng nguồn nhân lực có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực bắt nguồn từ chính các nhà cung cấp của doanh nghiệp.
Đối với Việt nam hiện nay, các trường học hoàn toàn có khả năng cung cấp một nguồn nhân lực có trình độ phù hợp với hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay đối với các nhà cung cấp này là do số người có trình độ chuyên môn và khoa học, tính từ công nhân kỹ thuật đến tiến sỹ khoa học so với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế thế giới còn chiếm tỷ lệ thấp, số này mới chiếm hơn 19%, còn lại hơn 80% là chưa qua đào tạo. Trong số được đào tạo nâng cao trình độ thì những người có trình độ sơ cấp lại chiếm tỷ lệ