5. Bố cục khóa luận
2.1.1. Nhân vật ma
Trong những tác phẩm văn chương kì ảo, rất nhiều nhà văn đã xây dựng một kiểu nhân vật trở về từ cõi phi thực - nhân vật ma. Ma có nghĩa là linh hồn bất tử, xuất phát từ tiếng La tinh là anima, là “phi vật chất và bất tử, chịu trách nhiệm trước Thượng đế và những hành vi của con người khi sống
tạm thời trên mặt đất” [27]. Sự tồn tại của ma sẽ bị phủ nhận triệt để trong nhiều lĩnh vực khoa học, nhưng lại nằm trong phần bí ẩn sâu kín chưa thể lý giải được của tâm linh. Ma, vì thế, vẫn tồn tại trong nghệ thuật nói chung, trong văn học nói riêng.
Trong tác phẩm ngôn từ, ma không cần thiết phải kiểm chứng là sự thực hay bịa đặt, mà người ta chỉ chú ý đến việc ma hiện diện như là một hình tượng nghệ thuật chứa đựng quan niệm của tác giả về nghệ thuật, về cuộc sống. Có thể tìm ra sự tồn tại của các nhân vật thần linh ma quỷ ở bất kỳ nền văn học nào, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Những nhân vật ma ấy không chỉ mang đầy đủ những đặc tính, phẩm chất của con người, mà còn vượt xa hơn, cao hơn cái mà con người không thể làm và cũng không thể giải thích được. Là kết quả của trí tưởng tượng, phụ thuộc vào logic huyền thoại, khả năng của những nhân vật ma siêu tự nhiên ấy cũng vô hạn như chính trí tưởng tượng của con người.
Nắm bắt được điều đó, trong Người sông Mê, Châu Diên đã xây dựng cho mình tuyến nhân vật ma vừa cũ vừa mới. Cũ vì nhân vật ma đã xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm văn chương trung đại cũng như hiện đại, nhưng lại mới vì mượn hình tượng nhân vật ma, Châu Diên đào sâu vào nhiều khía cạnh của cuộc sống, lấy cái ảo để nói cái thực. Tất cả các nhân vật trong Người sông Mê đều là những hồn ma hoặc được hiện lên qua sự cảm nhận của hồn ma. Thế giới nhân vật, vì vậy, mang đậm tính siêu thực. Tác phẩm, vì vậy, đậm một bầu không khí kì ảo, huyển hoặc.
Hồn ma gây nhiều ấn tượng cho độc giả trong Người sông Mê phải kể đến nhân vật Khánh. Khánh gặp tai nạn chết nhưng lại không hoàn toàn mất trí nên lại tiếp tục sống ở cõi âm. Ở đó Khánh vẫn sống một cuộc sống của người bình thường, vẫn có cảm xúc, cảm giác và vẫn nghe thấy tiếng bàn tán lao xao của mọi người, vẫn có những cảm nhận của riêng mình: “khổ thân anh
ta chẳng biết có sao không?...Người vậy mà chết trẻ thế!...Rõ khổ chẳng biết chết no hay chết đói?...Có người rồi. Người ấy đã chạy vội lại với mình. Người ấy ngã mặt vào mình. Giờ thì có nhắm mắt lại mình cũng thấy rõ nét mặt người ấy. Món tóc lào xòa. Ngón tay đeo nhẫn bạc có chữ H bé xíu.”[10, tr.26]. Dường như Khánh không rõ mình đã “chết” hay còn “ngắc ngoải”. Chỉ có bạn đọc chúng ta có thể khẳng định Khánh đã chết, nếu không thì sao Khánh có thể có những khả năng phi thường như thế này: “Mình chợt thấy như được bay bổng trên trời cao. Mình nhìn xuống bao la bên dưới và nhìn thấy rõ mồn một con đường đi ngang cổng trường”[10, tr.35]. Khánh biến thành ma và trở về những ký ức tuổi thơ, kí ức về kiếp trước của Khánh là Lê nin, là Hoàn, là Chiền Chiện, là cậu bé với câu chuyện bà kể về sông Mê bến Lú… Và hồn ma Khánh đã nhập vào họ để sống lại các kiếp mà linh hồn Khánh từng trải qua. Điều này chỉ có thể tồn tại trong trí tưởng tượng, trong tín ngưỡng chứ không thể tồn tại trong cuộc sống hiện thực. Mỗi kiếp, mỗi gốc là một câu chuyện, câu chuyện về cuộc sống, về đời người, về những vấn đề tâm linh… Tất cả cứ đan xen, nhập nhằng dưới cái nhìn của một hồn ma là Khánh.
Dù đã chết nhưng dường như tình yêu của Khánh không bao giờ chết. Khánh luôn theo dõi cuộc sống của Hoa, luôn khao khát được sống bên Hoa, được yêu thương và quan tâm nàng. Hoa đến phòng thí nghiệm dạy học Khánh cũng theo sau, “Tôi bay là là sát trần thí nghiệm. Mùi thuốc sát trùng bốc lên làm mắt tôi cay xè.”[10, tr.60] “Tôi nghe lũ sinh viên bàn tán mà thấy vững lòng, vì như vậy là mình còn hiểu tiếng nói họ, vẫn còn chưa mất hết trí nhớ….tôi là người mà chẳng là người, vì thế mà tôi đành cứ bay là là trên đầu mọi người” [10, tr.62]. Khánh vẫn luôn đi theo Hoa từng ngày, vẫn trò chuyện cùng Hoa như người bình thường; thậm chí Hoa còn nhìn thấy Khánh và hai người kể cho nhau biết bao câu chuyện dở khóc, dở cười về gia đình mình.
Dường như giữa hai người không có một chút khoảng cách nào giữa người âm thế với dương gian họ mặc sức kể nhưng câu chuyện của mình một cách miên man, “- Làm sao ở tuổi em, mà em biết nổi những điều đó? Em biết mà có hiểu hết không? – Anh đừng bay đi, anh đừng bỏ em đây một mình…Em kể cho anh xong thì em cảm thấy sợ hãi”[10, tr.117]. Ở kiếp Hoa, ta thấy Khánh vẫn theo từng bước chân Hoa. Là một hồn ma nhưng Khánh có những cảm nhận rất tinh tế về sự sống và sự chết: “ Chết là hết. Nói cho đúng, chết là bất lực. Có thể ở bên kia biên giới sống chết, mình còn muốn làm điều gì đó, nhưng chết thì dứt khoát muốn làm mà chẳng làm nổi, muốn ghé sát Hoa mà Hoa quên mình luôn…. Chết là chẳng còn một tí gì uy quyền hết”[10, tr.186]. Khánh như một màn sương kì bí, một cái gì đó gần gũi nhưng lại vô cùng xa xăm, ẩn chứa bao điều trăn trở.
Hồn ma thứ hai được Châu Diên dày công xây dựng là Hoa. Sau khi chết Hoa cũng không hoàn toàn cắt đứt với cuộc sống này. Cô vẫn trò chuyện, âu yếm người đàn ông mình yêu, xưng tội cho người khác… Tất cả những gì liên quan đến cô đều có vẻ kì dị, khác thường: không học mà biết chữ, căn bệnh ung thư kì quái, khả năng dự cảm về những cái chết của mình và người khác. Hoa còn có thể nói chuyện với hồn ma, thậm chí tồn tại như một hồn ma. Khánh đã chết trong vụ tai nạn nhưng với Hoa, Khánh vẫn đang tồn tại trong một thế giới cùng với cô. Ấy là vì Hoa đang sống trong trạng thái của người đã chết nên có thể nhìn thấu kiếp này – kiếp khác, nhập vào người này – người kia. Ở cõi âm thế Hoa và khánh gặp nhau họ cùng trò chuyện,“Tôi bảo Hoa: Các bà ấy chuẩn bị kết nạp Hoa làm hội viên mới đấy. Hoa bảo tôi: Gọi cùng hội cùng thuyền là vậy đó”[10, tr.47]. Hai con người đó họ gặp lại nhau ở một thế giới khác, ở đó họ cùng nhau đi rửa tội, họ rửa tội cho chính họ và gia đình họ. Qua cảm nhận của ông Mãnh thì Hoa là một hồn ma đáng sợ: “ Mắt cô gái lại lúng liếng như định trêu chọc tôi. Tôi nắm lấy cánh tay cô
gái thì chỉ túm được cái cống tay áo lủng lẳng bên trong chẳng có da thịt gì. Ma! Tôi gạt vội…Nhưng rõ ràng cô gái ấy như con ma, cái ống tay áo bên trong chẳng có gì cả” [10, tr.81]. Hình ảnh của nhân vật hiện lên thật rùng rợn, lạ lùng song không dẫn ta rời xa hiện thực, ngược lại, nó gợi nhắc cho chúng ta nhiều điều cần suy ngẫm về kiếp nhân sinh, về sự thực xót xa rằng dù cho con người đã chết nhưng nếu họ chết mà vẫn cảm thấy tiếc nuối, cảm thấy day dứt thì sợi dây níu kéo họ lại với cuộc đời chính là linh hồn họ. Họ vẫn muốn sống, vẫn muốn làm được một điều gì đó cho những người họ thương yêu. Chết không có nghĩa là hết.
Có thể nói, Châu Diên thông qua những nhân vật ma như Khánh, như Hoa đã cho ta cái nhìn sâu hơn, rộng hơn về hiện thực, về xã hội. Những hậu quả của chiến tranh, những ảnh hưởng của nền kinh tế bao cấp, cuộc sống của người dân sau độc lập không chỉ là niềm vui mà chất chứa rất nhiều nỗi buồn. Để nói đến những vấn đề nhạy cảm của đời sống xã hội hiện đại, Châu Diên mượn những hình ảnh siêu nhiên như là hồn ma để thể hiện nó theo một phương cách huyền ảo hóa, mơ hồ hóa. Không những thế, Châu Diên còn gia tăng yếu tố kỳ ảo trong chính tâm tưởng của những nhân vật ma này. Bản thân sự nhận thức của các nhân vật như Hoa, Khánh, ông Mãnh lúc nào cũng mơ hồ, phi lí, suy tư lộn xộn, chắp nối hư thực. Nhờ thế mà tác phẩm đã gây ra sự tò mò lớn cho độc giả. Mỗi kiếp, mỗi khúc như là những bức rèm bí ẩn mà bạn đọc vén lên là có thể hiểu được tư tưởng nhân văn cao cả của nhà văn.