Bến Lú và cháo Lú

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 53 - 56)

5. Bố cục khóa luận

2.4.2Bến Lú và cháo Lú

Trong nhiều câu chuyện xưa ở Việt Nam nói riêng, phương Đông nói chung, thường hay nhắc đến cuộc sống của con người sau khi chết đi phải vào Địa phủ. Linh hồn chúng ta trước khi đi qua chiếc cầu nối liền đến chốn Diêm phủ đều phải dừng lại để quỉ sứ cho ăn cháo Lú. Sau khi ăn cháo, người ta sẽ quên hết quá khứ, không còn nhớ nhung tiếc nuối gì về cảnh cũ, người xưa, cắt đứt mối liên hệ với tiền kiếp để chuẩn bị chuyển sinh kiếp khác.

Khai thác những yếu tố trong văn hóa tâm linh là một nét đặc biệt trong sáng tác của Châu Diên. Không chỉ có hình ảnh con sông Mê hiện lên một cách mờ mờ, ảo ảo trong câu chuyện của người bà mà còn có cả những hình ảnh về bến Lú và cháo Lú hiện lên thật hoang đường qua câu chuyện đó. Xuống âm ty tới sông Mê ta sẽ gặp bến lú là bến cho những linh hồn dừng chân khi đi qua con sông Mê và ở đó còn có bán cháo Lú một loại cháo mà khi ăn vào con người sẽ trở nên Lú lẫn. Theo như lời bà kể: “Người chết xuống âm ty, đi qua sông Mê. Lội qua sông là bắt đầu quên. Dưới đó đầy các quan. Các quan đứng sẵn dưới đó đón ở bến Lú, lúc đó mình mệt rồi thì các

quan cho mình ăn thêm bát cháo Lú nữa thế là quên sạch. Chẳng còn nhớ gì mọi điều dương gian” [10, tr.31]. Khánh rất sợ sự lú lẫn, sợ sẽ quên hết mọi điều ở dương gian vì thế mà Khánh nghĩ: “Đúng lúc này mình nghĩ bụng ta hãy còn một nghìn đồng, nếu có chết thì ta cũng thủ sẵn cái gì mà ăn chứ không thể để bụng đói mà húp vội bát cháo Lú ở sông Mê. Đói quá húp vào thì nhất định là toi rồi” [10, tr.33]. Trong tâm thức của Khánh luôn tự nhủ bản thân mình: “Này có chết cũng không được ăn cháo Lú đấy, không được quên, cố cưỡng lại không được cho các quan dưới âm ty bắt quên không cho nhớ vì khi xuống dưới đó chỉ còn là một cuộc sống thiếu thông tin… Cái chết trong lãng quên, thật đấy, Khánh à” [10, tr.39]. Con người không chỉ vật vã trong cõi thực mà còn vật vã trong cõi mê. Hiện thực phải đối diện với bao nhiều vấn đề thì khi xuống cõi âm con người cũng luôn phải đấu tranh để sống, để nhớ, để không quên đi những cái gốc rể của mình, để có cái gì đó mà tồn tại ở một cõi xa xôi không thì sẽ bị rơi vào quên lãng: “Thôi được. Nhưng mà có chết cũng phải cố mà không tắm nước sông Mê không ăn cháo bến Lú không để mình bị bắt buộc phải quên, em nghe rõ chưa? Vì anh không muốn quên một chút gì của của em, em nghe rõ chưa?” [10, tr.39]. Những hình ảnh ở cõi âm thật không khác gì cõi thực chỉ mỗi tội là tên con sông là sông Mê, cháo thì gọi là cháo Lú, bến đợi gọi là bến Lú xuất hiện trong câu chuyện truyền miệng của người bà về cõi âm khi con người ta chết đi. Tất cả chúng đều là biểu tượng cho sự lãng quên, mất trí nhớ trở nên lú lẫn, mơ hồ về mọi chuyện, tất cả chúng đều xảy ra ở cõi phi thực.

Có lẽ, khi sáng tạo ra những biểu tượng kì ảo đó, Châu Diên muốn hướng ngòi bút của mình ra xa hơn, tới vùng đất mới hơn để hiểu hơn những suy nghĩ của một con người ở cõi khác. Những biểu tượng kì ảo làm cho những trang văn của Châu Diên thêm hấp dẫn, gợi lên trí tưởng tượng, đồng thời truyền tải những thông điệp về cuộc sống đến bạn đọc. Sông Mê, bến Lú,

cháo Lú, chúng tượng trưng cho niềm tin về sự tồn tại của một cõi người khác.

Tóm lại, yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên được thể hiện rất tinh tế qua một thế giới hình tượng nghệ thuật đầy bí ẩn, siêu nhiên, huyễn hoặc. Nhân vật hồn ma, chuyển kiếp hay nhân vật mang màu sắc tôn giáo, “bầu khí quyển kì ảo” của không gian dự cảm, không gian tâm linh, cùng với sự xô lệch thời gian. Tất cả đã tạo nên một thế giới tràn ngập âm u và cô tịch trong tiểu thuyết.

Chương 3

YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TIỂU THUYẾT NGƯỜI SÔNG MÊ NHÌN TỪ

MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT

Lựa chọn kì ảo như một phương diện nghệ thuật để chiếm lĩnh cuộc sống, chất kì ảo không chỉ mang đến một thế giới hình tượng nghệ thuật phong phú mà còn tạo ra lối trần thuật đậm đà màu sắc kì ảo để khám phá cuộc sống và thể hiện những nỗi niềm suy tư, trăn trở về con người. Bạn đọc nếu không cẩn thận sẽ rất dễ lạc đường trong những mê lộ được tạo ra bởi phương thức trần thuật rất huyền bí mà cũng rất hiện đại của Châu Diên.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 53 - 56)