Giọng lấp lửng

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 67 - 69)

5. Bố cục khóa luận

3.3.1.Giọng lấp lửng

Chất liệu góp phần tạo nên yếu tố kì ảo cho Người sông Mê chính là giọng điệu lấp lửng. Ngay từ phần giới thiệu, tác giả đã làm cho cuốn sách có cái gì đó đặc biệt, gợi nên không khí huyền bí bằng chất giọng lấp lửng khi giới thiệu về các nhân vật: “Cô nhớ và không nhớ. Thực tình cô cũng có nhớ, nhưng rồi nhớ nhớ quên quên, thành thử là quên và nhớ lẫn lộn.” [10, tr.5]. “ Sách ghi lại câu chuyện của một người của ba người của vài người của nhiều người, đại loại như sách này sách khác” [10, tr.10].

Nhân vật Khánh đã chết nhưng trong suy nghĩ của mình anh không tin mình đã chết; vậy là chất giọng lấp lửng lại xuất hiện: “Vậy là phải cố nhớ xem ai đã chết?...Mình đã chết hay nàng đã chết? Mình chết thực chưa hay còn ngắc ngoải? Hoặc giả nàng chết thật rồi mà mình vẫn còn sống thì sao?” [10, tr.32]. “Có điều là Hoa nói mà như không nói, nới với người thực mà như nói trong mơ…Nghĩ đi nghĩ lại thì cũng phải thôi. Tôi bây giờ có còn là tôi nữa đâu? Và có bao giờ trong đời tôi, tôi từng được là chính mình không nhỉ?” [10, tr.70]. Trong tâm thức Khánh luôn luôn có sự lẫn lộn giữa sự sống và cái chết do vậy mà giọng điệu xuyên suốt của Khánh là giọng điệu chứa đầy sự hoài nghi về cái chết của mình. Châu Diên đã để nhân vật của mình

nói chuyện với giọng điệu lấp lửng nhằm tô đậm thêm kiểu nhân vật phi thực này. Cũng như Khánh, Hoa luôn lẫn lộn về tên tuổi của mình, khi thì nghĩ mình là Hương, lúc lại nghĩ mình là Hoa: “Sao lại không thật? Chẳng lẽ em quên tên em rồi? Hay là em chết rồi? Hay là chết rồi và em trót dại uống nước sông Mê” [10, tr.40]. Hay như khi nói về Số và Mệnh, Khánh lại có những câu nói hết sức mơ hồ tạo nên sự lấp lửng cho người nghe: “ Thoát! Thoát mà không thoát, không thoát mà thoát đời lạ thế đấy. Mệnh không thoát mà lại thoát, cái ấy mới lạ…Em còn thích nghe chuyện bố anh nữa không?” [10, tr.130]. Người sông Mê là nơi con người lẫn lộn nhớ quên hay nói đúng hơn muốn quên hơn nhớ. Đó cũng là nơi lẫn lộn tỉnh mê. Dường như các trang viết đều mang bóng dáng của cái quên - nhớ, tỉnh - mê. Những kẻ tham dự câu chuyện không muốn uống nước mê mà vẫn quên. Nhưng sự thực nhớ mà nhớ không rõ ràng:

“Người nào cũng mê mê tỉnh tỉnh, người nào cũng nhớ nhớ quên quên, tất cả đều không sáng suốt” [10, tr.11]. “ Sông Mê đã ngập tràn các linh hồn lê thê vương vất, bỗng có ai đó chợt biết nhớ, chợt muốn tìm kiếm sự thật, chợt đặt ra câu hỏi: cuộc đời vào thuở ngày xưa nó như thế nào ấy nhỉ” [10, tr.75]. Tất cả những suy nghĩ những lẫn lộn của con người ở cõi sông Mê bến lú tạo nên một nét riêng trong giọng điệu. Đó là sự xuất hiện của giọng lấp lửng làm cho bạn đọc như bị cuốn vào cõi ấy, khó thoát ra và có thể trở nên nhớ quên giống như người chép sách đã giới thiệu: “Làm cho nhiều người ra trình diện trong cuốn sách này cũng có cái tật giống cô là cứ nhớ nhớ quên quên. Và có khi cô còn làm cho cả những ai tiếp xúc với các nhân vật trong sách này cũng lâu cái tật quên quên nhớ nhớ ấy” [10, tr.6].

Tính lấp lửng trong giọng điệu nhân vật còn có sự góp phần của ông Mãnh. Nhiều lúc ông này nghĩ tôn giáo mình có ma, nhiều lúc lại nghĩ không. Sự nhập nhằng trong suy nghĩ của ông tạo nên sự nghi hoặc cho đọc giả, tạo

nên giọng điệu lấp lửng cho tác phẩm: “ Tôi nắm lấy cánh tay cô gái thì chỉ túm được cái ống tay áo lủng lẳng bên trong chẳng có da thịt gì. Ma! Tôi gạt vội cái ý ngĩ xa lạ đó so với tôn giáo của mình. Tôn giá của tôi không có ma. Nhưng rõ ràng cô gái như con ma, cái ống tay áo bên trong chẳng có gì cả.” [10, tr.280].

Có thể nói, bằng giọng điệu lấp lửng, Châu Diên đã đưa yếu tố kì ảo vào trong tiểu thuyết một cách đầy điêu luyện.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 67 - 69)