Không gian tâm tưởng

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 44 - 49)

5. Bố cục khóa luận

2.2.3.Không gian tâm tưởng

Tiểu thuyết Người sông Mê không chỉ xây dựng hai vùng không gian kì ảo là không gian dự cảm và không gian tâm linh mà còn khắc họa rõ nét một miền không gian tâm tưởng. Đây là kiểu không gian rất khó định hình cho chính xác, bởi tính mơ hồ đã trở thành thuộc tính của dòng ý thức con người. Trong tác phẩm, không gian tâm tưởng trước hết là không gian vô thức của con người, nơi diễn ra những hành động mà con người không thể tự ý thức. Không gian vô thức đó xâm lấn dần vào cuộc sống của Hoa từ khi Khánh chết, khi đó lúc nào cô cũng như người mất hồn, mê mê tỉnh tỉnh, đang nói chuyện với Khoa mà cô cứ lảm nhảm đâu đâu:

“ - Hoa, anh đi tìm em.

- Tìm em làm gì kia chứ…? Vẫn còn đắp chiếu đó mà người ta đã mang cái xác đi đâu rồi…Cứ nghĩ là phải lập biên bản, tức là còn phải chờ gọi người nhà người cửa, ai ngờ người ta thu gọn nhanh gớm” [10, tr.215].

“ - Đã ăn hết cơm chưa không biết?...Tội thân quá đi!...Mà vừa mới nằm đây, bây giờ đã biến đi đâu rồi? Lại mãi đi chơi đây mà! Lũ này có việc quái gì để làm nghiêm túc cơ chứ!” [10, tr.216].

Hoa cứ thẫn thờ, cứ như tự trách vấn mình, mãi đến khi nghe Khoa nói có thư của mẹ, “Hoa mới như chợt tỉnh cơn mê”, “Hoa mới như người rớt từ

tít trên trời cao xuống đất liền” [10, tr.216]. Có những lúc vừa mới nói xong, Hoa lại cũng như “nhớ nhớ quên quên”, “mê mê lú lú”: “Em quên rồi. Đấy anh thấy chưa? Vừa mới nói xong, bảo nhắc lại xem em vừa nói gì, thế mà chính em cũng chịu không nhắc lại nổi. Anh thấy chưa? Vậy là anh đừng coi trọng lời nói của em” [10, tr.237]. Nhiều lúc, đang sống ở đây, ở chính trong cuộc sống này mà hồn Hoa cứ mông lung về một miền không gian nào đó xa xăm đầy ám ảnh: “Khánh ơi, người chưa kịp sống đã chết của Hoa ơi, Khánh khôn thiêng thì tìm em cho Hoa, đừng bỏ em lạc lõng. Khánh nhé” [10, tr.226]. Nỗi ám ảnh ấy ngày càng dày đặc, ngự trị trong tâm tưởng của Hoa; hình thành nên một miền không gian khuất trong tâm hồn của cô, nơi mọi hành động, mọi suy nghĩ của Hoa lúc nào cũng hướng về Khánh.

Hay như trong miền tâm tưởng của Khánh, cậu luôn không biết là mình đã chết hay chưa: “Ô hay phải chăng mình bị lú? Mình vừa nói gì với ai vậy nhỉ? Vậy là ai đã chết thế hử? Mình chết hay nàng đã chết? Nếu nàng chết thì lúc này đây mình phải làm một cái gì chứ nhỉ? Làm cái gì đây? Làm gì bây giờ? Mình không biết phải làm gì cả, vậy là chính mình đã chết, vậy là không phải ai khác đã chết” [10, tr.37]. Là một người đã chết nhưng trong tâm tưởng Khánh lúc nào cũng muốn được bảo vệ che chở cho Hoa, lúc nào cũng ghen, cậu chưa thỏa mãn với cái chết mà số mệnh đã an bài.

Ngoài ra, không gian tâm tưởng, đấy cũng chính là những miền không xuất hiện trong dòng hồi ức, trong trí nhớ của nhân vật, đã bị bôi xóa và mờ ảo đi ít nhiều do khoảng cách của thời gian và hoài niệm. Đó có thể là hình ảnh khu vườn con của bà ngoại với giàn hoa sói hiện về trong trí nhớ của Khánh; là không gian của cánh rừng Trường Sơn thơ mộng dưới dòng hồi ức của người lính mơ mộng một thời: “rừng lim mạn Nam một tỉnh Trung du nơi có trời vô cùng cao xanh và có những dòng kênh dài thơ mộng những làng

quê đồi thông thơ mộng những con đường đỏ len lách dưới tán lá xanh đồi thông thơ mộng” [10, tr.49].

Không gian tâm tưởng, đó còn là miền không gian gợi lên qua ảo giác của nhân vật. Chẳng hạn không gian con đường hiện lên trong trí tưởng tượng của Khánh như một mê cung. Nhiều con đường với nhiều ngã rẽ cứ mờ ảo, chập chờn trong cõi vô thức của nhân vật: “những con đường nhánh đổ vào đường lớn đúng là vô số những dòng nước nhỏ đang róc rách chảy dồn vào con sông lớn. Bao la bên dưới là cả một vùng nước. giữa vùng nước nổi lên những đảo xanh rờn màu lá cây cùng những đảo màu vàng lô nhô những mái ngói đỏ bên dưới là những bức tường sơn xanh…” [10, tr.34]. Hay là không gian cánh rừng u ám, lạnh lẽo, “nơi rừng thiêng nước độc” trong ảo giác, linh cảm của Khánh nơi đứa em trai của Hoa đã chết.

Xây dựng những vùng không gian tâm tưởng đầy kì ảo, Châu Diên như muốn đi sâu vào tận hang cùng ngõ hẻm nội tâm của con người, ở đó sự vô thức đang ngự trị. Chỉ có trong không gian ấy con người mới sống đúng với chính bản thân mình. Không gian kì ảo mang tên tâm tưởng rất hư mà cũng rất thực đã tạo ra mạch ngầm cho câu chuyện, lôi cuốn bạn đọc đến vùng mờ tâm linh mà đường biên giới của nó thật khó phân biệt, từ đó góp phần làm gia tăng yếu tố kì ảo cho tiểu thuyết.

Như vậy, yếu tố kì ảo không chỉ xâm nhập vào thế giới nhân vật mà còn tràn ra bối cảnh không gian, thời gian trong tiểu thuyết Người sông Mê

của Châu Diên. Khép lại tác phẩm, người đọc vẫn nhớ đến sự dụng công của tác giả trong việc mở rộng biên độ không gian, đào sâu vào những không gian nhạy cảm, sâu kín của con người để từ đó đề cập đến những vấn đề của cuộc sống hiện đại, những day dứt về nhân sinh thế sự đảo điên hỗn loạn. Lựa chọn bối cảnh không gian kì ảo để thể hiện những vấn đề rất thực, rất đời, khiến

người đọc bị ám ảnh sâu sắc; yếu tố kì ảo quả là phương thức nghệ thuật mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao cho tác phẩm văn học hiện đại.

2.3. Thời gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới… Thời gian nghệ thuật xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính tiêu đề được giấu kín để miêu tả đời sống trong tác phẩm. Gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian nghệ thuật riêng” [13, tr.322].

Trong văn học trung đại nhà văn thường xây dựng thời gian theo một trật tự tuyến tính, nhưng đến văn học hiện đại, đặc biệt là văn học hậu hiện đại việc sử dụng trật tự thời gian như vậy bị phá vỡ hoàn toàn. Các nhà văn hiện đại mang đến những dòng thời gian phi tuyến tính, phá vỡ trật tự tư duy logic thông thường, góp phần gây ra nghi ngờ, hoang mang, bối rối cho người đọc và dẫn lối cho chất kì ảo lan vào trong tác phẩm. Thời gian kì ảo có thể là kiểu thời gian bị phá hủy thành nhiều chiều, quá khứ – tương lai – hiện tại gặp nhau giữa giao lộ đầy những ngã rẽ, thời gian biến hóa kì ảo theo nhiều cách thức, thời gian nhanh qua đi hoặc bị ngưng đọng, thời gian đảo ngược – xoay vòng,.. Trong tiểu thuyết Người sông Mê, Châu Diên đã kì ảo hóa thời gian bằng cách để hiện tại và quá khứ xen lẫn vào nhau một cách nhập nhòe, hoặc thả nhân vật vào giữa dòng thời gian vô thức. Thời gian nghệ thuật trong

Người sông Mê, do vậy, đã trở thành năng lượng xúc tác cho chất kì ảo xuất hiện.

2.3.1. Thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại

Trước hết, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Người sông Mê có sự pha trộn đan xen của quá khứ với hiện tại, thời gian được mơ hồ hóa tạo nên tính kì ảo rõ nét.

Trong Người sông Mê, Châu Diên để cho nhân vật Khánh chết rồi mới bắt đầu kể về những ngày tháng trong quá khứ. Mạch thời gian sự kiện trong

Người sông Mê được tính từ khi nhân vật Khánh còn nhỏ, được nghe bà kể chuyện người chết xuống âm ty, đến khi lớn lên trở thành sinh viên trường Sư phạm, gặp Hoa và đến khi chết. Tuy nhiên, Châu Diên không dừng lại ở đó mà ông để cho linh hồn của Khánh tiếp tục chứng kiến cuộc sống vẫn đang diễn ra, đến khi Hoa chết và kết thúc tác phẩm là lời rửa tội của các nhân vật. Như vậy Châu Diên bằng cách mượn một linh hồn của hiện tại để quay về quá khứ, quay về những kí ức, hoài niệm làm cho hiện tại – quá khứ đan xen. Hiện tại dội về quá khứ, đến lượt quá khứ xóa nhòa ranh giới hiện tại, khiến cho thời gian trần thuật bị xáo trộn. Mọi thứ như bị mờ nhòe rất khó để nắm bắt làm cho người đọc tiểu thuyết này cũng mắc cái tội quên quên nhớ nhớ.

Thời gian trong tiểu thuyết cứ nhập nhằng đang ở hiện tại lại quay về quá khứ, đang ở quá khứ vụt cái lại về hiện tại. Mỗi sự kiện là một dòng hoài niệm của nhân vật. Nếu ta để ý, trong mỗi câu chuyện, mỗi khúc thời gian lại được sắp xếp theo một trật tự tuyến tính, xác định theo thời gian cụ thể: Ngày đầu tiên, Tiếp theo một Ngày đầu tiên, Thời khắc tranh tối trang sáng xuất, Tiếp theo một Ngày và một Thời khắc tranh tối tranh sáng (Khúc dạo: Khải bút); Hai mươi tuổi, Bốn mươi tuổi, Sáu mươi tuổi, Bảy mươi tuổi (Khúc 1:

Gốc một nhất gốc); Mười bảy tuổi, Mười ba tuổi, Hai mươi tuổi (Khúc 2: Hai người); Tháng thứ nhất, Tháng thứ hai, Vẫn tháng thứ hai, Tháng thứ năm, Tháng thứ mười (Khúc 7: Kiếp họa),… Nhưng khi nằm trong tổng thể chung của tác phẩm thì mọi sự kiện bị đảo lộn, bị mờ hóa, đường biên giữa các sự kiện bị nhòe hẳn, khiến cho dòng thời gian như ngưng đọng trong dòng tâm trạng của nhân vật. Các sự kiện xảy ra cứ chồng chéo lên nhau khiến cho người đọc buộc phải lần đến đầu mút sự kiện, cấu trúc lại toàn bộ tác phẩm thì mới tri nhận được tầng sâu nhân bản mà nhà văn muốn gửi gắm.

Sử dụng thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại như là một thủ pháp đắc địa của Châu Diên để tạo nên sự mới mẻ mà hầu hết các nhà văn hậu hiện đại như Nguyễn Bình Phương Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… đã vận dụng. Ngoài ra nó còn tăng thêm tính chất kì ảo làm cho bạn đọc như lạc vào những mê lộ mà Châu Diên đã tạo ra trong 283 trang giấy.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 44 - 49)