Giọng huyễn hoặc

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 69 - 71)

5. Bố cục khóa luận

3.3.2.Giọng huyễn hoặc

Trong tiểu thuyết kỳ ảo giọng huyễn hoặc là nhân tố vô cùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bầu không khí kỳ ảo. Quả thực mở tiểu thuyết

Người Sông Mê là giọng của người viết sách đầy huyễn hoặc, mập mờ: “Trời và đất cho sinh ra một ngày đầu tiên, trong ngày đó có câu chuyện liên quan đến cô gái tên là Hoa” [10, tr.5]. “ Ba người. Một ông chủ nhiệm khoa, một cô giáo tên là Hoa, và một người chưa có mặt, chưa có tên, chưa có tuổi, chưa sống, chưa chết, chưa có quá khứ, chưa có tương lai… Thế rồi vì cây dây cuốn, ba người lại đẻ ra ba người, lại đẻ ra ba người nữa. [10, tr.11].

Châu Diên đã tạo ra một màn giới thiệu rối rắm chứa đầy sự huyễn hoặc, ly kì để làm tiền đề cho sự lộ diện của người chốn sông Mê và Khánh xuất hiện. Vì tai nạn bất ngờ, Khánh chết và thành hồn ma nhưng lại có những suy nghĩ cảm nhận như một người đang sống ở cõi trần. Khánh vẫn yêu thương hờn giận, tất cả thể hiện qua những đoạn độc thoại hoặc những cuộc trò chuyện đầy khác thường giữa Hoa và Khánh, hai con người ở hai thế giới khác nhau. Chất giọng huyễn hoặc có lẽ được sinh ra từ đó: “ Hoa gọi tên cúng cơm của tôi là Khánh. Vậy là tôi chưa chết…Hoa đang nói với tôi chính tôi đây Khánh đây Khánh đây em à em nói nữa đi cớ sao bổng dưng em lại ngồi im em đang nghĩ gì vậy hử…” [10, tr.104], “ Kìa kìa, Khoa đang can tội dắt tay em Hoa của mình đi dưới sân trường… Mình bay là là sát người Hoa

là cốt báo cho em là anh Khánh đang theo dõi đây, vậy mà hoa chẳng biết gì hoặc chẳng để ý gì hết cũng nên.” [10, tr.186]. Hay như những câu nói ngây ngô của Hoa với Khánh: “ Cần gì phải đẻ? Em sẽ đầu thai em sẽ hóa kiếp mình vào một ai đó, em sẽ đẻ ra chính em chứ…Đấy rồi anh coi” [10, tr.54]. Trong cuộc tìm kiếm đứa em trai của mình Hoa lại nhớ đến Khánh, lại ngập chìm trong cõi vô thức để mong tìm được đứa em trai của mình: “Sao kia anh Khánh? Sao, em Tiêu gặp tai họa gì sao? Thực hư ra sao Khánh biết đến đâu Khánh nói cho Hoa biết hết đi, em van Khánh đấy” [10, tr.228]. Nhìn thấy cảnh Hoa đau đớn, Khánh đã nói với Hoa: “Khánh chết rồi nên khánh có nhiều sức mạnh. Khánh báo tin cho bố mẹ Hoa bằng cách làm cho ông bà ấy sốt ruột” [10, tr.246]. Để miêu tả một cuộc trò chuyện phi thời gian và không gian thì ắt sẽ phải sử dụng chất giọng huyễn hoặc. Giọng ấy cứ chảy đều, chảy đều trong cuộc trò chuyện vô thức của hai nhân vật Khánh và Hoa.

Một yếu tố nữa để tạo nên giọng huyễn hoặc là những câu văn chứa đầy chất thơ của Châu Diên: “Sân trường đầy bụi. Lá cây đầy bụi. Những hàng rào sắt che chắn mấy cái cây được bảo về như báu vật cũng đầy bụi. Những tấm kính chắn gió chắn nắng đầy bụi. Cô gái tên là Hoa vẫn lặng lẽ đi dạo trong sân trường đầy bụi, tay vuốt những chiếc lá đầy bụi, mắt đôi khi ngước lên lơ đãng nhìn những tấm kính che gió che nắng đầy bụi” [10, tr.6-7]. Hay như việc Châu Diên sử dụng những câu rất bâng quơ trong lời chuộc tội: “Đó không phải là lỗi của ai đâu các con ạ, đó là lỗi của không khí, lỗi của gió lỗi của mưa lỗi của nắng, lỗi của những con chó sủa nhí nhách suốt đêm bên vườn nhà hàng xóm, lỗi của những cặp mèo hoang gào trong đêm, lỗi của mưa đang rơi chợt tạnh, lỗi của giọt nắng bên thềm chẳng sưởi ấm được chút gì dù là cũng sưởi ấm được đôi mắt của mình... ” [10, tr.283]. Đoạn văn này được lặp lại một lần ở trang 241, bốn lần ở Khúc kết, khúc Huyền bút, ở các trang: 278, 279, 281 và 283.

Ngoài ra chất giọng huyễn hoặc còn xuất hiện cuối truyện, hiện ra trong lời người chép sách: “Cu lớn nghĩ rằng nó nắm được bí mật của gia đình...Nó không biết được chuyện lịch sử gia đình còn có một người gọi là ông Mãnh, chết hồi đó cũng chẳng biết thế nào, người thì bảo chết hồi lên mười... tuy vậy theo niềm tin hoặc mê tính hoặc đúng đắn hoặc tào lao của tất cả mọi người thì ông Mãnh nhập vào hầu hết các nhân vật trong gia đình. Chẳng biết có đúng không” [Tr.265]. Ngay cả lời của người chép sách cũng nhập nhằng và kì lạ làm bạn đọc cũng phải bán tính bán nghi, tạo ra chất giọng huyễn hoặc rỏ rệt trong phần huyền bút.

Hay cuộc trò chuyện xưng tội tại nhà thờ của ba nhân vật Ông Mãnh, Khánh và Hoa ở cuối thiên truyện. Không biết Khánh và Hoa có theo đạo thiên chúa không nhưng họ lại đi xưng tội ở nhà thờ. Chính trong không gian ấy làm cho cuộc trò chuyện của họ trở nên kì bí. Đây là điều kiện để hình thành nên chất giọng huyễn hoặc cho từng phát ngôn của nhân vật, “Trình cha, vì con với anh ấy…Trình cha nó cũng hệt như tình cảnh mẹ con kiếp nào đó…Con vẫn yêu người con trai này tên cúng cơm là Khánh, nhưng con cũng yêu người đàn ông kia tên là Khoa… Cha không biết chuyện đó được đâu… Chính vì có chuyện rắc rối như thế nên mới cần đến những Mười điều răn…” [10, tr.282]. “Nhưng thôi được, cứ để cha rửa tội cho… thế này nhé, đó không phải là lỗi của ai đâu các con ạ, đó là lỗi của không khí, lỗi của gió lỗi của mưa… Amen” [10, tr.283]. Nhân vật kì ảo của Châu Diên có thể nói, đã được đặc trưng bởi chất giọng huyển hoặcnhưng đặc trưng nhất vẫn là chất huyễn hoặc trong từng suy nghĩ và phát ngôn của họ.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 69 - 71)