Thời gian trong cõi vô thức

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 49 - 51)

5. Bố cục khóa luận

2.3.2.Thời gian trong cõi vô thức

Không chỉ có sự đan xen giữa hai lớp thời gian là hiện tại và quá khứ mà tiểu thuyết Người sông Mê là cả công trình kiến trúc tâm huyết của Châu Diên về khuôn mặt của cuộc sống, đằng sau khuôn mặt đó chất chứa biết bao suy nghĩ, đau đớn, dằn vặt. Mọi xúc cảm dường như ngưng đọng, dồn nén và chỉ có trong cõi vô thức con người mới có thể bộc lộ được. Khi nhân vật đắm chìm trong cõi vô thức, chính là lúc thời gian vô thức xuất hiện trong tiểu thuyết.

Quãng thời gian sau vụ tai nạn của Khánh đã trở thành “thời gian trắng”. Khánh chìm đắm hoàn toàn vào thế giới của cõi vô thức. Lạc bước và cõi vô thức ấy, ý thức về thời gian cũng hoàn toàn bị nhòe mờ: “Thế đấy, cho tới buổi trưa hôm nay, tại địa điểm X… đúng vào ngày Y… của tháng Z… thuộc về năm N… (thuộc thiên niên kỉ mới toe)… Nếu có ý thức về thời gian thì nhận thức cũng bị xáo trộn: “Vậy mình chết chưa hay còn ngắc ngoải” [10, tr.32], “vậy chính mình đã chết, vậy là không phải ai khác đã chết” 10, tr.34]. Trong không gian vô thức ấy Khánh sống bằng kí ức, bằng sự hồi tưởng về quá khứ, đó là tuổi thơ của mình với người bà, kỉ niệm về thời sinh viên và suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của mình. Ở chốn đó, Khánh hoàn toàn sống bằng tâm tưởng, bằng chiêm nghiệm: “này có chết cũng không được ăn cháo Lú đấy, không được quên, cố cưỡng lại không được để các quan dưới âm ty bắt quên không cho nhớ…” [39]. Hay “ Ôi vừa mới hôm nào! Thế rồi lại vừa vặn đêm hôm qua nữa. Một đêm để con người vơ vẩn nhớ hoài, nhớ mãi.

Mình vẫn còn thấy hiển hiện cái đêm hôm qua. Một đêm không thể giống mọi đêm” [10, tr.33]. Thời gian không còn tính khách quan nữa mà trở thành phương tiện phản ánh sự trôi dạt miên man của dòng tâm thức của con người. Dòng chảy tuyến tính của thời gian bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của các mảng quá khứ và miền kí ức. Chính tính chất mơ hồ, khó nắm bắt chính xác đã tạo nên kiểu thời gian kì ảo, làm cho bạn đọc mê man như lạc vào một thế giới khác, thế giới của sự vô thức, của sự trăn trở và bấn loạn.

Nhân vật Hoa sau cái chết của Khánh, tỏ ra hoảng loạn, rối bời: “ Anh Khánh ơi, anh nằm im em vuốt mắt cho anh nhé, tội thân, bé bổng ơi kìa, bố mẹ đâu kìa, anh chị em đâu kìa…Nằm đợi đây một lát đã, nghe không. Phải chờ người ta tới. Chứ tôi tay không, lại chẳng biết khai quan hệ với cậu ra sao, lại chân yếu tay mềm, làm gì giúp cậu bây giờ?” [10, tr.208]. Tưởng chừng như Hoa đang nói chuyện với Khánh nhưng thực chất là cô đang độc thoại một mình. Ở kiếp rừng Hoa sống mà như đã chết, ý thức về thời gian của cô trở nên mơ hồ. Lúc này quá khứ như lấn át hiện tại, khiến cho nhân vật chìm ngập trong cõi vô thức. Những câu nói mơ hồ trong tâm tưởng của Hoa: “Khánh ơi, người chưa kịp sống của Hoa ơi, Khánh khôn thiêng thì tìm em cho Hoa, đừng bỏ em lạc lõng Khánh nhé” [10, tr.226], “Khánh bảo gì kia? Sao kia Khánh? Sao em Tiêu gặp tai họa gì sao? Thực hư ra sao Khánh biết đến đâu Khánh nói cho Hoa biết hết đi” [10, tr.228]. Chìm sâu trong cõi vô thức, khiến cho thời gian như bị căng ra trên trục thời gian ấy, nhân vật như miên man, bấn loạn.

Hay như Bà giáo sau những năm tháng bị cuốn trong vòng xoáy cuộc đời, hôm nay ngồi cạnh đứa con gái của mình, bà mới chợt ngộ ra, lâu nay mình đã vô tình lãng quên mất đứa con gái của mình, lâu nay bà hình như xem nó như một người bạn, một người ngang hàng với mình. Bây giờ mới nhận ra, đây là đứa con ruột của mình, đứa con mà mình đã đẻ ra. Dòng suy

nghiệm của nhân vật như một sự dồn nén của con người khi ý thức được thời gian, cảm thấy hối tiếc về những ngày tháng chìm đắm u mê của cuộc sống. Khai thác cõi vô thức của con người từ đó Châu Diên tạo ra một khoảng thời gian vô thức, nơi mà con người không thể làm chủ được hành động của mình nơi tâm tưởng, ký ức lấn át lí trí, xô đẩy lí trí ra xa chỉ còn lại sự ngự trị của xúc cảm. Thế giới vô thức dù mơ hồ khó nắm bắt nhưng nó luôn tồn tại bên trong mỗi con người. Châu Diên nhìn thấy được điều đó nên đã tạo ra những khoảng thời gian vô thức đậm tính kì ảo trong từng trang viết.

Như vậy, yếu tố kì ảo trong Người sông Mê đã được thể hiện sống động qua hình tượng thời gian. Thời gian phi tuyến tính và thời gian trong cõi vô thức, đó là hai bối cảnh thời gian lí tưởng cho chất kì ảo lan truyền và phát triển mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 49 - 51)