Nhân vật mang màu sắc tôn giáo

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 35 - 38)

5. Bố cục khóa luận

2.1.3.Nhân vật mang màu sắc tôn giáo

Tôn giáo được xem là niềm tin chưa có căn cứ khoa học của con người vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó. Chính vì vậy mà Richard Dawkins, một nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên, trong khi cực lực phủ nhận sự tồn tại của các đấng thần linh tôn giáo, đã nói rằng: “Cái gì được thừa nhận không cần bằng chứng, thì cũng có thể phủ nhận không cần bằng chứng”. Quả thực, bản thân khái niệm tôn giáo đã bao hàm trong đó tính chất tâm linh, siêu hình.

Bên cạnh nhân vật ma và nhân vật chuyển kiếp, trong Người sông Mê, Châu Diên còn xây dựng thêm kiểu nhân vật mang màu sắc tôn giáo, góp

phần làm gia tăng yếu tố tâm linh huyền bí cho tiểu thuyết. Ta thấy trong tác phẩm có sự xuất hiện của nhiều tôn giáo khác nhau, và trong các nhân vật có sự mập mờ về tôn giáo. Khánh và Hoa được xây dựng là những hồn ma có nhiều suy nghĩ mang tính tâm linh tôn giáo: “Anh Khánh ơi anh nằm im em vuốt mắt cho anh nhé… Từ hôm nay gọi tên anh là Khánh đi. Tên cúng cơm đấy. Có chuyện gì cứ réo tên đó lên mà khấn” [10, tr.209]. Hay: “Hoa lấy trong bao ra một nắm hương nén, thắp cả lên rồi cắm ba nén vào bình hương trên chiếc bàn thờ nho nhỏ…rồi Hoa chắp hai tay lẩm nhẩm nói chuyện với tôi… - Khánh ơi, người chưa kịp sống đã chết của Hoa ơi, Khánh khôn thiêng thì tìm em cho Hoa, đừng bỏ em lạc lõng Khánh nhé. Tên cúng cơm của em là thằng cu Tiêu” [10, tr.226]. Như vậy, cả hai nhân vật đều chìm sâu và cõi vô thức và ở họ có cái gì đó mập mờ của đạo Phật. Thế nhưng đến cuối truyện, ta lại thấy Khánh và Hoa dắt tay nhau đến nhà thờ xin rửa tội: “- Thưa cha, chúng con muốn xưng tội. Xin cha giúp cho. Thứ nhất, chúng con xin xưng tội hộ cho mẹ của chúng con” [10, tr.276]. Người đọc bị lẫn lộn hoang mang không biết đức tin của Khánh và Hoa là thiên chúa hay là đạo phật. Ranh giới giữa các niềm tin tôn giáo của nhân vật có sự mờ nhòa làm cho bạn đọc mê man trong tiếp nhận tác phẩm. Có phải Châu Diên đang thách đố bạn đọc, kích thích sự suy tưởng của bạn đọc? Hay nhà văn đang muốn mang đến một cái kết mới trong đó có sự xuất hiện của chính tác giả thông qua nhân vật ông Mãnh (đức cha), để mượn cớ mà nói đến một câu chuyện khác trong cuộc sống.

Nhân vật ông Mãnh từ nhỏ đã được cha cố đạo người Tây mời vào học trường dòng và sau đó trở thành cha đạo: “ Chẳng hiểu sao khi tôi tỉnh giấc thì chưa thấy có chuyện gì lạ, nhưng khi thức hẳn dậy thì đã lại thấy mình mặc cái áo chòng đen hệt như một cụ đạo” [10, tr.275]. Tưởng rằng kết thúc câu chuyện đức cha sẽ mang phép màu hay một phước lành nào đó đến với

con chiên của mình nhưng không, huyền bút là cả một tâm sự, là cả một câu chuyện về người cha đạo, họ không như những gì bề ngoài ta thấy: “– Amen… Còn riêng tôi thì ai rửa tội cho tôi đây? Dại quá, lại đeo cái áo chùng này vào làm gì không biết? Định cởi bỏ cái áo chùng ra thì lại thẹn, chỉ sợ cô gái kia biết là ở bên trong các thứ đắp điếm trên người mình đều bị chuột cắn tứ tung tả tơi, rồi còn cái vết đạn găm vào bụng máu đang chảy xối xả…” [10, tr.283]. Bên dưới lớp áo chùng cha đạo, nhân vật tự thú nhận mình cũng chỉ là con người bình thường với những dằn vặt về tội lỗi, và rằng cuộc đời mình cũng chỉ nham nhở rách nát như những con chiên được mình rửa tội mà thôi. Kiếp nhân sinh quả thực là bi đát khi mà niềm tin tâm linh cũng không thể cứu chuộc được cho nỗi đọa đày và tội lỗi.

Bằng việc xây dựng nên nhân vật mang màu sắc tôn giáo, nhà văn đã làm cho câu chuyện mình muốn kể khác lạ hơn, tạo ra sự huyền bí, xa xăm mà bản thân mỗi tôn giáo đều chứa đựng. Đồng thời, thông qua các nhân vật và sự mơ màng trong niềm tin tâm linh của họ, tác giả muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp về con người. Dù cho là ai đi nữa, dù cho có theo tôn giáo nào đi nữa thì con người cũng khó tránh khỏi hiện thực cuộc sống, hiện thực đầy rẫy sự đau khổ và mất mát và chỉ khi nào đi sâu vào bên trong nó thấu hiểu nó thì ta mới thấy hết bản chất của con người và cuộc sống.

Có thể thấy, yếu tố kì ảo đã xâm nhập vào trong tiểu thuyết Người sông khá đậm đặc, trước hết thông qua thế giới hình tượng nhân vật. Đó là sự xuất hiện của những hồn ma có khả năng trở về quá khứ, đến được tương lai, nhập vào người này, nhập vào người khác, hay sống ở những kiếp khác nhau. Họ có thể giao cảm, báo mộng hoặc thấu thị những điều người khác không thể thấy. Yếu tố kì ảo còn được tạo ra từ chính sự nhận thức mơ hồ của nhân vật về chính mình, về cuộc đời, về nhân sinh, về tôn giáo, về tâm linh. Các nhân vật của Người sông Mê luôn trong tình trạng nhầm lẫn lung tung, không thể

nhận thức được rõ ràng về mọi thứ. Nhờ thế, tác phẩm có khả năng trình diễn cho người đọc một hiện thực cuộc sống đa chiều hơn, không chỉ là hiện thực bên ngoài mà còn là hiện thực bên trong, là thế giới tiềm thức và vô thức. Sự mở rộng biên độ khám phá hiện thực bằng cách xây dựng những nhân vật kì ảo đã chứng minh là một con đường nghệ thuật đầy hiệu quả.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 35 - 38)