Không gian tâm linh

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 41 - 44)

5. Bố cục khóa luận

2.2.2.Không gian tâm linh

Việc thừa nhận sự tồn tại của đời sống tâm linh, sự khám phá, phát hiện năng lực bí ẩn cũng như biểu hiện của nó là một đóng góp mới của văn học sau năm 1975. Nhà văn Mai Ngữ viết: “Tôi nghĩ rằng khi nào cũng tồn tại một thế giới bên ngoài chúng ta đang sống. Một thế giới đầy bí ẩn và huyền ảo. Cắt đi phần tâm linh của con người là cắt bỏ cái ý nghĩa thiêng liêng của nó”. Tâm linh là yếu tố liên quan tới tâm hồn, tinh thần, trực giác, linh cảm, vô thức…, là một thế giới của niềm tin thiêng liêng mang màu sắc tôn giáo đầy bí ẩn. Tâm linh thể hiện khát vọng tự hoàn thiện, khát vọng tự giải thoát để tạo trạng thái cân bằng cho con người. Hướng ngòi bút vào thế giới tâm linh, đó là cách Châu Diên muốn đề đạt “một lối tìm cách nói khác về xã hội và lịch sử đương đại Việt Nam”. Bằng cách này, nhà văn đã đưa người đọc nhập sâu vào cõi tâm linh như con đường để chiếm lĩnh hiện thực, một hiện thực không thể trông, nhìn, cầm, nắm trực tiếp mà chỉ có thể cảm nhận bằng linh cảm.

Trong khúc gốc đôi hai gốc, Châu Diên tạo nên một không gian tâm linh, không gian mà ở đó diễn ra cuộc trò chuyện giữa Hoa và Khánh, giữa con người của cõi thực với con người của cõi hư, ở đó họ cùng nói về vấn đề Số Mệnh: “…Em thấy sợ…Em không thích sáng suốt nữa. Mà hình như sáng suốt lại cứ là số mệnh của em – Số hay Mệnh hay là Số và Mệnh” [10, tr.117]. Trong không gian tâm linh đó, nhân vật Khánh lại mở ra một tầng không gian tâm linh khác nữa là không gian trong câu chuyện về cuộc đời của bố Khánh. Cũng liên quan đến Số Mệnh, theo như bố Khánh, đó thực ra là hai thứ rất khác nhau: Số thì nằm đâu đó lởn vởn trên đầu mình còn Mệnh thì nằm ở trong tay mình, có khi mình nhận ra Nó, cũng nhiều khi mình bị Nó lôi

đi, mà cả khi bị lôi thì cũng là mình để Nó lôi đi theo cách riêng của mình do cái Mệnh mình lôi Nó” [10, tr.120]. Khánh và Hoa cứ miên man trong câu chuyện về Số và Mệnh. “ – Bác lần này khó mà thoát được cái Mệnh đang tiếp tục đè lên bác. – Thoát! Thoát mà không thoát, không thoát mà thoát đời lạ thế đấy. Mệnh không thoát mà lại thoát, cái ấy mới lạ…” [10, tr.130]. Hai con người của hai thế giới trò chuyện với nhau như một phép màu nhiệm, không gian của cuộc trò chuyện đó vì thế mà mang tính tâm linh rõ nét.

Hay như ở kiếp rừng, không gian ngôi nhà của Hoa là một không gian khép kín mang đậm hơi hướng tâm linh, vì ở nơi đó thường xuyên diễn ra những hành động mang tính tâm linh của nhân vật. Chẳng hạn, Hoa muốn thắp hương để nhờ ai đó, ở một cõi nào đó, cụ thể là Khánh, có thể tìm giúp em mình: “Hoa vào gian nhà chính giữa… Hoa lấy trong bao ra một nắm hương nén, thắp cả lên rồi cắm ba nén vào cái bình hương trên chiếc bàn thờ nho nhỏ…Rồi Hoa chắp hai tay lẩm nhẩm… - Khánh ơi, người chưa kịp sống đã chết của Hoa ơi. Khánh khôn thiêng thì tìm em cho Hoa, đừng bỏ em lạc lõng Khánh nhé. Tên cúng cơm của em là thằng cu Tiêu,” [10, tr.226]. Cứ thế cuộc trò chuyện giữa Khánh và Hoa cứ tiếp tục thông qua mấy nén hương, chúng trở thành chiếc cầu nối giao tiếp giữa hai thế giới dương gian và cõi âm. Con người bất lực trước cuộc sống chỉ có thể tìm đến một thế giới khác để tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ dường như ý thức được khả năng hữu hạn của mình và có một niềm tin vào một cõi xa xôi nào đấy mà ta tạm gọi là cõi tâm linh.

Hay như không gian câu chuyện về tuổi thơ của Khánh với người bà, đó là không gian của người chết, của cõi âm. Không gian đầy hắc ám ấy hiện lên ám ảnh qua lời kể của bà nội: “Người chết xuống âm ty, đi qua sông Mê. Lội qua sông Mê là bắt đầu quên. Dưới đó đầy các quan. Các quan đứng sẵn dưới đó đón ở bến Lú, lúc đó mình mệt rồi thì các quan cho mình ăn thêm bát

cháo Lú nữa. Thế là quên sạch. Chẳng còn nhớ gì mọi điều dương gian… quên mình con ai, cháu ai… quên mắc ơn quên mắc nợ…” [10, tr.31], “xuống đó chỉ còn một cuộc sống thiếu thông tin, không có thông tin cắt đứt hết với mọi thông tin một cuộc sống chỉ dành cho lũ nô lệ” [10, tr.39].

Thậm chí đôi lúc, trong không gian thực lại xuất hiện những âm thanh lạ, những bóng ma… mang đặc điểm của cõi âm ty, địa phủ. Bước vào phòng thí nghiệm với bạn bè, một cậu học sinh ở tỉnh xa như có linh cảm về điều gì đó lạ lùng ở trong căn phòng: “Khiếp, có mùi gì trong này ấy… Này các cậu nhìn lên trần nhà kìa… Cứ như có cái gì trên kia kìa” [10, tr.62]. Chưa hết lo lắng, khi ngồi trong phòng học, những âm thanh phát ra từ trần nhà càng khiến cậu trở nên hoảng sợ: “Thưa cô… Trên trần nhà có gì xẹt xẹt ấy…eo ôi…”[10, tr.64].

Đến cuối thiên tiểu thuyết, ta còn thấy xuất hiện không gian của ngôi nhà thờ đầy ma quái và rùng rợn: “Tôi thấy rõ mình đi dạo trong một khu vườn giống hệt như khu vườn có ngôi nhà thờ toàn làm bằng gỗ nơi đó hình như tôi có đến một lần nào đó xa lắm rồi, nay đã quên hết rồi…” [10, tr.275]. Ở không gian ấy, ông Mãnh chẳng hiểu sao khi tỉnh dậy thấy mình mặc cái áo choàng đen hệt như một cụ đạo, và đang đi dạo trong khu vườn giống hệt như khu vườn có một ngôi nhà thờ toàn làm bằng gỗ ngày xưa. Sau khi rửa tội cho cô gái có tên Hoa, trước cái lúng liếng có vẻ trêu chọc của cô gái đến xưng tội, ông đã vội nắm lấy cánh tay áo cô gái thì chỉ túm được cái tay áo lủng lẳng bên trong chẳng có da thịt, đã thất thần hét toáng lên: “Ma!”. Nhân vật sau đó cố gắng tìm cách gạt cái ý nghĩ đầy xa lạ so với tôn giáo của mình. Đạo thiên chúa không tin vào việc có ma ở đời nhưng nhân vật vẫn mãi băn khoăn vì “rõ ràng cô gái như con ma, cái ống tay áo bên trong chẳng có gì cả” [10, tr.280].

Như vậy, kết thúc truyện, Châu Diên một lần nữa mượn hình ảnh tâm linh của thiên chúa giáo là lễ rửa tội tại nhà thờ của ba nhân vật trên để tạo nên một không gian mơ hồ, huyền ảo, trong đó vẫn chứa đựng sự nhầm lẫn giữa các niềm tâm linh của mỗi tôn giáo khác nhau. Sự kết hợp của nhiều không gian tâm linh khác nhau dường như là dụng ý của Châu Diên muốn làm cho tác phẩm của mình thêm phần khác lạ và kì bí. Không gian tâm linh trong tiểu thuyết vì thế mang đậm tính chất kì ảo, động chạm tới những vùng sâu thẳm của con người và tạo ra sự huyền bí trong từng trang viết.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 41 - 44)