Nhân vật chuyển kiếp

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 33 - 35)

5. Bố cục khóa luận

2.1.2.Nhân vật chuyển kiếp

Kiểu nhân vật kì ảo này xuất hiện trong tiểu thuyết Người sông Mê như là một minh chứng cho dấu ấn sâu sắc của tâm linh phương Đông, đặc biệt là triết thuyết Phật giáo về kiếp luân hồi đã ảnh hưởng như thế nào đến tác giả Châu Diên. Về sự chuyển kiếp, người xưa giải thích rằng, khi con người chết đi, Diêm Vương sẽ mở sổ ghi chép đánh giá công, tội để cho họ đi tái sinh

vào các cõi khác nhau. Góp phần làm cho thế giới ảo trong Người sông Mê

thêm khác biệt và mới mẻ, bên cạnh việc tạo ra những nhân vật linh hồn, phải kể đến việc Châu Diên khai thác triệt để thủ pháp đan xen thực - ảo để xây dựng nên nhân vật chuyển kiếp.

Trong tiểu thuyết có cặp đôi nhân vật Hương – Hoa, một người là kiếp trước của người kia, một người là hậu kiếp của người trước. Ở phần khải bút tác giả đã cho ta thấy có sự nhập nhằng giữa hai nhân vật này. “ Có điều khó hiểu và cũng gây khó dễ cho người kể chuyện, ấy là khi thì cô này nghĩ mình là Hương. Cô này có lúc lẫn lộn chuyện giữa hai người đàn bà, người tên Hoa và người tên Hương, chả rõ ai là mẹ ai là con” [10, tr.5]. Đến kiếp Hương - Hoa ta thấy hai nhân vật có sợi dây liên kết với nhau, đôi lúc người này nhầm lẫn với người kia: “ Hoa ẩn mình rúc mặt sau lưng mình….nói thực đi anh vẫn còn nhớ chứ… - Nhớ… - Dạo đó em tên Hương chứ không phải tên Hoa [10, tr.40]. Và cứ thế câu chuyện về cuộc đời Hương dần hiện ra, Hương luôn tự dằn vặt mình, tự trách mình, thậm chí có lúc nàng còn muốn tìm đến cái chết: “Em sẽ đầu thai em sẽ hóa kiếp mình vào một ai đó, em sẽ đẻ ra chính em chứ…em sẽ làm một bà giáo tốt đẹp hơn em…một bà giáo không tên tuổi nào đó nhưng tốt đẹp hơn em nhiều…Đấy rồi anh coi” [10, tr.55]. Có lẽ Hoa là kiếp sau của Hương, cũng là một cô giáo dạy Sinh, cũng có một mối tình tay ba song vận mệnh hay số mệnh của Hương dường như ám vào cuộc đời Hoa họ đều chịu đựng sự xô đẩy của cuộc sống, muốn làm một cái gì đó để thay đổi số mệnh nhưng không thể. Lúc nào trong đầu họ cũng chỉ có cái chết, dường như cái chết là cách duy nhất để họ giải thoát, để họ mong muốn ở một kiếp nào đó cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.

Hay như, trong kí ức của nhân vật Khánh thì kiếp trước của anh là Lê nin, là Hoàn, là Chiền Chiện, là cậu bé với câu chuyện bà kể về sông Mê bến Lú… Để nhân vật chuyển kiếp, đầu thai, Châu Diên muốn nói lên ước mơ,

khát vọng vượt thoát hiện tại, mong muốn được sống tốt hơn, hạnh phúc hơn của con người. Điểm khác biệt của Châu Diên khi tạo ra thế giới nhân vật dị biệt, kỳ ảo chính là việc nhà văn đã tạo nên trạng thái huyền ảo trong chính sự cảm nhận của nhân vật. Nó khiến nhân vật của Châu Diên mang dáng dấp nhân vật trong sáng tác của F. Kafka: “Vì muốn để biểu hiện cho được những xung động bản năng, cho nên tác giả đã sử dụng nhiều chi tiết hỗn loạn, phi lý tính, phản lôgic, cho đó mới là cuộc sống chân thực”.

Xây dựng nhân vật chuyển kiếp, Châu Diên đã mở ra một chân trời mới trong cách thể hiện cũng như khám phá nhiều phương diện cuộc sống, đi sâu vào những góc khuất của hiện thực khách quan và hiện thực tâm hồn với những chiêm nghiệm và dự cảm về nhân thế, mở ra một chân trời thoáng rộng cho sự liên tưởng và suy ngẫm của người đọc. Từ đó tạo nên một nét bí ẩn cho tiểu thuyết của ông, bí ẩn về con người, về nhân thế, tạo cơ hội đối thoại cho đọc giả với tác phẩm và kích thích khả năng chiếm lĩnh tác phẩm của mỗi bạn đọc. Tất cả góp phần làm cho Người sông Mê chiếm được một vị trí lớn trong địa hạt văn chương kì ảo Việt Nam.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên. (Trang 33 - 35)