Tác phẩm Ăn mày dĩ vãng ra đời năm 1991, là một tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh nhưng kì thực nó phô bày nhiều mặt của cuộc sống. Tù cuộc chiến tranh đẫm máu đến tình yêu lãng mạn trong thời kì khói lửa, từ những mặt trái trong chiến tranh đến hiện thực trần trụi của thời bình đều được Chu Lai phác họa đậm nét để độc giả cảm nghiệm và suy tư.
Ngay từ khi mới ra đời, Ăn mày dĩ vãng đã tạo được tiếng vang lớn trên văn đàn. Chỉ hai năm sau đó (1993), tác phẩm này đã mang lại cho Chu Lai giải thưởng Hội đồng văn học chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang (Hội nhà văn). Ăn mày dĩ vãng giống như tên gọi của nó, phô bày một nghịch lí về tình yêu và thời cuộc: sống trong thời kì hòa bình, con người đang dần dần phủi sạch quá khứ, quên đi dĩ vãng kinh hoàng đã khiến biết bao nhiêu số phận bị vùi dập trong lòng đất lạnh. “Gã ăn mày” không cần tiền bạc chức tước mà chỉ cần lấy lại một quá khứ đã bị đánh cắp, phanh phui một sự thật bị chôn vùi gần 20 năm. Trong Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai không “hình tượng hóa” hình ảnh người lính thành những “tượng đài hùng vĩ” mà xưa nay văn chương thường đề cập. Ông mô tả họ một cách đời thường nhất, giản dị nhất và cũng “con người” nhất. Đó là Hai Hùng một “hình mẫu” trong trận chiến cũng vì đói mà ăn cắp sữa trong bồng của đồng đội, hay như Tám Tính, một con người chỉ biết vồ gái để thỏa mãn nhục dục chứ không cần phải tán tỉnh, hoặc với Tuấn do vô tình mà cướp cò B41 làm chết đồng đội của mình. Những con người ấy quá ư đời thường, tồn tại cả hai mặt tốt và xấu. Nhưng hầu hết, họ đã vượt qua tất cả để làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Với Ăn mày dĩ vãng, người đọc không thể nào quên được những sự thật hãi hùng của chiến tranh, nhớ đến các búi lãi trong bọc nước ở cái bụng mở toang toác của Bảo, nhớ cái họng đầy đất cát, đờm dãi và máu của anh lính mắc ho khi đứng sát chân địch...Những chi tiết ấy đều được Chu Lai viết ra một cách tự nhiên, nhiều lúc tự nhiên đến đau lòng.
Đọc Ăn mày dĩ vãng, ta không khỏi chua xót khi nhậnra một điều rằng, tiền bạc và danh vọng có sức quật ngã con người ta một cách ghê gớm. Chính điều đó đã sản sinh ra những kẻ thừa nước đục thả câu, đục nước béo cò như tên Địch.
Cũng chính bởi danh vọng mà đã khiến một cô gái vốn ngây thơ, đáng mến như Ba Sương núp bóng dưới cái tên Tư Lan lạ lẫm và phủi sạch quá khứ với một tình yêu đẹp và lãng mạn. Chu Lai đã vận dụng cấu trúc đồng hiện trong tổ chức tác phẩm, để hiện tại và quá khứ đan lồng vào nhau, tạo sự cuốn hút với người đọc và thiết lập một bố cục chặt chẽ, các tình tiết diễn ra một cách tự nhiên, không gượng ép. Bên cạnh đó, ngôn ngữ được Chu Lai sử dụng khá táo bạo, đầy góc cạnh tạo nên đặc trưng riêng trong sáng tác của ông. Các lớp từ ngữ giàu tính nghệ thuật được Chu Lai sử dụng khá thành thạo như từ láy, từ địa phương, từ hội thoại, từ thông tục...Đặc biệt hơn, với lớp từ hội thoại và từ thông tục đặc sắc, tác phẩm của ông dường như vượt thoát ra khỏi khuôn khổ của ngôn từ thường được sử dụng trong nhà trường. Chính điều đó đã tạo nên ấn tượng riêng cho tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, làm cho nó “bụi bặm” và cũng “đời thường” hơn. Bên cạnh đó, Chu Lai đã khá thành công khi sử dụng đồng thời các kiểu câu như câu đơn, câu ghép, câu phức cùng với lối so sánh, liệt kê đặc sắc. Những thế mạnh về nghệ thuật đó đã giúp nhà văn chuyển tải nội dung tác phẩm một cách khá chân thực và hấp dẫn đối với người đọc.
Ăn mày dĩ vãng khép lại trong những xúc cảm buồn vui đan xen lẫn nhau. Buồn vì mảnh tình thủy chung của Hai Hùng sau 20 năm chờ đợi vẫn cô lẻ. Nhưng vui vì tâm hồn anh giờ đã bớt nặng nề và thanh thản hơn. Chu Lai khép lại một chuyện tình và cũng mở ra lẽ sống, niềm hi vọng vào một tương lai hạnh phúc và đẹp đẽ hơn.
Chương 2