Trên cơ sở những tiền đề lí luận đã trình bày ở chương 1, ở chương này chúng tôi tiến hành khảo sát, thống kê về cách dùng ngôn ngữ trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai.
2.1. Về đặc điểm từ vựng
Về phương diện từ vựng, chúng tôi khảo sát thấy Chu Lai sử dụng những lớp từ như từ hội thoại, từ thông tục, từ địa phương, từ láy và thành ngữ là thường xuyên hơn cả. Các phương tiện tu từ này góp phần tạo nên phong cách của nhà văn. Do đó, chúng tôi chọn khảo sát và thống kê các phương tiện tu từ từ vựng nêu trên.
2.1.1. Từ hội thoại
Chu Lai xưa nay vốn được đánh giá rất “bạo” trong cách dùng từ, điều này có thể được minh họa rõ nét trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng. Lớp từ hội thoại là một trong những phương tiện tu từ nổi bật, làm nên sự độc đáo, sinh động và thu hút người đọc. Khảo sát 339 trang tiểu thuyết, chúng tôi thống kê được 575 từ hội thoại với 1200 lượt dùng.
Dựa vào đặc điểm cấu tạo, chúng tôi phân loại hệ thống từ hội thoại đã khảo sát được trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng thành các kiểu loại như sau:
Bảng 1
STT Kiểu loại Số lượng Tỉ lệ (%)
1 Thêm yếu tố 269 46,7
2 Bớt yếu tố 14 2,4
3 Biến âm 16 2,7
4 Biến nghĩa 56 9,7
5 Không lí do, ngẫu nhiên 221 38,5
Tổng 575 100
Qua khảo sát, chúng tôi thống kê được 269 từ hội thoại được cấu tạo theo kiểu thêm yếu tố (chiếm 46,7%). Trong loại này, các từ hội thoại được chia thành 2 dạng sau:
a1) Từ đa phong cách + yếu tố không mang nghĩa:
Từ đa phong cách + yếu tố không mang nghĩa được sử dụng để cụ thể hóa sự vật được nói tới. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thống kê được 229 từ hội thoại được cấu tạo theo phương thức này, chiếm phần lớn số lượng trong hệ thống các từ hội thoại được cấu tạo theo kiểu thêm yếu tố. Lớp từ này xuất hiện dày đặc trong tác phẩm, mang lại giá trị biểu cảm khá cao, chẳng hạn như: ham hố, mốc thếch, xám ngoét, rỗng tuếch, nhạt thếch, mềm oặt, ngon ơ, ...
VD: - Tôi ném tiếng chửi ra mặt sông nhạt thếch màu hoa bèo. [24, tr.171] - Chỉ một lát sau, tôi bỗng thấy lưng mình trống trếnh, dường như có cả
hơi mát thổi vào. [24, tr.221]