6. Cấu trúc đề tài
1.2.2. Bối cảnh tư tưởng, văn hóa
Tình hình tư tưởng giai đoạn này khá phức tạp. Nho giáo vốn là ý thức hệ tư tưởng chủ đạo của giai cấp phong kiến nhưng đến giai đoạn này lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Nho giáo từng bước suy thoái, trật tự phong kiến bị đảo lộn: vua không ra vua, tôi không ra tôi. Bộ phận vua quan dung tục bất tài, tranh quyền đoạt lợi. Tầng lớp nhà nho chân chính bị khủng hoảng về mặt lí tưởng, hoang mang trước thời cuộc. Sự phá sản của ý thức hệ phong kiến chủ yếu phát sinh từ sức công phá của trào lưu tư tưởng nhân văn xuất hiện trong phong trào quần chúng đấu tranh tìm đến một cuộc sống sáng tươi hạnh phúc, từ thái độ muốn tìm nguồn an ủi trong tư tưởng “cứu độ chúng sinh” nhân từ của Phật giáo, trong khuynh hướng phiêu diêu xuất thế của Lão - Trang, v.v.. Nhưng điều đáng lưu ý là sự phá sản ấy nảy sinh ngay từ hàng ngũ giai cấp đã khẳng định, tôn sùng và nuôi dưỡng Nho giáo. Thực trạng đó dẫn đến tâm trạng bi quan bế tắc của nho sĩ, tố cáo sự khủng hoảng của ý thức hệ chính thống. Trên thực trạng suy đồi của luân lí đạo đức ấy đã nảy sinh một hiện tượng khá đặc biệt trong tầng lớp nho sĩ phong kiến: sự khủng hoảng về lí tưởng. Các danh sĩ có tài năng, có hoài bão đều mang một tâm trạng bế tắc. Không còn minh quân để thực hiện ưu dân ái quốc, những tài năng chân chính, những danh sĩ đương thời như: Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác đã đi vào con đường xa lánh công danh phú quý mặc dầu họ đều là dòng dõi trâm anh thế phiệt. Có thể nói thái độ xa lánh công danh phú quý là tâm trạng đáng lưu ý của nho sĩ đương thời vì ngoài lí do trên thì bão táp xã hội khiến địa vị công hầu thường bị nghiêng ngả.
Từ chỗ bế tắc, thất vọng, những danh sĩ đương thời sẽ tìm đến với các tư tưởng như: Phật giáo, Lão - Trang, v.v.. Tư tưởng đề cao cá nhân, tiêu dao tự tại của Lão - Trang cấp cho họ một chỗ dựa tinh thần. Nhưng khi cuộc đời gặp thất bại, trắc trở, tư tưởng khổ và diệt khổ của Phật lại là nguồn an ủi cho những nho sĩ này.
Phật giáo và Đạo giáo ở thế kỉ XVIII tuy vẫn được coi trọng, còn được triều đình chú ý và thần dân tôn thờ, nhưng về cơ bản đã tụt xuống bình diện tâm lý và tín ngưỡng. Trên bình diện lý luận, đạo Nho lại vươn lên hàng đầu và không ngừng đề xuất những quan điểm mới mẻ. Các nhà nho là những người xông xáo nhất trên lĩnh vực lý luận - tư tưởng. Nho giáo thế kỉ XVIII khác với Nho giáo ở các giai đoạn trước. Nho giáo lúc này không tách biệt với Phật và Lão, càng không đối lập với chúng. Trái lại nó đã thâu tóm Phật và Lão vào trong lý thuyết của mình. Hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” trên cơ sở ngày càng trở thành xu hướng lớn lúc bấy giờ.
Dưới thời vua Lê chúa Trịnh việc cấm dùng chữ Nôm, cấm đoán về mặt tư tưởng diễn ra rất nghiệt ngã. Lĩnh vực thi cử rất tệ hại. Trước đây chế độ khoa cử vốn được coi trọng nhưng do chiến tranh liên miên triều đình kiệt quệ ngân khố, nên đã “mở” ra thông lệ mua quan bán tước. Họ Trịnh đặt ra lệ: “Cứ tứ phẩm trở xuống, ai nộp 600 quan thì được thăng chức một bậc. Còn những người chân trắng mà nộp 2800 quan thì được bổ tri phủ, 1800 quan thì được bổ tri huyện”, do đó lúc bấy giờ người đi làm ruộng, đi buôn bán đều được quyền vào thi. Một xã hội mà người có tiền là người có quyền, đạo đức và tài năng xếp theo giá trị của đồng tiền. Quan lại xu nịnh, triều thần nhố nhăng, tất cả điều này trở thành tai họa cho dân.
Sự trỗi dậy của truyền thống nhân văn được hình thành từ sự sụp đổ của ý thức hệ Nho giáo và sự hồi sinh của Phật giáo, Đạo giáo cùng với tư tưởng thị dân hình thành đã tạo nên bộ mặt tư tưởng phức tạp cho thời đại. Đã có một sự chuyển biến đặc biệt trong khuynh hướng tư tưởng xã hội của những tri thức phong kiến chân chính, tiến bộ. Bên cạnh thái độ chính trị ấy khuynh hướng yêu cầu phát triển của cuộc sống cá nhân mà nổi bật nhất là khát vọng giải phóng tình cảm cá nhân.
Tình yêu đôi lứa là một yêu cầu cần được giải phóng một cách rõ rệt nhất, sâu sắc nhất trong giai đoạn này. Khi các tác phẩm về tình yêu trai gái luôn được truyền tay nhau đọc và học hỏi tinh thần của các tác giả đi trước: Phan Trần, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Phạm Thái… Bên cạnh đó, yêu cầu về việc thể hiện đời sống cá nhân cũng là một điều bản lĩnh được thể hiện trong giai đoạn này và được thể hiện sắc sảo trong thơ của Nguyễn Gia Thiều và Hồ Xuân Hương. Trong hoàn cảnh xã hội phong kiến, những tiếng nói này còn là “một lời âm thầm”, nhưng các tác giả đặc biệt là Hồ Xuân Hương đã mạnh bạo và bản lĩnh thể hiện những tiếng nói của bản năng. Như là một cách bộc lộ nên những khao khát hạnh phúc thật sự về tình yêu đôi lứa, về tình vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng. Và qua đó, tinh thần này còn còn thể hiện một sự đòi hỏi chính đáng những quyền lợi của con người đối với quá trình hiện sinh của họ và chống lại những thế lực nào chà đạp lên quyền lợi ấy. Điều này, càng thể hiện mạnh mẽ khi xã hội xuất hiện những nhà Nho phi chính thống – tầng lớp muốn bức khỏi vòng kiềm tỏa đầy bí bách của xã hội. Họ khẳng định con người cá nhân là một thực thể “sống” có ý nghĩa và khẳng định bằng đời sống cá nhân nội tâm phong phú. Chính tinh thần đó đã mang lại một sự phát triển vượt trội những tư tưởng tiến bộ của thời đại của giới sáng tác. Dù, tinh thần nhân văn ấy tất nhiên còn mang nhiều hạn chế của lịch sử nhưng nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự phát triển của văn học đương thời.
Tiểu kết chương 1
Với những vấn đề lí luận chủ yếu đã trình bày ở phần trên sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về ý niệm hư vô. Ý niệm này tuy có nhiều cách giải thích về nhân sinh quan và vũ trụ quan khác nhau; nhưng chủ yếu hư vô xác lập được thái độ hiện sinh trong đời sống của mỗi con người. Nhìn nhận từ nhiều quan niệm khác nhau, từ hư vô, mỗi chúng ta đều thấy được một ý tưởng bao trùm: “hư vô là một sự khước từ hiện hữu”. Hư vô là một ý niệm vượt qua và quay trở về với những giá trị nhân bản của con người. Nhờ có nó, mà con người mới có thể xác lập được lằn ranh giữa hiện hữu và hư vô hóa. Từ đó, con người nhận ra ý nghĩa của chữ “sống” và thay đổi thái độ hiện sinh sao cho phù hợp với hành trình hiện hữu của chính mình.
CHƯƠNG 2
NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA Ý NIỆM HƯ VÔ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI TỪ NỬA CUỐI THẾ KỶ XVIII ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX QUA NỘI DUNG TƯ TƯỞNG