Khôn g thời gian tâm tưởng

Một phần của tài liệu Ý niệm hư vô trong văn học Việt Nam trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 98 - 103)

6. Cấu trúc đề tài

3.1.3. Khôn g thời gian tâm tưởng

Từ không - thời gian giam hãm ngột ngạt, tự mỗi cá thể có xu hướng thoát ly hiện thực để đến với những vùng “thân phận êm đềm”. Những không gian này thường là những coi sâu thẳm nhất của tiềm thức. Không – thời gian tâm tưởng mở ra không dựa trên những xót xa của hiện tại, mà thường đó là một vùng không gian cảm thức trước sự hiện hữu của thực tại và đan xen với thời gian bất biến, tĩnh tại. Không – thời gian lúc này dựa trên sự cảm nhận của ý niệm, không – thơi gian huyễn ảo, có thật không, không thật có trước tư duy của con người. Và thường nó bị đẩy vào trong những điều

mơ hồ. Đầu tiên, dựa theo cách xử lý của phân tâm học, không – thời gian này xuất phát từ những giấc mơ, nó được mở ra với mỗi cá thể khi họ đã chịu quá nhiều áp lực từ thực tế đời sống “giấc mơ là sự thực hiện trá hình một mong muốn bị cấm hay bị dồn nén”:

Trải chốn nghèo, tuổi được bao nhiêu? Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò Hồn tử sĩ gió ù ù thổi.

Nàng lại sực nhớ về quá khứ sánh đôi, hạnh phúc. Thời gian quá khữ bỗng chốc ùa về, khi trong tâm thức nàng lại vẽ ra những viễn cảnh chết chóc khi chồng ra trận:

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca Nay quyên đã giục, oanh gì Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

Không gian mở ra với sự tàn tạ của khung cảnh, con người quay trở về với bốn bức tường và tự thêu dệt nên một không gian riêng cho mình nhưng rồi nơi đó cũng chỉ là căn phòng giam giữ chính bản thân mình. Mỗi cá thể đều thức tĩnh trước hiện tại và phủ nhận mọi thứ bằng cách lùi về không - thời gian hư ảo. Nàng cung nữ đã không còn đủ sức để vin víu niềm tin vào cuộc đời, lúc này tâm thế hư vô xuất hiện:

Khi mơ những tiếc khi tàn

Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!

Không – thời gian lúc này là một bầu trời ý niệm, ở không gian đó, phải có một sự tinh tế nhất định thì người đọc mới có thể nhận ra. Còn thời gian lúc này nó đã trở nên là thoáng chốc, và con người khao khát thời gian ở hiện tại “tĩnh” để có thể đi hết giấc mơ tiềm thức của mình về cuộc đời. Đây mới chỉ là một ý niệm manh nha về thế giới cuộc sống trước khi đến với hư vô. Nhưng không - thời gian này tạo một ấn tượng rất rõ nét về sự cảm nghiệm các giá trị xung quanh:

Dạo hiên vắng thầm gie từng bước Bức rèm thưa rủ thác đòi phen

Với những từ ngữ như “thấp thoáng” gợi một cảm giác về một không gian ảo mờ, không xác định được của một cõi khác với hiện thực, hoặc là của một cõi trong tương lai:

- Ngàn thông chen chú khóm lau

Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về.

- Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ

Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai Há như ai, hồn say bóng lẫn

Bỗng thơ thơ thẩn thẩn hư không?

Thời gian trong không gian này được diễn tả là thời gian ngưng đọng, tĩnh tại giữa những sô bồ biến thiên của vạn vật. Con người ta cảm thức được mình và chợt ngộ ra được thanh xuân của mình, giá trị đã để quên và bị ruồng bỏ quá lâu. Khi ngẫm lại thì con người đã để tụt đi qua bao nhiêu thời gian. Thời gian là kẻ hủy diệt thầm lặng mọi giá trị của nàng cung nữ, người chinh phụ, người quân tử, khi họ chưa kịp làm gì cho bản thân mình thì mọi thứ đã quá muộn. Chính cái ý nghĩa sâu sắc về sự đổi thay nhanh chóng của thời gian mà không - thời gian về sự cảm nghiệm mới trở nên có ý nghĩa. Lạc vào tỉnh giới trước khi chạm trán với hư vô, con người mới kịp cảm nhận sự chảy trôi tàn nhẫn này. Giới sáng tác cảm nhận được mọi thứ xung quanh đều thay đổi, nó trở nên tàn tạ, lụi dần mà con người không hề hay biết; cho đến khi họ nhìn lại chính mình: Cuộc sống trăm năm coi mấy chốc,/ Chuyện vui tuổi sớm tiếc từng giờ (Cảm hứng lan man).Đến Nguyễn Gia Thiều, nhìn nhận cuộc đời sau cùng cũng chỉ là: Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì. Hay Nguyễn Huy Tự nhìn thấy thời gian cũng chỉ là một sợi chỉ hồng siết chặt mọi giá trị tự thân của con người:

Trăm năm một sợi chỉ hồng,/ Buộc người tài sắc vào trong khung trời/ Sự đời thử ngẫm mà chơi,/ Tình duyên hai chữ với người hay sao?

(Truyện Hoa Tiên)

Đến Nguyễn Công Trứ, sau cuộc hành trình đợi chờ công danh và thực hiện công danh của mình, ông mới nhận ra thế thái nhân tình, thời gian trôi qua nhanh,

vòng trần tục giờ chỉ là một không gian ảo ảnh. Mọi thứ đều là vô thường, cảnh cũ sẽ đổi thay, không gian nào mới xuyên trần thế, mọi thứ đều là hư không với sự tác động của xã hội. Không - thời gian ấy còn điểm xuyết tấm chân tình của tác giả vào với cuộc đời, để thế hệ mai sau nhận ra miền không giới:

Sực nhớ kẻ quày ngọn giá vịnh câu thơ thuở trước, Nghĩ sự đời mà cám nỗi phù du!

Bóng dáng cuộc sống trong giai đoạn lý tưởng đã trôi qua, mang theo niềm tin và phụng sự; tác giả giờ chỉ còn lại lòng trắc ẩn biểu hiện thông qua cái ngông tàng ngoài mặt để cất cớ cho những ý niệm khuất lấp phía sau. Cuộc đời bây giờ chỉ là một cảnh phù du mong manh ngắn ngủi, và vô nghĩa. Nhà thơ nói về đời, trong một khoảng không - thời gian hữu hạn:

Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng ào, Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín.

Hay:

Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi, Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể.

Không - thời gian tâm tưởng sẽ đẩy nhân vật đến với một không - thời gian của sự mất ý niệm, đây chính là một biểu hiện cuối cùng trước khi cá nhân không còn ý thức được việc mình sẽ lạc vào không - thời gian hư vô lúc nào không hay biết. Kiểu không gian này là một sự cảm nghiệm của tầng thức cao nhất của con người, đó là sự mất hoàn toàn các ý niệm cho dù ở ngay trong thực tại. Con người ta lúc này lạc vào trong những cơn mơ, bấu víu mình vào đó, một không gian khác của sự mất ý niệm về thời gian, về không gian của quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Họ đi đến những vùng “an ủi tinh thần”, những “miền trú ẩn yêu thương”, hay những “miền miên viễn lạc loài” ngoài tỉnh thức. Phải có một cảm nhận sắc sảo từ quá trình hậu nghiệm từ con người ta mới có thể cảm nhận được vùng không – thời gian này. Khi Kiều đau đớn đến tột độ vì chuyện tình cảm trái ngang cũng như biết trước được số phận mình sau này. Kiều trao duyên cho Vân để thay mình trả nghĩa cho Trọng, và bán mình chuộc cha. Trong đêm trao duyên ấy, Kiều đã tưởng ra cái chết của mình trong tương lai, là một linh hồn lạc loài đau khổ tìm về chốn nhân gian:

Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây,/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Để đến khi nàng không còn ý thức được thời gian đang chảy trôi, những kỉ niệm cứ ùa về, nàng trách số phận mình lạc loài, trách thân “bạc” với duyên còn dang dở, trách kiếp hồng nhan phải mang phận long đong. Nàng đau khổ đến tận cùng: Bây giờ trâm gãy gương tan/ Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!/ Trăm nghìn gửi lạy tình quân/ Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi/ Phận sao phận bạc như vôi!/Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng. Cuộc đời của nàng là một nỗi hững hờ từ đây, ngay sau đêm nay, mọi thứ sẽ xuôi theo mệnh. Đây là một sự ý thức thường trực trong tư tưởng của mỗi cá thể sống trong giai đoạn này, và Kiều không là một ngoại lệ. Việc suy nghĩ của nhân vật được đẩy đến không - thời gian của những cơn mê là một biểu hiện của hư vô, khi mà họ muốn tìm sự an ủi, chung đồng trong những ảo ảnh đẹp đẽ nhất do mình tự tạo ra. Đây là một biểu hiện của tầng thức, theo cách nhìn của phân tâm, thì chúng ta dễ nhận ra, khi con người va vấp và chịu quá nhiều tổn thương đối với đời sống hiện tại, thì những hình ảnh êm đềm của kí ức sẽ ùa về, hoặc họ sẽ để mình tự trôi đến những miền trú ẩn an toàn. Nhưng chung quy đây chỉ là điều kiện để làm cho “sự lường gạt phũ phàng của thực tế thêm cay chua”:

Khi mơ những tiếc khi tàn

Tỉnh xong giấc mộng muôn vàn cũng không!

Người chinh phụ đau lòng rồi cũng chỉ chôn chặt mình trong không - thời gian giam hãm bí bách đó của bốn bức tường, khép cửa trầm tư chỉ làm cho nỗi sầu thêm sầu, đau thêm tê tái rồi tự an ủi mình bằng kỉ niệm rực rỡ và cho đến khi để hư vô lạc vào trong những cơn mê này. Rốt cuộc thì, không – thời gian ấy cũng sẽ không thay đổi, vì đơn giản nó được đặt trong một xã hội như thế, thì sẽ không khác hơn. Những người phụ nữ vẫn là phận hiền thê giữ đạo với chồng, người chinh phu thì ra sức tận trung với chúa, tư tưởng đạo đức vẫn là điều cốt yếu chi phối đến suy nghĩ của họ. Tư duy đóng khung, tư tưởng sẽ không thay đổi. Và ý niệm về không – thời gian theo kiểu cảm nghiệm theo tâm thức hư vô chỉ là một hơi hướng thoáng qua, cuối cùng; đến với suy nghĩ của từng cá thể, khi đặt họ về với trạng huống hiện tại. Với cách xây dựng

một không – thời gian như thế này là phương tiện để giới sáng tác đi đến tận cùng những ý niệm về hư vô trong hành trình hiện sinh của hiện hữu. Và sự hình thành không – thời gian tâm tưởng này có chăng cũng chỉ muốn thể hiện một chiều kích tận cùng của con người về sự tác động của hư vô lên không - thời gian nghệ thuật trong tác phẩm và trong chính tầng thức cao nhất của con người.

Một phần của tài liệu Ý niệm hư vô trong văn học Việt Nam trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 98 - 103)