6. Cấu trúc đề tài
2.2.7. Tâm thức hủy thể của thân phận
Cái chết thể hiện cảm thức dự báo cao nhất của con người về sự hiện hữu của chính mình. Chết nghĩa là kết thúc hiện hữu và lạc vào hư vô. Cuộc sống của mỗi người là sự xác lập sự hiện hữu của mình giữa cuộc đời. Nhưng hoàn cảnh xã hội tạo ra quá nhiều giới hạn cũng như sau quá trình hậu nghiệm con người bắt đầu lạc vào cảm thức thất bại, lạc lõng, bàng hoàng, nổi loạn trong kiếp sống phi lí. Sau cùng khi một mình đối diện với chính bản thân họ nhân ra sự vô định của thực tại, và hiện hữu chẳng qua chỉ là một sự tạm bợ. Vì con người đến cuối cùng sẽ chết. Cái chết này chứng minh cho sự hiện hữu của con người, hiện hữu của con người lại chứng minh cho ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng khi đời sống đã không còn có ý nghĩa họ có hai sự lựa chọn: một là chết hoặc sống cuộc đời nổi loạn với kiếp sống phi lí. Cái chết là một cột mốc cao nhất cho tâm thế hư vô. Khi chính lúc này mọi giá trị được xác lập, con người ý thức về thân phận hữu hạn của mình trước cái chết về niềm tin luân lí truyền thống.
Xã hội tồn tại như một “bể hoạn”, mọi trật tự bị đảo lộn. Cái xã hội mà “không chỉ có một đau, hai khóc, ba thở dài” này được lột tả rất rõ nét trong Hoàng Lê Nhất
Thống Chí. Nào là: “Khắp trong bốn cõi, không có chỗ nào yên ổn,” khi mà “trong một ngày nhân dân kinh thành bị báo động luôn chín lần”, rồi đến việc quân lính “gặp ai giết nấy, đàn ông, đàn bà, con trẻ không con sót một người nào”, “cả nước như một bãi chiến trường”; ngay cả những con người được xem là đại diện cho một bộ máy chính trị lại “muốn nhân việc nước trôi dạt để mưu cầu phú quý”. Bị xô đẩy vào những biến động của thời đại, kẻ sĩ bàng hoàng và hụt hẫng trên chính nền luân lí mà mình tôn thờ lại khủng hoảng và hoàn toàn sụp đổ. Niềm tin tư tưởng vào một nền luân lí truyền thống với mô hình đức trị đã chết: Cánh buồm bể hoạn mênh mang/
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh. Đến nỗi, khi nghĩ đến cái chết của mình, Nguyễn Công Trứ muốn nguyện một cuộc đời không phải là người, để không lâm phải tình trạng đắng ngắt như bây giờ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Điều này cho thấy cái chết của niềm tin tư tưởng đã chi phối mạnh mẽ đến tư duy nhìn nhận về cả một kiếp người của mỗi cá thể. Học thuyết Nho giáo mang lại cho họ sự tin tưởng về một xã hội có trật tự, kỷ cương bao nhiêu, thì hiện tại, mọi niềm tin đều bị hất tung bấy nhiêu. Mỗi số phận đều khuyết mất một niềm tin nền tảng. Và cái chết của niềm tin này hứa hẹn sẽ gây ra sự mất niềm tin của con người vào cuộc đời. Họ thất vọng và bắt đầu co rút mình trong vỏ bọc, vì e dè, vì hoang mang, trước thời cuộc: Nghĩ thân phù thế mà đau/ Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.
Khi đã phần nào ý thức được sự thay đổi của tư duy mình về cuộc đời, gần hơn họ bắt đầu suy nghĩ về giá trị của chính bản thân mình – giá trị tự thân. Sau mọi nỗ lực, mọi cố gắng tận hiến cho một triều đại, như Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du hay Nguyễn Công Trứ thì họ đều lâm vào tình trạng nhà Nho thất thời. Vì những giá trị mà bản thân họ mang lại như tài năng, tiếng nói, tư tưởng đều không phù hợp với hoàn cảnh xã hội, hoặc vượt quá quan niệm xã hội. Chính điều này đã tạo nên một tâm thế lạc loài, khi giá trị của mình không được chứng minh là có ý nghĩa đối với cuộc đời, đối với nhân dân. Con người ta cảm thấy, hành trình mình đi chỉ tồn tại những thứ vô định, không rõ ràng: “Cái chết
của Thượng Đế chính là cơ hội thức tỉnh của con người trước thân phận hưu hạn đầy bất trắc của nó, thất bại, hư hỏng, chết chóc… Tất cả đều biến thành một ý thức khốn khổ” [1, tr.145]. Họ lạc lõng, trôi vào lạc - thức và tâm thế hư vô hóa hình thành, khi con người ta nhận ra sự vô nghĩa của những giá trị tự thân đối với cuộc đời. Phận nữ nhi, mang trong mình hai chữ “tài sắc” làm gì để rồi gánh nợ “đa truân”. Đến khi kịp nhận ra, thì sắc cũng tàn, tài năng cũng thành lãng phí: Ấy ai thăm ván cam lòng vậy/ Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh! Đến như nàng tố nga của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc cũng có một cái chết lòng rất đau đớn. Nàng chết dần chết mòn thanh xuân, tê tái với cô độc, sống cuộc đời quạnh hiu như vậy thì sống còn nghĩa lí gì. Chính cái chết lòng đã giết nàng và khiến nàng trở thành một “góa phụ còn chồng” trớ trêu, nực cười:
Đêm năm canh lần nương vách quế Cái buồn này ai dễ giết nhau
Giết nhau bằng cái lưu cầu
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?
Tội nghiệp cho phận nàng cung nữ, cảm thức bị ruồng bỏ cứ luôn hiện hữu trong nàng khi nàng hóa thành người vị vong, “hoa này bướm nỡ thờ ơ” và chết trong u sầu cô độc. Cái chết lòng làm cho nàng không có ý chí để sống, thấy cuộc đời qua đi thật vô nghĩa, nàng cũng không buồn cảm nhận thêm bất cứ điều gì ở cuộc đời này nữa. Nàng nhốt mình và làm bạn với cô đơn ở nơi hậu cung lạnh giá, hiu quạnh. Thân còn cõi chờ đến chết.
Một con người khi sống trên đời này là chứng minh giá trị của bản thân đối với cuộc đời, lúc đó, hiện hữu mới có ý nghĩa, nhưng đến lúc này, họ nhận ra giá trị tự thân đã chết khi hòa nhập vào hoàn cảnh, hoặc bị bó hẹp bởi hoàn cảnh, hoặc cố gắng vượt giới hạn. Điều khiến Xuân Hương bất mãn nhất ở chốn trần đời là duyên phận của người phụ nữ. Họ không có quyền yêu cầu về tình yêu và quyền sống của chính mình. Dù tài sắc đến thế nào đi nữa, sau khi đã “bướm chán, ong chê” thì cũng hóa ra “người vị vong”. Giá trị tự thân vô nghĩa, con người vô nghĩa, cuộc sống như thế này cũng coi như sống không bằng chết: “Chết là thái độ hư vô hóa đời sống vì không
còn cứu cánh”. Cá nhân mỗi con người trong thời đại này quả thật đã không còn cứu cánh, và tàn nhẫn vô cùng khi cứu cánh cuối cùng là cái chết, cái chết của những giá trị tự thân, giá trị này chết, hiện hữu cũng không còn ý nghĩa. Con người là kiếp sống lạc loài, vất vơ vất vưỡng. Sự sống khởi đầu, đồng nghĩa với việc sự chết cũng bắt đầu hành trình truy đuổi hiện hữu của nó, sự sống và sự chết luôn song hành, chỉ có điều, sự sống là hành trình khởi phát ý nghĩa sống, còn sự chết là cái chấm dứt hành trình đó. Nói đến cái chết, lúc này, có mối liên hệ nền tảng với tâm thế hư vô. Vì đây là thái độ hiện sinh bi quan đạt đến đỉnh điểm, sau một cuộc hành trình, họ hậu nghiệm lại tất cả mọi giá trị mà họ đã đi qua, đạt được hay chưa được. Đến một lúc, khi vỡ lẽ mọi giá trị ở đời chỉ là một cuộc hành trình chứng minh những điều vô nghĩa. Vì sau khi chết, cá thể không thể chứng minh được những giá trị ấy, nó chỉ có ý nghĩa khi con người còn hiện hữu. Vậy thì giá trị ấy đi về đâu, ngoài hiện hữu, lúc này nó lạc vào một khoảng ý niệm nằm sâu trong tầng thức cảm nhận của con người. Ở đó hiện hữu không còn có ý nghĩa. Đến đây, hư vô vẽ ra một cái nhìn bi đát nhất cho số phận của mỗi con người. Vì bản chất của hư vô là “chực chờ cởi bỏ mọi ý nghĩa của kiếp người”. Nhờ cái chết, con người ta mới cần cố gắng hơn cho ý nghĩa hiện hữu, nhưng khi giáp mặt với cái chết ai cũng cho đó là một sự hoài công: “Con người hoài công lên tiếng kêu gọi trong sa mạc hoang vu của cuộc đời dửng dưng, câm nín và thách đố”. Khi niềm tin đã chết, giá trị tự thân cũng mất, con người không còn có bất kì mối ràng buộc nào nữa với tha nhân, cảm thức xao xuyến hiện tại, rồi chết cũng là lúc tâm thế hư vô xuất hiện, thay thế hoàn toàn cho cảm giác và tư duy của con người. Nó hư hóa tất cả mọi thứ, và dìu con người đi đến hành trình tìm về vô hạn – hư vô. Nếu cho rằng đây là một tâm thế bi quan thì không hẳn, theo tôi, hư vô còn một giá trị cứu cánh cuối cùng, khi nó chính là cái đích của hành trình hiện sinh. Con người được thức tỉnh và tựa vào đó, chỉ có điều họ không còn được hiện hữu. Nhưng đạt đến hư vô chính là đã thỏa mãn đạt đến “ước muốn vĩnh cửu của cuộc đời mỗi cá thể”. Một hành trình xuyên suốt, và con người ta chấp nhận cái chết như một lẽ tự nhiên. Đặc biệt đối với giai đoạn khủng hoảng, sa cơ này, con người nhìn nhận cái chết như một thất bại của xã hội, như một chứng minh cá thể, và cái chết chính là cái khẳng định các giá trị còn lại ở đời.
Theo Phan Huy Ích, qua cái chết ông có dịp nhìn nhận về kiếp người chóng vánh:
Trần hoàn bào ánh phù sinh ảo, Hải điện bình hồng lữ mộng thôi.
(Thu phụng quốc tang cảm thuật)
Nguyễn Du thấy được các giá trị rơi rớt ở cuộc đời sau khi chết:
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ, Cửa phù vân dẫu có như không,
Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi.
(Văn tế thập loại chúng sinh)
Đời người trong xã hội này là một kiếp sống lạc loài, khi cá thể bị ràng buộc trong quá nhiều giới hạn của xã hội. Thân không dứt ra được, tình thì nhọc nhằn, tài không hữu dụng, đời còn nghĩa lí gì:
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh Có chữ rằng: Vạn cảnh giai không?
Điều Nguyễn Du muốn nhắm đến không phải chỉ riêng về cái chết, mà ông đang khóc thương cho nhiều số phận khác nhau khi sống trong hoàn cảnh loạn lạc, một thời đại suy tàn thì con người mới có nhiều cái chết não nùng đến thế. Bức tranh chết chóc trong Văn tế thập loại chúng sinh không phải phản ánh một cái gì khác mà phản ánh chính xã hội, thời đại của nhà thơ đang sống:
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét Khí âm huyền mờ mịt trước sau.
Một thước phim âm bản được quay chậm, ghi lại hình ảnh của “cõi người ta”. Nhà thơ thật sự chán ngán, ghê sợ chốn trần tục đầy tai ương này. Thật là “những điều trông thấy” mà đau đớn lòng. Xã hội đã chôn vùi sự sống, quyền sống, quyền hạnh phúc của con người ở những cái chết thương đau, hoặc không đáng. Những cái chết không hề yên ổn, nó vẫn mang một bất mãn với đời khi xuống mồ. Nhà thơ không hề che giấu việc bộc lộ thái độ bất mãn trước thời cuộc suy tàn. Nguyễn Du quá tin vào số mệnh. Suốt câu chuyện nhiều lần Nguyễn Du cho nhân vật của mình tin vào số
mệnh. Chẳng hạn, khi Kiều mộng thấy Đạm Tiên đến báo nàng có tên trong “sổ đoạn trường” thì nàng đã đau khổ. Rồi Kiều tự tử khi biết mình rơi vào nhà chứa của mụ Tú Bà nhưng lại được cứu sống và được Đạm Tiên mách bảo: Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang,/ Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?/ Số còn nặng nghiệp má đào,/ Người dù muốn quyết, trời nào đã cho!/ Hãy xin hết kiếp liễu bồ,/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau…” Trong Truyện Kiều, để bảo vệ thân phận và danh dự, Kiều đã tìm đến cái chết như một sự chạy trốn chính mình. Bước ra khỏi nhà, Kiều đã ý thực được sự bất hạnh của mình nên đã cầm luôn một con dao như là một vật hộ thân. Kiều đã dự báo trước cái chết của mình khi bắt đầu cuộc đời sóng gió:
Phận sao đành vậy cũng vầy
Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh.
Thế là con đường chống đối số mệnh bằng cách huỷ thân không còn thực hiện được vì trời đã định Kiều phải sống, còn số mệnh Kiều sẽ được giải quyết khi Kiều đến sông Tiền Đường. Ý thức về nhân phẩm thúc giục Kiều phải luôn chống đối với hoàn cảnh, chống đối lại số mệnh. Và như đã nói, vượt phận chỉ tự làm khổ mình. Sự đau đớn này giúp Kiều nhận ra, càng chống đối lại số mệnh thì càng chịu nhiều oan trái. Số mệnh đã chơi khăm nàng, nàng chỉ biết chọn cái chết để giải thoát: Thôi thì một thác cho rồi,/ Tấm lòng bỏ mặc trên trời dưới sông! Lần này Kiều quyết định tự vẫn vì bị Hồ Tôn Hiến ép gả cho người thổ quan. Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường: Nhớ lời thần mộng rõ ràng,/ Này thôi hết kiếp đoạn tràng là đây!/ Đạm Tiên nàng hỡi có hay?/ Hẹn ta thì ở dưới này rước ta. Lần quyên sinh này kết thúc cuộc đoạn trường mười lăm năm lưu lạc gian truân. “Con sông trong giáo lý Phật giáo là nơi chuyển hóa của linh hồn của kiếp người và sự chuyển tiếp luân hồi. Sông ở đây gợi một miền miên viễn không xác định được, con người trầm mình xuống đó và mặc cho mình trôi dạc về đâu. Điều này mang một dấu ấn tâm linh rất mạnh mẽ từ đạo Phật, tượng trưng cho sự giải thoát của con người khỏi kiếp nạn, khỏi kiếp người hiện hữu”. Nó khẳng định Kiều là người luôn có ý thức về nhân phẩm của mình, luôn vươn lên trong cuộc sống để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Điều này đã làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Motif tự tử là một mô típ quen thuộc trong văn học trung đại Việt Nam đặc biệt là giai đoạn từ nửa sau thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, xã hội thì loạn lạc, con người lừa lọc lẫn nhau, niềm tin sụp đổ. Họ sống trong sự vắt véo thân phận mình, đặc biệt là người phụ nữ. Nên luôn luôn, họ mang trong mình một dự cảm về cái chết, và coi đó như một sự chuẩn bị an toàn và một sự giải thoát chóng vánh cho cuộc đời tầm gửi của mình. Đến khi gần sát với cái chết, giá trị của bản thân họ mới được nhìn nhận lại bằng chính suy nghĩ của họ - về mình. Còn xã hội, không màng đến, dù họ chết hay sống. “Xã hội” không có nhiều thời gian và chỗ trống để “quan tâm” đến cuộc đời ý nghĩa của mỗi cá nhân. “Xã hội” bận cho những mục đích chung, vị tiền, ích kỷ và đảo điên. Đến giờ phút đó, con người dường như đã mang trong mình một tâm thế khước từ hiện hữu thật sự, đối với họ, cuộc đời đã không còn ý nghĩa để cứu cánh. Cái cứu cánh cuối cùng là họ hi vọng mình được rơi vào khoảng trống của sự “không có gì”. Không vướng víu bất kì điều gì ở xã hội này nữa, vì đó là một hiện thực quá đổi đau lòng. Do vậy, chết cũng là một sự giải thoát, và sự giải thoát này đưa con người ta đến với Hư vô. Hay nói theo nhà triết học người Đức, Heidegger: “Chính sự giao thiệp với cái chết của chính mình như là một giới hạn tuyệt đối nên con người càng thấy rõ ý nghĩa và tính cấp thiết đích thực của sự làm người”.