Hư vô trong hành trình tìm kiếm lý tưởn gở thực tại vô định

Một phần của tài liệu Ý niệm hư vô trong văn học Việt Nam trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 34 - 39)

6. Cấu trúc đề tài

2.1.2.Hư vô trong hành trình tìm kiếm lý tưởn gở thực tại vô định

Tiểu thuyết gia người Mỹ- Jack Kerouec cho rằng cuộc đời như một con đường dài vô tận, mặc dù con người có lúc bước đi có lúc dừng lại, nhưng thật ra vẫn mãi đi trên con đường đó. Đối với việc chịu khủng hoảng ý thức hệ mạnh mẽ như giai đoạn này, tâm thế của kẻ sĩ chủ yếu mang trong mình một sự nhận ra tính tất yếu của những biến cố thời đại, một cách có trật tự. Trật tự ở đây có nghĩa là, tư tưởng hư vô khởi hành từ một khoảng trống, khoảng trống của sự sụp đổ niềm tin tư tưởng, sụp đổ hoàn toàn ý thức hệ. Không ai biết khoảng trống đó tồn tại hư vô hay không, nhưng chúng ta biết rằng để cảm nghiệm được khoảng trống đó thì con người ta cần kinh nghiệm được hành trình hư vô. Và theo Huỳnh Phan Anh, siêu nhân chính là mẫu người đã kinh nghiệm được khoảng trống đó, hơn thế nữa họ đã “vượt qua” để thực hiện cuộc hiện sinh về với chính mình. Con người là một thực tại vô định nhưng không ngớt kêu đòi được xác đinh, “là hữu thể tìm ẩn trong hư vô nhưng hư vô tìm cách phủ nhận” [1, tr.13]. Thực tại mà con người đi qua, càng xác định lại càng vô định, vô định đấy nhưng lại xác định, không có một lằn ranh rõ ràng giữa việc xác định này. Điều đó đưa con người vào một trạng thái là “lưỡng lự” vì không xác định chắc chắn được điều gì từ thực tại. Thực tại này là vô cùng và mỗi con người cứ đi tìm rồi lại trở về với thực tại mông lung. Như thế, hành trình tìm về hư vô như là một cuộc hành trình đi trên những thực tại vô định. Con người mân mê đi theo những dấu chân mơ hồ của cuộc sống xung quanh, đi mãi cho đến khi hư vô đáp lại bằng một sự hậu nghiệm đã vượt qua.

Khi thức nhận được ảo ảnh từ cuộc đời, người quân tử nhận ra những giá trị mà họ theo đuổi bấy lâu nay rốt cuộc cũng chỉ là bọt, là bèo, là tuồng ảo hóa. Vì đời là một trò chơi, mà đã là trò chơi, thì không có điều gì chắc chắn cả. Họ mang tâm thế tuyệt đối với lý tưởng mỹ trị để đặt cược toàn bộ niềm tin vào sự phát triển của xã hội, và họ không biết rằng rốt cuộc thì mình cũng sẽ phải trả một cái giá quá đắt cho

sự đổ vỡ niềm tin ấy. Bốn mươi năm sống trong cung vua phủ chúa, được hưởng nhiều bổng lộc, giữ chức quan to trong triều đình, suốt một đời phụng sự vua, tôn thờ chúa, giúp an dân trị thái bình, vậy mà Nguyễn Gia Thiều cũng có lúc cam cảnh chịu thiệt thòi khi bị bọn quan lại ganh ghét đố kị. Tác giả chứng kiến nhiều biến cố dữ dội của tập đoàn phong kiến đương thời. Cận cảnh mở ra trước mắt, ông hoàn toàn đổ sập mọi niềm tin trước đây từng nuôi dưỡng. Ôn Như Hầu trở nên bi quan, chán nản trước cuộc đời giả tạm rồi bi phẫn: Mồi phú quý dữ làng xa mã/ Bả vinh hoa lừa gã công khanh (Cung oán ngâm khúc). Ôn Như Hầu cho rằng cuộc đời thật ngắn ngủi, chóng vánh như một giấc chiêm bao. Chân lí này làm điểm tựa cho dòng bi quan của tác giả trong quan niệm về nhân thế. Sau những vinh hoa phú quý mà cuộc đời đem lại, người quý tộc thức tỉnh trong “cuộc thành bại” vô thường. Giờ đây, công danh phú quý chẳng còn nghĩa lí gì. Niềm tin vào hiện tại của võ tướng mất dần, cái mà ông đang theo đuổi là gì? Trước hiện thực xã hội như vậy nhà thơ nhận ra rằng chạy theo danh lợi sẽ chết vì danh lợi. Rốt cuộc, con người chỉ còn tay trắng giống như kết cục nghiệt ngã của cuộc đời: Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy,/ Kiếp phù sinh trông thấy mà đau!/ Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua môt nấm cổ khâu xanh rì.

Kiếp phù sinh của một đời người rốt cuộc cũng chỉ là sự trở lại đời đời với hư vô. Con người tồn tại trong vũ trụ này với hiện hữu giả tạm, có đấy rồi mất đấy.:

Tiêu điều nhân sự đã xong,

Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

(Cung oán ngâm khúc)

Quả thật, “hành trình hư vô là hành trình đưa tới vô hạn cái không bao giờ tới được. Kinh nghiệm trở lại đời đời là sự sụp đổ mọi viễn tượng, mọi trật tự… Hiện sinh đời đời trở lại, không tìm được ý nghĩa của nó: nó đứng giữa hư vô và vĩnh cửu, nó khao khát vĩnh cửu và gặp lại hư vô” [1, tr.9]. Khi đã xác lập được hành trình tìm về hư vô là hành trình đi đến những thực tại vô định. Vô định tức là con người không xác định được cho mình con đường đi, hướng đi. Mọi thứ là một mớ lộn xộn, rối rắm, chắn ngang ánh sáng bản đồ cho mỗi người. Người chinh phu lúc ban đầu hăm hở hạ niềm riêng mà đi theo lý tưởng lập danh của mình ở biên ải xa xôi. Để một mình nàng chinh phụ lẻ bóng với niềm tin vào hư không rằng một ngày chồng mình sẽ trở về:

Há như ai hồn say bóng lẫn Bỗng thơ thơ thẩn thẩn hư không.

Một số phận trắc trở, nghĩ là duyên mình sẽ hạnh phúc với đấng quân lang, nhưng ai ngờ: “Thưở trời đất nổi cơn gió bụi” để phận “khách má hồng” lắm nổi truân chuyên. Ở đời, đâu ai biết trước được điều gì, khi hạnh phúc, khi không may, khi biến cố xảy đến đột ngột. Nên thực tại là vô định, là không biết trước được điều gì. Phận của con người trong giai đoạn này do Trời quyết định, Trời buộc như thế nào thì số phận của con người sẽ như thế. Nên, người chinh phụ cũng chỉ biết trách trời chứ không thể đoán trước được định mệnh của mình hoặc của người thân mình: Trách trời sao để nhỡ nhàng/ Thiếp rầu thiếp lại rầu chàng chẳng quên.

Trời quyết định số mệnh, nên con người ta ở hồng trần cứ phó mặc, cứ vô trách nhiệm, khi không làm chủ cuộc đời mình, họ hoàn toàn phụ thuộc vào đấng quyền năng và cho rằng không thể biết trước điều gì xảy đến với cuộc đời họ. Hoàn toàn vô định, hoàn toàn mông lung. Đặc biệt, cuộc đời của người phụ nữ là cuộc đời mặc định, mặc định bởi trời, bởi số kiếp. Sinh ra đã mang phận “thường tình” mọi lẽ đều quy về “hồng nhan đa truân”, kiếp sống “bảy nổi ba chìm”, “hoa trôi”, phận thì bạc như vôi”. Họ không có quyền quyết định đến số phận của mình dù là “kẻ quốc sắc, người thiên tài” thì cũng đành: “mà xui phận bạc nằm trong má đào”. Nàng Kiều của thi sĩ họ Nguyễn, cũng là kẻ tài sắc nhưng lại gặp phải phận lênh đênh, khi phải “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa? Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu.

Cánh "hoa trôi man mác" dồi lên dập xuống giữa "ngọn nước mới sa" bao la, cũng là tâm trạng lo âu cho thân phận nhỏ bé trôi dạt trên dòng đời vô định. Cuộc đời tàn úa của nàng và biển đời dữ dội "ầm ầm tiếng sóng" đang vỗ, đang "kêu", đang bủa vây, như nói lên sự lo âu, sợ hãi, nỗi khiếp sợ của Kiều. Không chỉ riêng Kiều, mà ở đây chúng ta thấy khái quát trong xã hội phong kiến, thân phận người phụ nữ nói chung đều không có một kết cục tốt đẹp, cuộc đời họ tùy thuộc hết vào duyên tiền

định. Nên cuộc đời của mỗi người phụ nữ đều không xác định được bến đỗ của mình. Họ không có quyền quyết định đến quyền sống, quyền hạnh phúc của chính mình:

Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Theo quan niệm của Phật giáo thì cuộc đời là vô thường, không biết rõ được điều gì, mọi thứ đều đổi thay, biến chuyển, cho đến khi con người đã trải qua gần hết cuộc hiện sinh thì mới nhận ra “sự sụp đổ của mọi viễn tượng, mọi trật tự”, khi ở đó, ngoài hư vô và mình, thì không còn điều gì nữa cả. Vô định. Trải qua nhiều biến cố dồn dập của cuộc sống, cuộc đời trôi dạt nhiều nơi, tận mắt chứng kiến những sự kiện vật đổi sao dời, những cảnh đời thương tâm, ngang trái…, Nguyễn Du thấm thía triết lý của đạo Phật coi cuộc đời là vô thường. Ông nhìn cuộc đời bằng con mắt của một nhà nhân đạo chủ nghĩa, yêu thương, xót xa cho thân phận con người: Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi./ Bách niên đa thiếu thương tâm sự (Giang đình hữu cảm). Những nỗi đau đời của người khác cũng là nỗi đau đời của chính Nguyễn Du. Con người dường như quá nhỏ bé, bất lực trước sức mạnh vô hình nhưng hết sức hiện thực của "ông trời". Cái nhìn bi quan về cuộc đời như vậy đã đẩy Nguyễn Du đi tới những quan niệm mang nhiều ảnh hưởng của Lão - Trang. Ông quan niệm: Mắt xem việc đời như đám phù vân,/ Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mở mắt. Chính nhận thức về sự bất công xuyên suốt cuộc đời con người đã khiến Nguyễn Du, có những lúc kiếm tìm những giải pháp tiêu cực, yếm thế:

Bách kì đản đắc chung triêu túy Thế sự phù vân chân khả ai

(Đối tửu)

Nguyễn Công Trứ dành hết thời gian của cuộc đời trai tráng để chờ thời và chờ lập nên nghiệp lớn. Vì vướng nợ thân phụ phục vụ cho triều đại nhà Lê mà Nguyễn Công Trứ đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thể hiện mình trong triều đại mới. Con người tràn trề sinh lực ấy đã bao phen lao vào vòng phù hoa để thể hiện tài năng thiên phú của mình. Những đến khi nhận ra bộ mặt giả dối của thời đại mà ông đang sống, cụ đã ý thức được kiếp đời ngắn ngủi của phận người:

Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…

Cái nhìn thư thái của Nguyễn Công Trứ về hành trình phù sinh của một con người cho thấy rằng ông là một người đã có nhiều cảm nghiệm tinh tế sau trận bão lòng khủng hoảng. Tâm hồn ông cảm nhận được cái vinh nhục của cuộc đời người như giấc mộng Nam Kha, mà mang trong mình một nỗi yếm thế tựa như tư tưởng của Lão – Trang xem đời là ảo mộng. Cũng vì sớm thức nhận được điều này mà cụ Trứ rất quấn quýt hành lạc, lao vào công cuộc hành lạc như một cách để tận hưởng cơn say đời sắp tỉnh: Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào/ Vừa tỉnh giấc: nồi kê chưa chín/ Vật thái mạc cùng vân biến ảo,/ Thế đồ vô sự thủy dinh hư (Vinh nhân sinh).

Đến đây, ta lại nhớ lại một câu thơ của Chu Thần Cao Bá Quát khi có sự kinh nghiệm về hành trình hư vô. Khi ông nhận ra sự thật giả tạm của nó, nhưng rất điềm nhiên, và chủ động:

Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ Mảnh hình hài không có, có không.

Mọi sự trên đời đều không thường hằng, nói theo tư tưởng nhà Phật: “Vạn pháp trên thế gian luôn đi theo quy luật thành, trụ, hoại, và không. Vạn vật, hữu, tâm không có bản thể không có linh hồn, không có thực tại thường trụ bất biến, không có sự thể như ngã tuyệt đối. Những cái trông như là thực, chỉ là một hiện hữu tạm thời, một khoảnh khắc trong tiến trình nhân quả, “một gợn sóng trong lớp sóng dài, hiệu quả được kết thành bởi hai nhân hay nhiều hơn.” Mọi thứ trên đời đều đến rồi đi, sinh rồi diệt, rồi hợp rồi tan: Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này/ Tuồng huyễn hóa khéo bầy ra đấy/ Kiếp phù sinh trong thấy mà đau (Cung oán ngâm khúc). Sự thay đổi của mọi sự ở đời đó là vô thường, mọi thứ đều mong manh tạm bợ. Thế nhưng khi nhìn sâu vào sự vật trên thế gian chúng ta phải đón nhận một sự giả tạm từ cuộc đời đó: Mọi sự vốn từ cái không mà thành có và rồi từ cái có thay đổi biến hóa lại trở về không. Từ cái nhìn hư vô về cuộc đời, phận người ta suy ra được thân phận con người ở cuộc đời này cũng không tồn tại vĩnh cửu: “Sự vô thường làm cho vạn

pháp rỗng không đã chi phối tất cả đời sống của con người, chính nó làm cho con người vui và cũng chính nó là cho con người đau khổ”:

Ra đời hai tay trắng/ Lìa đời trắng hai tay/ Sao nhặt mãi cho đầy/ Túi đời như mây bay.

(DaLai Lama)

Từ đấy, ta thấy tính chủ thể của cuộc đời mỗi thân phận, mỗi con người trong hành trình hư vô này vô cùng nhỏ bé, khi thấy rằng cuộc đời là lẽ vô thường, không thật có, rồi cảm nghiệm về hành trình hiện sinh của mình là công cuộc “đưa tới cái vô hạn cái không bao giờ tới được”. Hành trình là cuộc trở về với thực tại vô định, ta thấy cả một cuộc hành trình của kẻ sĩ, của phận nữ nhi, họ đi nhưng thực chất càng đi tới để tìm thấy giá trị của mình thì càng hụt hẫng bởi đời chỉ là mộng ảo và giá trị đó không có thật. Mọi thứ đều không có ý nghĩa cho đến khi gặp hư vô. Hư vô làm thức tỉnh tư tưởng, tinh thần cho con người, như một lẽ là cuộc hành trình này “cái không có gì” là cái ý nghĩa, còn “vĩnh cửu” là điều không bao giờ vươn tới được. Hành trình ấy đưa đến thực tại vô định được nhận ra ngay trong chính sự phản tư của con người.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Ý niệm hư vô trong văn học Việt Nam trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 34 - 39)