Hướng đến sự giải thoát thân phận con người

Một phần của tài liệu Ý niệm hư vô trong văn học Việt Nam trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 79 - 84)

6. Cấu trúc đề tài

2.3.1.Hướng đến sự giải thoát thân phận con người

Hư vô chực chờ cởi bỏ mọi ý nghĩa cuộc sống của con người là bởi vì con người nhận ra kiếp sống ảm đạm, phi lí của cuộc đời mình. Hành trình hư vô làm cho con người thức nhận được những giá trị của mình hoàn toàn vô nghĩa lý khi rơi vào hư vô. Hư vô hướng đến giải thoát thân phận con người ở chỗ trước khi đến với “hư vô” con người ta xác lập lại cho mình những giá trị hiện tồn và nhìn nhận được quá trình cố gắng của hiện hữu. Hư vô chỉ ra được mặt trái của hiện thực cuộc sống. Đối với hư vô hiện sinh chủ nghĩa, con người bắt đầu hình thành những thái độ hiện sinh khác nhau đối với cuộc sống của mình và con người ta bắt đầu xa lánh với hiện thực. Trong giai đoạn này, việc xa lánh với hiện thực chính là cách để giữ gìn đạo đức của mỗi cá thể nên mới có tâm trạng bi quan, chán nản, muốn lui về ẩn dật là vì thế. Ta đã bắt

gặp cách ứng xử này ở hầu hết các nhà Nho quân tử như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Với mô hình Nho trị mà kẻ sĩ đã được học, trung dung chính là con đường giải thoát số phận con người. Theo quan điểm của Nho giáo, trung dung là một trong những phạm trù của triết học Trung quốc, trong đó “trung” có nghĩa là trung tâm, đúng đắn, chính giữa không thiên lệch; “dung” là bình thường, luôn luôn. Trung dung là một trong những nguyên tắc, chuẩn mực nhận thức đạo đức cao cả của con người; nó cũng là phương pháp rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, ý nghĩa, lời nói, hành động của con người trung chính ôn hòa, không thiên, không lệch, không thái quá, không bất cập do Nho gia đề xướng. Người trung dung chính là người đạt được trung hòa, thể hiện được trung thứ; đó là mẫu người lý tưởng – người quân tử, đối lập với người tầm thường – kẻ tiểu nhân. Nhưng mấy ai đạt đến được trung dung hoàn toàn, trong sách Trung dung tiết 3, viết: “Ôi đạo trung dung cao viễn thay! Đã lâu rồi ít có người giữ được đạo ấy”. hay Khổng Tử nói rằng: “Người ta có thể trị yên thiên hạ, quốc gia; có thể khước từ tước lộc; có thể đạp lên gươm giáo, nhưng đạo trung dung người ta không thể thi hành vậy” [6, tr.824]. Trung dung là điều mà người quân tử muốn đạt đến nhất khi hoàn thành lý tưởng quân tử của mình. Riêng đối với xã hội trong thế kỷ khủng hoảng tột độ này, con người ta khó lòng mà đạt được, mặc dù đã hướng mình nương tựa vào các tôn giáo khác để tìm sự đền bù ý nghĩa sống. Nhưng đó cũng chỉ là sự khỏa lấp tạm thời cho một tinh thần quân tử đã từ lâu mong muốn được đạt đến trung dung. Do vậy khi không đạt được trung dung, con người ta dễ rơi vào tâm thế hư vô, bởi vì từ trung dung đến hư vô ranh giới rất mong manh. Thêm yếu tố xã hội chi phối, tư duy của mỗi cá nhân càng dễ rơi vào lạc – thức mà không hề hay biết. Bởi vậy mới có những cảm thức thất bại, yếm thế, bi quan, đến bàng hoàng, lạc lõng, rồi đến nổi loạn với kiếp sống phi lí, và chính mình – ngay khi đang sống vẫn cố dự báo về cái chết, về một sự kết thúc. Thái độ bi quan yếm thế bao trùm lên các nhà Nho, làm cho họ cảm thấy ngột ngạt và u lì trong một môi trường quá đổi khắc nghiệt. Họ rơi vào hư vô và cảm thấy các giá trị bị sụp đổ, hoàn toàn. Khi con người rơi vào thế giới của hư vô, lại không ý thức được vị trí của mình, vì ở đó không có sự tồn tại của hiện hữu, ngoài

vô thức của con người. Nên hư vô lúc này chỉ là một ý niệm, và mãi là một ý niệm trong giai đoạn này chứ không thể nâng lên thành một tư tưởng hay quan điểm rõ ràng. Ở đây, tư duy con người về “một thế giới cứu cánh khác” mới chỉ là mấp mé, lạc loài. Hư vô chưa thành cụ thể, và cá thể lạc vào đó như một cách chìm vào vô thức sau nhiều lần hậu nghiệm cuộc nhân sinh ở đời.

Ta thấy, trước khi đến với hư vô, con người cần một sự tự do cá nhân để sống cuộc đời “hiện hữu trung thực” chứ không phải kiếp sống bám, kiếp sống của đời thảo mộc. Và họ mong muốn được giải thoát khỏi thực trạng đau lòng đó. Khi chính tư tưởng chính thống trước đây họ thờ phụng, tận lực phục vụ sụp đổ, họ đã vin đến những tư tưởng khác chủ yếu để giữ gìn nhân cách của mình. Vì theo lý tưởng Nho trị thì đạo đức vẫn luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu đối với một kẻ sĩ. Họ coi mục tiêu cao nhất là đạo đức để không phải hổ thẹn với đời, với mình. Còn Phật giáo chỉ cho họ con đường giải thoát, Lão – Trang chỉ cho họ con đường ưu du tự tại. Đứng trước hoàn cảnh xã hội và vấn đề tìm ý nghĩa cho đời sống hiện hữu của mình, nhà Nho va vấp phải vấn đề xuất - xử, về hay ở, ra làm quan hay lui về sống đời ẩn dật với cỏ cây. Điều này tạo cho họ một boăn khoăn có mục đích, có tổ chức, khi giữa việc chọn lựa: có ích cho công việc chính trị hoặc là giữ mình thanh cao. Nhưng sự sụp đổ của ý thức hệ đã khiến những con người này phải “cầu viện đến học Lão – Trang hay Phật, tìm ý nghĩa cuộc đời ngoài cái Nho giáo chỉ cho họ.” Các học thuyết có thể có những cách trình bày khác nhau về phương pháp, song đều gặp nhau ở mục tiêu tối hậu nhằm tiến tới xây dựng một xã hội trật tự, thái bình thịnh trị, người dân được yên lành, no ấm. Kết quả là trong cái nhìn của các học thuyết truyền thống, con người bị lược qui về thân phận thần dân, con người như là đối tượng của chính trị. Không có con người với nghĩa là con người bản thể, con người được xem xét bên ngoài ngữ cảnh chính trị xã hội. Văn học trung đại Việt Nam đậm màu sắc chính trị xã hội ngay cả khi bàn về con người.

Nói cho công bằng, các học thuyết Nho- Đạo- Phật bàn không ít về các vấn đề bản thể luận như đạo, đức, tâm, tính, tình… Nhưng cũng phải nói ngay rằng các luận bàn ấy cuối cùng vẫn phục vụ cho mục đích “xây dựng xã hội”, mục đích lo

cho cơm ăn áo mặc, cho thân phận của người dân. Có thể có những cuộc tranh luận về hữu vivô vi, về tính thiện hay tính ác, về nhập thế hay xuất thế… nhưng cái đích này là không khác nhau giữa các học thuyết. Nhằm thuyết phục kẻ cầm quyền không tham lam quyền lực và chạy theo tham vọng vật chất mà đày đọa, áp bức bóc lột người dân, áp đặt sưu cao thuế nặng; nhằm thuyết phục người dân tuân phục quyền lực triều đại để đổi lấy sự yên ổn thì có thể tuyên truyền đạo nhân, lễ như Nho gia mà cũng có thể áp dụng thuyết vô vi của Đạo gia, lại cũng có thể tuyên truyền “sắc tức thị không, không tức thị sắc” như nhà Phật để mọi người từ vua quan đến dân chúng giác ngộ sự vô nghĩa của thế giới vật chất mà từ bỏ mọi tham vọng vật chất vốn là cội nguồn của tội lỗi. Thậm chí xét trên một phương diện nào đó, để đạt mục tiêu rất nhân đạo là lo cho con người như là người dân, các học thuyết này lại có những phương cách mâu thuẫn với chính mục tiêu, chẳng hạn như tuyên truyền thái độ khinh miệt đối với thế giới vật chất, coi khinh thân xác với những nhu cầu vật chất tối thiểu như ăn, mặc, ở và bản năng tình dục. Từ đây, ta thấy điểm mấu chốt của hành trình tìm về hư vô là ở thái độ hiện sinh của mỗi cá thể. Ở xã hội đương thời, khi niềm tin cố hữu bị mất đi, họ đã tìm cách bấu víu mình vào các tư tưởng tôn giáo khác nhau để giữ mình. Chủ yếu, các tư tưởng đại diện cho một thái độ sống phù hợp với toàn bộ công cuộc hiện sinh, dù ở trong hoàn cảnh nào.

Sau mọi sự thức tỉnh về thực tại vô định, cá thể bắt đầu nhìn lại chính mình và đưa ra sự lựa chọn trước thời cuộc: xuất – xử. Vấn đề là ở chỗ cái dùng dằng trong sự lựa chọn này lại do xã hội tạo nên, người quân tử mang trong mình trọng trách đạo đức của kẻ sỹ, và mang trong mình trọng trách “giữ tâm thanh sạch” của chính đời sống mình. Mặc cảm lạc lõng, đến tâm thế nổi loạn trong kiếp sống phi lí, sau đó cảm nghiệm lại chính mình bằng nhiều cảm thức khác nhau, con người bắt đầu suy nghĩ về cái chết như “công việc” cuối cùng của một hiện hữu đời sống. Tất cả mọi cái nhìn nhận đó chính là cách mà một cá thể thể hiện giá trị mình trong xã hội này. Nơi mà ý thức cá nhân bị đè nén, thì họ đâu còn cơ hội để thể hiện ý nghĩa của hiện hữu, không có ý nghĩa của hiện hữu thì không còn cứu cánh cho cuộc đời của kiếp người. Chính

lúc này, họ đứng giữa ngưỡng cửa của hiện hữu và hư vô, ngay tại ngưỡng này, trong chính nhận thức luận của mỗi cá nhân- họ tìm thấy cứu cánh ở hư vô, và biết ơn hiện hữu ở đời. Đến hư vô, không biết cá nhân sẽ đi về đâu, câu trả lời này hoàn toàn là cảm tính, nhưng chí ít, hư vô lúc này được trả lời trong hiện hữu. Bởi vì, hư vô là một tâm thế được xác lập sau một quá trình hậu nghiệm. Con người sẽ không cảm nhận được giá trị hiện sinh của mình nếu không có quá trình hậu nghiệm. Chỉ có điều, trong xã hội này, quá trình hậu nghiệm mà con người vượt qua, là một quá trình ám ảnh, tàn nhẫn và hời hợt. Ám ảnh, tàn nhẫn bởi hoàn cảnh; còn hời hợt trong chính cái kết thúc hiện hữu của cá thể khi thức nhận thực tại và giá trị tự thân. Họ mang tâm thế bi quan, chán nản và buông bỏ. Tâm thế này chính là tâm thế hư vô mà vô tình hư vô đã hư hóa cảm giác của cá thể. Cái nhìn bi quan về cuộc đời như vậy đã đẩy Nguyễn Du đi tới những quan niệm mang nhiều ảnh hưởng của Lão-Trang. Ông quan niệm: “Mắt xem việc đời như đám phù vân”, “Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mở mắt”. Chính nhận thức về sự bất công xuyên suốt cuộc đời con người đã khiến Nguyễn Du, có những lúc, kiếm tìm những giải pháp tiêu cực, yếm thế:

Cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày. Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn!

Những tư tưởng trốn tránh cuộc sống, trốn tránh danh lợi, bạc tiền nêu trên cũng đã từng chế ngự tâm hồn ông, đặc biệt là khi cuộc đời ông trở nên quẫn bách, bế tắc, không lối thoát trong giai đoạn cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII:

Phú quý trước mắt chẳng khác gì phù vân. Người đời nay chỉ biết cười người đời xưa. Người xưa chết, mồ mả ngổn ngang đó, người nay sao vẫn bôn tẩu rộn ràng?

Xưa nay kẻ hiền người ngu cũng chỉ còn trơ lại nắm đất. Không ai vượt qua cửa ải sống chết. Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi….

Trong quá trình nhận thức đó, yếu tố tư duy mang sắc thái Việt Nam, yếu tố tình cảm, sự duy tình, tình yêu thương con người đã là nền tảng chi phối và hướng dẫn

chiều hướng tư duy của Nguyễn Du, đưa tư tưởng ông đạt tới sự nhận thức và phản ánh chân thực tâm nguyện, hy vọng của dân chúng.

Trước khi đến với hư vô, con người ta cởi bỏ những ràng buộc của hoàn cảnh, của công cuộc hiện sinh. Hư vô là cách hướng đến sự giải thoát thân phận con người bởi lẽ đây là một quá trình nhìn nhận lại, tìm về lại chính mình. Con người soi vào chính mình, các giá trị tự thân và đặt nó trong hoàn cảnh xã hội đương thời để tư duy lại về ý nghĩa của công cuộc hiện sinh. Hư vô hướng đến giải thoát con người khỏi những cái thiển cận và tầm thường của luân lí chính thống; hư vô dám phá bỏ tất cả ý nghĩa đời sống để con người tin vào một thế giới cứu cánh khác. Chính hư vô và niềm tin vĩnh cửu sẽ mở con đường siêu việt để dẫn con người đến chỗ tiếp xúc với thức tỉnh; và đưa mình lạc vào vô hạn, vào những khoảng trống, không rõ ràng nhưng bớt mệt nhọc và ngột ngạt.

Một phần của tài liệu Ý niệm hư vô trong văn học Việt Nam trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 79 - 84)