Tâm thức phản tỉnh về giá trị nhân sinh

Một phần của tài liệu Ý niệm hư vô trong văn học Việt Nam trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 67 - 73)

6. Cấu trúc đề tài

2.2.6. Tâm thức phản tỉnh về giá trị nhân sinh

Dù có nổi loạn đến mấy trong kiếp sống phi lí ấy thì đó cũng chỉ là một sự vẫy vùng tạm thời đến tội nghiệp của những số phận trong “cái lồng” phong kiến đương thời. Vì bản thân họ còn gắn với chữ “thân”, “thân” gắn với bổn phận và trách nhiệm trước xã hội và chính bản thân mình, khi xã hội quay lưng, “thân” lại quay về với chính mình để tìm con đường cứu cánh trong tâm hồn. Khi “thân” đã gắn bó với quá nhiều mối quan hệ tam cương, họ cảm thấy mệt mỏi, chán chường, ngao ngán, đến lúc họ “để tâm” trở về với chính các giá trị của mình. Vì cuộc đời chỉ có một, quay lưng với bản thân là điều tàn nhẫn nhất. Thêm vào đó, dưới sự tác động của hoàn cảnh, con người ta càng có thêm động lực để làm cho đời sống của mình có giá trị, có ý nghĩa. Họ bắt đầu có sự phản tỉnh những giá trị tự thân. Một sự phản tỉnh ngậm ngùi, chua xót, nhưng dẫu sao đó vẫn là cách để cảm nghiệm lại với chính mình. Họ

thật sự thất vọng trước lý tưởng mà họ đang tôn thờ, họ lạc lõng, hụt hẫng, và đối mặt với cái thất bại của chính mình, thất bại trước cuộc đời, khi càng cố gắng chứng minh giá trị của mình thì lại càng bị vùi dập. Vì vốn dĩ, xã hội này không cho phép giá trị cá nhân được tồn tại, hệ hình tư tưởng, nền nếp kỷ cương đã có khuôn sẵn, họ chỉ cần làm theo khuôn mẫu có sẵn, vậy là đủ. Cho dù có cố gắng chứng minh đến đâu thì “thân” vẫn bị trói buộc trong các giới hạn nhất định của xã hội. Do đó, con người dần mất phương hướng và họ trôi lạc vào “nỗi niềm tuyệt vọng theo kiểu chủ nghĩa hư vô; hoặc đấy là một sự thất vọng triền miên hay có chăng đó cũng không nằm ngoài một vòng luẩn quẩn trong sự giáp mặt với những thách thức trong cuộc sống”. Theo Trần Đình Sử, “thân” là cái phần quý giá nhất, có “thân” mới có con người, có phúc phận. Ý thức về “thân” là ý thức về cái phần cá nhân riêng tư nhất, thực tại nhất của con người. Theo nhà Phật thì “thân nghiệp” là nguyên nhân gây nên cái khổ lớn nhất của con người (những nghiệp gây nên nỗi khổ con người gồm: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp). Con người càng ý thức về “thân” thì càng đau khổ khi tấm thân bị đày đoạ: “Truyện Kiều là một truyện thương thân, xót than thấm thía nhất” [20, tr.112]:

Đau lòng tử biệt sinh ly,

Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên.

Rồi, có lúc chinh phụ đã phủ định giá trị của công danh phú quý - thứ hạnh phúc lý tưởng theo quan điểm phong kiến. Lúc trước nàng mong đợi cái kết vinh hiển khi chồng nhận được ấn phong hầu, nàng chờ đợi cái vinh dự “tử ấm thê phong” nhưng rồi nàng chợt nhận ra rằng để đánh đổi lấy chiếc ấn phong hầu ấy nàng và người chồng yêu thương của mình phải trả giá đắt. Việc nàng mong chồng của mình mang ấn phong hầu trở về và khát khao một ngày trở thành mệnh phụ phu nhân sánh bước cùng chàng chỉ là một niềm tin ngụy tín nhằm an ủi khoảng trống của hiện tại đang lấp đầy cái lí trí của thực tại, rằng chinh phu đang tham gia vào một cuộc chiến, và cái kết là điều ai cũng đặt sẵn để tạo cho mình một tâm thế vững vàng. Rõ ràng là, chồng nàng thì chịucảnh: Xông pha gió bãi trăng ngàn/ Tên reo đầu ngựa giáo lan mặt thành. Còn nàng lao vào những nỗi đau trống vắng: Thôi sớm thôi hôm những sầu/ Đâu xiết kể trăm sầu nghìn não/ Từ nữ công phụ xảo đều nguôi. Nàng cảm

nghiệm được sự đánh đổi quá lớn, khi hạnh phúc lứa đôi của bản thân có ý nghĩa hơn rất nhều với chiếc ấn phong hầu hảo danh ấy:

Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.

Cũng như trong giấc mơ khải hoàn, điều mà chinh phụ nói đến với tất cả tấm lòng rung động sâu xa nhất vẫn là hạnh phúc đoàn tụ đôi lứa chứ không phải là hạnh phúc vinh hiển. Nguyện vọng sau cùng chính là khát khao hạnh phúc lứa đôi sum vầy: Liên ngâm đối ẩm đòi phen,/ Cùng chàng lại kết mối duyên đến già. Như vậy, có thể nói tâm trạng chủ yếu của chinh phụ trong những ngày cách biệt là một nỗi u sầu vô hạn mà căn nguyên sâu xa nhất là tình cảnh chăn đơn gối chiếc, là niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi và ái ân tuổi trẻ. Chính tâm trạng chủ yếu đó đã vẽ nên mâu thuẫn trong hình ảnh chinh phu lúc mới xuất quân và khi đã ở nơi trận mạc, mâu thuẫn trong thái độ chinh phụ, khi mơ ước công danh phú quý, lúc lại chán ghét vô cùng chiếc ấn phong hầu vinh hiển. Cho thấy, cái cảm nghiệm đầu tiên chính là đi nhận thức cho được cái mâu thuẫn đang hiện tồn trong suy nghĩ của mỗi cá thể.

Điều này cũng gần giống với cảm nghiệm ngụy tín trong nàng cung nữ của Nguyễn Gia Thiều, khi cứ khao khát một ngày đấng quân vương sẽ cưỡi xe dê đến và kết lại mối trăm năm với nàng. Nhưng! Đó chỉ là một sự lừa dối chính bản thân mình trong xã hội mà chỗ đứng của người phụ nữ luôn là sau cùng. Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều ban đầu đặt rất nhiều niềm tin, hy vọng vào "đấng quân vương", mơ ước được sống một cuộc sống nhung lụa vàng son theo kiểu: Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn mãn kiếp ngồi trong thuyền chài. Lúc được sủng ái, sự hy vọng ấy được nâng lên thành những ảo tưởng, ngộ nhận. Nàng nhầm tưởng những cuộc ái ân với nhà vua là một cuộc tình chung thủy: Mây mưa mấy giọt chung tình/ Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn. Nàng mơ tưởng hão huyền về một tình yêu nồng thắm, vững bền: Tranh tỉ dực nhìn ưa chim nọ/ Đồ liên chi lần trỏ hoa kia/ Chữ đồng lấy đấy mà ghi/ Mượn điều thất tịch mà thề bách niên. Có ngờ đâu tình yêu kia chỉ như mây khói, hạnh phúc kia phút chốc vụt bay. Sự sủng ái của nhà vua hóa ra không phải “duyên hương lửa”, không phải “nghĩa trăm

năm” mà chỉ là sự đắm say phút chốc. Cảm thức ruồng bỏ bắt đầu len lỏi trong tâm thức của nàng, mà đâu chỉ nàng, tất cả những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đều mang trong mình cảm thức này, vì họ không được coi trọng vì chỉ là phận nữ nhi thường tình. Không riêng gì nàng cung nữ, những người quân tử, những trung thần luôn tận trung, tận lực với vua với chúa, nhưng một khi vua đã chán chê, công thần ganh ghét, cuộc đời của họ sẽ rơi vào cảnh xua đuổi, không còn được trong dụng nữa. Họ trở thành quân tử thất thời và mang trong mình một cảm thức như thế:

Suy đi đâu biết cơ trời

Bỗng không mà hóa ra người vị vong

Đối với Jaspers con người hiện sinh luôn được nhìn dưới cái nhìn thất bại, trong công cuộc hiện sinh, con người luôn phải đặt mình trong hoàn cảnh giới hạn, cho dù cố vùng vẫy thoát khỏi bao nhiêu thì họ hoàn toàn không thể thoát khỏi xã hội mà họ đang sống. Do đó, con người ta luôn luôn lấp đầy tâm hồn mình bằng một nỗi niềm tuyệt vọng và cảm thấy hoàn toàn thất bại trước thời cuộc, vì bản thân có tài, mà không thể làm gì xoay chuyển được tình thế. Cũng giống như Nguyễn Công Trứ, ban đầu lý tưởng nhập thế của ông luôn hăm hở hăng hái nhưng xã hội triều Nguyễn là xã hội cùng khổ, nhiều nhân họa, người dân phải chịu nhiều áp bức, thiếu thốn nặng nề, một xã hội có quá nhiều bất công đến nỗi Cao Bá Quát luôn day dứt trước hoàn cảnh khốn nạn của quần chúng nhân dân nhưng lại chỉ nhìn mà tha thiết chứ không thể giúp đời: Cưỡng liên tâm lực tại/ Cơ ngọa bất câm sầu (Độc dạ cảm hoài). Một chức quan nhỏ thì có thể làm được gì để cứu vãn tình thế. Chính vì điều này mà ông luôn mang cảm nghiệm thất bại với chính bản thân mình, tỏ ra bực bội và luôn buồn bã trước cảnh huống trái ngang ở đời:

Không có mưu lược gì làm cho đời được thái bình Thẹn mình là một nhà nho tầm thường đến thế

(Độc dạ)

Ông nhận mình chưa đủ tài cán để làm những công việc đó:

Nép mình giữa khoảng trời đất thương cho bàn tay lẻ loi của mình vỗ không thành tiếng.

(Bệnh trung)

Khi cảm nghiệm sự thất bại, dẫu cho ông có cố gắng đến đâu cũng không thể vượt ra khỏi những giới hạn nhất định. Đây chính là cách mà kẻ sĩ thời bấy giờ chọn để đối mặt với hoàn cảnh trước mặt, nhưng cũng có nhiều trường hợp, chỉ vì quá hổ thẹn và bất lực mà họ đành đánh mất chính mình. Ông chán chường tất cả mọi thứ mà lạc vào cơn say hành lạc. Coi việc uống rượu là cách giải thoát, vào những lúc như thế ông muốn lánh đời, quên đi cảm giác cô độc giữa xã hội này. Trong cơn say nhân vị, ông cảm nhận được dòng cảm xúc vô định, trôi dạt vào những hoàn cảnh không rõ nguyên nhân: “trút bỏ nghị lực sống và lúc này khoảnh khắc lên ngôi của hư vô chính là thời điểm này”: Chước, chước quân mạc tì,/ Nhân thế bi hoan bất đồng thì,/ Kim nhân du thưởng hậu nhân bi,/ Tức tâm liễu nghĩa chân như si. Nhà thơ cảm thấy mình trở thành một con người thừa thãi, cô độc trước mọi thứ: Tai lê huống vị tô,/ Thái bình vô nhất lược,/ Lộc lộc sỉ vi nho. Hổ thẹn khi là một nhà Nho quân tử lại không thể làm cho thiên hạ được thái bình. Đây là một nhận thức sâu sắc của nhà thơ sau nhiều năm tháng day dứt về cuộc sống.

Cuối cùng, những giá trị tự thân như “thân”, “tài”, “tâm” của con người đều phải cảm nghiệm lại khi trong sự phản tư của chính mình trước nghịch cảnh. Xã hội tạo ra một giới hạn rất lớn cho mỗi số phận, mỗi cuộc đời, chi phối đến tính cách, hành động tư tưởng và cuối cùng là tác động đến tư duy nhìn nhận về mình. Họ bắt đầu có sự tỉnh ngộ sau khi hệ hình tư tưởng sụp đổ, họ dựa vào các giá trị tư tưởng khác để cứu cánh cho mình và giải thoát mình. Thức nhận sự vô định của thực tại, họ lạc lõng; cảm giác bị ruồng bỏ luôn thường trực, họ chạy trốn chính cuộc đời của mình; tự tạo nhiều niềm tin “tạm thời”, họ ngụy tín để tìm sự trấn an tinh thần; nhận ra sự phi lí nên dù có vẫy vùng như thế nào, họ vẫn bất mãn và hơn hết họ cô độc. Cô độc chính là lúc sự phản tỉnh về mình được thể hiện mạnh mẽ nhất. Khi chỉ còn lại một mình, cái mà con người ta đối diện rõ nhất là chính mình, chính những giá trị của mình. Lúc này, cảm thức tìm về chính mình là cách hướng cá nhân đến với sự thức nhận mãnh liệt và thành thật nhất. Khi cô độc, con người ta có thể giải phóng những ràng buộc chính xã hội gây ra cho mình, giải phóng tâm tưởng đến với những miền

trú ẩn khác - ngoài thực tại, vậy đó chỉ còn là cách trở về hư vô. Lúc này, cảm giác hư vô hóa sẽ tạo nên ý thức khước từ sự hiện hữu. Cô độc là cảm thức mạnh nhất của cá thể khi bắt đầu đối diện hành trình hư vô của mình. Đặc biệt là những con người sống trong giai đoạn đảo điên này, cô độc sẽ là liều thuốc an thần làm cho con người họ học cách đối mặt, ứng xứ trước bão tố của cuộc đời. Chúng ta thấy, thường trong các tác phẩm văn học, cá thể luôn cô độc khi một mình trong căn phòng quạnh vắng, hay một mình phiêu diêu tự tại, cô độc khi có sự tác động từ hoàn cảnh vào cũng như khi không chịu bởi một sự ảnh hưởng nào khác. Nhưng, tâm cô độc, thì cho dù là ở hoàn cảnh nào, họ vẫn cảm thấy cô độc: “Con người là một sinh vật bị bỏ rơi; bị bỏ rơi vì người bị ném vào thế giới, người là hữu tại thế; vì tại thế, nên người mới cảm thấy vừa cô độc vừa liên hệ với hoàn cảnh, với những gì lợi hại cho sự tồn vong của Dasein”. “Chính trong tâm thế đó, đã lôi kéo con người ta đến với hư hóa mọi thứ, và tâm thế đó càng nhân lên gấp bội lần nữa là khi mà người ta có một sự nhìn nhận mang tính cá nhân tiên quyết về mọi vấn đề của cuộc sống khi mà chính sự nhìn nhận ấy lại như là một hệ quả từ sự phóng thích của niềm tuyệt vọng ghê ghớm cộng với môt sự kinh tởm trước sự thừa thãi của chủ thế tính trước thế giới”.

Con người trong Truyện Kiều rất cô đơn, theo thống kê của Phan Ngọc, có 17 đoạn thơ thể hiện việc cô đơn của Kiều. Sống bằng nội tâm, Kiều tự tách mình ra khỏi thế giới người mặc dù có sự hiện hữu ở đó, để theo đuổi những giá trị mà bấy lâu nay ngộ nhận, giữ gìn. Ở xã hội, Kiều đóng nhiều vai diễn khác nhau, là người tình, người con, là phận kỉ nữ, phận nô tì, đều hẩm hiu. Nên chỉ có khi đối diện với bản thân Kiều mới hiểu với chính mình. Trong đêm cuối cùng trước khi bán mình cho tên giám sinh họ Mã, Kiều đã trăn trở thao thức về số phận mai này của mình, cũng như day dứt với mối tình vừa mới ươm hương với chàng Kim. Kiều quyết định nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, trong sự dùng dằng mâu thuẫn. Đến khi Kiều bị Tú bà bắt tiếp khách, nàng không cam tâm, bị Tú bà đẩy ra nhốt ở lầu Ngưng Bích, giữa sóng biển cuộn trào, không gian bao la, Kiều cảm thấy mình thật nhỏ bé và lại chua xót cho “phận sao phận bạc như vôi”:

Giật mình, mình lại thương mình xót xa. Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?

Nàng tự hỏi chính mình, nhưng câu hỏi ấy lại như một câu trả lời khẳng định cho thân phận éo le, hẩm hiu, bèo bọt của nàng giữa kiếp đời lênh đênh này. Ở xã hội này, con người nhất là người phụ nữ tài sắc như Thuý Kiều, Đạm Tiên dễ dàng trở thành món hàng đầy lợi nhuận của bọn bất lương. Nàng tự thấy tủi nhục cho thân phận của mình. Nguyễn Du đã nhìn cuộc đời của Thuý Kiều, Đạm Tiên và nàng ca kĩ đất Long Thành mà khóc than rằng:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

(Long Thành cầm giả ca)

Một phần của tài liệu Ý niệm hư vô trong văn học Việt Nam trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 67 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)