6. Cấu trúc đề tài
2.2.4. Tâm thức hoài nghi về lý tưởng sống
Với thế kỷ này, ý thức hệ chính thống đang đi vào con đường khủng hoảng: từ hụt hẫng, bất ngờ, tâm thế của con người lúc này luôn ở vào trong “tình trạng bất an và ngập tràn những lo âu thống thiết.” Lúc này, người quân tử bị kiềm kẹp trước nhiều vấn đề xã hội, họ bị siết vào một xã hội đổ vỡ nhiều giá trị đạo đức, tư tưởng. Người quân tử còn đứng trước nhiều ngã ba đường phục vụ, khi cơ chế lưỡng đầu oằn lên họ một trách nhiệm nặng nề của “tôi trung một triều” và việc lập danh cho cuộc đời mình. Họ trở nên sợ hãi, khi xã hội đang vẽ ra trước mắt không phải như xã hội mà họ đã từng được nghe, đã từng sống hoặc đã từng mơ ước. Phạm Đình Hổ từng nói trong Vũ trung tùy bút về việc: “Đời suy thói tệ, thế đạo ngày một sút kém, danh phận lung tung, không ai còn biết đâu mà phân biệt thuận với nghịch nữa”. Trên thực trạng suy đồi của luân lý đạo đức ấy đã nảy sinh một hiện tượng khá đặc biệt trong tầng lớp
nho sĩ phong kiến: sự khủng hoảng về lý tưởng. Bắt đầu từ đây, các nho sĩ mang một tâm thế hoài nghi, yếm thế về cuộc đời:
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên Xuân lan thu cúc thành hư sự
Hạ thử đong hàn đoạt thiếu niên.
(Tạp thi - Nguyễn Du)
Sự sợ hãi đã lấp liếm gần hết những điều mà họ muốn phát lộ ra trên con đường lập danh của mình. Sự sợ hãi bó hẹp những tinh thần hăm hở với cuộc đời, sự sợ hãi khiến họ è dè với niềm tin đã va đập, sự sợ hãi tạo nên một mảng khuyết trong bức tranh kì vọng về một xã hội Nghiêu Thuấn tươi màu. Có thể nói thái độ xa lánh công danh phú quý là một tâm trạng khá phổ biến của nho sĩ đương thời, vì ngoài lí do trên có những kẻ tuy không có lý tưởng gì cao đẹp nhưng cũng trốn tránh công danh vì họ đã nhìn thấy bão táp của thời đại khiến cho địa vị công hầu cũng thường bị ngả nghiêng. Ta đã bắt gặp tâm trạng chán chường mỏi mệt của Nguyễn Gia Thiều qua
Cung oán ngâm:
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
Tâm thế lánh đời, bỏ mặc công danh phú quý cho thấy thái độ phủ định của nhà Nho đối với lý tưởng mà trước giờ họ theo đuổi. Người ta sợ hãi chính những điều mà người ta theo đuổi bằng biểu hiện lánh đời, yếm thế, mất niềm tin. Kẻ sĩ mang tâm thế phải sống hai triều, niềm tin dành cho một thời quá vãng đã bắt đầu xa xôi, đứng trước một triều đại mới họ không biết phải chọn thái độ ứng xử như thế nào khi lực bất tòng tâm, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” chẳng qua cũng chỉ là cách bao biện cho một tâm hồn đang rơi vào vực thẳm. Bi quan, yếm thế, khi giấc mộng phù Lê không thành. Sự nghiệp tình yêu, tan vỡ, chàng lạc mất niềm tin vào chính cuộc đời mình, đến cuối đời Phạm Thái sống “lang thang như một kẻ điên dại”, suốt ngày uống rượu và làm những vần thơ ngông nghênh đượm buồn:
Chết về âm phủ cắp kè kè.
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
- Be
Chàng nghêu ngao hát khúc ca đời bằng tâm thế chán nản, lạc loài, khi cảm thấy mình không còn một chỗ nào để tựa niềm tin vào: Sẵn có giang sơn vốn thú mầu,/
Mặc ai thành thị mặc công hầu./ Sớm Ngô tối Sở dầu vui vậy,/ Rày Tấn mai Tần chẳng biết đâu!
Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du nổi bật lên một nỗi buồn nhân thế. Nguyễn Lộc đã viết: “Tâm sự của Nguyễn Du lúc nào cũng buồn, cũng day dứt”, ngay khi làm quan với nhà Nguyễn ông luyến tiếc với triều đại nhà Lê. Và nguyên nhân của nỗi buồn này bắt nguồn từ nỗi buồn thời cuộc. Ở đây, thể hiện một cái nhìn rất day dứt trước cuộc đời, Nguyễn Du đã chứng kiến nhiều cảnh tượng trái ngang của thời đại, mà điều này dường như cũng có mối liên hệ với đất nước khi trong Văn chiều hồn, nhà thơ đã từng viết:
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối, Cũng có người sẩy cối sa cây…
Nguyễn Du thống nhất câu hỏi về bản thân: Sinh sống ra sao? Với câu hỏi cho xã hội: Thời thế đi đến đâu? [12, tr.45]. Câu hỏi không có câu trả lời cho số phận của Tố Như trong giai đoạn này. Hoàn toàn là tâm thế lạc lõng, hoài nghi không phân định được thật - giả, tốt - xấu ở đời. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong trước mắt ông về một thời đại đầy rẫy những cảnh chết chóc, khổ đau, bất công mà xã hội nhà Nguyễn tạo ra. Trước và sau ông đều phải thỏa mãn với một cách lí giải siêu hình, vì ông sợ phải đối mặt với hiện thực, ông đã chịu quá nhiều thương tổn từ cuộc đời của mình, giờ đây nhìn cảnh hiện thực tàn khốc mà ông lại mườn tượng ra một viễn cảnh cho hậu thế cũng kinh khủng không kém: Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan,/ Đại địa xứ xứ giai Mịch La./ Ngư long bất thực sài hổ thực,/ Hồn hề! Hồn hề! Nại hồn hà? Câu hỏi cuối của bài Phản chiêu hồn thể hiện một nỗi niềm bi phẫn vuốt lên cao vút, khi ta nhìn thấy được tâm hồn của kẻ sĩ thời bấy giờ không hề có một điểm tựa nào cụ thể, và không biết phải làm gì với thời cuộc, bất lực nhìn nhân sinh mà cảm
thương chua xót. Bài thơ thể hiện được một sự long đong, mất lòng tin thậm chí là đi đến tuyệt vọng trước phận người và kiếp đời: “Nguyễn Du không quan tâm tổng kết nguyên nhân thành/bại, hưng/vong mà ông gửi gắm nỗi u hoài về cuộc đời trăm năm ngắn ngủi, về những cuộc bể dâu, rồi tất cả sẽ rơi vào hư vô” [33, tr.15].
Khi lạc loài cùng cực trong niềm tin tư tưởng, các nhà Nho bấu víu mình vào những tư tưởng khác để tự cấp cho mình một chỗ dựa tinh thần. Tư tưởng Lão - Trang lúc này cho phép con người ta có thể hình thành cho mình một tư tưởng thoát ly mọi ràng buộc, mở rộng tâm hồn, lấy cá nhân là điểm xuất phát. Nhưng, cái băn khoăn day dứt giữa có ích (cho vua, cho dân) và thanh cao (cho mình) làm nhiều nhà Nho dùng dằng cả đời. Cuộc đấu tranh tư tưởng cứ lặp đi lặp lại như thế tạo sự lạc lõng trong cách ứng xử của họ với bản thân mình.
Cuối cùng, không chỉ có kẻ sĩ là những người mang cảm thức lạc lõng mà phận hồng nhan cũng trải qua những cú sốc về đời không kém. Tiếng nói của người phụ nữ trong giai đoạn này là một hơi thở mạnh mẽ, khi nó được bộc lộ đầy da diết qua việc các nhà thơ nam hư cấu giọng nữ để nói hộ tiếng lòng của họ về niềm khát khao hạnh phúc cá nhân mình. Nhưng, ngặt nghèo tình cảnh giai nhân, họ càng hi vọng thì càng tuyệt vọng, càng bấu víu vào số phận thì càng để lạc mất nó. Thân phận của họ là một thân phận lạc loài, khi niềm tin chỉ mang tính chất “tầm gửi” với cuộc đời, vắt véo, trơ trọi và không có điểm tựa, dù là ở giai cấp nào, chỉ cần là phụ nữ, phận họ sẽ “bạc”. Người chinh phụ đã nhìn thấy vì chiến tranh phong kiến, chinh phu phải đối mặt với bao nhiêu gian nan, thử thách, đối mặt với tuổi trẻ, đối mặt với cảnh li tán, đối mặt với sự chết chóc, đối mặt với cả mạng sống của mình. Có thể, trong một tích tắc nào đó, chàng sẽ chết, và người vợ thân yêu ở nhà sẽ không bao giờ được nhìn thấy người chồng của mình. Một nỗi sợ cố hữu lấn át tâm trí của nàng chinh phụ về số phận của mình và của cả chồng mình. Điều này cho chúng ta thấy cái khắc nghiệt của xă hội phong kiến, khi tàn nhẫn phá nát đi quyền sống và hạnh phúc của từng số phận. Nàng cô đơn, gặm nhấm nỗi đau nhớ chồng, nỗi đau trách nhiệm khi một mình thân liễu phải gánh vác tất cả mọi chuyện. Nàng phải trải qua bao tháng ngày mỏi mong không hi vọng:
Thư thường tới, người không thấy tới, Bức rèm thưa lần đãi bóng dương Bóng dương mấy buổi xuyên ngang Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai.
(Chinh phụ ngâm khúc)
Như vậy là trong những ngày tháng đằng đẵng xa cách ấy, người chinh phụ có rất nhiều tâm trạng giày xéo mình. Sợ một nỗi thanh xuân mình qua mau, sợ một nỗi nàng sẽ không cán đáng nổi công việc trong gia đình, sợ một nỗi sẽ không bao giờ gặp lại chồng của mình nữa. Nhưng tất cả mọi tâm trạng ấy xoay quanh một nỗi niềm sâu kín nhất chính là lòng khát khao hạnh phúc lứa đôi. Nàng không còn niềm tin, nàng đánh mất đi hi vọng, nàng cô đơn với chính mình, nàng như lạc vào trong thế giới của trống rỗng. Thân phận nàng rồi sẽ ra sao ngày mai khi chồng của mình: Phận trai già ruổi chiến trường/ Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về.
Để nhằm bộc lộ những trăn trở, thất vọng, hoài nghi về mô hình mỹ đức mà họ đang theo đuổi. Tiếp nối vấn đề này, một thời kì đảo điển của xã hội mở ra, tâm trạng của Nguyễn Gia Thiều là tâm trạng của quý tộc nhà Lê đương thời, bị xô đẩy, vào những biến động của thời đại. Ông không được trọng dụng như trước. Cảm giác bất mãn bắt đầu xuất hiện trong tâm thế chán chường của ông lúc này, bất mãn với xã hội khách quan, bất mãn với chế độ, bất mãn với chính mình, bất mãn vì đã đặt quá nhiều niềm tin. Thái độ này đã đưa ông gần đến với hố thẳm của cái nhìn hư vô, khi ông cho rằng mọi thứ trên đời giờ chỉ còn là một ‘tuồng hư hóa”. Khi kiếp sống chỉ là một trò đùa của đấng tạo hóa, cuộc đời con người lại là một trò chơi, và trò chơi nào cũng có luật, kẻ thua cuộc thì luôn nhận một cái kết “ra chuyện”:
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Và bao nhiêu dư vị cay đắng đó, dẫn đến một tâm lý bi quan cùng cực. Bao trùm lên tất cả là một nổi buồn thấm thía trước muôn vàn cực khổ không thể lường hết được của cuộc đời con người: Nghĩ thân phù thế mà đau/ Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê. Thi sĩ bất mãn và uất ức với triều đại mình tôn thờ: “Con người chỉ còn là
một trò chơi, một cái bóng, một chút bèo bọt, chỉ có cúi đầu khoanh tay, chỉ có buông xuôi, than thở, nếu không là trốn tránh đi tu” [41, tr.70].
Đến những giai đoạn đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Công Trứ tỏ ra hoài nghi sau khi tin tưởng, tỏ ra chán nản sau khi hăm hở. Ông thể hiện nỗi đau bất lực với hoàn cảnh bằng cách tỏ rõ thái độ thoát ly lui về hưởng lạc:
Ôi: nhân sinh là thế đấy
Như bóng đèn, như mây nôi, như gió thổi, như chiêm bao.
Và ông nguyện:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Xã hội phong kiến, đẩy kẻ sĩ đến với những tư tưởng đức trị tuyệt vời, rồi cũng xô người ta xuống vực thẳm của sự lạc lõng trong niềm tin tư tưởng. Càng đặt niềm tin vào mô hình mà kẻ sĩ trước đây luôn tôn thờ, con người ta càng thất vọng với những điều xảy ra trong tương lai, không có một điều gì có thể lường trước được. Khi viễn cảnh sụp đổ cũng là lúc họ lo âu cho vận mệnh của nước, của dân và của chính đời sống cá nhân họ. Hoàn cảnh đưa họ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, họ không dám tự quyết bất kì một điều gì khi niềm tin đang đặt sai chỗ. Một trạng thái lưỡng lự, không có gì dứt khoát, không có gì chắc chắn, sự lạc lõng này là một tâm thế chính đáng khi cá thể không xác minh được một thực tại rõ ràng, nó vô định hoàn toàn, thực tại này e ấp sau hư vô, và hư vô đang tìm cách phát lộ mình giữa cuộc hiện sinh của con người. Chính vì điều này mà họ luôn tỏ ra “ác cảm và ruồng rẫy tự do”, chỉ vì thế giới mà họ mơ có thể sụp đổ bất kì lúc nào hoặc dần dần lộ bản chất mà người quân tử chưa bao giờ nghĩ tới. Họ thức nhận và bắt đầu cảm thấy lạc lõng giữa cuộc đời, giữa lý tưởng sống.