Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 32 - 38)

CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU

2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi

2.3.1 Sự điều tiết của chính phủ

Sự điều tiết của chính phủ là việc loại bỏ hoặc đơn giản hóa các quy tắc và quy định của chính phủ nhằm hạn chế hoạt động của các lực lượng thị trường. Sự điều tiết của chính phủ không có nghĩa là loại bỏ luật chống lại gian lận hoặc quyền tài sản mà là loại bỏ hoặc giảm sự kiểm soát của chính phủ đối với cách thức kinh doanh, từ đó tiến tới một thị trường tự do và minh bạch hơn (Brunnermeier và Sannikov 2014).

Sự điều tiết của chính phủ trong ngành ngân hàng trên toàn cầu đã loại bỏ một loạt các hạn chế đã kìm hãm sự phát triển của ngành ngân hàng, điều tiết có hiệu quả thị trường tài chính góp phần mang lại sản phẩm mới với sự gia tăng của TNNL, và kéo dài thời gian hoạt động của hàng ngàn NHTM có quy mô dưới mức tối ưu (Holbrook, Galarneau, Dye, Quinn và Dougherty 2010). Việc loại bỏ trần lãi suất theo quy định cho phép các ngân hàng trả lãi suất thị trường cho người gửi tiền. Các ngân hàng dần dần từ bỏ việc định giá các sản phẩm tiền gửi bán lẻ, và thường gia tăng các khoản lợi tích cho người gửi tiền bằng cách cung cấp những gói dịch vụ miễn phí có lợi cho các sản phẩm tiền gửi riêng lẻ (Ekadah và Kiweu 2012; Isik và Hassan 2003).

Sự điều tiết của chính phủ còn thể hiện ở các yếu tố chính trị, pháp luật thông qua mức độ ổn định chính trị của quốc gia, cơ sở hành lang pháp lý…. Các sản phẩm và dịch vụ mà các NHTM muốn được đưa ra tiêu thụ trên thị trường phải tuân theo các quy định của NHNN. Những quy định này có thể là cơ hội hoặc mối đe dọa với các sản phẩm, đây

cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư mở rộng thị trường hoặc các sản phẩm dịch vụ của các NHTM.

Sự điều tiết của chính phủ dẫn đến sự hạn chế hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường. Điều này sẽ kích thích sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính dẫn đến hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ. DeYoung và Rice (2004) đã cho thấy sự điều tiết của chính phủ đối với TNNL của các NHTM tại Hoa Kỳ và nhận thấy biến này có ý nghĩa thống kê.

Tại Việt Nam hiện nay, việc điều tiết của chính phủ trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, chiến tranh thương mại, khủng hoảng và suy thoái, dẫn đến nhà điều hành trong nước phải đặt mục tiêu ưu tiên ổn định hơn bao giờ hết. Từ nửa cuối năm 2018, NHNN đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại và dự kiến, năm 2019 sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2018 chỉ đạt khoảng 14%, thấp hơn 4% so với năm 2017, trong khi mục tiêu cho năm 2019 cũng sẽ kiểm soát dưới 16%, rõ ràng gia tăng nguồn thu nhập từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh và cũng tác động làm giảm các khoản thu dịch vụ có đóng góp trong TNNL.

2.3.2 Hiệu quả hoạt động (HQHĐ) của ngân hàng

TNNL có tác động đến HQHĐ của các ngân hàng, A. N. Berger và Humphrey (1991) đã sử dụng phương pháp giá trị gia tăng để mô tả đóng góp của TNNL vào HQHĐ chung của ngân hàng và coi ngân hàng là đơn vị kinh doanh với các yếu tố cho vay, tiền gửi bằng lao động và vốn. Trong phương pháp này, cả nợ và tài sản đều có một số đặc điểm đầu ra dẫn đến thu nhập ngoài lãi. Tuy nhiên, chỉ những danh mục có giá trị gia tăng đáng kể mới được coi là đầu ra trong khi các danh mục khác được coi là đầu vào hoặc sản phẩm trung gian tùy thuộc vào các thuộc tính riêng lẻ của từng danh mục.

Một cách tiếp cận khác được tìm thấy được gọi là phương pháp chi phí người dùng. Cách tiếp cận này được mô tả bởi Du và Hancock (1991), sử dụng quy tắc đơn giản rằng doanh thu thuần được tạo ra bởi một tài sản hoặc khoản nợ phải trả cụ thể xác định xem sản phẩm tài chính là đầu vào hay đầu ra. Cách tiếp cận này nhấn mạnh lợi nhuận của một ngân hàng liên quan đến các khoản chi khác nhau. Oral, Kettani và Yolalan (1992) đã sử dụng phương pháp này để đo lường hiệu quả lợi nhuận tương đối của một tập hợp các chi nhánh ngân hàng sử dụng thu nhập lãi và phi lãi của họ làm đầu ra, và tiền lãi trả cho tiền gửi và chi phí phát sinh như chi phí lương, quản lý và khấu hao được

tạo ra bởi hoạt động của cơ sở ngân hàng làm đầu vào. Mặc dù Du và Hancock (1991), Oral và ctg. (1992) sử dụng các yếu tố chi tiết khác nhau, nhưng về mặt thực nghiệm, các cách tiếp cận giá trị gia tăng và chi phí người dùng có xu hướng đề xuất phân loại tương tự đầu vào và đầu ra của ngân hàng với ngoại lệ chính là phân loại tiền gửi không kỳ hạn như một đầu ra trong hầu hết các nghiên cứu về chi phí người dùng và cả đầu vào và đầu ra khi phương pháp giá trị gia tăng được thực hiện (Wheelock và Wilson 2013). Hiệu quả hoạt động thay đổi cũng liên quan đến các yếu tố khác như: quy mô ngân hàng, cơ cấu chi phí ngân hàng, cơ cấu thu nhập, chất lượng tài sản, an toàn vốn, tỷ lệ thu nhập, tỷ lệ thanh khoản và cơ cấu quản trị doanh nghiệp. Theo DeYoung và Roland (2001) điểm chất lượng quản lý từ các cơ quan quản lý có liên quan đến năng suất cao hơn, cũng như chất lượng tài sản.

2.3.3 Sự phát triển của công nghệ

Sự khác biệt về mức độ công nghệ thông tin và truyền thông bao gồm máy rút tiền tự động (ATM), ngân hàng internet và công nghệ trung gian mới tạo an toàn trong các sản phẩm dịch vụ như cho vay cùng với việc giới thiệu và phát triển các công cụ tài chính và thị trường bao gồm trái phiếu, tín dụng thư, các công cụ tài chính phái sinh đều đem lại nguồn TNNL cho ngân hàng. Bailey-Tapper (2010) đã sử dụng biến số máy ATM đại diện cho biến phát triển công nghệ và nhận thấy hệ số công nghệ có ý nghĩa tích cực. Điều này có nghĩa là các ngân hàng đã cải tiến công nghệ của họ tạo ra mức TNNL cao hơn.

Phát hiện này được hỗ trợ bởi các nghiên cứu trước đây của Holbrook và ctg. (2010) đã sử dụng số máy ATM làm đại diện cho phát triển công nghệ. DeYoung và Rice (2004) đã sử dụng cả yếu tố giao dịch không dùng tiền mặt và số lượng tài sản quỹ tương hỗ bình quân đầu người. Họ phát hiện ra rằng tiến bộ và áp dụng công nghệ làm tăng TNNL tại các ngân hàng bằng cách tạo ra thu nhập từ phí mới tăng hơn nhiều so với các khoản thu nhập từ phí liên quan đến việc cung cấp số dư tài khoản hoặc truy vấn số dư từ các tài khoản ngân hàng khác. Hahm (2008) cho thấy rằng việc bãi bỏ quy định cho phép các ngân hàng đạt được quy mô sử dụng các công nghệ mới này hiệu quả hơn và sự cạnh tranh gia tăng do bãi bỏ quy định đã cung cấp cho các ngân hàng những khuyến khích để áp dụng và điều chỉnh các công nghệ mới này. Một lượng lớn TNNL (từ chứng khoán hóa và phí dịch vụ) được tạo ra thông qua các tiến bộ công nghệ là rất cần thiết cho lợi nhuận của ngân hàng.

Trong thời gian gần đây, ngành ngân hàng đã được thay đổi bởi sự phát triển và tiến bộ công nghệ, điều này đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thông, giúp xử lý nhanh chóng trong các luồng thông tin và dần minh bạch trong thị trường tài chính. Việc điều tiết của chính phủ đã góp phần đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng, phi ngân hàng và thị trường tài chính nơi chưa từng tồn tại trước đây.

Thách thức phát triển thị trường vốn - tài chính trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thanh toán có thể phải được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh (AI), mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử; ngăn chặn và đối mặt sự cạnh tranh của tình trạng tín dụng đen, giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển... Những điều này đã đặt ra những thách thức trước sự phát triển kinh doanh và tỷ trọng thu nhập và TNNL hiện có của ngân hàng; thúc đẩy các ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của họ. Để đối phó với các mối đe dọa và cơ hội cạnh tranh này, nhiều ngân hàng đã áp dụng các công nghệ mới làm thay đổi mạnh mẽ chiến lược kinh doanh và phân phối của họ, dẫn đến sự gia tăng lớn trong TNNL. Ngược lại, nhiều ngân hàng khác vẫn tiếp tục sử dụng các chiến lược ngân hàng truyền thống mà vẫn còn tương đối ít quan tâm đến TNNL (Evanoff và Israilevich 1991).

2.3.4 Quy mô ngân hàng

Các NHTM thường thực hiện mọi nỗ lực để tăng quy mô của họ bằng cách đa dạng hóa sản phẩm của họ thông qua đầu tư vào thị trường tài chính và các quỹ tương hỗ trên thị trường. Pennathur, Subrahmanyam và Vishwasrao (2012) cho thấy lợi ích đa dạng hóa từ TNNL có xu hướng tăng theo quy mô ngân hàng và các ngân hàng nhỏ với một phần rất nhỏ thu nhập ngoài lãi ghi nhận một số lợi nhuận không đáng kể (Ekadah và Kiweu 2012). Các ngân hàng tương đối lớn sử dụng quy mô kinh tế để chi phối sản xuất cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, mặc dù chi phí trên một sản phẩm dịch vụ thấp, thị trường cho sản phẩm này cực kỳ cạnh tranh và các ngân hàng lớn phải bổ sung cho nguồn thu nhập của họ bằng TNNL. Khi TNNL tăng lên, các ngân hàng có xu hướng chuyển từ hoạt động cho vay sang hoạt động ngân hàng đa dạng hơn.

Ngược lại, Chiorazzo và ctg. (2008) lại cho thấy TNNL có xu hướng giảm khi các ngân hàng tăng quy mô với các ngân hàng nhỏ ghi nhận mức tăng đáng kể nhất trong TNNL tại Hoa Kỳ. Điều này được thể hiện rõ bởi những phát hiện của Craigwell và Maxwell (2006), trong nghiên cứu của họ về các NHTM ở Barbados. Họ đã sử dụng quy

mô ngân hàng và một biến giả phản ánh sự khác biệt giữa các ngân hàng trong và ngoài nước để thể hiện quy mô của các ngân hàng, và kết quả biến này có ý nghĩa tiêu cực.

2.3.5 Lãi suất

Lãi suất có tác động đến TNNL (Chortareas và ctg. 2012; Damankah và ctg. 2014; Đoàn Anh Tuấn 2018; Engle và ctg. 2014; Hahm 2008; Hakimi và ctg. 2012; Hamdi và ctg. 2017; Meng và ctg. 2018; Trần Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Huân 2016). Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến tác động của xu thế tự do hóa lãi suất. Việc thị trường hóa lãi suất cuối cùng sẽ buộc cải cách mô hình lợi nhuận của các NHTM. Tác động trực tiếp của lãi suất thỏa thuận hiện nay đến lợi nhuận của các NHTM là: Các ngân hàng bán buôn hiện đang thống trị nguồn lợi nhuận sẽ phải đối mặt với một số vấn đề nan giải. Lãi suất cho vay sẽ giảm, định giá lãi suất trong thị trường tiền gửi sẽ ở vị trí thụ động. Dự kiến, việc tăng lãi suất tiền gửi và giảm lãi suất cho vay cuối cùng sẽ thu hẹp chênh lệch tiền gửi và cho vay của các NHTM, làm giảm thu nhập từ lãi và ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình lợi nhuận truyền thống cũng như làm giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân, tác động trực tiếp làm giảm TNNL của các NHTM. (Đặng Hữu Mẫn và Hoàng Dương Việt Anh 2014; Nguyễn Thị Diễm Hiền và Nguyễn Hồng Hạt 2016; Trần Chí Chinh và Nguyễn Hữu Tiến 2016).

2.3.6 Tăng trưởng kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế có tác động đến TNNL (Craigwell và Maxwell 2006; Chiorazzo và ctg. 2008). Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao dẫn đến khả năng tiêu thụ hàng hóa cao (Ben Naceur và Goaied 2008). Hahm (2008) nhận thấy rằng các nền kinh tế mới nổi nhanh với tốc độ GDP cao có khả năng cho thấy TNNL thấp hơn so với các nền kinh tế chuyển động chậm. Điều này chứng tỏ rằng các ngân hàng có khả năng mở rộng theo hướng TNNL khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nền kinh tế phát triển cùng với các yếu tố như lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái,… ổn định sẽ tạo cơ hội tốt cho các NHTM mở rộng kinh doanh, thu hút đầu tư tiền gởi và các kênh đầu tư, từ đó dẫn tới gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ góp phần gia tăng TNNL của các NHTM (Chortareas và ctg. 2012; Đặng Hữu Mẫn và Hoàng Dương Việt Anh 2014; Đoàn Anh Tuấn 2018; Engle và ctg. 2014; Hahm 2008; Hakimi và ctg. 2012; Hamdi và ctg. 2017; M. Nguyen và ctg. 2012; Nguyễn Thị Diễm Hiền và Nguyễn Hồng Hạt 2016; Trần Chí Chinh và Nguyễn Hữu Tiến 2016; Trần Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Huân 2016).

2.3.7 Lạm phát

Lạm phát có tác động đến TNNL, bởi vì lạm phát làm biến đổi giá tương đối và phân bổ sai các nguồn lực. Fischer (1993) cho rằng lạm phát làm sai lệch trong việc phân phối các nguồn tài nguyên do những thay đổi bất lợi đối với giá cả tương quan. Khi nền kinh tế xảy ra lạm phát, giá của các hàng hóa thay đổi khác nhau dẫn tới giá tương đối của chúng cũng thay đổi, các quyết định của người tiêu dùng bị biến dạng và thị trường mất khả năng phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Cụ thể khi lạm phát tăng cao, NHNN phải thực hiện thắt chặt tiền tệ để giảm khối lượng tiền trong lưu thông, nhưng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vẫn rất lớn, các ngân hàng chỉ có thể đáp ứng cho một số ít khách hàng với những hợp đồng đã ký hoặc những dự án thực sự có hiệu quả, với mức độ rủi ro cho phép. Mặt khác, do lãi suất huy động tăng cao, thì lãi suất cho vay cũng cao, điều này đã làm xấu đi về môi trường đầu tư của ngân hàng, rủi ro đạo đức sẽ xuất hiện. Như vậy lạm phát tăng cao đã làm suy yếu, thậm chí phá vỡ thị trường vốn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các NHTM (Nguyễn Minh Sáng và Ngô Nữ Diệu Khuê 2015). Sự không ổn định của giá cả đã làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư và dân chúng, gây khó khăn cho sự lựa chọn các quyết định của khách hàng cũng như các thể chế tài chính – tín dụng trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ. Sự khó khăn này cũng kéo theo nguồn thu từ các dịch vụ đem lại TNNL của các NHTM cũng giảm. Do đó có thể thấy lạm phát có tác động đến TNNL (Atellu 2016; DeYoung và Rice 2004).

2.3.8 Các yếu tố về văn hóa xã hội

Đây là yếu tố có tác động tới sự lựa chọn và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của người tiêu dùng, được thể hiện qua việc các NHTM lựa chọn biểu tượng logo, mẫu mã, kiểu dáng cho sản phẩm…Các NHTM phải phân tích các yếu tố xã hội để nhận biết các cơ hội và nguy cơ có thể xảy ra đối với sản phẩm của mình. Khi một hay nhiều yếu tố thay đổi chúng có thể tác động đến các sản phẩm như trình độ dân trí, tập quán thị hiếu của người tiêu dùng, truyền thống văn hóa dân tộc… Các yếu tố văn hóa xã hội thường biến đổi hoặc tiến triển chậm nên đôi khi thường khó nhận biết. Cùng với sự phát triển kinh tế, sự biến động về các yếu tố văn hóa xã hội ngày càng có tác động mạnh hơn đến sự ra đời và tiêu thụ của các sản phẩm dịch vụ của các NHTM.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)