Kết quả nghiên cứu cho thấy sự ổn định về chính trị và không có khủng bố, bạo lực (Political Stability and Absence of Violence-PVE) có tác động cùng chiều đến TNNL của các NHTMCPVN. Đây cũng là yếu tố then chốt, tạo sự ổn định trong mọi hoạt động của một quốc gia, nhất là trong tình tình thế giới hiện nay, thì vấn đề ổn định chính trị và không có khủng bố, bạo lực là điều quan trọng đem lại tâm lý ổn định trong dân cư cũng như các hoạt động kinh doanh của các loại hình kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Ngoài ra, việc cải thiện chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng là yếu tố quan trọng. Tổ chức XHTN Moody’s (2017) đã tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trên cơ sở đánh giá nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trên đà ổn định, cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại được cải thiện, môi trường hoạt động của khu vực ngân hàng dần bình ổn. Trong vài năm gần đây hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từng bước được cải thiện sau nhiều năm bị hạ bậc. Từ năm 2014, tổ chức XHTN quốc tế Fitch và Moody’s đã nâng XHTN của Việt Nam lên một bậc, lần lượt ở mức B1/triển vọng Ổn định và BB-/triển vọng ổn định. Bên cạnh đó, tổ chức XHTN Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín dụng dài hạn cho hàng loạt
ngân hàng Việt Nam, nhờ cải thiện khả năng thanh toán, chất lượng tài sản, điều này chứng tỏ sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng quốc tế về tình hình ổn định chính trị và không có khủng bố của Việt Nam.
Cần nâng cao vai trò quản lý của NHNN: NHNN cần triển khai những quy định khắt khe hơn nữa, tiếp cận nhanh hơn với các chuẩn mực quản trị ngân hàng thế giới, cũng như áp dụng một số biện pháp can thiệp khác cần thiết, phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, tăng cường số hóa và quản trị rủi ro (nhất là rủi ro công nghệ và rủi ro đạo đức); ngăn chặn sự chi phối của lợi ích nhóm và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, sự lành mạnh của nền tài chính- tiền tệ quốc gia và ổn định kinh tế
Thiết lập một nền quản trị tốt là điều kiện quan trọng để nền kinh tế thị trường hiện đại vận hành. Nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều coi quản trị tốt có những đặc điểm như: (i) Đảm bảo sự tham gia của người dân; (ii) Hệ thống luật pháp, xét xử công bằng; (iii) Tính minh bạch; (iv) Đảm bảo trách nhiệm giải trình; (v) Chống tham nhũng. Theo ngân hàng thế giới World Bank, để đảm bảo quản trị tốt cần có 3 yếu tố chính: (i) Các quy tắc hạn chế nội bộ (các hệ thống kiểm toán, sự độc lập của ngân hàng trung ương, các quy định về công chức và ngân sách…); (ii) Phản hồi của xã hội và thiết lập đối tác (ví dụ, có các hội đồng công-tư, các điều tra về phản hồi của xã hội…); và (iii) cạnh tranh. Đây cũng là những điều kiện quan trọng giúp cho cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả và lành mạnh.
Nâng cao tính minh bạch là chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam nâng cao chất lượng quản trị quốc gia: là điều kiện giúp đẩy nhanh việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình và đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình chính sách.
Xây dựng hệ thống dịch vụ công hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Cần cải cách mô hình cung ứng dịch vụ công theo hướng tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Từ đầu những năm 1990 đến nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình “Quản lý công mới”, nhấn mạnh yêu cầu thu gọn bộ máy nhà nước, đề cao cơ chế thị trường, áp dụng phương thức lãnh đạo doanh nghiệp cho các tổ chức công và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công để giảm gánh nặng cho chính quyền.... Để đáp ứng nhu cầu dịch vụ công ngày càng đa dạng của người dân, cần áp dụng cơ chế thị trường và tạo dựng chính quyền dạng doanh nghiệp theo các hướng như: trao quyền cho tổ chức cung ứng dịch vụ công
để các tổ chức này có quyền tự chủ cao về bộ máy, con người và tài chính; trao quyền cho người làm thuê để tăng sự nhiệt tình, sáng tạo của họ; và trao quyền cho người dân trong việc lựa chọn tổ chức cung ứng dịch vụ, đánh giá chất lượng và giá cả của dịch vụ.