Những kết quả đã đạt được và những tồn tại cần khắc phục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 92 - 96)

8. Đóng góp của luận văn

2.5.2. Những kết quả đã đạt được và những tồn tại cần khắc phục

2.5.2.1. Những kết quả đạt được

Mạng lưới đô thị đã có những thay đổi nhất định. So với trước năm 2010, số lượng đô thị, mật độ đô thị và phân cấp đô thị đều tăng lên, tỉnh Thái Nguyên đã có 3 đô thị được nâng cấp là thành phố Thái Nguyên (từ đô thị loại II lên đô thị loại I năm 2010, thị xã Sông Công được nâng cấp lên thành phố Sông Công (từ đô thị loại IV lên đô thị loại III năm 2015) và thị xã Phổ Yên (được mở rộng từ đô thị loại V lên đô thị loại IV năm 2015). Mạng lưới đô thị tỉnh Thái Nguyên được chia ra 2 khu vực là khu vực phía Nam (gồm thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên) và khu vực phía Bắc và còn lại (các thị trấn còn lại). Do có nhiều thuận lợi để

thực hiện đô thị hóa nên khu vực phía Nam có tỉ lệ dân đô thị, tốc độ đô thị hóa cao hơn khu vực còn lại.

Quy mô dân số đô thị đã tăng thêm 151,02 nghìn người, tốc độ tăng dân số đô thị đạt 9,1% trong giai đoạn 2010 - 2018. Trong đó thị xã Phổ Yên có số dân đô thị tăng nhanh nhất, từ 12,6 nghìn người (2010) lên 54,5 nghìn người (2018) và tốc độ tăng dân đô thị trong giai đoạn trên đạt 19,0%. Tương tự, trong giai đoạn trên, số dân đô thị của thành phố Thái Nguyên tăng từ 203,4 nghìn người lên đến 282,3 nghìn người, tốc độ tăng dân số đô thị là 11,1 %. Thành phố Sông Công, số dân số thị tăng từ 26,6 nghìn người lên 48,7 nghìn người, tốc độ tăng dân số đô thị là 18,0%.

Cơ sở hạ tầng toàn tỉnh nói chung, cơ sở hạ tầng trong các đô thị nói riêng đã được đầu tư, xây dựng và có những thay đổi đáng kể. Hệ thống giao thông đô thị được nâng cấp và mở rộng. Hệ thống điện trong các đô thị được nâng cấp để đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Hệ thống đèn chiếu sáng đô thị được lắp đặt ở các phố phường. Hệ thống xử lí rác thải, hệ thống xử lí nước thải và đội ngũ gom rác hàng ngày ở các đô thị đã được chú ý và xây dựng.

Diện tích đất đô thị tăng thêm 30.979,2 ha trong giai đoạn 2010 - 2018, trong đó đất nông nghiệp đô thị đã tăng thêm 18.191,5 ha, đất phi nông nghiệp đô thị tăng 13.110,8 ha. Diện tích đất đô thị tăng thêm là do 3 đô thị lớn của tỉnh được mở rộng và nâng cấp. Thị xã Phổ Yên chiếm 81,9%, thành phố Thái Nguyên chiếm 11,8%, thành phố Sông Công chiếm 4,5% diện tích đất đô thị tăng thêm của toàn tỉnh trong giai đoạn trên. Biến động trong cơ cấu sử dụng đất đô thị của cả tỉnh Thái Nguyên cũng như cơ cấu sử dụng đất ở thành phố Thái Nguyên và Sông Công, thị xã Phổ Yên đều chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng đất phi nông nghiệp, giảm tỉ trọng đất nông nghiệp.

Đô thị hóa đã làm tăng diện tích đất đô thị, chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở thành phố Thái Nguyên và Sông Công, thị xã Phổ Yên. Ngược lại những thay đổi về sử dụng đất đã mang lại những chuyển biến tích cực trong cơ cấu nghề nghiệp, chất lượng cuộc sống, cảnh quan và các vấn đề xã hội và môi trường ở những khu vực đang diễn ra đô thị hóa.

Đô thị hóa và những biến động trong sử dụng đất đô thị đã dẫn đến những chuyển biến tích cực về cấu trúc không gian đô thị ở thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch thì các phân khu chức năng tại 3 đô thị trở nên phân bố rõ ràng và hợp lí.

2.5.2.2. Những tồn tại cần khắc phục

Trong giai đoạn 2010 - 2018, tuy tỉ lệ dân đô thị ở tỉnh Thái Nguyên có tăng lên nhưng vẫn còn ở mức xấp xỉ trung bình cả nước. Đô thị hóa diễn ra chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Khu vực đô thị phía Bắc có tỉ lệ đô thị thấp, đô thị hóa diễn ra chậm tạo nên khoảng cách khá xa về mặt kinh tế - xã hội so với khu vực phía Nam, nhất là ở huyện Định Hóa, Võ Nhai. Đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng và thực hiện đô thị hóa trong bối cảnh một bộ phận nông dân chưa tìm được sinh kế mới đã gây ra một số vấn đề tiêu cực trong đô thị cần phải giải quyết. Quy hoạch tại một số khu vực đô thị chưa đồng bộ dẫn đến hiện tượng ngập lụt trong mùa mưa, cảnh quan đô thị ở một số khu vực còn thiếu hiện đại, kiến trúc nhà ở đô thị còn pha trộn với kiến trúc nhà ở nông thôn, lối sống đô thị chưa phổ biến trong các khu đô thị mới.

Tiểu kết chương 2

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều thuận lợi trong đô thị hóa và sử dụng đất đô thị, đó là: Vị trí địa lí thuận lợi hơn so với các đô thị khác trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; Giai đoạn 2010 - 2018, quá trình công nghiệp hóa mang lại những thành tựu nổi bật; Các chính sách của tỉnh mang tính đột phá đã thu hút vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật cho nền kinh tế, từ đó đẩy mạnh quá trình đô thị hóa; Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tạo thuận lợi để mở rộng không gian đô thị và xây dựng cơ sở kinh tế, cơ sở hạ tầng đô thị…

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số khó khăn trong đô thị hóa và sử dụng đất đô thị, nhất là về sự phân hóa về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lí, giao thông giữa các địa phương, làm cho tốc độ đô thị hóa giữa khu vực phía Bắc thấp hơn nhiều khu vực phía Nam. Tuy nhiên, những vấn đề xã hội như thất nghiệp, thiếu việc làm, tệ nạn xã hội, vấn đề môi trường cũng đang phần nào cản trở đô thị hóa bền vững ở khu vực phía Nam nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Phát huy những lợi thế bên cạnh khắc phục khó khăn, đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả nổi bật. Mạng lưới đô thị đã có sự thay đổi về cả số lượng và chất lượng. Quy mô dân số đô thị và tốc độ tăng dân số đô thị bình quân tăng lên. Bên cạnh tăng trưởng vượt trội về kinh tế là sự tăng lên về số lượng cao động phi nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành kinh tế. Cơ sở hạ tầng đô thị đã được đầu tư, xây dựng và có nhiều thay đổi đáng kể. Mạng lưới đô thị chia thành 2 khu vực, do có nhiều thuận lợi để thực hiện đô thị hóa nên khu vực phía Nam có tỉ lệ dân đô thị, tốc độ đô thị hóa cao hơn khu vực phía Bắc. Diện tích đất đô thị tăng lên. Cơ cấu sử dụng đất đô thị chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng đất phi nông nghiệp, giảm tỉ trọng đất nông nghiệp. Đô thị hóa và những biến động về sử dụng đất đô thị đã dẫn đến những chuyển biến tích cực về cấu trúc không gian đô thị, cơ cấu nghề nghiệp, chất lượng cuốc sống, cảnh quan đô thị và những vấn đề xã hội, môi trường khác. Mặt khác, quy hoạch đô thị chưa đồng bộ nên vẫn còn tồn tại những hiện tượng ngập úng, cảnh quan đô thị nhếch nhác, kiến trúc nhà ở pha trộn, lối sống đô thị chưa phổ biến rộng rãi ở những khu đô thị mới.

Chương 3

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TRONG ĐÔ THỊ HÓA VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐÔ THỊ Ở TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 92 - 96)