Mối quan hệ giữa đô thị hóa và sử dụng đất đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 34 - 36)

8. Đóng góp của luận văn

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.3. Mối quan hệ giữa đô thị hóa và sử dụng đất đô thị

Đô thị hóa là sự phát triển của đô thị về hành chính, kinh tế, dân cư, chính sách, văn hóa xã hội và môi trường. Tổng hợp những biến đổi của các yếu tố trên tạo ra thay đổi về không gian đô thị, đó là sự thay đổi về diện tích đô thị, cơ cấu sử dụng đất và các vấn đề sinh thái, cảnh quan, kiến trúc đô thị tạo nên một không gian đô thị mới. Ngoài những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội, đằng sau đô thị hóa là những xung đột, bất ổn về xã hội trong đô thị. Đô thị hóa và sử dụng đất có mối quan hệ 2 chiều. Một mặt, sử dụng đất là kết quả của quá trình đô thị hóa, bị tác động từ những thay đổi về dân cư, kinh tế - xã hội và những chính sách phát triển đô thị. Ngược lại, sử dụng đất và những thay đổi trong cơ cấu sử dụng đất sẽ tác động ngược trở lại đến đời sống dân cư, các vấn đề kinh tế - xã hội ở những vùng đang thực hiện đô thị hóa.

1.1.3.1. Đô thị hóa với sử dụng đất đô thị

“Đô thị hóa là một quá trình tất yếu, không thể không xẩy ra, dù muốn hay không muốn tương lai của thế giới vẫn nằm ở các thành phố”. Đó là kết luận của hội nghị thượng đỉnh thế giới về đô thị do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Ixtanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Tác động của quá trình đô thị hóa tới biến động sử dụng đất:

Thứ nhất: quá trình đô thị hóa dẫn đến thay đổi về cơ cấu sử dụng đất theo hướng giảm mạnh về diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và đồng thời tăng nhanh về diện tích đất chuyên dùng, đất đô thị.

Nâng cấp đô thị là nguyên nhân dẫn đến tăng diện tích đất đô thị bởi một trong những điều kiện cần để đô thị được nâng cấp là đạt tiêu chuẩn về diện tích. Biểu hiện rõ nhất của đô thị được nâng cấp là diện tích đô thị tăng lên, ranh giới đô thị được mở rộng ra khu vực ngoại ô, số dân đô thị tăng và các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp phát triển mạnh. Ngoài ra, khi đô thị được nâng cấp, nhu cầu về đất để xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng đô thị cũng tăng lên khiến tỉ lệ đất phi nông nghiệp ngày càng chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu sử dụng đất đô thị. Đô thị hóa ở Việt Nam, chuyển đổi về hành chính diễn ra trước nhất và ảnh hưởng khá nhiều đến diện tích đất đô thị [46].

Gia tăng dân số đô thị do gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ học. Ở các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, gia tăng cơ học đóng vai trò chính trong quá trình tăng dân số đô thị. Cơ cấu sử dụng đất đô thị cũng dần thay đổi và chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỉ trọng đất phi nông nghiệp.

Thứ hai: Quá trình đô thị hóa là nguyên nhân chính dẫn tới việc hình thành và thay đổi đất đô thị. Đất đô thị nước ta năm 2000 có 990.276 ha, năm 2005 tăng lên 1.153.548 ha, đến năm 2010 đã tăng lên 1.629.000 ha. Đất đai đô thị còn tiếp tục gia tăng trong quá trình đô thị hóa theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ ba: Đô thị hóa thúc đẩy quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tăng cao, đặc biệt là ở các khu vực ven đô (đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị, đất xây dựng, và đất chuyên dụng khác). Chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hiện tượng tất yếu của quá trình tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế là yếu tố chủ đạo gây ra chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các nước đang phát triển. Công nghiệp hóa và đô thị hóa là động cơ tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển các ngành phi nông nghiệp.

1.1.3.2. Sử dụng đất đô thị và phát triển kinh tế - xã hội ở những khu vực đang diễn ra đô thị hóa

Mạng lưới đô thị, môi trường đô thị, cảnh quan đô thị thay đổi và sử dụng đất đô thị đã tác động ngược trở lại đô thị hóa thông qua một loạt các vấn đề kinh tế - xã hội như: chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, thay đổi về thu nhập, việc làm, chất lượng cuộc sống... ở những khu vực mới chuyển từ nông thôn thành đô thị.

Thứ nhất: sử dụng đất đô thị ảnh hưởng đến cơ cấu nghề nghiệp. Đô thị hóa gắn liền với quá trình chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, người nông dân trở thành thị dân, họ phải tìm sinh kế mới trong một bối cảnh mới.

Thứ hai: sử dụng đất đô thị ảnh hưởng đến thu nhập. Thu nhập của các hộ gia đình có thể tăng lên hoặc giảm đi tùy theo từng hộ. Trước khi thu hồi đất, thu nhập phần lớn từ nông nghiệp. Sau khi tư liệu sản xuất không còn nữa, nguồn thu từ nông nghiệp chỉ còn một tỉ lệ nhỏ. Thay vào đó là thu nhập từ các ngành nghề khác như trung tâm công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đời sống của một bộ phận nông dân nhiều khó khăn do không tìm được việc phù hợp, trong khi nhiều hộ gia đình thu nhập tăng vọt do nhạy bén với cơ chế thị trường nên đã phát triển một số nghề dịch vụ mới. Vì vậy khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng lên.

Thứ ba: sử dụng đất đô thị ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đô thị. Không gian sống mang phong cách đô thị, nếp sống văn minh và văn hóa đô thị đã đã được người dân tiếp cận. Đồ dùng gia đình cũng được mua sắm mới thay cho những thiết bị đã cũ hoặc lạc hậu.

Bên cạnh những thay đổi tích cực, người dân đô thị phải đối mặt với mặt trái của đô thị hóa như thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh, xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương khi giá đất đền bù không thỏa đáng, tiền đền bù không được dùng để học và tiếp cận với nghề nghiệp mới, tệ nạn xã hội mang tính chất đô thị đã xuất hiện... Môi trường ô nhiễm do chất thải, khí thải từ các khu công nghiệp đang ngày càng trầm trọng. Hiện tượng ngập úng đường phố, rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi và cơ sở để xử lí rác còn thiếu trong một số khu dân cư mới chuyển thành đô thị. Quy hoạch đô thị chưa đồng bộ nên cảnh quan và cuộc sống ở nhiều khu vực vẫn nửa nông thôn nửa thành thị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)