Sử dụng đất đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 31 - 34)

8. Đóng góp của luận văn

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.2. Sử dụng đất đô thị

1.1.2.1. Khái niệm đất, đất đô thị và sử dụng đất đô thị

Đất là thành phần quan trọng của môi trường sống. Dưới góc độ kinh tế, đất đai là một vị trí địa lí - nơi sinh sống và diễn ra hoạt động sản cuất của con người. Đất đai là một không gian bao gồm cả phần mặt đất và khoảng không bên trên. Ngoài ra, đất đai thường được sử dụng như là nguồn vốn, là hàng hóa và có thể trao đổi, mua bán. Do đất đai có vị trí giới hạn trong không gian, là một nguồn tài nguyên quí giá không thể di chuyển theo ý muốn của con người nên đất đai đã tạo nên sự khác biệt về giá trị giữa các mảnh đất ở những vị trí khác nhau.

Có nhiều khái niệm về đất đô thị với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Dưới góc độ kinh tế học, “đất đô thị là không gian vận động của kinh tế đô thị” [11] và đất đô thị là một tư liệu sản xuất đặc biệt, là một sản phẩm có giá trị trên thị trường cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong phương diện luật pháp, “đất đô thị là đất được các cấp thẩm quyền phê duyệt cho xây dựng đô thị”. Trong phương diện hành chính, đất đô thị bao gồm đất nội thành, nội thị, thị trấn, thị tứ. Dưới góc độ không gian địa lý kinh tế, đất đô thị có nguồn gốc từ đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Đất đô thị là một phần đất đai của quốc gia được phát triển gắn liền với quá trình đô thị hóa. Về sử dụng đất, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) quan niệm rằng, sử dụng đất là những sắp xếp, những hoạt động, những tác động của con người nhằm sản xuất, thay đổi và duy trì các loại đất. Sử dụng đất là sử dụng một loại tài nguyên đặc biệt nên phải đặt nó trong hệ thống các loại tài nguyên thiên nhiên

khác. Giáo trình Kinh tế tài nguyên đất đã đưa ra khái niệm: “sử dụng đất là hệ thống các biện pháp nhằm điều hòa mối quan hệ giữa đất và tổ hợp các nguồn tài nguyên khác”. Để phù hợp với nội dung nghiên cứu, sử dụng đất đô thị là những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người lên tài nguyên đất ở các đô thị thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội [46].

1.1.2.2. Đặc điểm đất đô thị

Đất đô thị là một tài sản đặc biệt nên nó cũng là hàng hóa đặc biệt trong các đô thị. Giá trị, giá cả của đất đô thị phụ thuộc vào vị trí địa lý của mỗi mảnh đất. Giá trị của đất đô thị chính là giá trị sử dụng và có giá trị cao hơn giá trị sử dụng của các loại đất khác bởi nó có một vị trí đặc biệt với cơ sở hạ tầng hiện đại.

Đất là tư liệu sản xuất không thể sinh ra trong khi nhu cầu sử dụng của con người ở các đô thị ngày càng tăng lên. Dân số đô thị tăng nhanh, kinh tế tăng trưởng nhanh khiến đất đai ở các đô thị ngày càng trở nên chật hẹp và khan hiếm. Vì vậy, trong quá trình sử dụng đất đô thị cần có những chính sách để sử dụng đất hợp lí và mang lại hiệu quả kinh tế cao [11].

Đất đô thị có tính hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Các nhà kinh tế học cho rằng đất đai là hàng hóa, có giá trị sử dụng vì đất đai không chỉ phản ánh độ phì nhiêu mà còn phản ánh những lợi thế về vị trí địa lí và khả năng sinh lợi nhuận. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu chính sách đất đai cho rằng “Đất đai là hàng hóa đặc biệt, là nguồn nội lực và nguồn vốn to lớn, quý giá của đất nước. Đất đai có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc” hay “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt”. Vì vậy, đất đô thị mang trong nó cả giá trị và giá trị sử dụng. Đất đô thị là hàng hóa nên nó được mua bán, trao đổi trên thị trường. Tính chất hàng hóa của đất đai khác biệt bởi nó có thể là nguồn vốn vừa để đầu tư, vừa là tài sản thế chấp. Đất đô thị không được sinh ra mà bị thu hẹp lại theo thời gian và nó chịu tác động bởi các yếu tố xã hội [46]. Giá trị đất đô thị không chỉ thể hiện trong giá trị kinh tế của đất mà còn thể hiện trong giá trị xã hội hay giá trị tự nhiên của nó. Giá trị của đất đô thị không ngừng tăng lên theo thời gian.

1.1.2.3. Phân loại đất đô thị

Có nhiều cách phân loại đất đô thị tùy theo mục đích sử dụng, chức năng sử dụng, mục đích quy hoạch và xây dựng đô thị.

Căn cứ vào mục đích sử dụng đất đô thị được chia ra các loại: Đất nông nghiệp đô thị gồm diện tích hồ nuôi trồng thủy sản, khu vực trồng cây xanh, trồng hoa, cây cảnh, các phố vườn. Đất chuyên dùng đô thị gồm đất xây dựng trường học,

bệnh viện, các công trình văn hóa, vui chơi giải trí, các công sở và khu vực hành chính, cơ sở sản xuất kinh doanh, trung tâm thương mại. Đất ở đô thị bao gồm đất xây dựng nhà đô thị và các chương trình phục vụ sinh hoạt của người dân đô thị. Đất hạ tầng đô thị là đất xây dựng đường giao thông, nhà ga, bến bãi, hệ thống điện, thông tin liên lạc và cấp thoát nước trong khu vực đô thị. Đất dùng vào mục đích an ninh, quốc phòng trong khu vực đô thị. Đất chưa sử dụng là đất được quy hoạch để phát triển đô thị nhưng chưa sử dụng đến.

Căn cứ vào chức năng sử dụng đất trong đô thị chia theo 4 loại: đất sản xuất (đất nông nghiệp và đất công nghiệp), đất công trình công cộng và nhà ở (đất dân dụng), đất giao thông, đất cây xanh.

Căn cứ vào mục đích quy hoạch và xây dựng đô thị, đất đô thị được chia ra:

Đất dân dụng bao gồm đất để xây dựng các khu nhà ở, khu công cộng, trồng cây xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đất ngoài khu dân dụng bao gồm đất xây dựng khu công nghiệp, kho tàng, các trung tâm chuyên ngành, an ninh quốc phòng, các cơ quan và các loại đất khác.

1.1.2.4. Các tiêu chí đánh giá về sử dụng đất đô thị

Sử dụng đất đô thị được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu là: tổng diện tích đất đô thị, diện tích đất đô thị tăng thêm trong cả giai đoạn, cơ cấu sử dụng đất đô thị.

Tổng diện tích đất đô thị là toàn bộ diện tích các loại đất thuộc phạm vi quản lý hành chính của đô thị trong đường địa giới hành chính được lấy số liệu do cơ quan địa chính có thẩm quyền đo đạc và công bố. Thông thường diện tích đất được phân theo mục đích sử dụng và người sử dụng.

Diện tích đất đô thị phân theo mục đích sử dụng: là diện tích của phần đất có cùng mục đích sử dụng trong phạm vi của đơn vị hành chính, bao gồm đất sử dụng vào mục đích công cộng ở đô thị, đất cho quốc phòng và an ninh, đất ở đô thị, đất chuyên dùng đô thị, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng. Diện tích đất theo tiêu thức người sử dụng, quản lý đất: là người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức (trong nước), cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài.

Biến động diện tích đất đô thị: Biến động diện tích đất là mức chênh lệch diện tích từng loại đất trên địa bàn do chuyển mục đích sử dụng giữa kỳ nghiên cứu và kỳ gốc (khoảng cách giữa hai kỳ thường là 1 năm, 5 năm hoặc 10 năm).

Cơ cấu đất đô thị: Cơ cấu diện tích đất theo tiêu thức mục đích sử dụng: là tỉ trọng diện tích của phần đất có cùng mục đích sử dụng trong phạm vi diện tích đất đô

thị, bao gồm tỉ trọng đất ở đô thị, đất chuyên dùng đô thị và đất chưa sử dụng trong tổng diện tích đất đô thị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 31 - 34)