8. Đóng góp của luận văn
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở các nước đang phát triển
Trong gần 3 thập kỉ qua, dân số đô thị trên thế giới đã không ngừng tăng lên. Năm 1990 toàn thế giới có gần 2,3 tỉ dân dô thị. Năm 2018, số dân đô thị trên thế giới đã tăng lên đến 4,19 tỉ người. Sau 28 năm dân số đô thị trên thế giới đã tăng lên 1,8 lần, tăng thêm 1,89 tỉ người.
Bảng 1.1. Dân số đô thị trên thế giới giai đoạn 1990 - 2018 và dự báo đến năm 2050
Vùng lãnh thổ Năm 1990 Năm 2018 Năm 2050
nghìn người % nghìn người % nghìn người %
Toàn thế giới 2.285.031 100 4.191.553 100 6.338.611 100
Các nước phát triển 830.952 36,4 993.398 23,7 1.113.500 17,6 Các nước đang phát triển 1.454.079 63,6 3.198.155 76,3 5.225.111 82,4
Nguồn: [53]
Giai đoạn 1990 - 2018, ở các nhóm nước phát triển, số dân đô thị đã tăng gấp 1,19 lần, tăng thêm 162,4 triệu dân. Nhóm các nước còn lại, số dân đô thị tăng gấp 2,19 lần, tăng thêm hơn 1,7 tỉ người.
Nhóm các nước đang và chậm phát triển có dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, một số nước lại đang trong giai đoạn đầu của đô thị hóa nên dân số đô thị tăng chậm hơn một phần do các nước này có cơ cấu dân số già và đô thị hóa đã đi vào giai đoạn ổn định.
Bảng 1.2. Số đô thị trên 500 nghìn dân, giai đoạn 1990 - 2018 và dự báo đến năm 2030 (Đơn vị: đô thị)
Đơn vị Năm 1990 2018 2030
Thành phố trên 10 triệu dân 10 33 43
Thành phố từ 5 đến 10 triệu dân 21 48 66
Thành phố từ 1 đến 5 triệu dân 239 467 597
Thành phố từ 500 nghìn đến 1 triệu dân 294 598 710
Nguồn: [53]
Năm 1990, trên toàn thế giới có 10 thành phố trên 10 triệu dân, 21 thành phố có từ 5 đến 10 triệu dân, 239 thành phố có từ 1 đến 5 triệu dân và 294 thành phố có từ 500 nghìn đến 1 triệu dân. Sự gia tăng dân số đô thị là hình thành các siêu đô thị trên thế giới. Năm 2016, trên thế giới đã lên đến 12 thành phố trên 20 triệu dân, 24 thành phố có từ 10 đến 20 triệu dân. Năm 2018, toàn thế giới có 33 thành phố trên 10 triệu dân, 48 thành phố từ 5 đến 10 triệu dân, có 467 thành phố có từ 1 đến 5 triệu dân và 598 thành phố từ 500 nghìn đến 1 triệu dân.
Theo dự báo, với tốc độ tăng dân số đô thị như hiện nay đến năm 2030 toàn thế giới sẽ có 43 thành phố có trên 10 triệu dân (trong đó sẽ có 27 thành phố thuộc các nước đang phát triển), 66 thành phố có từ 5 - 10 triệu dân (trong đó sẽ có 32 thành phố thuộc các nước đang phát triển) và có 597 thành phố có từ 1 - 5 triệu dân (trong đó có 112 thành phố thuộc các nước đang phát triển). Như vậy, các thành phố có trên 5 triệu dân phân bố nhiều ở các nước đang phát triển, các thành phố dưới 5 triệu dân phân bố chủ yếu ở các nước phát triển.
1.2.2. Đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở Việt Nam
Việt Nam là một nước đang phát triển, vừa thoát khỏi nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Do Việt Nam phát triển từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, chậm phát triển nên tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra chậm chạp. Chỉ từ khi đất nước Đổi mới, quá trình đô thị hóa mới thật sự khởi sắc. Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, tốc độ đô thị hóa bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1999 - 2009 là 3,4%/năm. Tính đến năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 38,4%, tương ứng với 33,83 triệu người. Trong khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam chỉ cao hơn Mianma và Đông Timo. Theo Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị đến năm 2025 tỉ lệ dân đô thị của Việt Nam sẽ đạt 45% vào năm 2020, nhưng với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, chỉ tiêu này khó đạt được [48].
Bảng 1.1. Tỉ lệ dân đô thị phân theo vùng giai đoạn 2010 - 2018 (Đơn vị: %)
Vùng Năm 2010 Năm 2015 Năm 2018
Trung du miền núi Bắc Bộ 16,5 18,2 22,8
Đồng bằng sông Hồng 30,5 32,7 38,9
Bắc Trung Bộ 49,1 20,1 21,2
Duyên hải Nam Trung Bộ 54,9 37,2 36,5
Tây Nguyên 28,6 29,0 29,6
Đông Nam Bộ 57,3 63,2 63,0
Đồng bằng sông Cửu Long 23,6 25,0 25,6
Nguồn: [48]
Năm 2018, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỉ lệ dân đô thị là 38,9% và 63,0% cao nhất cả nước, riêng Đông Nam Bộ cao gấp gần 2 lần mức trung bình cả nước. Tỉ lệ dân đô thị ở 2 vùng này tăng lên do gia tăng cơ học với tỉ lệ nhập cư cao. Ngoài ra, ở 2 vùng trên có 2 thành phố lớn là thủ đô Hà Nội (3,3 triệu dân đô thị) và thành phố Hồ Chí Minh (6,5 triệu dân đô thị). Đông Nam Bộ cũng là vùng có các trung tâm công nghiệp và đô thị tương đối phát triển như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương.
Trung du miền núi Bắc Bộ luôn là vùng có tỉ lệ dân đô thị thấp nhất cả nước, tiếp theo là Tây Nguyên. Tỉ lệ dân đô thị của 2 vùng trên tăng lên qua mỗi năm chủ yếu là do thay đổi ranh giới hành chính của đô thị.
Tỷ lệ đô thị hóa cũng có sự khác biệt rất rõ giữa các địa phương. Năm 2015, một số tỉnh/thành có tỉ lệ đô thị hóa cao, như thành phố Hồ Chí Minh (80,5%), Đà Nẵng (87.8%), Bình Dương (78,2%); nhưng cũng có tỉnh đô thị hóa còn rất thấp như Thái Bình (10,5%) và Bắc Giang (11,5%). Dân cư đô thị phân bố cũng không phù hợp, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, trong đó 16 đô thị loại đặc biệt và loại I chiếm gần 50% dân số đô thị cả nước. Phần lớn các đô thị hình thành và phát triển ở hai khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long hay ven biển. Vùng miền núi, trung du, Tây Nguyên đô thị còn thưa thớt (chủ yếu là đô thị tỉnh lị và huyện lị); đô thị trung tâm khu vực nông thôn phát triển còn yếu.
Mạng lưới đô thị của nước ta không ngừng phát triển trong một phần tư thế kỉ thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước; từ 629 đô thị (năm 1999) đã tăng lên tới 755 đô thị (năm 2010), và đến hết năm 2017, hệ thống đô thị cả nước có tổng số 813 đô thị. Trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại
III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V. Trong giai đoạn 2010 - 2018 có nhiều thị xã được nâng cấp lên thành phố, thị trấn được nâng lên thành thị xã và nhiều đô thị được mở rộng ranh giới hành chính cũng như diện tích đất đô thị.
Trong hệ thống đô thị nước ta, 2 đô thị lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không thay đổi vị thế trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có đô thị cực lớn (trên 10 triệu dân) tham gia vào mạng lưới đô thị của thế giới. Nước ta mới có 2 đô thị có từ 5 - 10 triệu dân (thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), 1 đô thị có từ 1 - 5 triệu dân (Hải Phòng) và 21 đô thị có khoảng 500 nghìn dân đến 1 triệu dân.
Cùng với quá trình đô thị hóa, không gian đô thị không ngừng mở rộng. Quá trình phân chia lại địa giới hành chính tạo nên hiện tượng đô thị hóa do quyết định hành chính (đô thị hóa cưỡng bức). Việc phân chia lại địa giới hành chính đã dẫn đến một trong hai hệ quả: tăng tỷ lệ đô thị hóa (trường hợp thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Phúc), nhưng cũng có thể dẫn đến hiện tượng nông thôn hóa đô thị (như trường hợp thành phố Hà Nội). Quá trình đô thị hóa luôn xuất hiện khu vực ven đô thị. Đặc trưng của khu vực này là luôn biến đổi theo quá trình phát triển của các đô thị. Hiện nay, các vùng ven đô thị tại Việt Nam đang xảy ra quá trình đô thị hóa tự phát.
1.2.3. Đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở Trung du miền núi Bắc Bộ
Về hành chính, Trung du miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu. Đây là vùng kinh tế tổng hợp, trong đó kinh tế cửa khẩu, thủy điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp đa ngành, nông - lâm nghiệp, du lịch là chủ đạo. Đồng thời cũng là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời, có bản sắc văn hóa dân tộc phong phú. So với các vùng khác trong cả nước, Trung du miền núi Bắc Bộ là vùng có quy mô diện tích lớn nhất với 101 nghìn km2, tuy nhiên dân số lại ít. Năm 2018, dân số của vùng đạt 12,3 triệu người (chiếm 13,0% dân số cả nước); mật độ dân số là 129 người/km2; dân số đô thị là 2,28 triệu người, tỉ lệ dân số đô thị 18,6%. Quy hoạch xây dựng vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, dân số toàn vùng tăng lên khoảng 16,8 triệu người, dân số đô thị khoảng 6,7 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 39,8%.
Vùng trung du miền núi Bắc Bộ hiện có 182 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I là Thái Nguyên và Việt Trì, 10 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV, 165 đô thị loại V. Trong những năm qua, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi, có bước phát triển quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững, góp phần ổn định kinh tế đất nước. Nhưng
các đô thị nằm dàn trải, mật độ trung bình thấp 1,6 đô thị/1000km2 (toàn quốc 2,8 đô thị/1000km2), diện tích tự nhiên lớn nên các đô thị phát triển tương đối độc lập, cơ sở hạ tầng thấp kém, đặc biệt là giao thông, giáo dục, y tế, tình trạng thiên tai như lũ quét, sạt lở… thường xuyên xảy ra. Vùng có tiềm năng lợi thế lớn nhưng khai thác chưa nhiều và chưa hiệu quả nên vẫn là vùng khó khăn, nghèo nhất cả nước, tỷ lệ di dân ra ngoài vùng khá lớn, chủ yếu di cư đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên (khu kinh tế mới).